Hà Giang

Bắc Quang một năm nhìn lại

18:59, 07/02/2015

Xuân 2015- Trên 85% chỉ tiêu thực hiện trong năm 2014 đạt và vượt kế hoạch. Ba lĩnh vực đột phá quan trọng, tạo nên sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm để mang lại hiệu quả. Sự chủ động "bắt tay" doanh nghiệp, hình thành mối liên kết mật thiết giữa "4 nhà" đang từng bước mang đến nhiều thuận lợi, để đồng hành cùng nông dân làm giàu. Đó là những điểm nhấn ấn tượng của huyện Bắc Quang trong năm qua.

Nỗ lực thực hiện 3 lĩnh vực đột phá

Năm 2014, huyện Bắc Quang đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện bước đột phá trên 3 lĩnh vực: Nông, lâm nghiệp và nông thôn; Quản lý, phát triển đô thị; xây dựng hệ thống chính trị...

Chính quyền địa phương chứng kiến Công ty TNHH Trà Hoàng Long ký hợp đồng kinh tế với các hộ dân trong vùng chè VietGAP của xã Hùng An.
Chính quyền địa phương chứng kiến Công ty TNHH Trà Hoàng Long ký hợp đồng kinh tế với các hộ dân trong vùng chè VietGAP của xã Hùng An.

Theo đó, Đề án “Thôn tự chủ, tự quản” là một trong những cách làm sáng tạo, mang tính đột phá trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp của huyện Bắc Quang. Với Đề án này, 15 thôn làm điểm đã xây dựng được Quỹ phát triển thôn đạt 793,2 triệu đồng. Đồng thời, huyện Bắc Quang và nhiều doanh nghiệp đã thực hiện cơ chế đầu tư (có thu hồi) số tiền ứng trước lên đến 4.789 triệu đồng, giúp 4.051 hộ phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, huyện đã kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đại diện Liên minh hợp tác xã (HTX), nhằm tổ chức lại sản xuất cho nhân dân theo hướng thành lập các tổ hợp tác, HTX. Mặt khác, tăng cường lồng ghép các nguồn lực xây dựng Nông thôn mới và thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như: “Nhà sạch, vườn đẹp”, nuôi lợn không mùi và thí điểm dồn điền, chỉnh trang đồng ruộng, tại xã Quang Minh và Vĩnh Phúc.

Để tạo ra đột phá trong quản lý và phát triển đô thị, huyện Bắc Quang đã hoàn thành Đề án thành lập thị xã Việt Quang trình T.Ư phê duyệt. Và thành lập được Tổ Đề án đặt tên đường, tên phố, gắn biển ngõ, ngách, số nhà. Theo đó, 16 tuyến đường, phố, 187 ngõ, ngách và gần 4.000 ngôi nhà trên địa bàn thị trấn Việt Quang đã được gắn biển. Cùng với đó, huyện cũng tăng cường công tác quản lý, chỉnh trang đô thị, cấp phép xây dựng trên địa bàn, hướng đến xây dựng đô thị văn minh, phát triển bền vững...

Song hành với các bước đột phá trên, trong xây dựng hệ thống chính trị, huyện Bắc Quang đã đẩy mạnh ứng dụng Văn phòng điện tử (M-Office), phục vụ tốt cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND huyện. Các cơ quan, UBND các xã, thị trấn cùng đổi mới tác phong, lề lối làm việc; Duy trì chế độ họp UBND theo quy chế; Nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của người đứng đầu đi đôi với phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan tham mưu cũng như cán bộ, công chức, viên chức và lập bảng theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch. Đồng thời, thủ trưởng các cơ quan phụ trách xã đã dành thời gian đến cơ sở để phối hợp, giúp đỡ triển khai thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn. Do vậy, hiệu quả công việc đã có nhiều biến chuyển tích cực...

Liên kết “4 nhà” – đồng hành cùng nông dân làm giàu

Với 4.979,8 ha chè đang cho thu hoạch, đạt sản lượng gần 25 nghìn tấn chè búp tươi/năm, Bắc Quang được biết đến là huyện có tiềm năng, thế mạnh để phát triển cây chè. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã từng có mối liên kết giữa doanh nghiệp với người dân để sản xuất chè mang tính quy mô và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng mối liên kết này không bền vững, do trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế...

Chè là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Bắc Quang, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Trong ảnh: Người dân xã Hùng An thu hái chè.
Chè là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Bắc Quang, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Trong ảnh: Người dân xã Hùng An thu hái chè.

Để giải quyết “bài toán” trên, góp phần nâng cao chất lượng và thương hiệu chè Bắc Quang, huyện Bắc Quang đã chủ động “bắt tay” doanh nghiệp, đồng hành cùng người nông dân làm giàu. Trong đó, kết quả nổi bật nhất chính là việc Công ty TNHH Trà Hoàng Long (Hà Nội) – có Nhà máy Trà Hoàng Long đóng chân trên địa bàn huyện, đã trực tiếp ký hợp đồng với các hộ dân trồng chè tại thị trấn Vĩnh Tuy và 2 xã Hùng An, Vĩnh Hảo theo hướng: Công ty ký cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm chè búp tươi của các hộ dân đã ký hợp đồng, ổn định theo giá thị trường. Tạm ứng trước phân bón NPK đảm bảo chất lượng theo giá mua tại nhà máy sản xuất. Đặc biệt, Công ty cung cấp miễn phí thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho từng hộ, theo diện tích chè đã ký hợp đồng. Và hướng dẫn các hộ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thôn Vĩnh Ban (xã Vĩnh Phúc) đã hoàn thành 8/8 tiêu chí của Đề án “Thôn tự chủ, tự quản” (trong đó, trên 80% số hộ được công nhận “Nhà sạch, vườn đẹp”). Trong ảnh: Mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” của gia đình chị Lò Thị Chiên.
Thôn Vĩnh Ban (xã Vĩnh Phúc) đã hoàn thành 8/8 tiêu chí của Đề án “Thôn tự chủ, tự quản” (trong đó, trên 80% số hộ được công nhận “Nhà sạch, vườn đẹp”). Trong ảnh: Mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” của gia đình chị Lò Thị Chiên.

Điều nổi bật trong mối liên kết: “Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông” chính là sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhất là các đồng chí Bí thư Chi bộ, trưởng thôn. Họ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, theo nguyên tắc “quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ” để đảm bảo tính hiệu quả của hợp đồng kinh tế... Mong rằng: “Khi đã có vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng sản phẩm nâng cao, thị trường tiêu thụ rộng rãi, doanh thu tăng, Công ty TNHH Trà Hoàng Long nên điều chỉnh giá thu mua với các hộ dân, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế giữa hai bên. Đồng thời, xây dựng chỉ dẫn địa lý về sản phẩm chè để phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế”, như chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, Trần Văn Hòa...

Khép lại một năm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Bắc Quang đã giành nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Điều đó góp phần quan trọng đưa tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 3.287 tỷ đồng, tăng 16,9% so với năm 2013. Nâng giá trị sản phẩm bình quân đầu người đạt 29,7 triệu đồng/năm (tăng trên 4 triệu đồng so với năm 2013)... Phát huy những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng, với tư duy sáng tạo, hành động thiết thực, khắc phục khó khăn, phát triển toàn diện, sang Xuân mới, huyện Bắc Quang thêm nhiều thành công, khi giữ vai trò là huyện động lực trong phát triển KT-XH của tỉnh./.

THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Ngân hàng" của nhà nông

HGO- Trong những năm qua, từ các chương trình, đề án được vay vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân (QHTND), Hội Nông dân (HND), nhiều hội viên đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Có thể nói, QHTND đã và đang được các hội viên coi như một "ngân hàng" riêng của Hội. 

31/01/2015
Khánh thành cửa Xăng dầu Cốc Pài
HGĐT- Ngày 8.1, Công ty Xăng dầu Hà Giang tổ chức Lễ khánh thành Cửa hàng Xăng dầu Cốc Pài tại thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần.
08/01/2015
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông Hà Giang khai trương Cây rút tiền tự động
HGĐT - Sáng 8.1, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang (Agribank Hà Giang) đã khai trương Cây rút tiền tự động (ATM) tại tổ 8, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang (ngay cổng Sở Công an tỉnh), để phục vụ giao dịch của người dân và chiến sỹ công an.
08/01/2015
Các doanh nghiệp sản xuất điện nợ trên 60 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng
HGĐT- UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương, NN&PTNT đề nghị phối hợp tháo gỡ khó khăn, giúp tỉnh đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp thủy điện thực hiện nghiêm Nghị định 99/2010/NĐ-CP, ngày 24.9.2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).
08/01/2015