Hà Giang

Bảo vệ tài nguyên nước vì nhu cầu phát triển

09:04, 07/09/2017

BHG - Kết quả nghiên cứu, khảo sát của cơ quan chuyên môn mới đây đã xác định, tổng lượng nước trung bình nhiều năm tại các sông, suối trên địa bàn tỉnh đạt hơn 8,279 tỷ m3. Trong đó, các tiểu lưu vực sông Miện đạt 727 triệu m3, thượng sông Lô 311 triệu m3, sông Ngòi Sảo 557 triệu m3, giữa sông Lô gần 1.647 triệu m3... Trữ lượng, tiềm năng nước dưới đất đạt trên 1,7 m3/ngày;  trong đó, các tiểu lưu vực sông Bạc đạt 8.709 m3/ngày, thượng sông Con 68.584 m3/ngày, giữa sông Con 177.110 m3/ngày, thượng sông Lô 31.924 m3/ngày, Ngòi Sảo 247.508 m3/ngày, tiểu lưu vực hạ sông Con 158.600 m3/ngày, sông Nho Quế 34.363 m3/ngày và tiểu lưu vực sông Nhiệm 138.127 m3/ngày...

Nhìn chung, chất lượng nước mặt tại các sông, suối tương đối tốt; tuy nhiên, một số khu vực đang xảy ra ô nhiễm ở mức độ khác nhau. Đơn cử như, khu vực bị ô nhiễm hữu cơ, nguồn nước chỉ phục vụ mục đích cấp nước nông nghiệp, giao thông thủy gồm: Sông Chảy đoạn từ xã Trung Thịnh (Xín Mần) đến hết địa phận Hà Giang, sông Ngòi Sảo đoạn từ xã Thượng Bình (Bắc Quang) đến trước khi nhập lưu với sông Lô tại xã Kim Ngọc (Bắc Quang), sông Lô đoạn từ Vĩnh Hảo đến hết thị trấn Vĩnh Tuy (Bắc Quang), sông Con đoạn từ xã Tiên Kiều - Vĩnh Hảo (Bắc Quang). Đặc biệt, nước suối Đỏ tại khu vực xã Bản Díu (Xín Mần) bị ô nhiễm nghiêm trọng, chỉ đáp ứng mục đích giao thông thủy... Vì vậy, cần có các giải pháp quy hoạch, hạn chế gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng nguồn nước tại các khu vực này.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ rõ, khu vực có khả năng cấp nước cho mục đích sinh hoạt, nhưng phải qua xử lý gồm: Thượng nguồn sông Chảy đoạn từ xã Hồ Thầu - Nàng Đôn (Hoàng Su Phì), sông Lô đoạn từ cửa khẩu Thanh Thủy đến phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang), sông Miện đoạn từ xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) - Ngọc Đường (thành phố Hà Giang), sông Lô đoạn từ Đạo Đức (Vị Xuyên) - thị trấn Vị Xuyên và từ Quang Minh - Hùng An (Bắc Quang)... Khu vực có chất lượng nước tương đối tốt gồm sông Nho Quế, sông Nhiệm, sông Miện đoạn từ Cán Tỷ (Quản Bạ) - Thuận Hòa; sông Lô đoạn từ phường Minh Khai (thành phố Hà Giang - xã Đạo Đức, sông Con đoạn từ Nà Chì (Xín Mần) - Tiên Kiều, sông Ngòi Sảo đoạn từ Ngọc Minh - Bạch Ngọc (Vị Xuyên), cần có giải pháp quy hoạch, bảo vệ.

Nguồn nước dưới đất trên địa bàn tỉnh thường từ siêu nhạt đến rất nhạt, đảm bảo phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Trong đó, nước siêu nhạt có độ tổng khoáng hóa nhỏ hơn 0,2g/l chiếm 86%, phân bố chủ yếu ở phía Đông và khu vực trung tâm của tỉnh. Các kết quả phân tích chất lượng nước dưới đất cho thấy, tại khu vực phường Minh Khai, Ngọc Hà, Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) có chỉ tiêu Mangan, Kẽm vượt quá tiêu chuẩn cho phép; thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) các chỉ tiêu Cadimi và Chì đều vượt quá quy định. Ngoài ra, một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Giang, chỉ tiêu Amoni, Chì chưa vượt quá tiêu chuẩn nhưng có xu thế tăng lên theo các năm. Do đó, cần có giải pháp quy hoạch, giám sát chất lượng nước dưới đất tại khu vực này.

Hiện nay, các khu vực khai thác nước dưới đất quy mô lớn tập trung chủ yếu ở thành phố Hà Giang, thị trấn Yên Minh (Yên Minh), Việt Quang (Bắc Quang), Vị Xuyên, Quản Bạ, Đồng Văn và Mèo Vạc. Việc khai thác nước dưới đất quy mô lớn sẽ dẫn đến nguy cơ suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ảnh hưởng đến chất lượng và trữ lượng tầng chứa nước. Ngoài ra, việc khai thác quá mức có thể gây sụt, lún nền đất, đặc biệt với các công trình khai thác nước dưới đất trong đá vôi. Hơn nữa, những khu vực này có lượng khai thác nước lớn, nhưng chưa có các công trình quan trắc, giám sát trữ lượng, chất lượng nước dưới đất...

Hiện nay, tổng lượng tài nguyên nước mặt trên các sông, suối tương đối lớn; trong đó, các khu vực Vị Xuyên, thành phố Hà Giang có lượng dòng chảy lớn, đạt 1,64 tỷ m3/năm nên khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước mặt thuận lợi. Trong khi đó, tại các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, tổng lượng nhỏ 0,11 tỷ m3/năm, khả năng khai thác, sử dụng nguồn nước gặp nhiều khó khăn. Các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ có tổng lượng dòng chảy mặt nhỏ, 233,5 tỷ m3/năm. Bên cạnh đó, các nhánh suối trên địa bàn tỉnh thường ngắn và dốc, khả năng điều tiết nguồn nước trên các sông, suối rất hạn chế, ít vị trí có khả năng xây dựng hồ chứa điều tiết nguồn nước từ mùa mưa phục vụ nhu cầu nước mùa khô.

Từ thực trạng trên, UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ tài nguyên nước đến năm 2025, định hướng 2030 với nguồn kinh phí trên 75 tỷ đồng nhằm: Khôi phục 11.772 ha rừng phòng hộ đầu nguồn đang bị suy thoái, bảo vệ 186.020 ha rừng phòng hộ đầu nguồn hiện có, nâng độ che phủ rừng trên 60%. Đồng thời, khoanh định hành lang bảo vệ và vận hành đúng quy trình 45 hồ chứa, 11 hồ, đập thủy điện, 83 hồ treo hiện có; tu bổ, sửa chữa 18 hồ chứa thủy lợi, 4 hồ thủy điện và 11 hồ “treo”; bảo vệ 9 khu vực miền cấp cho nước dưới đất với diện tích trên 857 km2. Đối với công tác phòng, ngừa suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất, quy hoạch đặt mục tiêu không để mực nước dưới đất vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép; đảm bảo xử lý 80% tổng lượng nước thải (gần 7 triệu m3/năm) trước khi đổ ra sông, suối, kiểm soát chặt chẽ các sông, suối có chất lượng nước đang bị ô nhiễm...

Thực hiện tốt quy hoạch này, tỉnh ta sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo hướng bền vững; bảo vệ các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, các chức năng quan trọng và phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt... nhằm đảm bảo an ninh lâu dài, góp phần thúc đẩy, hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kinh nghiệm chống nóng cho cá

BHG - Những ngày cuối tháng 7 trời rất nóng, có hôm cao điểm nhiệt độ lên tới 35 độ, lá chuối thả xuống ao cho cá còn bị xém mặt trên; các ao nuôi cá có mức nước nông, bờ ao xây tường chắn và có đường ống dẫn nước xa với đoạn ống lộ thiên càng dài thì nước trong ao càng nóng. Trong điều kiện này các loài cá ưa nước lạnh và sạch sẽ bị chết nhất là cá Bỗng.

31/07/2017
Hiệu quả mô hình bảo tồn và phát triển nguồn gen cây thuốc tắm tại thôn Nậm Đăm

BHG- Bảo tồn phát triển nguồn quĩ gen nói chung là một chủ trương lớn. Tuy nhiên để có giải pháp bảo tồn hiệu quả, ứng với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, từng loài gen cần được bảo tồn. Đòi hỏi mỗi cấp, ngành, địa phương, phải năng động, sáng tạo trong đề xuất cho công tác bảo tồn. 

30/08/2017
Mạng 4G đã phủ sóng khoảng 95% dân số Việt Nam

Hiện các nhà mạng của Việt Nam đã triển khai 43.000 trạm thu phát sóng 4G (BTS) trên toàn quốc và theo tính toán, số lượng trạm BTS này bảo đảm nhu cầu phục vụ khoảng 95% dân số.

28/07/2017
Một số biện pháp phòng, chống sét

BHG - Nhằm ngăn ngừa thiệt hại do sét gây ra cũng như góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản cho con người, mỗi chúng ta cần biết một vài biện pháp phòng,  chống sét hiệu quả sau:

27/08/2017