Công nghiệp thủy điện - khát vọng “trụ cột” nền kinh tế

07:24, 06/11/2014

HGĐT- “...Bên cạnh các doanh nghiệp thực hiện tốt trình tự đầu tư, quản lý chất lượng công trình, vẫn còn tình trạng chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về an toàn đập, chưa tiến hành lắp đặt thiết bị quan trắc chuyển vị đập và theo dõi thủy văn. Một số thủy điện có hiện tượng sạt trượt lòng hồ mái thượng lưu, rò rỉ thân đập”. Những bất cập trên được Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh chỉ rõ khi tiến hành giám sát quá trình quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp thế mạnh.



Nhà máy Thủy điện Sông Miện 5 (Thuận Hòa - Vị Xuyên) được đầu tư xây dựng với công nghệ hiện đại, hoạt động ổn định, mỗi năm đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách địa phương.

Trong ảnh: Công nhân nhà máy kiểm tra các thông số an toàn trạm biến áp.

Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh xác định được 46 dự án, tổng công suất lắp máy gần 775 MW, điện năng trung bình 2.800 KWh/năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng. Nhằm khai thác hiệu quả những lợi thế khác biệt về địa hình, thủy văn, từ nhiều năm trước tỉnh ta đã xếp thủy điện vào nhóm công nghiệp thế mạnh, đồng thời có nhiều chính sách kích cầu, mời gọi, thu hút đầu tư. Chính sách “trải thảm đỏ” của tỉnh nhận được sự quan tâm, hưởng ứng từ nhiều nhà đầu tư nên đến nay có 13 dự án thủy điện hoàn thành, 14 dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, 12 dự án được cấp GCN đầu tư và đang tổ chức thi công, 7 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tổng công suất lắp máy 650 MW, vốn đầu tư xây dựng trên 13 nghìn tỷ đồng.


Quá trình đầu tư, xây dựng thủy điện đòi hỏi doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính vững mạnh. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đến nay, nền kinh tế chung của cả nước luôn “ngập” trong khó khăn do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu, nhưng với các chính sách ưu tiên, tạo môi trường thuận lợi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã đến nghiên cứu, triển khai dự án. Nếu như, trước nhiệm kỳ Đại hội XV, trên địa bàn tỉnh chỉ có một số nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, công suất từ 0,25-12MW, thì từ 2011 đến nay có hơn chục dự án đưa vào khai thác, tổng công suất gần 329 MW, tổng sản lượng phát lên lưới Quốc gia tăng từ 135 triệu kWh năm 2010 dự kiến đạt khoảng 1,5 tỷ kWh vào năm tới, doanh thu ước đạt trên 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giai đoạn 2005-2010, các doanh nghiệp thủy điện nộp ngân sách Nhà nước trên 22 tỷ đồng, thì giai đoạn 2010-2015 tăng gấp 26 lần, đạt mức trên 588 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, một số doanh nghiệp rơi vào tình trạng kẹt vốn, khiến nhiều dự án như Thủy điện Nậm Ly I (Xín Mần); Nho Quế 2, Sông Nhiệm 3 (Mèo Vạc); Bản Kiếng (Vị Xuyên) bị chậm tiến độ.


Cho đến thời điểm hiện tại, các dự án thủy điện đã thực sự trở thành hình mẫu trong thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đã có thời điểm, câu chuyện đầu tư thủy điện trở thành tâm điểm, chủ đề tranh luận sôi nổi tại diễn đàn Quốc hội, thu hút nhiều ý kiến đóng góp của người dân. Bởi lẽ, đã có nhiều lúc, nhiều nơi, người dân vùng hạ du bất ngờ bị chìm trong nước do thủy điện xả lũ, hoặc hàng trăm hộ dân luôn giật mình lo sợ khi vùng lòng hồ thủy điện liên tiếp xảy ra động đất. Nhưng, trên địa bàn tỉnh ta, thủy điện đang ngày càng khẳng định tính ưu việt. Do cấu tạo địa chất, địa hình, tại các vị trí xây dựng thủy điện phần lớn không phải di dân tái định cư tập trung, chủ yếu tiến hành theo hình thức vén dân, diện tích đất nông lâm nghiệp bị chiếm dụng nhỏ. “Các dự án thủy điện không những đem lại hiệu quả kinh tế, còn thu hút được nhiều lao động địa phương, tạo nguồn thu ngân sách ổn định mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, còn tạo môi trường sinh thái tốt cho khu vực, tăng cường điều tiết nước cho hoạt động tưới tiêu, giảm sức tàn phá của thiên nhiên trong mùa mưa lũ” - ông Nguyễn Đình Bảy, Giám đốc Sở Công thương khẳng định.


Và trong đợt giám sát về quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình, dự án thủy điện mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh một lần nữa khẳng định: Việc đầu tư, xây dựng thủy điện đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương, góp phần thúc đẩy CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn. Với đặc thù một tỉnh miền núi, sản xuất nông - lâm nghiệp là ngành chính, thì sự xuất hiện các dự án thủy điện sẽ làm tăng đáng kể tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng trong cơ cấu kinh tế. Các dự án thủy điện đầu tư trên địa bàn tỉnh, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ cung cấp điện vào lưới quốc gia, tham gia điều tiết nước, giảm thiểu tác hại do lũ lụt cho nhân dân khu vực hạ du, mỗi năm đóng góp từ 13-15% tổng thu ngân sách địa phương.


Sau khi tìm hiểu thực tế tại các dự án thủy điện, Đoàn đại biểu Quốc hội cũng chỉ rõ, việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập thẩm định dự án; trách nhiệm, sự phối hợp của các chủ thể trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch thủy điện chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, quy hoạch thủy điện chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu tổng hợp, chưa gắn kết được hiệu quả kinh tế - xã hội với mục tiêu bảo vệ môi trường, do đó đã phải loại khỏi quy hoạch 27 dự án không đảm bảo yêu cầu. Ông Thào Hồng Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, trong quá trình triển khai dự án, bên cạnh các doanh nghiệp làm tốt trình tự đầu tư, quản lý chất lượng công trình, vẫn còn một số chưa thực hiện, hoặc tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, chưa tiến hành lắp đặt thiết bị quan trắc chuyển vị đập, thiết bị theo dõi thủy văn. Các doanh nghiệp thủy điện đã xây dựng phương án phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn đập, phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du năm 2014 nhưng chưa trình cơ quan quản lý có thẩm quyền phê duyệt, chưa thực hiện báo cáo số liệu thủy văn hồ chứa về Ban chỉ huy PCLB, chưa kiểm định an toàn đập. Một số thủy điện như Sông Bạc (Quang Bình), Sông Chảy 5 (Xín Mần) có hiện tượng sạt trượt lòng hồ mái thượng lưu thân đập, rò rỉ thân đập phải...

Từ những hạn chế của quá trình đầu tư, xây dựng các dự án thủy điện, thời gian tới các chủ đầu tư, cơ quan chức năng cần tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật để thủy điện thực sự trở thành một trong những trụ cột vững chắc ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung. Có làm tốt công tác quản lý đầu tư, triển khai dự án, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu nâng sản lượng điện thương phẩm chạm ngưỡng 2.100 triệu kWh, doanh thu 2.500 tỷ đồng vào năm 2020.


THIÊN THANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Quang Bình, Bắc Mê tổng kết sản xuất nông lâm nghiệp năm 2014
HGĐT- Vừa qua, UBND huyện Quang Bình tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông - lâm nghiệp năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015. Đến dự có các đồng chí: Lê Quang Minh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy; Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo Thường trực Huyện ủy, UBND, HĐND; UBND 15 xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị của huyện.
31/10/2014
Nhìn từ Chương trình sản xuất cây lương thực hàng hóa
HGĐT- Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XV Đảng bộ tỉnh đến nay, tổng diện tích lúa, ngô hàng hóa thực hiện được trên 62 nghìn ha, sản lượng đạt trên 207 nghìn tấn, tổng giá trị thu nhập gần 420 tỷ đồng. Bên cạnh giá trị kinh tế, việc sản xuất lúa, ngô hàng hóa đã và đang tạo sự thay đổi lớn về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và người nông dân.
30/10/2014
Chống thất thu ngân sách từ hoạt động kiểm tra sau thông quan
HGĐT- Từ đầu năm đến nay, Chi cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) - Cục Hải quan Hà Giang đã tiến hành 6 cuộc kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp, trong đó 5 cuộc đã hoàn thành, 1 cuộc đang thực hiện. Kết quả đánh giá 5 cuộc hoàn thành cho thấy, có 3 doanh nghiệp không sai phạm, 2 doanh nghiệp phát hiện sai phạm với số tiền thu nộp ngân sách trên 3,8 tỷ đồng.
29/10/2014
Hội nghị đối thoại, kết nối Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Vị Xuyên với khách hàng
HGĐT- Ngày 28.10, Ngân hàng Nông nghiệp – PTNT huyện Vị Xuyên đã tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp và đối thoại giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh. Dự Hội nghị có đại diện Ban Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp – PTNT tỉnh; Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Vị Xuyên; 12 doanh nghiệp và 33 hộ kinh doanh đại diện cho 2.850
29/10/2014