Nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ đầu tư các dự án thủy điện

08:48, 11/07/2017

BHG - Phát triển thủy điện được tỉnh ta xác định một trong những thế mạnh của nền kinh tế và đã có nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đầu năm 2010 đến nay, đã có nhiều nhà máy đi vào hoạt động, đưa tỉnh ta trở thành một trong những địa phương xuất khẩu năng lượng, mỗi năm thủy điện đóng góp nhiều tỷ đồng cho ngân sách. Tuy nhiên, xuất phát từ sự ưu ái, tạo thuận lợi của tỉnh, một số chủ đầu tư đã thực hiện không nghiêm quy định của pháp luật như: Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2 xây dựng khi chưa được cơ quan chức năng phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Nhà máy Thủy điện Sông Lô 6 nhập nhèm trong việc khai thác, sử dụng vật liệu phục vụ dự án... những “lát cắt” nhỏ này đã phần nào ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư của tỉnh.

Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2 sắp đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng phê duyệt ĐTM.
Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2 sắp đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng phê duyệt ĐTM.

Qua tìm hiểu được biết, Dự án Thủy điện Sông Lô 2 được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch từ trung tuần tháng 9.2009 với công suất lắp máy 27MW, điều chỉnh lên 28MW vào đầu năm 2010 và UBND tỉnh phê duyệt báo cáo ĐTM ngày 13.1.2010 theo bản quy hoạch cũ. Tuy nhiên, đến đầu năm 2016, dự án này mới được chủ đầu tư - Công ty TNHH Thanh Bình rục rịch triển khai theo ĐTM cũ. Theo Nghị định số 80/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường, chủ đầu tư cần thực hiện ĐTM bổ sung nếu có thay đổi về địa điểm, quy mô, công suất thiết kế, công nghệ hoặc sau 2 năm kể từ ngày báo cáo ĐTM được phê duyệt, dự án mới triển khai thực hiện. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Vũ Thức, Giám đốc BQL Dự án Thủy điện Sông Lô 2 thừa nhận, ĐTM điều chỉnh của dự án vẫn đang chờ cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.

Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2 được xây dựng trên Sông Lô đoạn chảy qua xã Đạo Đức (Vị Xuyên), chính thức khởi công xây dựng vào tháng 1.2016 với tổng mức đầu tư 1 nghìn tỷ đồng, công suất lắp máy 28MW, gồm 2 tổ máy phát điện, điện lượng bình quân trên 117 triệu kWh. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo nhiều việc làm cho người lao động, mỗi năm đóng góp nhiều tỷ đồng cho ngân sách địa phương. Không thể phủ nhận vai trò tích cực khi triển khai xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Lô 2, nhưng vi phạm quy định của pháp luật cũng cần phải được xử lý nghiêm. Trao đổi với đồng nghiệp chúng tôi, Giám đốc Sở TN-MT Hoàng Văn Nhu, thừa nhận: Thủy điện Sông Lô 2 trước đây đã được phê duyệt ĐTM, nhưng do đang thi công thì điều chỉnh dự án, mà điều chỉnh dự án thì phải làm ĐTM bổ sung, bây giờ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ TN-MT, hiện chủ đầu tư mới thực hiện ĐTM là quá muộn. Trước sự việc trên, Sở TN-MT sẽ có ý kiến thống nhất với Sở Công Thương chủ trì kiểm tra, kiến nghị tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng liên quan đến vi phạm của các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án thủy điện, mới đây tại cuộc họp đánh giá, kiểm tra tình hình khai thác, sử dụng vật liệu phục vụ thi công Dự án Thủy điện Sông Lô 6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh yêu cầu: Sở TN-MT tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo Công ty TNHH Xuân Thiện Hà Giang (Công ty Xuân Thiện), chủ đầu tư dự án dừng việc khai thác cát, sỏi tại cụm công trình đập đầu mối và cải tạo, nạo vét lòng sông phía hạ lưu sau đập cho đến khi hoàn thiện thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật; Công an tỉnh phối hợp với đơn vị hữu quan thực hiện tháo dỡ, di rời, vận chuyển 2 tàu cuốc ra khỏi khu vực cụm công trình trên; UBND huyện Bắc Quang thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khai thác cát, sỏi tại địa bàn đối với Công ty Xuân Thiện theo đúng quy định của pháp luật; có biện pháp và kiên quyết xử lý, không để tổ chức, cá nhân khác lợi dụng danh nghĩa chủ đầu tư khai thác khoáng sản trái pháp luật...

Được biết, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 6 xây dựng trên sông Lô thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) với 3 tổ máy phát điện, tổng công suất lắp máy 48MW, tổng mức đầu tư 1.825 tỷ đồng. Dự kiến, tổ máy số 1 sẽ chính thức phát điện lên lưới điện Quốc gia vào quý I.2018, khi hoàn hành sẽ tạo ra sản lượng điện trung bình mỗi năm 198 triệu KWh, doanh thu trên 200 tỷ đồng, đóng góp hàng chục tỷ đồng cho ngân sách địa phương. Thực hiện dự án này, phía chủ đầu tư tiến hành khai thác, nạo vét lòng sông Lô thuộc lòng hồ thủy điện nhằm tận dụng cát, sỏi cho quá trình xây dựng nhà máy. Kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng xác định, Công ty Xuân Thiện đã khai thác trên 52.800 m3 cát, sỏi phục vụ thi công Nhà máy Thủy điện Sông Lô 6.

Tuy nhiên, Công ty đã khai thác, thu hồi trên 47.800 m3 cát, sỏi trong quá trình thi công cụm công trình đập đầu mối và cải tạo, nạo vét lòng sông phía hạ lưu sau đập khi chưa lập thủ tục và được chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời lại đưa 2 tàu cuốc không nằm trong danh mục được phép sử dụng vào khu vực... Bên cạnh đó, khi bắt đầu triển khai thi công các hạng mục của dự án, Công ty Cổ phần Viết Thành - nhà thầu thi công chưa đánh giá hết tác động của việc nổ mìn đối với công trình giáp ranh; áp dụng phương pháp nổ mìn tập trung tức thời nên tạo ra năng lượng nổ lớn, gây chấn động lớn đối với khu vực xung quanh, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của các hộ dân sống.

“Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng người dân” - thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường vào cuối tháng 8 năm vừa qua đang được tỉnh ta thực hiện nghiêm. Làm tốt vấn đề này, ngoài sự ráo riết của người đứng đầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng phải nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước, quản lý chuyên ngành, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm. Bên cạnh đó, mỗi chủ đầu tư các dự án cũng cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức bảo vệ môi trường xung quanh vì sự phát triển bền vững của cuộc sống.

      Bài, ảnh: Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tập huấn triển khai về chứng thư số của HĐND các cấp

BHG- Ngày 28.6, HĐND tỉnh phối hợp với Cục Cơ yếu Đảng và Chính quyền - Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tập huấn triển khai về chứng thư số của HĐND các cấp nhằm hướng dẫn các quy trình, thao tác sử dụng hệ thống phần mềm về chữ ký số, chứng thư số và bảo mật thông tin khi sử dụng. 

29/06/2017
Trung tâm Thông tin & Chuyển giao công nghệ mới: Xây dựng Thư viện điện tử khoa học đầu tiên của tỉnh

BHG- Những năm qua, công nghệ thông tin trên toàn cầu có tốc độ phát triển chóng mặt, là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển KT – XH, đặc biệt là với những tỉnh có điều kiện KT – XH còn nhiều khó khăn như Hà Giang. 

28/06/2017
Trung tâm hành chính công tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT để rút ngắn các dịch vụ công trực tuyến

BHG - Trung tâm hành chính công (TTHCC) tỉnh phải là đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính, sớm đưa Hà Giang rút ngắn dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh cải cách hành chính, đó là quan điểm chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy đối với TTHCC tỉnh. 

26/06/2017
Bảo đảm an toàn thông tin mạng

Hiện nay, các cuộc tấn công mạng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp và có tổ chức bài bản, quy mô trên diện rộng, hậu quả ngày càng nặng nề. Mạng lưới ứng cứu sự cố của Việt Nam cần được xây dựng một cách chuyên nghiệp để ngăn ngừa nguy cơ tấn công mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

23/05/2017