Hà Giang

Liên kết giữa các tổ chức, đơn vị sản xuất - kinh doanh và người lao động nhằm tạo nhiều cơ hội việc làm

19:07, 15/08/2011

HGĐT- Với dân số có đến gần 74 vạn người, lao động trong độ tuổi chiếm 65% và nguồn lao động tăng tại chỗ khoảng 19.000 người/năm. Đây có thể coi là một ưu thế của Hà Giang.


 

 Đào tạo nghề ở trường Trung cấp Nghề tỉnh.


Có thể nói, với nguồn lao động dồi dào, đây là một lợi thế nếu chúng ta biết tận dụng nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của địa phương; để từ đó giúp tỉnh vươn lên thực hiên tốt mục tiêu thoát ra khỏi tình trạng khó khăn.

 

Mặc dù vậy, song với nhiều khó khăn của một tỉnh miền núi thuộc diện nghèo nhất cả nước, cùng với nhiều lí do khác nhau, dẫn đến chất lượng lao động của chúng ta còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 30,5%, trong đó đào tạo nghề chiếm 24,5%. Với những nỗ lực lớn, năm 2010 vừa qua, toàn tỉnh mới giải quyết việc làm cho 15.087 lao động, tăng 3,5% so với năm 2009. Song, với chất lượng lao động hiện có, chúng ta chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động thông qua các chương trình KT – XH của tỉnh với 11.258 người. Các doanh nghiệp trên địa bàn giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động. Việc đưa lao động ra các tỉnh bạn và xuất khẩu lao động mới chỉ giải quyết được 1.714 người. Như vậy, theo con số về nguồn lao động tăng tại chỗ hàng năm là 19.000 người thì trong năm 2010 chúng ta vẫn còn khoảng 4.000 lao động cần phải giải quyết việc làm. Từ thực tế trên, những năm qua, có không ít lao động tỉnh ta, đặc biệt là ở các huyện biên giới tự ý sang Trung Quốc làm thuê. Do đó, cũng đặt ra không ít những khó khăn, rủi ro đối với người lao động. Đặt ra cho các địa phương không ít các vấn đề xã hội đáng quan tâm khác.


Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh ta hiện có trên 1 ngàn doanh nghiệp được cấp phép hoạt động, kinh doanh, thu hút gần 21.000 lao động. Hàng năm, nhu cầu tuyển mới lao động của các doanh nghiệp mới đạt khoảng 3.000 người. Từ thực tế trên, một số ngành và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đưa ra những lí do là trình độ, năng lực lao động của địa phương còn rất hạn chế, trong khi yêu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp là từ trung cấp đến cao đẳng... Bên cạnh đó, tình trạng đào tạo lao động trái nghề hiện đang có xu hướng thanh niên thích theo học các ngành kinh tế, tài chính hơn là việc học nghề để làm thợ. Không ít trường đang mở rộng quy mô, số lượng đào tạo các lớp về tài chính, kế toán... Một số doanh nghiệp cũng cho rằng, vấn đề ý thức nghề nghiệp của lao động ở địa phương còn rất hạn chế, việc tuân thủ giờ giấc, kỷ luật theo tư duy công nghiệp của lao động còn chưa tốt...


Dự báo của ngành LĐTB&XH về nhu cầu lao động trong 5 năm từ 2011 – 2015 cho thấy, chúng ta phải giải quyết việc làm cho khoảng 95.000 lao động, bình quân phải giải quyết khoảng 19.000 lao động/năm. Tuy nhiên, nhìn từ thực tế việc giải quyết việc làm những năm qua và dự kiến trong những năm tới thì khả năng giải quyết việc làm của chúng ta trong giai đoạn 2011 – 2015 chỉ đạt khoảng 75.000 người. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại tỉnh được khoảng 4.500 lao động/năm, bằng 22.000 lao động; xuất khẩu lao động đạt khoảng 3.000 người; 50.000 người sẽ được giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển KT – XH của tỉnh.


Theo dự báo của tỉnh, hàng năm chúng ta sẽ có khoảng 4.000 – 5.000 lao động chưa được giải quyết việc làm. Nếu tính cả số lao động thiếu việc làm ở khu vực nông thôn do làm việc mùa vụ, đất canh tác ít, lao động mất việc và thiếu việc làm trong các doanh nghiệp, lao động thất nghiệp và thiếu việc làm ở khu vực thành thị..., thì số lao động có nhu cầu cần giải quyết việc làm có thể tăng gấp đôi, khoảng 10.000 người. Qua tìm hiểu tại huyện Vị Xuyên, một huyện có tiềm năng lao động khá dồi dào của tỉnh ta, được biết đến năm 2015, huyện có dân số khoảng 102.000 người, dân số trong độ tuổi lao động khoảng 45.000 người. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra đối với huyện là hàng năm cần giải quyết việc làm cho khoảng 5.000 người. Thực tế đó cho thấy tiềm năng lao động của huyện là rất lớn, nhưng đang đặt ra cho huyện không ít thách thức trong việc giải quyết việc làm cho người lao động những năm tới đây. Từ đó, rất cần có sự phối hợp của các cấp, ngành nhằm tìm kiếm thị trường lao động, tìm việc làm cho lực lượng lao động dư thừa, nhất là lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số...


Từ thực trạng trên, đồng chí Sèn Chỉn Ly, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, nhu cầu và nguồn cung lao động của tỉnh là rất lớn, trong khi trách nhiệm, khả năng của các cơ quan, doanh nghiệp về giải quyết việc làm cho lao động địa phương còn hạn chế. Từ đó đặt ra cho các cơ quan quản lí phải làm sao liên kết được các doanh nghiệp và người lao động để tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Cần tăng cường triển khai các biện pháp tuyên truyền, quảng bá về nhu cầu việc làm, các cơ chế, chính sách, chương trình giải quyết việc làm cho người lao động, gắn với việc đáp ứng các nhu cầu của người lao động. Cần tăng cường gắn kết các cơ sở đào tạo lao động với các doanh nghiệp; kết hợp đào tạo nghề gắn với giáo dục, xây dựng ý thức cho người lao động một cách chuyên nghiệp...


GIAO THƯ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhiều hoạt động liên doanh trong lĩnh vực khai khoáng chưa phát huy hiệu quả
HGĐT- “Đa số các dự án liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác nước ngoài triển khai ở lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản đều chưa đáp ứng được năng lực, vì vậy, một số dự án phải dừng hoạt động, hoặc lệ thuộc quá nhiều vào đối tác nước ngoài”. Ông Lưu Tùng Giang, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định với chúng tôi như vậy.
29/07/2011
“Chìa khoá vàng” mở cửa tương lai
HGĐT- Nhờ sử dụng vốn vay của Ngân hàng hiệu quả nên nhiều hộ gia đình trong tỉnh đã từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Với nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hàng năm cho thu nhập vài chục triệu đồng.
15/08/2011
Người dân xã Bạch Đích mua 166 máy phay đất phục vụ sản xuất
HGĐT- Nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất để thực hiện mục tiêu luân canh tăng vụ, năm 2010, huyện Yên Minh đã hỗ trợ 40% tổng kinh phí mua máy phay đất phục vụ sản xuất cho người dân xã Bạch Đích.
12/08/2011
Hỗ trợ người lao động khi giá cả tăng cao
Thời gian qua, giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu biến động, nhất là giá lương thực, thực phẩm tăng cao, khiến đời sống của người lao động (NLÐ) nghèo, nhất là công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) trong cả nước gặp nhiều khó khăn.
10/08/2011