Hà Giang

Bắc Mê nâng cao chất lượng đàn trâu, bò

14:40, 18/09/2020

BHG - Khó khăn trong việc phát hiện thời gian động dục; không đồng nhất về tiếng nói với người dân; khoảng cách xa nên khi được báo thì thời gian động dục, thụ tinh đã qua… Đó là những hạn chế mà ngành chăn nuôi Bắc Mê đang gặp phải. Để khắc phục những hạn chế đó, nhằm cải tạo và nâng cao tầm vóc, chất lượng của đàn trâu, bò; huyện Bắc Mê đã triển khai và chú trọng xây dựng hệ thống dẫn tinh viên cơ sở.

Cán bộ thú y huyện đánh giá chất lượng bò thụ tinh nhân tạo tại thôn Bản Khum, xã Yên Cường.
Cán bộ thú y huyện đánh giá chất lượng bò thụ tinh nhân tạo tại thôn Bản Khum, xã Yên Cường.

Được triển khai từ năm 2015, với các đối tượng là: Khuyến nông viên, Trưởng ban Thú y xã, cán bộ thú y thôn, bản… Trong 5 năm qua, huyện Bắc Mê đã tiến hành đào tạo và cử 46 người đi học các lớp đào tạo tại huyện và tỉnh Thái Nguyên, huyện Ba Vì (Hà Nội)… Đánh giá về vai trò và những đóng góp của hệ thống dẫn tinh viên cơ sở, đồng chí Nguyễn Thu Hằng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: “Dẫn tinh viên cơ sở có những lợi thế: Là người gần gũi với đồng bào, có thể dễ dàng chia sẻ; thường xuyên tiếp xúc và nắm bắt được thông tin về thời gian và sức khỏe của từng con trâu, bò từ đó nắm được thời gian động dục và đưa đến tỷ lệ thụ tinh thành công cao. Theo đó, trong những năm gần đây, đàn trâu, bò của huyện đã dần thay đổi về vóc dáng và chất lượng. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn huyện thụ tinh thành công 94 ca và nhu cầu phát triển đàn gia súc theo phương pháp thụ tinh nhân tạo ngày một tăng…”.

Tỷ lệ thụ tinh thành công từ 70 – 100%, không phải đi quá xa, dễ dàng gặp và thường xuyên trao đổi trực tiếp với người dân đã góp phần tăng tỷ lệ và tăng số ca thụ tinh của thôn, xã. Anh Phùng Càn Mán, thôn Bản Khum, xã Yên Cường, cho biết: “Là Trưởng thôn kiêm cán bộ thú y thôn, tôi vinh dự được lựa chọn đi học lớp tập huấn dẫn tinh viên do huyện mở. Sau khi học về, tôi đã tuyên truyền và làm thay đổi nhận thức của người dân; tôi đã thực hành thụ tinh nhân tạo trên con bò của gia đình; sau quá trình thụ tinh, bò con sinh ra khỏe mạnh, có vóc dáng to, lông óng mượt… Thấy được hiệu quả của phương pháp mới, nhiều người dân trong thôn tin tưởng và đến xin thử nghiệm trên trâu, bò của gia đình. Đến nay, tôi đã thụ tinh nhân tạo thành công được hơn 10 ca tại thôn”.

Được mệnh danh “Bác sỹ thú y” của xã, anh Bồn Văn Đì, Trưởng ban Thú y xã Yên Cường chia sẻ: “Thụ tinh nhân tạo là việc chưa từng có trong tiền lệ, bởi vậy ban đầu khi mới triển khai, đa phần người dân đều lắc đầu và phản đối. Nhưng, sau khi nhìn thấy tận mắt, cùng với đó đánh vào tâm lý của người dân thích những con trâu, bò có thân hình to, lông mượt đẹp,… thì tư tưởng của người dân đã thay đổi. Kể từ năm 2017 đến nay, tôi đã tiến hành thụ tinh thành công trên 100 ca, kết quả cho ra giống tốt, chất lượng và bán được với giá thành cao. Hiện nay, nhu cầu trong dân về thụ tinh nhân tạo rất cao…”.

Đã có 2 lứa bò tiến hành thụ tinh nhân tạo, anh Hoàng Càn Vinh, thôn Bản Khum, xã Yên Cường, cho biết: “Ban đầu khi được vận động thử nghiệm thụ tinh nhân tạo trên bò, gia đình cũng băn khoăn và không định làm, nhưng do không có con đực để phối giống nên gia đình quyết định thử nghiệm phương pháp mới. Được tuyên truyền về nhận biết thời gian động dục, gia đình đã báo ngay với cán bộ thú y thôn. Trong quá trình bò mang thai, cán bộ thú y thường xuyên kiểm tra cho đến khi bê con ra đời, to khỏe, lớn nhanh và bò mẹ vẫn khỏe mạnh nên gia đình đã tiếp tục đăng ký phương pháp này. Việc có được những chú bò to khỏe giúp gia đình có thêm động lực phát triển và mở rộng diện tích chăn nuôi…”.

Để tiếp tục phát triển và xây dựng hệ thống dẫn tinh viên cơ sở, tạo tiền đề cho việc phát triển đàn gia súc theo hướng hàng hóa, huyện đã xây dựng kế hoạch và tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đối với hệ thống Dẫn tinh viên cơ sở. Theo đó, trong quý IV.2020 sẽ mở lớp tập huấn, các học viên sẽ được thực hành cũng như trải nghiệm thực tế tại trại bò Ba Vì; mở rộng đối tượng học và tập trung là người dân trong thôn; tiến hành bình tuyển trâu, bò thụ tinh đạt chất lượng để phục vụ công tác tuyên truyền…

Bài, ảnh: Hoàng Yến


Cùng chuyên mục

Kiểm định an toàn bức xạ và thiết bị X-quang

BHG - Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 đơn vị sử dụng khoảng 50 thiết bị chụp X-quang. Trong đó, có 5 máy X-quang chụp cắt lớp vi tính CT scanner, 2 máy X-quang chụp răng, 3 máy X-quang đo mật độ xương, còn lại là thiết bị chụp X-quang tổng hợp. Trên thực tế, việc đo liều bức xạ chính xác rất cần thiết cho việc đảm bảo chất lượng xạ trị. Để đảm bảo điều đó, các thiết bị đo liều tại các cơ sở y tế cần được kiểm tra và chuẩn định kỳ một cách tin cậy.

 

31/08/2020
Hội nghị BCH Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh lần thứ 8

BHG - Sáng 28.7, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật (KH&KT) tổ chức Hội nghị BCH lần thứ 8, nhiệm kỳ 2016-2021. Tham dự có đại diện một số sở, ban, ngành cùng các Hội thành viên. Hội nghị đã thông qua kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.

 

28/07/2020
Đồng Văn ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất

BHG - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Đồng Văn đạt được những thành tích đáng tự hào, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi từng bước được nâng lên, chất lượng nông sản được cải thiện...

24/08/2020
Toàn tỉnh có 64.616 lượt người tải ứng dụng Bluezone trong phòng, chống dịch Covid-19

BHG - Theo thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), tính đến 10h ngày 20.8, tổng số lượt tải ứng dụng phần mềm Bluezone tại Hà Giang là 64.616 lượt, đạt 7,53% so dân số của tỉnh.

20/08/2020