Hà Giang

Khó khăn trong công tác giảm nghèo ở Minh Tân

10:09, 05/02/2015

HGĐT - Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo tại xã Minh Tân (Vị Xuyên) đã giảm hơn 5% (từ 41,69% năm 2013, xuống còn 36,30% năm 2014). Đó là con số đáng ghi nhận đối với một xã còn gặp nhiều khó khăn về KT - XH, đồng thời thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền đến đời sống nhân dân. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn gặp nhiều khó khăn ở nơi xã vùng biên này.

Cây ngô chưa thể mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân 2 thôn vùng biên Mã Hoàng Phìn và Hoàng Lỳ Pả.
Cây ngô chưa thể mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân 2 thôn vùng biên Mã Hoàng Phìn và Hoàng Lỳ Pả.

Trong năm 2014, thực hiện công tác giảm nghèo, xã đã kêu gọi các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... cùng chung tay đứng ra vay vốn ngân hàng hỗ trợ cho các hộ nghèo trên địa bàn (những hộ có khả năng nhận thức và ý thức muốn thoát nghèo, vay vốn để phát triển các hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm) để người dân có thể “tự cung, tự cấp” lương thực, thực phẩm cho đời sống hàng ngày và mục tiêu sau đó là phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; vận động, tuyên truyền người dân thôn bản tập trung tăng gia sản xuất, mở rộng diện tích trồng cỏ đảm bảo thức ăn cho gia súc trên địa bàn. Minh Tân là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, vì vậy phát triển chăn nuôi có định hướng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Trong năm 2014, xã đã thực hiện đột phá việc phát triển, mở rộng diện tích trồng cỏ, vận động người dân trồng mới được 44,5ha cỏ chăn nuôi nâng tổng số diện tích trồng cỏ trên toàn xã lên 128ha. Cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo cho cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất của người dân, khuyến khích người dân sử dụng các loại giống cây trồng mới phù hợp với điều kiện tại địa phương đạt năng suất cao để tăng sản lượng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình 135, nhiều hộ nghèo đã có cơ hội phát triển kinh tế với nguồn vốn hỗ trợ để trồng cỏ, làm chuồng trại. Cùng với sự hỗ trợ qua các chương trình khác như “Chung tay vì cộng đồng - Bò giống cho người nghèo biên giới” của Đoàn Kinh tế 313 đã hỗ trợ 30 con bò sinh sản, lợn giống và giống đậu tương để hộ nghèo phát triển kinh tế thoát nghèo.

Tuy nhiên, với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của toàn xã còn chiếm hơn 70% thì việc xóa đói, giảm nghèo ở xã vùng biên này vẫn đang là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Diện tích đất canh tác nông nghiệp mà người dân trồng lúa 2 vụ/1năm có rất ít, chỉ có 58ha diện tích trồng lúa của toàn xã trong tổng số 337,5ha diện tích lúa cả năm. Tại nhiều thôn, đất nông nghiệp chỉ trồng được 1 vụ lúa trong 1 năm. Điển hình như thôn Tân Sơn, 2 thôn vùng biên là Mã Hoàng Phìn và Hoàng Lỳ Pả chỉ trồng được 1 vụ lúa, còn lại cây trồng chủ yếu vẫn là cây ngô. Trong khi, cây ngô chưa mang lại nhiều giá trị kinh tế cho người dân thì ngoài nông nghiệp ra, người dân tại các thôn không có ngành nghề khác nên dẫn đến mức thu nhập bình quân còn thấp (9 triệu/người/năm). Ngoài ra, hệ thống đường giao thông liên thôn, đường nối thôn với xã đi lại còn rất khó khăn, điều đó đã làm cản trở rất nhiều đến sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân trong việc buôn bán, lưu thông hàng hóa với bên ngoài. Với địa hình phức tạp, xã có nhiều dân tộc cùng sinh sống, người dân tại các thôn thường sống rải rác trên vùng núi cao nên cũng gây nhiều khó khăn đến công tác xóa đói, giảm nghèo và một nguyên nhân vẫn còn tồn tại đó là thói quen trông chờ, ỷ lại của người dân vào sự đầu tư của Nhà nước. Nhiều gia đình mặc dù được tuyên truyền, vận động của các cấp, chính quyền nhưng nhận thức còn hạn chế, chưa tích cực sản xuất và chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Anh Đào Mạnh Công, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân cho biết: Mặc dù cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực vận động người dân, triển khai nhiều chính sách nhằm xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn nhưng gặp rất nhiều khó khăn để thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Trong thời gian tới, xã sẽ tập trung thực hiện các Đề án phát triển chăn nuôi tại tất cả các thôn như nuôi trâu, bò nhốt, trồng cỏ chăn nuôi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây chè vào trồng với diện tích 10ha tại 2 thôn vùng biên còn khó khăn là Mã Hoàng Phìn, Hoàng Lỳ Pả, qua đó sẽ góp phần giúp cải thiện đời sống người dân nơi đây.

VĂN LONG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Ngân hàng" của nhà nông

HGO- Trong những năm qua, từ các chương trình, đề án được vay vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân (QHTND), Hội Nông dân (HND), nhiều hội viên đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Có thể nói, QHTND đã và đang được các hội viên coi như một "ngân hàng" riêng của Hội. 

31/01/2015
Khánh thành cửa Xăng dầu Cốc Pài
HGĐT- Ngày 8.1, Công ty Xăng dầu Hà Giang tổ chức Lễ khánh thành Cửa hàng Xăng dầu Cốc Pài tại thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần.
08/01/2015
Các doanh nghiệp sản xuất điện nợ trên 60 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng
HGĐT- UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, NN&PTNT đề nghị phối hợp tháo gỡ khó khăn, giúp tỉnh đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp thủy điện thực hiện nghiêm Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngày 24.9.2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
08/01/2015
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông Hà Giang khai trương Cây rút tiền tự động
HGĐT - Sáng 8.1, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang (Agribank Hà Giang) đã khai trương Cây rút tiền tự động (ATM) tại tổ 8, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang (ngay cổng Sở Công an tỉnh), để phục vụ giao dịch của người dân và chiến sỹ công an.
08/01/2015