Mầu xanh vùng... bán ngập

19:22, 26/04/2013

HGĐT - “Mới hai tháng trước, cả vùng này còn mênh mông nước, nhưng giờ đây mầu xanh của lúa, ngô, lạc đang thì con gái lên xanh phủ khắp cả một vùng rộng lớn, như mang thêm sức sống mới về với người dân nơi đây...”, đó là cảm nhận sự đổi thay rõ nét nhất về cuộc sống của hàng trăm hộ dân Bắc Mê tại khu vực chịu ảnh hưởng của lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang.


Từ ngày Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang (đóng chân tại huyện Na Hang) chính thức đóng đập, nước sông Gâm dâng cao, hàng trăm hộ trên địa bàn huyện Bắc Mê chịu ảnh hưởng của mực nước lòng hồ đã được di dời về nơi ở mới; theo đó, có hàng trăm ha diện tích đất nông nghiệp của người dân thuộc các xã:Minh Ngọc, Thượng Tân, Lạc Nông, thị trấnYên Phú... ngập dần theo con nước. Thiếu đất sản xuất, cuộc sống người dân vùng lòng hồ gặp nhiều khó khăn; mặc dù họ đã được hưởng các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước về dạy nghề, tạo việc làm... Song, bà con vốn quen cái nghiệp... nông dân; họ nhanh chóng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang đánh bắt thủy sản trên lòng hồ và con tôm, con cá bỗng trở thành kế mưu sinh. Nhưng “Niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi mùa nước nổi chỉ kéo dài được khoảng thời gian 5 – 6 tháng trong năm (từ khoảng tháng 7 – 8 đến tháng 2 năm sau), khi Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu, lòng hồ rút nước, sông Gâm thành dòng chảy, cũng là lúc cuộc mưu sinh của người dân bằng đánh bắt thủy sản trên lòng hồ tạm dừng. Một nửa thời gian còn lại trong năm, họ tận dụng diện tích đất nông nghiệp bán ngập để tiếp tục trồng lúa, ngô, rau, đậu với hy vọng có thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống. Hiện tại, vùng bán ngập trên địa bàn huyện Bắc Mê có gần 82 ha, người dân đang tận dụng gieo trồng lúa và hoa màu, trong đó tập trung nhiều ở một số xã: Thượng Tân 7,8 ha, xã Minh Ngọc 47 ha, Lạc Nông 12,6 ha, thị trấn Yên Phú 4,5 ha. Được biết, trước đây, phần lớn vùng bán ngập này là đất đai cằn cỗi, chỉ rất ít diện tích bãi bồi ven sông màu mỡ, người dân chủ yếu trồng ngô và hoa màu; nhưng gần 5 năm nay, với một khoảng thời gian dài ngập nước trong năm, chất đất ở vùng này được cải tạo tốt, có thể trồng lúa cho năng suất cao. Tuy đây là diện tích sản xuất không nằm trong chỉ tiêu kế hoạch giao của huyện, nhưng chính quyền địa phương và ngành chức năng luôn quan tâm, khuyến khích và hướng dẫn người dân theo dõi mực nước lên – xuống của lòng hồ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng giống mới ngắn ngày vào sản xuất để tăng năng suất và thu hoạch đúng mùa vụ. Thực tế hiện nay, người dân vùng lòng hồ vẫn đang sản xuất nông nghiệp theo kiểu “làm thật” nhưng “ăn may”; thành quả lao động phụ thuộc vào lịch đóng – mở của Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang. Còn nhớ, vụ Xuân năm 2011, bà con tận dụng diện tích vùng bán ngập “được mùa” vì nước lòng hồ lên muộn, đủ thời gian để thu hoạch lúa, hoa màu; nhưng năm 2012, mùa nước nổi về sớm cả tháng trời, khi những ruộng lúa, ngô trĩu hạt đang vào kỳ ngậm sữa, thì nước sông Gâm dâng cao, mọi công sức của người dân ngập dần theo lòng hồ. Tiếc công, tiếc của nhưng biết làm sao. Đến hẹn lại lên, hết mùa tôm, cá lại quay về mùa lúa, ngô; cuộc sống mưu sinh của người dân vùng bán ngập hoàn toàn bị động theo sự lên, xuống của mực nước sông Gâm. Trao đổi vấn đề này với ông Đặng Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê, được biết huyện đã có văn bản đề nghị phía Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang phối hợp, thông báo cụ thể lịch đóng – mở nước để người dân chủ động sản xuất và giảm rủi ro khi lúa và hoa màu sắp vào kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, phía Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang chưa có phản hồi.



Gia đình chị Nông Thị Như chăm sóc ruộng ngô đang lên xanh tốt trên vùng bán ngập lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang.
 

Có mặt tại cánh đồng bán ngập xã Minh Ngọc khi những ruộng lúa, ngô, đậu tương trải dài đang lên xanh ngát. Phó chủ tịch UBND xã Minh Ngọc Nguyễn Thanh Chiển chia sẻ: “Là xã chịu ảnh hưởng nhiều nhất của vùng lòng hồ, Minh Ngọc có đến 47 ha diện tích đất nông nghiệp vùng bán ngập; trong đó, năm nay người dân đã chủ động trồng được 21 ha lúa và 26 ha ngô xen lạc, với giống lai cho năng suất cao. Những năm trước, khi nước lòng hồ lên chậm, nhiều gia đình đã thu về cả mấy tấn thóc, hàng trăm bao ngô. Dù không nằm trong chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ Xuân, nhưng cánh đồng lúa, ngô trải dài này nếu “ăn may” thì sẽ góp phần đáng kể vào việc giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Chúng tôi mong muốn phía Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang có lịch đóng - xả nước cụ thể, để người dân chủ động sản xuất đúng theo thời gian nước lên, đúng khung mùa vụ, tránh rủi ro khi nước dâng bất ngờ...”.Chị Nông Thi Như, người dân thôn Kim Thạch, vui vẻ dừng tay trò chuyện với chúng tôi khi đang chăm sóc ruộng ngô xanh tốt của gia đình: “Nước rút đến đâu chúng tôi tra hạt, gieo cấy đến đó; đất tốt, năng suất cũng cao hơn trước, chỉ một khoảnh ruộng nhỏ mà trúng năm “được mùa” cũng thu cả mấy chục bao ngô to đấy. Nước lên thì bắt con cá, con tôm, nước xuống lại ra làm ruộng, không thì đi tìm các loại sản phẩm phụ của rừng để bán, chẳng trồng được cây gì lâu năm nhưng cuộc sống của mình phụ thuộc vào họ, biết làm sao được...”.

 

Dẫu biết rằng, toàn bộ diện tích đất bán ngập vùng lòng hồ đã được đền bù, người dân đã di dời về nơi ở mới, nhưng cái kiểu làm kinh tế “ăn may” của người dân vùng bán ngập thuộc lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang thật khiến những người có mặt phải trăn trở... Mong một mùa con nước ổn định, mong đến một ngày những cánh đồng ngô, lúa vàng ươm...


BIỆN LUÂN

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cộng đồng doanh nghiệp mong được gỡ khó
HGĐT- 498/1.292 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã giải thể, hoặc tạm dừng hoạt động trong thời gian khó khăn của khủng hoảng kinh tế. Nhưng đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, còn nhiều doanh nghiệp khó vượt qua “cơn bĩ cực” - ông Phạm Công Nhân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp chia sẻ. Đồng thời, người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp cũng gửi nhiều tâm huyết tới lãnh đạo
29/03/2013
Hội thảo về những thử thách và cơ hội hợp tác kinh tế vùng biên
HGĐT - Ngày 28.3, Ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tiếp tục tổ chức Hội thảo với 7 tỉnh miền núi phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc để nhằm hiểu rõ hơn về cơ hội và thách thức trong việc phát triển hợp tác kinh tế với Trung Quốc, cũng như đánh giá các cơ hội tài trợ từ ADB.
29/03/2013
Công tác Khuyến công tích cực hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp
HGĐT - Xây dựng thương hiệu riêng cho hàng hóa mà đơn vị sản xuất ra là một việc làm quan trọng, cần thiết. Bởi khi có thương hiệu, sản phẩm được nhiều người biết hơn, giá thành cao hơn và quan trọng là sản phẩm đó sẽ đứng vững trên thị trường ...
29/03/2013
Nỗ lực thí điểm giống cao su chịu lạnh
HGĐT- Sau những khó khăn từ năm 2010, với tinh thần vượt lên khó khăn, được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp cao su (CNCS) Việt Nam, thời gian qua, Công ty Cổ phần cao su (CPCS) Hà Giang đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu và đưa vào trồng thử nghiệm giống cao su có thể thích nghi với thời tiết tỉnh nhà. Hơn 1 năm triển khai trồng thử nghiệm giống cao
25/04/2013