Hiệu quả hoạt động của "Nhóm chăn nuôi cùng sở thích" ở Yên Định

09:34, 21/03/2015

BHG - 6 hộ dân thuộc “Nhóm chăn nuôi cùng sở thích” ở xã Yên Định (Bắc Mê) tạo nên “bất ngờ” lớn khi mô hình chăn nuôi giống lợn đen, hung đỏ bản địa của họ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 10 về thu nhập trong chương trình xây dựng Nông thôn mới.

 Bắt đầu được đầu tư thực hiện từ đầu năm 2014, 6 hộ dân ở thôn Nà Xá và Tả Mò đăng ký tham gia thực hiện đề án đẩy mạnh phát triển sản xuất, chăn nuôi từ chương trình xây dựng Nông thôn mới của huyện. Theo đó, mỗi hộ được hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn kinh phí Quỹ phát triển thôn để xây dựng chuồng trại và mua con giống, mục đích là thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình.

Lứa lợn sắp đến ngày xuất bán của hộ nông dân Nông Thanh Phia.
Lứa lợn sắp đến ngày xuất bán của hộ nông dân Nông Thanh Phia

Ngay khi có chủ trương của huyện, mặc dù các hộ dân đã đăng ký tham gia, nhưng việc nuôi con gì để mang lại hiệu quả lại khiến họ phải nhiều đêm trăn trở. Nhận thấy nhu cầu về thịt lợn trên thị trường huyện Bắc Mê ngày càng lớn, đặc biệt là thịt lợn đen và lợn hung đỏ rất được người dân ưa chuộng, đồng thời cũng góp phần bảo vệ và phát triển nguồn gen giống lợn bản địa nên các hộ dân thống nhất chọn chăn nuôi giống lợn đen, lợn hung đỏ làm mô hình điểm về “Nhóm chăn nuôi cùng sở thích”.

Dẫn chúng tôi tham quan “trang trại nhỏ” của mình, anh Nông Thanh Phia, thôn Nà Xá, khiêm tốn: “Chưa giám nói nhiều về thành quả vì trước mắt, chúng tôi đang thực hiện chăn nuôi quy mô nhỏ theo hình thức kinh tế hộ gia đình; mỗi lứa lợn, mỗi hộ gia đình chỉ mới nuôi từ 20 – 40 con tùy thuộc vào điều kiện kinh tế từng hộ. Thức ăn cho lợn chủ yếu là cây chuối, rau và tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp khác; thời gian nuôi lợn tuy có dài hơn so với cách nuôi “công nghiệp” của các trang trại lớn, nhưng chất lượng thịt lợn luôn đảm bảo và được thị trường ưa chuộng.

Đến nay, sau 1 năm triển khai thực hiện mô hình, các hộ dân dân tham gia đều đã xuất bán được 3 lứa lợn với nguồn thu trên 50 triệu đồng/lứa. Vì nguồn kinh phí đầu tư không lớn, nên sau khi trừ chi phí, người dân vẫn còn một khoản thu nhập ổn định để tái đầu tư và trang trải cuộc sống.

Ngắm đàn lợn no tròn, thành quả sau bao ngày vợ chồng anh vất vả chăm sóc, anh Phia cho biết thêm: “Lứa lợn này đã đến ngày xuất bán, lái buôn họ đến đặt cả rồi, giá cả sau Tết Nguyên đán vẫn ổn định; xuất xong lứa này, tôi tiếp tục thả thêm hơn 20 con lợn giống để nuôi gối lứa. Tuy chỉ là mô hình nhỏ theo hình thức nhóm hộ gia đình, nhưng chúng tôi thường xuyên đến các trang trại chăn nuôi lợn lớn ở thị trấn Yên Phú và thành phố Hà Giang để học hỏi kinh nghiệm về cách phòng và trị bệnh cho lợn; tích cực học hỏi qua các phương tiện thông tin đại chúng và tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi thú y của Trung tâm Khuyến nông; vệ sinh chuồng trại vừa phòng tránh dịch bệnh, vừa để đàn lợn có không gian thoáng mát, sạch sẽ, nhanh lớn, một số hộ đã xây dựng bể Bioga để tận dụng chất đốt và đảm bảo môi trường”.

Được biết, 6 hộ dân thuộc “Nhóm chăn nuôi cùng sở thích” ở Yên Định thường xuyên liên lạc, giúp đỡ nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, thống nhất về giá cả để không bị lái buôn ép giá; lợn được thương lái đến mua tận nhà. Đồng chí Nguyễn Thị Ngoan, Bí thư Đảng ủy xã Yên Định, cho biết: Thực hiện chủ trương của huyện về đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân, xã đăng ký thực hiện mô hình “Nhóm chăn nuôi cùng sở thích” từ nguồn hỗ trợ Quỹ phát triển thôn để kích cầu phát triển kinh tế hộ. Từ thành công bước đầu này, xã tiếp tục vận động nhiều người dân cùng tham gia vào Nhóm; định hướng sẽ có thêm nhiều nhóm hộ phát triển sản xuất, chăn nuôi theo các nhóm cây, con khác nhau, nhằm tạo nên sự đa dạng cho sản phẩm nông nghiệp địa phương, đồng thời tạo thương hiệu riêng cho Yên Định để hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hàng hóa.

Tiêu chí về thu nhập trong xây dựng Nông thôn mới là tiêu chí mà nhiều địa phương đang gặp khó. Với cách làm hiệu quả, tuy không lớn về quy mô nhưng “Nhóm chăn nuôi cùng sở thích” đang góp phần giúp Yên Định thực hiện thành công tiêu chí này.

AN GIANG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Văn Bình thăm và làm việc với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh

BHG- Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh ta, chiều 19.3, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên T.Ư Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lên thăm và làm việc với các Ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Cùng đi có lãnh đạo các Ngân hàng Thương mại Việt Nam.

20/03/2015
Đoàn công tác Trung ương thăm, làm việc tại Quản Bạ và Khu KTCK Thanh Thủy

BHG- Sáng 20.3, Đoàn công tác Trung ương gồm các đồng chí Phan Diễn, Nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên Thường Trực Ban Bí thư; Vương Đình Huệ, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đến thăm và làm việc với Công ty CPTM phát triển nông, lâm nghiệp Bình Minh 3 và Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Thanh Thủy. Về phía tỉnh cùng đi có đồng chí Nguyễn Đình Khang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

20/03/2015
Hội thảo chuyên đề về "Phát triển thương mại biên giới tạo động lực cho phát triển KT-XH tuyến biên giới đất liền của tỉnh Hà Giang"

BHG- Ngày 20.3, tại Hà Giang, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo "Phát triển thương mại biên giới tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền của tỉnh Hà Giang". 

20/03/2015
Làm lợi cho Nhà nước gần 3 tỷ đồng từ một sự thay đổi hợp lý

BHG- Năm 2008 UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN) Bình Vàng, huyện Vị Xuyên giai đoạn I, với tổng mức vốn đầu tư xây dựng là gần 330 tỷ đồng. Trong đó số tiền đầu tư cho hệ thống giao thông nội bộ trong KCN là gần 120 tỷ đồng, gồm các chục chính DN1, DN2 chạy theo hướng Đông – Tây; D1, D1A chạy theo hướng Bắc – Nam và các đường nội bộ, đường nhánh D2, D3..  theo thiết kế kỹ thuật tiêu chuẩn, mặt đường được rải thảm bê tông nhựa Áp Fan. 

19/03/2015