Lên đỉnh Nậm Lầu xem người dân trồng thảo quả xóa nghèo

16:51, 06/08/2008

(HGĐT)- Từ thị xã Hà Giang, theo Quốc lộ 2 đường lên cửa khẩu Thanh Thủy, rồi vượt qua mấy chục km đường lầy trong mùa mưa lũ, chúng tôi mới đến được Xín Chải - xã biên giới thuộc diện 135 của huyện Vị Xuyên.


 

 Thảo quả trên đỉnh Nậm Lầu sắp vào mùa thu hoạch.


Nghe nói về “cây xóa nghèo” ở đây đã lâu, nên tôi xin Bí thư Đảng ủy xã Đặng Viết Duật bố trí cho được tiếp cận ngay, muốn tận mắt xem người dân trong xã trồng “cây xóa nghèo”. Anh đùa vui, nếu không sợ khổ thì nhà báo theo tôi về ngủ ở thôn, sáng hôm sau mới có thể lên rừng già xem được. Để lại xe máy ở trụ sở xã, lỉnh kỉnh đồ nghề theo sự dẫn đường của anh Duật, chúng tôi tiếp tục vượt gần chục km đường lầy lội để về với Nậm Lầu, thôn biên giới có số hộ dân và diện tích trồng thảo quả lớn nhất xã Xín Chải. Qua một đêm ngon giấc trên nhà sàn, buổi sáng Nậm Lầu thật trong lành, tôi cố dậy sớm giục Bí thư Duật lên đường.


Mất chừng 2 giờ vượt qua những vạt chè cổ thụ, xuyên qua rừng vầu dầy đặc, chúng tôi mới chạm đến được đỉnh Nậm Lầu thuộc dải Tây Côn Lĩnh. Ai nấy mồ hôi ướt đầm, Bí thư Duật tếu táo, chưa ăn thua gì, đỉnh 2400 bên kia còn có dốc “đói cơm, dốc ù tai và dốc…mẹ ơi”, làm cho ai cũng phì cười. Rồi anh chỉ ra trước mắt giới thiệu, trong những tán rừng già đó chính là nơi dân Nậm Lầu trồng thảo quả - “cây xóa nghèo” đấy. Bước chân lên lớp lá mục dầy, tiếng reo và mát của rừng già trên độ cao làm cho cái mệt nhọc được xua tan. Trước mắt chúng tôi, những vạt thảo quả hiện ra chạy dọc theo các khe núi, nơi có độ ẩm và nước mát, những chùm quả đỏ tươi mọc lên từ các bụi cây đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Cô sinh viên Huyền Trang, đang thực tập tại Báo Hà Giang, lần đầu được đi biên giới tấm tắc khen, thật không uổng công lên tận đây!.


Bí thư Duật vừa dẫn chúng tôi đi xem, vừa nói về chủ trương của xã với trọng điểm nông nghiệp là 2 loại cây xóa nghèo gồm có chè và đặc biệt là thảo quả. Anh nói, trồng thảo quả chỉ đầu tư 1 triệu đồng/1 ha, tận dụng được diện tích tự nhiên, không phải đầu tư phân bón, lại dễ chăm sóc; chừng 2 – 3 năm sau khi trồng là có thể thu hoạch và có thể cho thu trong 20 – 30 năm. Thấy rõ ưu thế, những năm qua xã đã phối hợp với Đoàn KT-QP 313 vận động dân trồng thảo quả. Đến nay, Đoàn 313 đã hỗ trợ hàng chục hộ trồng 160ha thảo quả, mỗi ha được hỗ trợ 1 triệu đồng. Từ đó, toàn xã đã phát triển được hơn 300ha, trong đó thôn Nậm Lầu có diện tích lớn nhất với khoảng 120ha. Từ chủ trương đúng, ban đầu chỉ có vài hộ trồng, sau thấy giá trị kinh tế, người dân đã thi nhau trồng thảo quả, toàn thôn có 61 hộ người Dao thì có đến 60 hộ trồng. Những gia đình có diện tích lớn từ 2,5 – 3ha như nhà Bí thư Duật, nhà ông Đặng Văn Thậy, nhà anh Đặng Văn Thông…


Đi trong rừng thảo quả, thật ngạc nhiên vì không hề có muỗi, vắt, hỏi ra mới biết, mùi thảo quả đã xua đuổi muỗi, vắt. Bí thư Duật tâm sự, trồng thảo quả còn góp phần bảo vệ rừng đầu nguồn và biên giới. Những nơi trồng thảo quả không ai dám phá rừng mà ngược lại, dân còn phát triển thêm rừng để tạo môi trường cho thảo quả phát triển. Với hơn 300ha thảo quả của xã hiện nay thì đi cùng là việc giữ được 300ha rừng đầu nguồn. Quả thật, đi trong rừng thảo quả tuyệt nhiên không hề có vết chặt, cây đổ, mọi thứ đều nguyên sơ, tạo ra cảnh quan rừng già hết sức kỳ thú.


Vào rừng thảo quả của anh Đặng Văn Thông, với chừng 3ha, anh Thông là một trong những người hưởng ứng tích cực nhất với việc trồng cây thảo quả và đạt sản lượng khá cao, 1,5 tấn quả tươi/ha. Hiện nay, trong 3 ha của anh đã có 1ha cho thu hoạch, 2ha còn lại sẽ cho thu trong 1 – 2 năm tới. Anh đang ươm hàng ngàn cây giống để mở thêm diện tích từ 2,5 – 3 ha nữa. Anh cho biết, nếu thuận lợi, trong 5 năm tới, gia đình phát triển được 5 – 6 ha thảo quả, bình quân 1,5 tấn quả/ha thì theo giá cả thị trường hiện nay sẽ có thể thu ngót trăm triệu đồng/năm. Với con số ấn tượng về cây thảo quả như vậy, so với việc trồng lúa đã thấy sự chênh lệch lớn. Từ đó, bài toán xóa nghèo của Xín Chải là bên cạnh việc trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực thì trồng cây gì là trọng điểm đã có lời giải.


Dự án thảo quả cũng giúp xã Xín Chải thực hiện chủ trương phát triển KT-XH vùng biên giới. Từ năm 2005 đến nay, nhiều hộ dân ở 2 thôn Nậm Lầu và Nhìu Sang đã được hỗ trợ tiền, hướng dẫn kỹ thuật trồng thảo quả từ các Dự án 120, Dự án 135 giai đoạn II và từ Đoàn KT-QP 313. Để tăng cường và khuyến khích dân trồng thảo quả, năm 2007 và 6 tháng đầu năm nay, xã đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Vị Xuyên hỗ trợ 43 hộ vay vốn ưu đãi với số tiền gần 900 triệu đồng.


Trao đổi về đầu ra cho thảo quả, Bí thư Duật nhận định, đầu ra rất ổn định, sản phẩm có đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Thị trường chủ yếu là Trung Quốc, họ thu mua làm gia vị, dược liệu…cho nên trong vài năm tới, khi diện tích thảo quả toàn xã nói chung và của Nậm Lầu nói riêng cho sản lượng cao, đồng thời, Quốc lộ 4D đang thi công từ Thanh Thuỷ đi Lào Cai chạy qua địa bàn xã được hoàn thành và cửa khẩu tiểu ngạch Lao Chải được mở thì đầu ra cho thảo quả càng thuận lợi. Trên cơ sở đó, 6 tháng đầu năm 2008, xã phát triển thêm được 30 ha thảo quả. Trong 300ha thảo quả đã trồng của toàn xã, có khoảng 1/4 diện tích đã cho thu hoạch.


Hiện nay, thảo quả đã giúp cho hàng chục hộ của xã thu về từ 10 – 15 triệu đồng/năm và cùng với cây chè là một trong những “cây xóa nghèo” của Xín Chải. Theo báo cáo của xã, nếu như năm 2007, toàn xã còn 53,5% hộ nghèo thì qua 6 tháng đầu năm nay giảm 13,7% xuống còn 39,8%, bình quân lương thực đầu người đạt 556kg/người/năm. Riêng ở Nậm Lầu, Bí thư Duật cho biết, trong vài năm tới, diện tích thảo quả tiếp tục được mở rộng, nhiều diện tích cho thu hoạch thì chắc chắn bộ mặt kinh tế của thôn sẽ được thay đổi toàn diện. Cùng với cây chè, chăn nuôi và các sản phẩm nông nghiệp khác sẽ có nhiều hộ khá và giàu lên trông thấy.


Nhiều khó khăn còn ở phía trước, nhưng hướng đi đúng ở thôn Nậm Lầu nói riêng và xã Xín Chải nói chung, lấy nông nghiệp làm trọng tâm, trong đó xác định trọng điểm là cây thảo quả đang mở ra nhiều hứa hẹn cho vùng quê đầy gian khó này.


Huy Toán

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công ty Cổ phần Vật tư nông - lâm nghiệp: Khắc phục khó khăn, kinh doanh có hiệu quả
(HGĐT)- Công ty Cổ phần vật tư nông, lâm nghiệp (NLN) được chính thức chuyển đổi sang cổ phần hoá từ năm 2006. Trong thời gian đầu công tygặp phải những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp, nhưng các cổ đông đã đoàn kết, tìm giải pháp khắc phục, giúp công ty vượt qua khó khăn và ngày một kinh doanh có hiệu quả.
30/07/2008
Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ước khoảng 35,2 tỷ đồng
(HGĐT)- BCĐ Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa lớn, lũ, lốc làm 12 người chết, 14 người bị thương.
30/07/2008
Ngân hàng ĐT&PT huyện Bắc Quang khai trương dịch vụ ngân hàng điện tử
(HGĐT)- Ngày 28.7, Phòng Giao dịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (ĐT&PT)huyện Bắc Quang, Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Hà Giang, tổ chức Lễ khai trương và cắt băng khánh thành dịch vụ ngân hàng điện tử (máy rút tiền tự động ATM).
30/07/2008
Phát triển làng nghề thủ công truyền thống
(HGĐT)- Đi song hành cùng Nghị quyết T.Ư 5 (khóa 8) của Đảng trong chiến lược: Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam đậm tính dân tộc, trong đó có việc khắp nơi trong cả nước cùng khôi phục lại các làng nghề, ngành nghề truyền thống. Việc khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát huy các nét tinh hoa văn hóa dân tộc còn mang ý nghĩa “sống còn” trong quá trình phát triển
30/07/2008