Hà Giang

Từ trồng cỏ đến phát triển đàn bò trong chuồng

08:05, 01/09/2012

HGĐT- Chăn nuôi gia súc, đặc biệt là đàn đại gia súc được huyện Đồng Văn xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp. Giống bò vàng của Đồng Văn được thị trường trong và ngoài huyện đánh giá rất cao về chất lượng, chiếm được thị phần khá lớn trên thị trường. Để có nguồn thức ăn cho đàn đại gia súc, huyện đã triển khai chương trình trồng cỏ đến tất cả các xã, thị trấn nhằm đảm bảo nguồn dinh dưỡng, phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng cho đàn bò vàng trên địa bàn huyện.



Cỏ trồng ven sân điểm trường thôn Pố Lổ, thị trấn Đồng Văn.


Có thể nói nhiều năm trước đây, khi chưa có chương trình trồng cỏ, hình ảnh các mẹ, các chị men theo những triền núi đá, hái cỏ cả ngày mới được một quẩy tấu mang về cho bò ăn gần như chiều nào cũng có, ngày nào cũng gặp. Công việc hái cỏ rừng cho bò ở vùng cao nguyên đầy đá xám, ít cây xanh này ai cũng có thể hình dung được đó làm một công việc hết sức vất vả và nguy hiểm (đặc biệt trong những tháng mùa Đông). Người hái cỏ phải tìm lên những sườn đá treo leo hay men theo những thung lũng sâu vợi, đi từ sáng mờ sương đến chập choạng tối may ra mới đủ một quẩy tấu chặt lưng. Vất vả thế, nguy hiểm thế mà bò trong chuồng vẫn không béo tốt là mấy vì cỏ rừng vừa ít về thành phần dinh dưỡng vừa ít về số lượng cho một bữa chăn. Câu thành ngữ “Nuôi bò trên lưng” đã phần nào nói lên sự nhọc nhằn của người chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao núi đá. Bò, trâu, ngựa sống được là nhờ những bó cỏ rừng hiếm hoi kiếm được từ thung xa, núi cao; từ sự một nắng, hai sương của người dân vùng đá.

 

Giờ đây, bò vẫn “nuôi trên lưng” nhưng không còn nhọc nhằn, vất vả như trước đây nữa nhờ có chương trình trồng cỏ chăn nuôi gia súc của huyện triển khai đến từng xã, từng thôn, xóm, từng hộ dân. Chương trình trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc của huyện được sự quan tâm đầu tư của các chương trình, dự án như 135, 30a; sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ở tỉnh, ở huyện; sự đồng thuận cao của người dân... đã mang lại hiệu quả rất lớn cho ngành chăn nuôi của huyện, cho sức lực của người dân. Tính từ đầu chương trình đến nay, toàn huyện đã trồng được 1.136,2 ha, trong đó, riêng năm 2012 trồng được 232 ha. Trong diện tích cỏ trồng được năm nay có 207 ha được nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ 414 triệu 500 ngàn đồng cho đối tượng là hộ nghèo tham gia trồng cỏ (bình quân hỗ trợ 2 triệu đồng/ha). Nguồn vốn này được phân cấp về các xã, thị trấn để chủ động chi trả cho người dân sau khi nghiệm thu diện tích. Diện tích trồng cỏ là diện tích được nhân dân tận dụng trồng ở ven đường, ven bờ rào đá, trồng những nơi đất xấu, những nơi không ảnh hưởng đến diện tích canh tác cây lương thực, hoa màu. Do đó cỏ được trồng rải rác ở những nơi có thể mọc mà không lấn đất của cây trồng. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp – PTNT Nguyễn Thanh Tuân thì từ diện tích trồng cỏ chăn nuôi gia súc hiện có đã phần nào đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng cho 19.257 con bò, 1.233 con trâu, 125 con ngựa trong huyện. Để đạt được mục tiêu chung đến năm 2015, huyện Đồng Văn phấn đấu hàng năm tổng đàn gia súc tăng bình quân 5%, hình thành vùng chăn nuôi gia súc hàng hóa quy mô thì cùng với nhiều biện pháp khác, việc tiếp tục tăng cường chuyển đổi diện tích đất trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn bền vững cho chăn nuôi là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

 

Nếu ai có dịp về với Đồng Văn trong những ngày giữa tháng Tám này, dọc theo Quốc lộ 4c, từ địa phận xã Vần Chải trở lên sẽ bắt gặp những vạt cỏ, khóm cỏ, nương cỏ xanh mượt thấp thoáng giữa màu vàng ruộm của nương ngô ngày chín hạt; giữa màu đá xám của lá úa cuối thu. Cỏ VA06, cỏ Voi, cỏ Goatemala trồng giáp 2 bên đường qua xã Phố Cáo, Sủng Là, Sà Phìn, Thài Phìn Tủng không những làm thay nhiệm vụ của cột tiêu giao thông trên con đường cua, dốc mà còn tạo ra hiệu ứng mượt mà, mềm mại giữa những góc cạnh của đá xám mênh mông. Không riêng gì ven Quốc lộ 4c, những con đường huyện lộ, xã lộ, thôn lộ; đường ở khu vực biên giới hay nội địa, nơi nào đi qua ta cũng bắt gặp từng khóm, từng hàng, từng dãy cỏ chăn nuôi, nơi thì mới trồng, nơi đã lưu niên bám vào đất dốc vươn ngọn xanh tươi.

 

Cỏ chăn nuôi chống sạt, chống sói mòn, chống rửa trôi giữ màu cho đất. Cỏ đã làm con đường đẹp hơn, làm cho vùng đá bớt xám hơn, làm cho người chăn nuôi đỡ vất vả hơn, và điều quan trọng hơn, cỏ đã góp phần làm cho đàn bò vàng của huyện nhiều hơn, to khỏe hơn.


AN DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Găm hàng" chờ tăng giá xăng dầu
Trong các ngày 25 và 26/8, trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bạc Liêu, nhiều cây xăng có biểu hiện "găm hàng" chờ tăng giá.
27/08/2012
Vĩnh Phúc xây dựng NTM từ trong nếp nghĩ người dân
HGĐT- Một cánh đồng lúa xanh rờn “Tuổi con gái” hòa lẫn mầu xanh của những cánh rừng kinh tế mãi xa tạo nên sắc mầu của cuộc sống tươi tốt, bình yên. Đây chính là những cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi về với xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).
23/08/2012
Mèo Vạc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa
HGĐT- Trong sản xuất nông nghiệp ở Mèo Vạc, do chịu sự chi phối của yếu tố địa hình, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện phát triển kinh tế hạn chế nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa đang là một hướng đi trọng tâm trong công tác XĐGN của huyện .
23/08/2012
Họp lấy ý kiến vào phương hướng phân cấp quản lý nhà nước giai đoạn 2011 - 2015
HGĐT- Sáng 21.8, UBND tỉnh tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp vào báo cáo kết quả công tác phân cấp quản lý nhà nước (QLNN) giai đoạn 2006 - 2011, phương hướng 2011 - 2015.
21/08/2012