Nghiên cứu nhân giống và phát triển cây Sâm cau trên địa bàn tỉnh

08:43, 05/11/2019

BHG - Cây Sâm cau là loài cây thảo, phân bố ở nhiều nước Đông Nam Á, châu Á. Theo y học cổ truyền, Sâm cau có tác dụng lợi tiểu, sử dụng chữa trĩ, vàng da, hen suyễn, tiêu chảy, lậu. Trong y học cổ truyền Ấn Độ, Trung Quốc, Sâm cau được sử dụng như thuốc tăng cường chức năng sinh lý cho nam giới; điều trị suy giảm thể lực, chữa bệnh hen suyễn, còi, kháng viêm, chống ung thư. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho thấy, tác dụng chính của Sâm cau là tăng cường sức khỏe và tinh thần, giảm mệt mỏi, tăng sức lực và độ dẻo dai, củng cố hệ thống miễn dịch…

Cây Sâm cau.                                                         Ảnh: TL
Cây Sâm cau. Ảnh: TL

Sâm cau mọc hoang ở một số vùng núi rừng tại Việt Nam, trong đó có Hà Giang. Cây thường được nhân giống bằng hạt hoặc bằng tách mầm, tỷ lệ nảy mầm của hạt rất thấp. Đồng thời, do việc khai thác quá mức trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng nguy cấp hiện nay của loài cây này ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Sâm cau sống lâu năm, có chiều cao cây khoảng 20-30 cm hoặc hơn. Có từ 3 – 6 lá, hình mũi mác xếp nếp tựa như lá cau nên gọi là Sâm cau. Thân rễ mập, hình trụ dài, dạng củ, to bằng ngón tay út, có rễ phụ nhỏ, vỏ thô màu nâu, trong nạc màu vàng ngà. Cây Sâm cau ưa ẩm, ưa sáng và hơi chịu bóng, thường sống trên những nơi đất còn tương đối mầu mỡ trong thung lũng, chân núi đá vôi hoặc ven rẫy. Sâm cau là loài cây sống rất khỏe, lá xanh tốt quanh năm vì thế có thể trồng trong chậu làm cây cảnh.

Củ Sâm cau.                          Ảnh: HUY TOÁN
Củ Sâm cau. Ảnh: HUY TOÁN

Từ trước đến nay, chỉ có nghiên cứu nhân giống loài Sâu cau bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, chưa có nghiên cứu nào đề cấp đến quy trình nhân giống bằng hạt và mầm loài cây này. Trong những năm gần đây, do khai thác nhiều nên Sâm cau đã trở nên hiếm gặp ở nước ta. Căn cứ vào kết quả điều tra thực tế; từ năm 1996 đến nay, loài Sâm cau được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam và Danh mục Đỏ cây thuốc Việt Nam. Loài cây này luôn được xếp vào nhóm những loài cây thuốc bị đe dọa, cần ưu tiên bảo tồn ở Việt Nam.

Hà Giang là tỉnh được đánh giá là có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại. Tỉnh Hà Giang cùng với tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc, Lào Cai, Bắc Giang và một phần của Thái Nguyên là những tỉnh nằm trong phạm vi quy hoạch dược liệu của cả nước. Sâm cau là một trong số loài cây dược liệu bản địa, quý hiếm của Hà Giang. Sâm cau đang được khai thác chủ yếu từ tự nhiên bởi các cá nhân hoặc hộ dân. Hình thức thu hái chủ yếu là tự phát theo kinh nghiệm hoặc theo quy định của đơn vị thu mua, chưa có nuôi trồng và thu hái khoa học.

Theo lãnh đạo Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ mới Hà Giang, hiện nay, Hà Giang chưa có nghiên cứu chuyên sâu về nhân giống, trồng trọt, thu hái và bảo quản Sâm cau. Để phát triển thành vùng trồng lớn cung cấp nguyên liệu và phát triển sản phẩm có nguồn gốc Sâm cau phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân cần thiết phát triển các quy trình kỹ thuật nhân giống, nuôi trồng phù hợp với điều kiện Hà Giang.

Để có đầy đủ cơ sở khoa học làm nền tảng cho phát triển loài cây Sâm cau tại Hà Giang, Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ mới Hà Giang đã được tỉnh giao Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống và phát triển cây Sâm cau trên địa bàn tỉnh Hà Giang“. Theo đó, kết quả nghiên cứu sẽ hoàn thiện và xây dựng được các quy trình kỹ thuật nhân giống; quy trình trồng trọt, thu hái và bảo quản dược liệu Sâm cau. Trên cơ sở đó sẽ từng bước hình thành vùng nguyên liệu Sâm cau sạch theo hướng dẫn của GACP-WHO để phát triển sản xuất và bào chế thành sản phẩm Sâm cau có giá trị kinh tế cao, tạo thành một đặc sản đặc trưng của Hà Giang, thu hút khách du lịch, góp phần giảm nghèo, phù hợp với định hướng phát triển KT - XH của tỉnh.

Đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống và phát triển cây sâm cau” được triển khai từ tháng 10.2019 đến tháng 10.2022, với các nội dung thực hiện như: Hoàn thiện quy trình nhân giống cây Sâm cau bằng giâm hom và xây dựng vườn lưu giữ phục vụ công tác bảo tồn và nhân giống; nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, thu hái, sơ chế và bảo quản dược liệu Sâm cau theo hướng dẫn GACP-WHO.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được ứng dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang và trong cả nước. Kết quả nghiên cứu góp phần chung tay thực hiện thành công Chương trình phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Quy trình sản xuất giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu được chuyển giao cho các công ty dược liệu, chính quyền địa phương và người dân tham gia trồng dược liệu tại Hà Giang.

Anh Vũ Hoàng Hiệp, Giám đốc Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ mới Hà Giang cho biết, Trung tâm đã tiếp nhận được quy trình công nghệ xử lý và chiết xuất cao chiết Sâm cau; công nghệ pha chế rượu Sâm cau; công nghệ bào chế viên nang thực phẩm chức năng từ Sâm cau. Ngoài ra Trung tâm còn được đầu tư một dây chuyền chiết xuất dược liệu đa năng. Đây là điều kiện cần để xây dựng một vùng nguyên liệu cây Sâm cau và một sản phẩm sâm cau đặc trưng của Hà Giang.

            Huy Ba


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vì sao sợi amiang trắng vẫn được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới?

Đầu những năm của thế kỷ 20, để phục vụ cho sự phát triển công nghiệp mãnh mẽ, đặc biệt là trong Chiến tranh Thế giới thứ II, các loại sợi amiang gồm cả amiang nâu và amiang xanh đã được khai thác và sử dụng với quy mô lớn.

29/10/2019
Doanh nghiệp sản xuất tấm lợp "thoi thóp" chờ đợi quyết sách

Sau những tranh cãi kéo dài về amiăng trắng, trong khi chưa có được quyết định cuối cùng của cơ quan chức năng, thì rất nhiều doanh nghiệp đang lâm vào khó khăn, hàng nghìn công nhân mất việc làm.

 
28/10/2019
Hội thảo tư vấn phản biện "Đánh giá tác động chương trình phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang"

BHG - Sáng 28.10, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện "Đánh giá tác động chương trình phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang". Dự hội thảo có lãnh đạo các huyện vùng dược liệu; đại diện các sở, ngành có liên quan,…

 

28/10/2019
Tập tục mai táng là câu chuyện lớn, phải bàn rất kỹ

Nhận định này được đưa ra tại Diễn đàn khoa học "Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra", do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức, chiều 27/8.

28/08/2019