Hà Giang

Kỹ thuật ủ rơm bằng urê để dự trữ thức ăn cho gia súc

12:32, 02/11/2018

BHG - Hàng năm vào vụ Đông - xuân thường có sương muối, rét đậm, rét hại kéo dài nên các loại thức ăn thô xanh cho trâu, bò thường sinh trưởng và phát triển kém, thậm chí có khả năng ngừng sinh truởng. Mặt khác, đa số người dân chăn nuôi chưa chủ động hoặc chưa có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng hợp lý nên dẫn đến tình trạng thiếu thức ăn; trâu, bò chết đói nhiều hơn là chết rét, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Trong khi đó, sau khi thu hoạch lúa vụ Mùa, nguồn rơm rạ rất dồi dào, nhưng ở một số nơi người dân đốt làm ảnh hưởng đến môi trường, tiêu diệt các sinh vật có ích trên đồng ruộng... Do đó, việc áp dụng phương pháp ủ rơm với urê (phương pháp kiềm hóa rơm) sẽ giúp người chăn nuôi khắc phục một phần tình trạng thiếu thức ăn trong vụ Đông - xuân và những ngày giá rét kéo dài.

Ủ rơm bằng urê cho phép bảo quản rơm không bị mốc, không bị tổn thất chất hữu cơ mà còn làm tăng hàm lượng protein thô, tăng tỷ lệ tiêu hóa, giúp trâu bò ăn được nhiều hơn và cho năng suất cao hơn so với cho ăn rơm không xử lý. Như vậy, phương pháp ủ rơm bằng urê không những cho phép cải thiện chất lượng dinh dưỡng của rơm mà khắc phục được tình trạng thiếu hụt lượng thức ăn thô cho trâu, bò trong vụ Đông - xuân. Đồng thời, việc bảo quản rơm rất đơn giản, dễ làm, phù hợp với trình độ của nông dân. Phương pháp bảo quản rơm làm thức ăn cho trâu, bò sẽ giúp nhiều hộ chăn nuôi có nguồn thức ăn dự trữ trong vụ Đông, giúp hạ giá thành thức ăn và tăng lợi nhuận trong chăn nuôi trâu, bò.

1. Chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu (tính cho 100 kg rơm khô):

- Rơm khô: Sau khi thu hoạch lúa tiến hành phơi khô rơm để làm thức ăn cho gia súc. Rơm khô ủ với urê phải có mầu vàng tự nhiên, thơm, không bị nát, không bị thối, mốc và không bị lẫn bùn.

- Phân đạm Urê: 2-5 kg.

- Muối ăn: 0,5 kg.

- Nước sạch: 90-100 lít

- Vật liệu chứa rơm (hố ủ): Tận dụng các điều kiện sẵn có của gia đình như các góc tường, bể xây, ô chuồng trống không nuôi gia súc, thậm chí ủ trong bao phân đạm, bao tải xác rắn, túi nilon loại lớn,... nhưng cần đảm bảo chắc chắn, sạch sẽ và không gồ ghề để nén thức ăn được chặt chẽ và dễ dàng.

- Vật liệu đệm lót, che phủ: Dùng nilon, lá chuối... ghép kín lại để đảm bảo thức ăn không nhiễm đất, cát bẩn và hạn chế thất thoát urê.

2. Kỹ thuật ủ

- Bước 1: Cân rơm và tiến hành băm rơm thành từng đoạn từ 1 -15 cm. Chuẩn bị các nguyên liệu (phân đạm Urê, muối ăn, nước sạch) theo trọng lượng rơm khô. Hoà tan phân đạm Urê, muối vào nước, cần khuấy đều để cho phân đạm Urê tan hết.

- Bước 2: Lần lượt rải rơm ra sân xi-măng hoặc nền sạch, tưới đều bằng ô doa dung dịch urê - muối - nước đã khuấy hoà tan, lấy cào đảo qua, đảo lại và dùng chân (có đeo ủng) dậm cho dung dịch thấm đều vào nguyên liệu. Sau đó, cho rơm vào hố ủ theo từng lớp 20 cm, trên mỗi lớp, nén cho chặt. Cứ lần lượt từng lớp như vậy cho tới khi hết lượng rơm cần ủ.

- Bước 3: Dùng vật liệu đệm lót phủ kín lại. Chặn cho chặt và kín hố ủ bằng gạch, ngói, củi khô,... để không khí, nước mưa, vi sinh vật,... ở ngoài không lọt vào và khí amoniắc ở trong không bay ra được. Nếu ủ vào các bao nhỏ thì sau khi trộn đều rơm với dung dịch urê thì nén thật chặt, buộc kín lại. Đặt các bao vào nơi sạch sẽ, tránh đặt trên nền đất, che chắn cận thận để tránh mưa nắng và ẩm ướt. 

Chú ý: Nơi ủ phải chọn nơi khô ráo, tránh nước mưa và nước từ nơi khác thấm vào.

3. Cách sử dụng

- Rơm sau khi ủ từ 7 -10 ngày bắt đầu lấy ra cho gia súc tập ăn dần. Khi lấy rơm ủ cho gia súc ăn chỉ nên lấy ra ở 1 góc (không lật toàn bộ lớp đệm lót che phủ) lấy rơm xong lại lấp lớp đệm lót che phủ lên cho kín.

- Yêu cầu về chất lượng: Rơm ủ từ 3-6 tháng đạt chất lượng phải có màu vàng đậm, mềm, có mùi thơm dễ chịu, không có mùi nấm mốc, giúp cho gia súc tiêu hóa tốt.

- Lần đầu, nên tập cho trâu, bò ăn như sau:  Lấy rơm ủ ra phơi trong mát 30 - 45 phút để bay bớt mùi urê trước khi cho ăn. Ban đầu cho ăn ít 1 - 2kg/con/ngày, tập cho gia súc ăn dần bằng cách trộn lẫn với cỏ tươi, sau 2 - 3 ngày sẽ quen rồi tăng dần lượng ăn lên. Mỗi ngày cho ăn tối đa từ 5 - 6 kg rơm ủ/con, ngoài ra hàng ngày vẫn chăn thả.

Chú ý: Phải cho trâu, bò uống đủ nước khi sử dụng thức ăn rơm ủ urê, không cho trâu, bò ăn urê trực tiếp.

Ngoài ra, có thể ủ rơm với urê và rỉ mật để làm thức ăn cho trâu, bò. Tỷ lệ rơm, u rê, nước cũng giống như trên nhưng có thêm 4 kg rỉ mật cho 100 kg rơm. Phương pháp ủ tương tự như trên nhưng cần  hòa tan đều cả urê và rỉ mật trong nước.

  Nguyễn Phương Hạnh

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin tại Bảo hiểm Xã hội tỉnh

BHG - Trong những năm qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động nghiệp vụ; nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp và người dân. BHXH tỉnh đã triển khai đồng loạt các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng CNTT trong toàn hệ thống trên cơ sở rà soát từng quy trình, thủ tục các lĩnh vực nghiệp vụ; đặc biệt là thu BHXH, Bảo hiểm Y tế (BHYT)... 

28/09/2018
Tọa đàm: Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan báo chí

BHG - Ngày 28.9, tại huyện Mộc Châu (Sơn La), Báo Kinh tế & Đô thị, Báo Sơn La và Công ty TNHH Tiền Phong (Hà Nội) tổ chức Tọa đàm về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan báo chí. Dự Tọa đàm có lãnh đạo, phóng viên, cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của các cơ quan báo Đảng các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Giang, Điện Biên và Phú Thọ.

28/09/2018
Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban. Ủy viên Thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

28/08/2018
Tổng kết dự án bảo tồn nguồn gen cây thuốc của người Dao và cải thiện sinh kế cộng đồng

BHG - Ngày 24.8, tại xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ), Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây thuốc Dân tộc Cổ truyền đã tổ chức tổng kết dự án bảo tồn nguồn gen cây thuốc của người Dao và cải thiện sinh kế cộng đồng. Tham dự có: Đại diện Quỹ Môi trường toàn cầu-Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP-GEF SGP); lãnh đạo một số sở, ngành; đại diện huyện Quản Bạ; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, HTX cộng đồng Nặm Đăm.

 

25/08/2018