Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển công nghiệp khai khoáng và bảo vệ môi trường

06:59, 20/05/2015

BHG- Từ khi diễn ra hoạt động khai thác mỏ, các loài chim, thú và hệ động vật rừng suy giảm nhiều; các loại cây thực phẩm, cây thuốc quý trong rừng như nấm đất, thảo quả, óc chó, sa nhân, lá khôi, kim tuyến... gần như không còn. Đây là kết quả nghiên cứu khoa học thực hiện trên địa bàn xã Minh Sơn (Bắc Mê) vừa được nhóm tác giả các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh, Trung tâm Con người và thiên nhiên công bố.

Trên địa bàn tỉnh có 215 mỏ và điểm mỏ, với 28 loại khoáng sản khác nhau, hiện có 44 doanh nghiệp được cấp phép khai thác 54 mỏ và điểm mỏ. Trong đó, huyện Bắc Mê có 13 mỏ, điểm mỏ được cấp giấy phép, riêng địa bàn xã Minh Sơn có 5 năm doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Hoạt động khoáng sản có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, nó cũng tác động tiêu cực đến môi trường như ảnh hưởng của bụi, tiếng ồn, ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, gây tổn thất đáng kể tài nguyên rừng, dần làm mất tính đa dạng sinh học, thậm chí làm biến mất một số nguồn gen, giống dược liệu quý hiếm.

Nhằm làm rõ những ảnh hưởng của hoạt động khoáng sản đến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, Trung tâm Con người và thiên nhiên phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT Hà Giang thực hiện nghiên cứu “Tham vấn địa phương về ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản đến rừng và đa dạng sinh học tại địa bàn xã Minh Sơn”. Xã Minh Sơn có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn với nhiều điểm mỏ, điểm quặng. Hiện nay, trên địa bàn xã có 8 mỏ, điểm mỏ được cấp cho 5 công ty khai thác trên diện tích 465 ha. Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Minh Sơn đã đóng góp một phần đáng kể cho nguồn thu ngân sách, tạo việc làm và thu nhập cho gần 100 lao động địa phương.

Tuy nhiên, những hệ lụy của việc khai thác khoáng sản đã, đang tác động xấu đến môi trường sống của cộng đồng địa phương. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện phỏng vấn 132 người dân tại các thôn, bản, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, đại diện các phòng, ban chuyên môn huyện Bắc Mê, đại diện doanh nghiệp khai thác khoáng sản... Kết quả nghiên cứu cho thấy, có trên 38 ha rừng phòng hộ bị mất đi do phải chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất khai thác khoáng sản, gần 10 ha rừng phải chặt hạ với trữ lượng trên 1.751m3, gồm các loại gỗ đinh, nghiến, trai, sồi, sến, dẻ, kháo, mỡ, trám. Từ khi diễn ra hoạt động khai mỏ, các loài chim, thú, hệ động vật rừng như sóc bay, chồn, cáo, lợn rừng, trăn, rắn hổ mang chúa, thằn lằn; các loại chim chào mào, chim gáy, chim sáo, cú, quạ, bìm bịp, gà rừng ít gặp hơn hẳn so với trước đây. Đồng thời, cũng làm suy giảm các loại cây thực phẩm, cây thuốc quý trong rừng như nấm đất, thảo quả, óc chó, sa nhân, gừng, nghệ, lá khôi, kim tuyến, lá cây làm men rượu.

Cây rừng đầu nguồn bị chặt hạ, cùng với việc sử dụng lượng nước lớn từ suối Lũng Vầy để tuyển quặng đã làm suy giảm, cạn kiệt đáng kể nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng dân cư các thôn Lũng Vầy, Khuổi Kẹn, Nà Sáng, Bình Ba, Ngọc Trì. Hiện nay, người dân sống dọc suối Lũng Vầy không sử dụng nước suối để sinh hoạt do bị nhiễm bẩn. Người dân địa phương cho biết, độ đục nước suối Lũng Vầy quá lớn dẫn đến sự biến mất của một số loài thủy sinh như tôm càng xanh, cua, cá, ếch, nhái, đặc biệt loại cá sứt mũi quý hiếm, sản lượng các loài thủy sinh tự nhiên sống ở suối cũng giảm đi rất nhiều.

Từ kết quả trên, nhóm các nhà nghiên cứu khẳng định: Những hệ lụy của việc khai thác khoáng sản đã, đang tác động xấu đến môi trường sống của cộng đồng địa phương. Nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương, doanh nghiệp khai thác khoáng sản cần triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu bụi, tiếng ồn, chấn động rung do nổ mìn, thu gom, xử lý triệt để bùn, đất thải công nghiệp, tích cực trồng cây xanh xung quanh khu vực khai thác, dọc các tuyến đường từ trung tâm xã qua thôn Khuổi Kẹn đến khu vực khai thác. Việc giám sát các hoạt động của doanh nghiệp cần thiết phải được tiến hành bởi cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương; có cơ chế và tỷ lệ phân bổ kinh phí hợp lý từ nguồn thu hoạt động khoáng sản, đặc biệt đối với nguồn thu từ phí bảo vệ môi trường. UBND tỉnh, huyện Bắc Mê cần có chính sách điều tiết ít nhất 50% ngân sách từ nguồn thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản về ngân sách UBND xã để hỗ trợ công tác phòng ngừa, hạn chế tác động xấu, khắc phục suy thoái, ô nhiễm môi trường tại địa phương; cần thiết phải có cơ chế xác định cụ thể trách nhiệm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản về việc phá hỏng đường giao thông khi vận chuyển khoáng sản. Tỉnh cần ban hành quy định về trách nhiệm đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp cùng với Nhà nước thực hiện khắc phục, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đường sá trong xã, huyện do xe vận chuyển khoáng sản của doanh nghiệp gây ra.

Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu nhỏ được tiến hành ở địa bàn có hoạt động khai thác khoáng sản, kết quả của nó đã gợi mở nhiều điều cần suy nghĩ, cung cấp thông tin quan trọng để có cái nhìn khách quan, hướng giải quyết hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường sống. Mong rằng những kết quả nghiên cứu, những khuyến nghị sớm được các doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn xã Minh Sơn, các cấp chính quyền xem xét, có hành động cụ thể bởi môi trường đang thực sự kêu cứu!

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Những công trình mang nội lực sức dân ở Đồng Tâm

BHG - Trong những năm qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã phát triển sâu rộng, mạnh mẽ trở thành phong trào ở các địa phương. Nhờ chương trình mà bộ mặt nông thôn ở Hà Giang ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày được nâng lên. 

17/05/2015
Họp tư vấn đề xuất chính sách Nông nghiệp

BHG- Sáng 16.5, Tổ tư vấn đề xuất chính sách Nông nghiệp tổ chức cuộc họp để nghe và đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ tư vấn dự và chủ trì cuộc họp. Dự có lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

17/05/2015
Luôn vững vàng trong sản xuất, kinh doanh

BHG- Là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên, có nhiệm vụ đảm bảo nguồn xăng, dầu phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH, AN-QP trên địa bàn tỉnh. Trong nhiều năm qua, Công ty Xăng, dầu Hà Giang (Petrolimex Hà Giang) đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả đạt được trong sản xuất, kinh doanh những năm qua đã khẳng định từng bước sự lớn mạnh, vững vàng của công ty trong điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.

16/05/2015
Triển vọng từ mô hình nuôi ong mật ở Minh Sơn

BHG - Trong những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Minh Sơn (Bắc Mê) đã áp dụng mô hình nuôi ong mật vào phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế ở địa phương. Với hệ sinh thái đa dạng, phong phú và nhiều diện tích rừng nên địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng để phát triển việc nuôi ong. Nghề nuôi ong lấy mật đã tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.

14/05/2015