Hà Giang

Đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất

09:09, 14/11/2019

BHG - Bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, với chủ đề xuyên suốt là đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ (KHKT&CN) vào sản xuất (Nghị quyết); trong nhiệm kỳ, việc nghiên cứu, ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất và đời sống được tỉnh ta triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh, với 18 nhiệm vụ cấp Trung ương, 86 nhiệm vụ cấp tỉnh, 40 nhiệm vụ cấp sở, ngành, 62 nhiệm vụ cấp huyện, thành phố. Việc ứng dụng KHKT&CN trên mọi lĩnh vực hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến, chăm sóc sức khỏe nhân dân… đã góp phần thúc đẩy KT-XH, giải quyết được những vấn đề cấp thiết, mang tính đột phá phù hợp với điều kiện, khả năng kinh tế của địa phương.

Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở xã Bằng Lang (Quang Bình).
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở xã Bằng Lang (Quang Bình).

Trong lĩnh vực CNTT, đến nay, tỉnh đã ứng dụng đồng bộ hệ thống văn phòng điện tử, thư điện tử, một cửa điện tử, hội nghị trực tuyến... vào hoạt động quản lý và điều hành của các ban, ngành đoàn thể từ tỉnh đến xã đạt kết quả mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ. Đồng thời, đưa vào sử dụng toàn diện và thống nhất phần mềm quản lý văn bản điều hành điện tử (VNPTIONffice) đến 100% các cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn; tích hợp chữ ký số chuyên dùng trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trên địa bàn tỉnh; hoàn thành việc nâng cấp và mở rộng hệ thống giao ban điện tử của tỉnh đảm bảo liên thông từ tỉnh tới các huyện, thành phố và 195/195 điểm cầu xã, thị trấn; tích hợp 3 phần mềm ứng dụng VNPT – Ioffice, VnEdu, Portal, xây dựng cơ sở dữ liệu giáo viên, học sinh các cấp trên VnEdu.

Trung tâm Giống cây trồng Đạo Đức Ứng dụng KHKT nhân giống cây cam Xoàng.
Trung tâm Giống cây trồng Đạo Đức Ứng dụng KHKT nhân giống cây cam Xoàng.

Y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được tỉnh xác định là lĩnh vực ưu tiên và triển khai hiệu quả phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS; phần mềm quản lý khám, chữa bệnh tại 16/16 bệnh viện; phần mềm y tế xã/phường liên thông đối với 195/195 trạm y tế cấp xã, đáp ứng yêu cầu quản lý của các cơ sở y tế và phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh: Kỹ thuật phẫu thuật thay khớp háng, nội soi khớp gối, kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tạm thời, xét nghiệm Genxpest chẩn đoán lao nhanh và lao kháng thuốc.

Xác định lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến là trọng tâm; tỉnh đã ưu tiên các đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, khả năng phòng, chống dịch bệnh tốt, xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, chuỗi giá trị, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh phát triển các giống cây, con đặc trưng, có lợi thế của tỉnh... Điển hình là các kết quả nghiên cứu sản xuất giống 20 loài dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh, mô hình nhân giống, thâm canh Hồng không hạt Quản Bạ, mô hình phát triển trâu lai tại Bắc Quang, mô hình phát triển bò vàng Cao nguyên đá... Đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học làm chủ công nghệ sản xuất một số giống dược liệu quý và giống cây trồng, vật nuôi đặc sản của tỉnh bằng phương pháp Invitro như cây Ba kích tím, Giảo cổ lam 5 và 7 lá, Đinh lăng, Đan sâm, Tục đoạn, Bình vôi, Hà thủ ô đỏ, Kim ngân; sinh sản nhân tạo giống cá Lăng chấm, cá Chiên; thụ tinh nhân tạo trâu lai; nhân giống và bảo tồn nguồn gen gà Lông xước, lợn đen Lũng Pù... Cùng với đó, để tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tỉnh đã tiếp nhận các công nghệ sản xuất có quy mô phù hợp với điều kiện phát triển của tỉnh góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm như: Công nghệ giảm thủy phần mật ong Bạc hà; chiết xuất dược liệu đa năng, công nghệ sản xuất ván ghép thanh từ gỗ rừng trồng, công nghệ chế biến chè xuất khẩu… đã tạo ra một số sản phẩm từ nguồn nguyên liệu của địa phương như: Viên nang Sâm cau, rượu Sâm cau, viên nang Giảo cổ lam, trà Giảo cổ lam, bột dinh dưỡng Ấu tẩu, kem xoa bóp Ấu tẩu, cao Atiso, cao Đương quy, cao Hà thủ ô, cao mạnh gân hoạt cốt, bổ khí ích não, cao tắm, trà gừng cao nguyên đá, mật ong Bạc hà, mật ong hoa rừng, mật ong Hoa xuyến chi...

Với mục tiêu ứng dụng KHCN, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đạt từ 40,5% trở lên theo Nghị quyết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 76.067 máy; trong đó cơ giới hóa trong trồng trọt: 38.117 máy; chăn nuôi 35.935 máy; chế biến, bảo quản 2.015 máy, công xuất từ 8 - 18 mã lực; tỷ lệ cơ giới hóa bình quân đạt 34,1% so với tổng diện tích đất canh tác...

Có thể khẳng định, sau gần một nhiệm kỳ triển khai nội dung đột phá về ứng dụng KHKT&CN vào sản xuất theo Nghị quyết đã làm rõ hơn được vị trí, vai trò của KHCN trong tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Hoạt động KHCN được đổi mới từ khâu xác định nhiệm vụ đến khâu tổ chức thực hiện; các nhiệm vụ đột phá được lựa chọn đều mang tính ứng dụng cao, tác động ngay vào thực tiễn trên các tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực CNTT đã tạo được bước đột phá vượt bậc trong khâu ứng dụng các giải pháp mới, đồng bộ vào hoạt động của các cơ quan nhà nước góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ. Lĩnh vực công nghệ sinh học, đã làm chủ được công nghệ sản xuất một số giống dược liệu quý và giống cây trồng, vật nuôi đặc sản của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm đặc thù của tỉnh. Trong lĩnh vực KHKT, nhiều máy móc, thiết bị công nghệ mới được ứng dụng vào sản xuất, làm chuyển biến rõ nét về năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm sau thu hoạch... Trong lĩnh khoa học - xã hội và nhân văn, đã tạo được bước đột phá về cách làm mới, thông qua Đề tài “xây dựng chiến lược tái cơ cấu kinh tế tỉnh Hà Giang” đã gắn kết được nghiên cứu khoa học với đào tạo cán bộ, gắn giải pháp từ kết quả nghiên cứu với xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể đối với từng chuyên đề phục vụ tái cơ cấu kinh tế tỉnh đến năm 2025.

Bài, ảnh: VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vì sao sợi amiang trắng vẫn được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới?

Đầu những năm của thế kỷ 20, để phục vụ cho sự phát triển công nghiệp mãnh mẽ, đặc biệt là trong Chiến tranh Thế giới thứ II, các loại sợi amiang gồm cả amiang nâu và amiang xanh đã được khai thác và sử dụng với quy mô lớn.

29/10/2019
Doanh nghiệp sản xuất tấm lợp "thoi thóp" chờ đợi quyết sách

Sau những tranh cãi kéo dài về amiăng trắng, trong khi chưa có được quyết định cuối cùng của cơ quan chức năng, thì rất nhiều doanh nghiệp đang lâm vào khó khăn, hàng nghìn công nhân mất việc làm.

 
28/10/2019
Hội thảo tư vấn phản biện "Đánh giá tác động chương trình phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang"

BHG - Sáng 28.10, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn phản biện "Đánh giá tác động chương trình phát triển cây dược liệu tỉnh Hà Giang". Dự hội thảo có lãnh đạo các huyện vùng dược liệu; đại diện các sở, ngành có liên quan,…

 

28/10/2019
Không để thông tin thái quá về tấm lợp fibro xi măng gây hoang mang dư luận

Việc kêu gọi cấm sử dụng amiăng trắng trong tấm lợp fibro xi măng đã kéo dài nhiều năm qua tại Việt Nam khiến người sử dụng hoang mang, doanh nghiệp thì chịu tổn hại nặng nề. Mới đây, trước việc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý kiến không đúng sự thật về amiăng trắng, UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội đã làm văn bản báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

26/10/2019