Giảm nghèo không chạy theo những... “con số đẹp”

08:21, 06/01/2015

HGĐT- Từ năm 2015, việc xác định chuẩn nghèo được xem xét dưới góc nhìn đa chiều, dựa trên các yếu tố về y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội. Cách tiếp cận nghèo đa chiều nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người, khác với cách tiếp cận đơn chiều coi thu nhập bằng tiền là tiêu chí duy nhất đại diện cho nhu cầu của con người như trước đây.


Thoát nghèo... nhờ ngoại lực

Năm 2014 vừa đi qua, kéo theo bộn bề khó khăn, tác động trực tiếp đến quá trình phát triển KT-XH và đời sống của đại bộ phận người dân. Trong gian nan đó, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tế, cùng sự chủ động của người dân nên cũng gặt hái được những thành công. Kết thúc năm, tổng sản phẩm trong tỉnh ước đạt trên 9.257 tỷ đồng, tăng trên 6% so với năm trước; tổng sản phẩm bình quân đạt 16,2 triệu đồng/người/năm, tăng trên 11%; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 5.245 tỷ đồng, tăng gần 6%; thu ngân sách 1.440 tỷ đồng, đạt trên 102%. Và một con số rất ấn tượng đó là có 9.709 hộ thoát nghèo, giảm được 5.126 hộ nghèo so với năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ gần 27% cuối năm 2013 xuống còn trên 23%. Riêng 6 huyện nghèo giảm được 4.517 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 39% xuống còn trên 33%. Hiện toàn tỉnh còn 38.655 hộ nghèo, chiếm trên 23%; 24.684 hộ cận nghèo, chiếm gần 15%.



Người dân có việc làm, tăng thu nhập, thoát nghèo từ các chính sách đầu tư của Nhà nước. Trong ảnh, vận chuyển cột, đưa điện lưới Quốc gia đến với người dân xã Yên Định (Bắc Mê).


Những con số trên rất đẹp nó khẳng định quyết tâm lớn của tỉnh trong chiến dịch chống đói, nghèo. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế, việc thoát nghèo chưa hoàn toàn xuất phát từ nỗ lực tự thân mỗi người dân, còn phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Năm vừa qua, người dân trong tỉnh tiếp tục được thụ hưởng nhiều nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, có 7 chính sách thuộc các dự án hỗ trợ giảm nghèo chung như hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập cho người nghèo, hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, tiếp cận các dịch vụ pháp lý... và nhiều chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo với số tiền hàng trăm tỷ đồng.


Chỉ tính riêng chính sách tín dụng cho hộ nghèo, năm vừa qua Ngân hàng CSXH đã giải ngân cho 11.819 hộ nghèo, 2.404 hộ cận nghèo vay vốn với tổng số tiền gần 233 tỷ đồng, hiện 62.915 lượt hộ có tổng dư nợ trên 1 nghìn tỷ đồng. Đối với chính sách hỗ trợ sản xuất, đã hỗ trợ tiền mua giống cây trồng, vật nuôi, phân bón cho 105.327 hộ; hỗ trợ mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trồng 60 ha chanh leo, trên 125 ha gấc, trồng mới 228 ha cây dược liệu; tổ chức 1.574 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm - nghiệp với 43.583 lượt người tham gia. Các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện mua, cấp thẻ BHYT cho gần 638 nghìn đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn. Trong đó có trên 526 nghìn người thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số, trên 109 nghìn trẻ em dưới 6 tuổi, trên 2 nghìn đối tượng thuộc hộ cận nghèo. Tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho 664.566 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số.


Bên cạnh đó, riêng 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a cũng được phân bổ trên 188 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển trên 170 tỷ đồng đầu tư cho 150 công trình, 18 tỷ đồng dành duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng đã đầu tư. Đối với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giáo dục, đào tạo và dạy nghề, các huyện nghèo được phân bổ trên 68 tỷ đồng cho hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giám sát đánh giá công tác xuất khẩu lao động, thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ chính sách giáo dục dạy nghề nâng cao dân trí, chăm sóc, bảo vệ rừng, giao đất rừng... Những chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đến người dân là yếu tố quyết định, giúp các gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo.


Tiếp cận chuẩn nghèo đa chiều

Tại hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý chia sẻ, thành công của chính sách giảm nghèo đã khẳng định đường lối, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới còn cao, vẫn còn một bộ phận nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước; việc lồng ghép các nguồn lực cho giảm nghèo còn hạn chế, thiếu đồng bộ, dẫn đến chính sách hỗ trợ hộ nghèo manh mún, dàn trải, thiếu sự phối hợp về nguồn lực và tổ chức thực hiện.


Dẫn chứng cho nhận định trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra con số, đó là tỷ lệ giảm nghèo chưa đạt mục tiêu đề ra, trong khí đó, có thêm trên 4,5 nghìn hộ nghèo phát sinh mới. Có những hộ dân, sau nhiều năm liên tục được hưởng chính sách của Nhà nước, đã bước ra khỏi diện nghèo, nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn lại quay về bờ vực đói nghèo. Nguyên nhân chính do họ không biết làm gì khi bầu sữa ngân sách đã chuyển cho những “đứa con” nghèo khác. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đến từ các huyện, ngành cũng chỉ rõ tình trạng, nhiều hộ dân không muốn thoát nghèo, hoặc thoát nghèo một thời gian đã xin trở lại hộ nghèo để được hưởng chính sách. Cá biệt, có những thôn, việc bình bầu chính sách hết sức “tình cảm”, các hộ dân luôn phiên nghèo để cùng được Nhà nước hỗ trợ. Ngoài nguyên nhân do các yếu tố bất lợi của thời tiết, thiên tai thì những tư tưởng trên đã kéo lùi tốc độ giảm nghèo. 


Năm 2015, tỉnh ta đề ra mục tiêu phấn đấu giảm 8.240 hộ nghèo, tương đương giảm 5% số hộ nghèo, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 7% tỷ lệ hộ nghèo. Mặc dù đặt ra mục tiêu như vậy, nhưng chúng ta đang chú trọng, hướng đến tính bền vững, chứ không chạy theo thành tích, không vì những con số đẹp trong báo cáo. Và một điểm mới đó là ngay quý I này, việc tiếp cận chuẩn nghèo được tiến hành theo góc nhìn đa chiều, không chỉ dựa trên yếu tố thu nhập mà căn cứ vào các tiêu chí y tế, giáo dục, điều kiện sống, tiếp cận thông tin, bảo hiểm và trợ giúp xã hội. Theo ông Ngô Trường Thi, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TBXH), 5 chiều tiếp cận chuẩn nghèo trên được chia thành các chỉ số thiếu hụt. Theo đó, một gia đình được coi là nghèo đa chiều nghiêm trọng nếu thiếu từ ½ tổng số nhu cầu cơ bản trở lên; nếu thiếu từ 1/3 đến ½ tổng số nhu cầu cơ bản sẽ là hộ nghèo đa chiều.


Thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh ta cũng đổi mới công tác tuyên truyền về giảm nghèo, nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong tiếp nhận, sử dụng hiệu quả chính sách, nguồn lực của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức tổng kết năm 2014
HGĐT- Chiều 30.12, Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015. Đến dự có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN – PTNT; lãnh đạo, đại diện các huyện trên địa bàn tỉnh; đại diện một số Trung tâm chuyên ngành giống cây trồng T.Ư.
31/12/2014
Cam trĩu vàng trên đồi núi Đồng Tâm – Bắc Quang
HGĐT- Về xã Đồng Tâm (Bắc Quang) những ngày này, chúng ta bắt gặp những vườn cam sai trĩu quả, chín vàng trải dài trên các sườn đồi. Cam Đồng Tâm có vị ngọt, mọng nước được trồng tập trung ở thôn Pha, thôn Khuổi Thuối.
31/12/2014
Ngành Thuế phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2015
HGĐT- Ngành thuế triển khai thực hiện dự toán thu ngân sách năm 2014 trong tình hình KT-XH cả nước nói chung và của tỉnh Hà Giang nói riêng vừa có những thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp và diễn biến khó lường... ảnh hưởng đến nhiệm vụ thu ngân sách cũng như sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, số doanh nghiệp tạm ngừng nghỉ hoạt
30/12/2014
Công nghiệp khai khoáng - bao giờ qua cơn bĩ cực (!)
HGĐT- Hàng loạt dự án khai thác khoáng sản đã buộc phải tạm đóng cửa, hoặc sống thoi thóp... khiến lĩnh vực công nghiệp thế mạnh của tỉnh gần như rơi vào tình trạng “đóng băng”. Giá bán khoáng sản xuống mức thấp nhất 5 năm trở lại đây, trong khi đó thuế tài nguyên hiện vẫn áp dụng mức thu được xây dựng từ năm 2012, khiến doanh nghiệp đã khó lại cùng quẫn hơn!
30/12/2014