Hiệu quả cánh đồng mẫu "5 cùng" ở Vị Xuyên

09:39, 02/07/2015

BHG- Chương trình cánh đồng mẫu gắn với sản xuất “5 cùng” (cùng làm đất, cùng giống, cùng gieo trồng, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch) trên địa bàn huyện Vị Xuyên được triển khai tại 26 cánh đồng/24 xã, thị trấn trong vụ Xuân vừa qua cho năng suất lúa bình quân đạt 65 tạ/ha, bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân về tập quán canh tác, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Vụ Xuân năm nay, huyện Vị Xuyên tiến hành triển khai mô hình sản xuất “5 cùng” tại 26 cánh đồng với tổng diện tích là 160,7 ha; trong đó, lúa là 135,7 ha triển khai trên 19 cánh đồng, ngô 25 ha triển khai trên 7 cánh đồng. Lúa chủ yếu sử dụng các giống: HT1, Nhị Ưu 838, Nhị Ưu 725, CT 16, BG1... tùy thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng xã. Ngô sử dụng các giống như: NK 66, NK 4300, CP 3Q...

Nhân dân thôn Chang, xã Việt Lâm thu hoạch cánh đồng lúa theo mô hình “5 cùng” (ảnh chụp đầu tháng 6.2015).
Nhân dân thôn Chang, xã Việt Lâm thu hoạch cánh đồng lúa theo mô hình “5 cùng” (ảnh chụp đầu tháng 6.2015).

Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả ban đầu của mô hình, chị Nguyễn Thị Hương, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vị Xuyên cho biết: “Vụ Xuân năm 2015, huyện lồng ghép 2 chương trình là đầu tư có thu hồi tái đầu tư kết hợp với sản xuất “5 cùng”, qua đó đã khuyến khích người dân phát triển sản xuất theo hướng tập trung, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật (cùng gieo cấy và sử dụng phân bón cân đối hợp lý), góp phần giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của nông sản. Có 9/24 xã, thị trấn tham gia chương trình đầu tư có thu hồi tái đầu tư gồm: Tùng Bá, Kim Linh, Ngọc Linh, Phú Linh, Đạo Đức, Trung Thành, Bạch Ngọc, Việt Lâm, Thanh Đức với tổng số vốn đầu tư là 341.015.000 đồng”. Việc áp dụng mô hình “5 cùng” vào sản xuất nông nghiệp đem lại rất nhiều hiệu quả như: Giảm chi phí đầu vào, thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, giảm thiểu được sâu bệnh hại cây trồng... Trong vụ Mùa tới, Phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn áp dụng mô hình “5 cùng” đối với 50% diện tích gieo trồng vụ Mùa với khoảng 2.300 ha lúa và 500 ha ngô.

Về cánh đồng “5 cùng” tại thôn Làng Cúng, xã Đạo Đức vào những ngày này, bà con nhân dân đang khẩn trương thu hoạch diện tích lúa. Anh Nguyễn Hữu Huynh, thôn Làng Cúng phấn khởi cho biết: “Vụ Xuân này, gia đình tôi trồng 1.400 mét vuông lúa theo mô hình “5 cùng” với giống lúa HT1. Tôi thấy năng suất cao hơn hẳn, sâu bệnh hại cũng ít hơn so với mọi năm. Sang vụ Mùa tới, gia đình tôi sẽ trồng tăng lên 8 ha lúa”. Anh Nguyễn Xuân Tình, cán bộ phụ trách nông, lâm nghiệp và khuyến nông xã Đạo Đức cho biết: “Thực hiện theo chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp huyện, mỗi xã chọn 1 thôn làm điểm áp dụng mô hình “5 cùng” trong vụ Xuân gắn với thực hiện chương trình đầu tư có thu hồi tái đầu tư, xã Đạo Đức chọn thôn Làng Cúng để triển khai. Với diện tích thực hiện là 6,6 ha và 58 hộ tham gia. Hiện nhân dân đang tiến hành thu hoạch, năng suất đạt 65 tạ/ha, cao hơn so với năm trước, chỉ đạt 56 tạ/ha. Bà con nhân dân ai nấy đều rất phấn khởi, hiện đã có 6 thôn đăng ký với xã áp dụng mô hình trong sản xuất vụ Mùa tới”.

Có thể thấy, việc áp dụng mô hình sản xuất “5 cùng” đã từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của người dân, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, góp phần giảm chi phí và sức lao động, đồng thời tăng năng suất và thu nhập cho nhân dân. Nhìn những bông lúa trĩu nặng hạt đang chín vàng rộ khắp cánh đồng, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con khi mô hình “5 cùng” đã bước đầu đem lại hiệu quả, thắp sáng niềm tin cho những mùa vàng bội thu của người nông dân. 

Bài, ảnh: Nguyễn Phương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa

BHG- Đã bao đời nay, người dân ở Mèo Vạc chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng thiếu nước, thiếu đất sản xuất và gần như năm nào cũng gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra. Vì thế, nhiều gia đình khó thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cùng với đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, đang tạo ra hướng đi giúp người nông dân từng bước giảm nghèo bền vững.

30/06/2015
Nghề đan nón lá trên vùng Cao nguyên đá

BHG - Đối với đồng bào dân tộc Giấy huyện Mèo Vạc, chiếc nón lá dừa không chỉ sử dụng như phương tiện che, đội đầu rất hữu ích và thiết thực trong đời sống hàng ngày, những dịp đi xa hay xuống chợ nhằm đáp ứng trước các hiện tượng mưa, nắng của thiên nhiên, giúp họ trong lao động sản xuất, mà chiếc nón lá dừa còn là nét đặc trưng văn hóa của người Giấy trên vùng Cao nguyên đá.

30/06/2015
Bắc Mê: Quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng năm 2015

BHG- Theo kế hoạch, năm 2015 huyện Bắc Mê triển khai trồng mới 7.500 ha rừng lâm nghiệp xã hội nhưng đến thời điểm này, tổng diện tích các hộ gia đình đã đăng ký trồng rừng chỉ mới đạt hơn 50% kế hoạch (gần 4 nghìn ha); diện tích trồng rừng mới được trên 1.125 ha. Để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, huyện Bắc Mê đang tập trung mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, quyết tâm thực thiện hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao. 

30/06/2015
Luôn đồng hành với nhà nông trong xây dựng Nông thôn mới

BHG- Xây dựng NTM là chương trình mục tiêu Quốc gia lớn của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các DN đang đứng chân trên địa bàn vùng nông thôn cần nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, nội dung, phương pháp xây dựng NTM.

27/06/2015