Vĩnh Phúc xây dựng NTM từ trong nếp nghĩ người dân

07:15, 23/08/2012

HGĐT- Một cánh đồng lúa xanh rờn “Tuổi con gái” hòa lẫn mầu xanh của những cánh rừng kinh tế mãi xa tạo nên sắc mầu của cuộc sống tươi tốt, bình yên. Đây chính là những cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi về với xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang).



Không phụ công người chăm sóc, cây cam Vinh đã, đang phát triển và sinh trưởng rất tốt ở Vĩnh Phúc (Bắc Quang), tạo nên một nguồn thu nhập ổn định cho nhà nông.

Đến nay, sau 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đã giúp địa phương thay đổi hoàn toàn diện mạo. Chỉ cần quan sát thôi, bạn cũng có thể thấy được những cái mới đã, đang giúp cho Vĩnh Phúc “Vươn mình đứng lên”...


Đổi mới trong nếp nghĩ...

Đắm mình trong hương đồng, gió nội chúng tôi nghe Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc Phạm Đức Tài tâm sự về cách nghĩ, cách làm và dám quyết, dám làm của Vĩnh Phúc về Chương trình xây dựng NTM: “Rút kinh nghiệm từ các bậc tiền bối để đưa một chương trình mới vào thực hiện, điều kiện tiên quyết là phải đưa ra dân bàn kết hợp thật tốt với công tác tuyên truyền, vận động để bà con hiểu thấu đáo những chủ trương của Đảng, Nhà nước...”. Theo Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015, xã Vĩnh Phúc đã và đang triển khai song song công tác quy hoạch vùng sản xuất, gồm: Lúa hàng hóa, tập trung các loại giống: Bắc thơm, Hương thơm tại thôn Vĩnh Ban, Vĩnh Tâm, Vĩnh Gia và Vĩnh Chúa; cây ăn quả tại thôn Vĩnh Sơn; chăn nuôi tại Vĩnh Xuân và Vùng kinh tế rừng ở thôn Vĩnh Chùng với công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, cách làm, lối sống... hướng tới văn minh cho người dân theo đúng như tiêu chí của Chương trình đề ra.


Quả đúng vậy, khi mô hình Cánh đồng mẫu lớn triển khai, 100% hộ dân của thôn Vĩnh Ban, Vĩnh Xuân đều đồng tình hưởng ứng gieo trồng giống lúa lai 3 dòng GS9 trên diện tích 60ha đất ruộng. Anh Tài cho biết thêm: “Để 60 hộ dân của 2 thôn cùng thực hiện, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Trạm Khuyến nông triển khai mở lớp tập huấn, hướng dẫn các hộ về quy trình kỹ thuật thâm canh giống lúa mới. Xã thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đến nay, nhờ thực hiện đúng quy trình, từ việc vệ sinh đồng ruộng, cày, bừa, ngâm ải cho tới bón lót vôi và tiến hành gieo mạ theo đúng lịch thời vụ; cây lúa trong mô hình sinh trưởng, phát triển rất tốt, chưa xuất hiện sâu bệnh. Không chỉ vậy, ngoài việc thực hiện Cánh đồng mẫu lớn, người dân với bản tính chịu khó, không để cho đất nghỉ dù là những khoảnh đất nhỏ quanh nhà. Những vườn cây ăn quả trĩu cành từ khắp các vùng miền hội tụ về đây, làm cho Vĩnh Phúc càng thêm phong phú các loại đặc sản của địa phương.”.


Vẫn biết rằng: Vĩnh Phúc, một trong những xã vùng 2 và là một xã thuần nông của huyện Bắc Quang. Bởi, toàn xã xấp xỉ 1.200ha đất nông nghiệp, chiếm gần 1/3 diện tích đất tự nhiên. Chính vì thế mạnh tiềm năng về sản xuất nông nghiệp nên trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương luôn xác định đẩy mạnh phát triển nông nghiệp là một trong những việc làm cần thiết để thay đổi cuộc sống của mảnh đất thuần nông. Các loại cây, con giống mới được đưa vào quy hoạch, thử nghiệm và áp dụng trên diện rộng theo mô hình: Cánh đồng mẫu lớn, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi và vùng kinh tế rừng... Tất cả đều bắt nguồn từ thực tiễn, từ nhu cầu thiết thực của người dân từng vùng riêng biệt nên đã nhận được sự đồng thuận rất lớn và bước đầu phát huy hiệu quả sự quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo địa phương cùng sự chịu khó trong lao động, sản xuất, vượt lên đói nghèo của người lao động. Nhờ vậy tỉ lệ hộ nghèo của toàn xã đã giảm xuống còn 7,8%.


... gặt hái thành quả:

Rời cánh đồng lúa tốt tươi, chúng tôi tìm về nhà anh Trần Văn Kiên ở thôn Vĩnh Sơn, gia đình đi đầu trong áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa một số giống cây mới vào trồng khảo nghiệm. Chỉ với việc là người đầu tiên trong vùng đưa giống cam Vinh vào trồng thử nghiệm cũng đủ thấy anh Kiên là người mạnh mẽ thế nào. Bởi, khi nhắc đến Bắc Quang, mảnh đất nổi tiếng với đặc sản cam Sành nay lại đưa một giống cây có múi ở mãi tận miền đất xa xôi về trồng trên diện tích 2ha từ năm 2006 thì quả mạo hiểm. Hơn 800 gốc cam Vinh rời quê hương về “định cư” ở Vĩnh Phúc phát triển rất tốt mà theo như anh Kiên: “Sự phát triển ổn định của cây cam Vinh thật ngoài sự mong đợi. Tới nay, cây đã cho thu hoạch vụ quả thứ 3. Khả năng ra hoa luôn đạt từ 600 - 700 hoa/cành; năng suất trung bình đạt từ 60 - 80kg quả/cây và qua đánh giá cảm quan về chất lượng cho thấy giống cam Vinh trồng ở nhà mình và các hộ trong thôn có độ ngọt, mùi thơm nhẹ, quả có mầu vàng, vỏ quả bóng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Năm 2011, với hơn 800 cây cam Vinh đã cho thu hoạch khoảng 50 tấn cam, với giá thu mua tại vườn luôn trên 15.000 đồng/kg, trừ chi phí chăm sóc, phân bón, gia đình mình lãi khoảng 400 triệu đồng. Nhờ sự liều mình, theo như vợ mình nhận xét, khi quyết định đưa cam Vinh về trồng, gia đình mình đã thay đổi rất nhiều, có điều kiện sửa sang nhà cửa, sắm đồ dùng sinh hoạt gia đình đầy đủ...”.


Tiếp tục hành trình khám phá những cái mới ở Vĩnh Hảo, chúng tôi đến thôn Vĩnh Ban, thăm gia đình ông Đỗ Văn Hiển, một gia đình giàu lên từ mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt với quy mô nuôi từ 45 - 50 con/lứa; dù với quy mô chăn nuôi gia đình nhưng thật đáng để nhiều hộ trong thôn, xã làm theo. Với quỹ đất so với các hộ trong làng, gia đình ông Hiển không phải là nhiều, tổng diện tích 80m2 chuồng trại gần kề với nhà ở và trong chuồng luôn trên 50 con lợn lớn, nhỏ nhưng không hề có mùi gia súc và chất thải bởi có sự khép kín triệt để trong việc quy hoạch hợp lý từ khu vực chăn nuôi, cho tới công trình phụ Bioga và vườn cây ăn quả. Vì vậy, nếu vào nhà mà không được giới thiệu trước ít ai biết được ở đây có mô hình chăn nuôi. Đưa chúng tôi tham quan mô hình, ông Hiển bộc bạch: “Hiện nguồn thịt lợn cung cấp ra thị trường có chất lượng không đồng đều, giá thành lên, xuống thất thường vì chăn nuôi không đảm bảo tiêu chuẩn. Trước thực tế đó, gia đình mình không chạy theo số lượng mà đi sâu vào chất lượng đàn bằng cách quản lý nguồn thức ăn một cách khoa học trong việc điều chỉnh tỉ lệ cám công nghiệp với bột ngô tùy thuộc vào giai đoạn tăng trưởng của lợn. Do vậy, đàn lợn nhà mình rất khỏe mạnh, tỉ lệ lợn nạc cao, không còn tồn tại các chất hóa học trong sản phẩm thịt nên thường bán ra với giá cao hơn thị trường và luôn được lái thương đến tận nhà đặt mua. Hiện một năm nhà mình xuất chuồng 3 lứa lợn, trừ các khoản chi phí, một năm cũng thu về khoảng 100 triệu đồng. Cùng với nguồn thu nhập từ cây ăn quả, cây lương thực, gia đình mình còn để ra được một khoản đáng kể...”... Chỉ vậy thôi! Ba gia đình đại diện cho hơn 1.700 hộ dân của toàn xã Vĩnh Phúc cũng đủ để chúng tôi cảm nhận về sự đổi thay toàn diện nơi đây. Những cái mới cứ lớp lớp hiện ra. Từ đường làng, ngõ, xóm đã dải bê-tông đều sạch sẽ, thoáng mát vì người dân tình nguyện hiến trên 3.000m2 để làm đường; những hàng rào cây râm bụt, găng... được tỉa, đốn gọn gàng ôm trọn khuân viên ấm cúng của từng gia đình đã được sửa sang, trang hoàng đẹp đẽ theo đúng tiêu chí; tiếng trẻ cười nói bi bô xen lẫn lời ca, tiếng nhạc văng vẳng đâu đó... Còn minh chứng nào rõ hơn cho sự đổi thay, về thành quả mà người dân Vĩnh Phúc “gặt hái” được thời gian qua.


Xây dựng NTM là cả quá trình lâu dài. Vĩnh Phúc đã, đang vì mục tiêu dài hạn, không chạy theo “bê tông-hóa” mà đi vào thực chất vấn đề, muốn phát huy tốt hiệu quả ra diện rộng phải thay đổi nhận thức và tư duy, không chỉ trong người dân mà ngay cả đối với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo từ xã tới thôn, bản. Qua đó, giúp cho bà con nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất, kinh doanh; định hướng rõ hơn việc lựa chọn ngành nghề, việc làm phù hợp, năng động trong nền kinh tế thị trường, nâng cao năng lực quản lý kinh tế hộ, quản lý trang trại, phòng chống dịch bệnh và góp phần xây dựng NTM... Nhờ vậy, Vĩnh Phúc đã tạo nên các vùng sản xuất thực sự phát huy tác dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, để nâng cao năng suất, thu nhập cho nhà nông, đồng thời tăng bình quân lương thực theo đầu người, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây nông nghiệp khác cho hiệu quả kinh tế tốt hơn, mang lại lợi ích thỏa đáng với công lao động bỏ ra. Và, với tâm huyết, công sức của toàn xã, tới nay, Vĩnh Phúc đã đạt được 11/19 tiêu chí của Chương trình xây dựng NTM. Cùng với đó, việc hoàn thành Khu liên hợp thể thao tại trung tâm xã mang ý nghĩa rất lớn và vô cùng quan trọng, góp phần từng bước hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống cơ sở vật chất, văn hóa của địa phương; là nơi vui chơi sau giờ học của học sinh, chỗ tập luyện thể dục, thể thao trong lúc nông nhàn; giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần, có thêm động lực cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân hoàn thành các tiêu chí của Chương trình xây dựng NTM.


PHI ANH

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc đẩy mạnh chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa
HGĐT- Trong sản xuất nông nghiệp ở Mèo Vạc, do chịu sự chi phối của yếu tố địa hình, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện phát triển kinh tế hạn chế nên đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa đang là một hướng đi trọng tâm trong công tác XĐGN của huyện .
23/08/2012
Họp lấy ý kiến vào phương hướng phân cấp quản lý nhà nước giai đoạn 2011 - 2015
HGĐT- Sáng 21.8, UBND tỉnh tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp vào báo cáo kết quả công tác phân cấp quản lý nhà nước (QLNN) giai đoạn 2006 - 2011, phương hướng 2011 - 2015.
21/08/2012
Hoàng Su Phì - các Đề án phát triển kinh tế tạo nhiều việc làm cho người lao động
HGĐT- Thời gian gần đây, tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế cùng với việc thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, đặc biệt là chủ trương giãn hoãn, ngừng khởi công mới các công trình không thực sự cấp bách, một mặt giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, nhưng mặt khác cũng ảnh hưởng đến vấn đề công ăn việc làm của người lao động.
21/08/2012
Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn ở Yên Minh – khó khăn về vốn vay
HGĐT- Phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn là hướng đi đúng và nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân trên địa bàn huyện Yên Minh. Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, số trang trại được hình thành còn quá ít so với nhu cầu thực tế của người dân cũng như yêu cầu của huyện.
21/08/2012