Hoạt động nghiên cứu khoa học có... "đất dụng võ"

07:27, 03/11/2016

BHG- Thực hiện Chương trình 64 ngày 17.4.2013 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), hoạt động nghiên cứu khoa học đang có sự chuyển biến tích cực, các nhiệm vụ khoa học hình thành rõ nét. Các đề tài, dự án khoa học triển khai có trọng tâm, trọng điểm, đội ngũ cán bộ nghiên cứu trong các cơ quan, đơn vị tăng cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động KHCN ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với định hướng, chiến lược phát triển của tỉnh.

Các nhà khoa học tại Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức đã ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô, tạo ra nhiều loại cây trồng chất lượng cao. Trong ảnh: Hàng nghìn giống cây dược liệu, chuối tiêu hồng được tạo ra từ công nghệ nuôi cấy mô.
Các nhà khoa học tại Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức đã ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô, tạo ra nhiều loại cây trồng chất lượng cao. Trong ảnh: Hàng nghìn giống cây dược liệu, chuối tiêu hồng được tạo ra từ công nghệ nuôi cấy mô.

So với nhiều địa phương trong cả nước, con đường phát triển KHCN của tỉnh ta có nhiều gập ghềnh. Bởi lẽ, xuất phát từ điều kiện thực tế của địa phương nên tỉnh ta vẫn chưa hình thành được thị trường KHCN, ngân sách bố trí hàng năm cho công tác nghiên cứu, ứng dụng thấp và chưa có doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, với cách làm của “con nhà nghèo”, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu vẫn miệt mài làm việc, cống hiến và nhiều đề tài, dự án được ứng dụng vào thực tiễn đời sống. Việc ứng dụng thành tựu của KHCN đã, đang được triển khai trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, mở ra nhiều cơ hội để người dân được tiếp cận, hưởng những thành quả mới trong nghiên cứu khoa học.

Ông Phạm Văn Đông, Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết, thực hiện Chương trình 64 của BCH Đảng bộ tỉnh; từ năm 2013 đến nay, tỉnh ta có 50 đề tài, dự án khoa học được nghiên cứu, ứng dụng, trong đó có 44 đề tài, dự án cấp tỉnh; 3 dự án cấp huyện, thành phố; 33 đề tài, dự án cấp bộ. Các đề tài, dự án đã tập trung nghiên cứu giải pháp, xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa, cây trồng, vật nuôi, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, phát triển du lịch bền vững. Các nhiệm vụ KHCN được tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, từng bước khắc phục tình trạng dàn trải, đang phát huy hiệu quả tích cực, có ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Đơn cử, trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thời gian qua tỉnh ta đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHCN vào tuyển chọn, khảo nghiệm giống cây trồng, vật nuôi mới. Nhiều đề tài nghiên cứu như: Khảo nghiệm một số giống ngô lai, sản xuất giống đậu tương chất lượng cao; nâng cao năng suất, chất lượng cây chuối tây bằng phương pháp cấy mô thâm canh trên đất dốc; áp dụng các giải pháp KHCN nâng cao năng suất, chất lượng quả hồng không hạt, nhân giống vô tính và phát triển sản xuất một số giống hoa hồng; nhân giống cây Hoàng tinh hoa đỏ dưới tán rừng quy mô gia đình,... đã thực sự tạo ra những thay đổi trong sản xuất của người dân.

Phó Giám đốc Sở KHCN Phạm Văn Đông cho biết thêm, thông qua nghiên cứu, ứng dụng KHCN, lĩnh vực Y dược của tỉnh đã có những tiến bộ vượt bậc, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân từ đó cũng tốt hơn. Việc nghiên cứu, ứng dụng thành công kỹ thuật nội soi tán sỏi niệu quản; phẫu thuật nội soi điều trị bệnh viêm tai giữa ứ dịch ở trẻ em dưới 6 tuổi; phẫu thuật trĩ bằng phương pháp longgo; điều trị cắt cơn nghiện ma túy bằng thuốc CAMAT; nghiên cứu tác nhân gây ngộ độc ở bánh trôi ngô, mèn mén,... không những đào tạo được các kip phẫu thuật lành nghề, chữa khỏi bệnh cho hàng trăm bệnh nhân. Đồng thời còn góp phần giảm chi phí chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện, tạo công bằng trong khám, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi chăm sóc sức khoẻ cộng đồng.

Ở lĩnh vực xã hội và nhân văn, thông qua các đề tài: Nghiên cứu, đánh giá thực trạng phố cổ Đồng Văn, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị; nâng cao nhận thức về giá trị di sản Công viên Địa chất (CVĐC) toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho học sinh các trường THCS đã tạo cơ sở cho việc công nhận di tích kiến trúc cấp Quốc gia, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các tiêu chí của UNESCO. Một loạt các đề tài, dự án khoa học trong lĩnh vực này như nghiên cứu, khai thác, bảo tồn văn hoá nghệ thuật dân tộc Dao; đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp phát triển du lịch bền vững; nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù từ Đá tại CVĐC toàn cầu,... đã xác lập được luận cứ thực tiễn, phục vụ phát triển du lịch địa phương, khai thác tối đa lợi thế địa hình, bản sắc văn hóa đặc trưng, đóng góp hiệu quả vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Theo ông Bùi Đức Hoàng, Trưởng phòng Quản lý khoa học - Sở KHCN tỉnh, các nhiệm vụ KHCN được triển khai đã, đang góp phần tạo động lực cho phát triển KT-XH, nhiều chương trình hợp tác phát triển ngành, lĩnh vực với các cơ quan của T.Ư được ký kết, nhiều hội thảo khoa học được tổ chức mạng lại kết quả cao. Các nhà khoa học đã dành nhiều công sức, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, chính sách phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, chính quyền, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đổi mới giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống, phát triển nông thôn, sản xuất theo hướng chuyên canh, tập trung quy mô lớn, nhân rộng kết quả các mô hình, nghiên cứu chọn tạo các giống cây, con chủ lực có thế mạnh, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất giống, phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu, xây dựng thương hiệu,... đã hình thành tư duy sản xuất mới, làm ăn tập trung, gắn với đầu ra sản phẩm nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, cũng theo đại diện lãnh đạo Sở KHCN, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế. Việc gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và kế hoạch phát triển KT-XH của các cấp, ngành chưa được chặt chẽ, đồng bộ, chưa phát huy tiềm năng, thế mạnh. Kết quả ứng dụng các đề tài, dự án vào thực tiễn còn hạn chế, chưa theo kịp nhịp độ phát triển xã hội; hiệu quả hoạt động chuyển giao tiến bộ KHCN chưa cao; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư ứng dụng KHCN vào sản xuất. Hoạt động của các trung tâm, trạm, trại khoa học kỹ thuật chưa thích ứng với cơ chế thị trường, chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách, chưa phát huy vai trò cầu nối, gắn hoạt động KHCN với sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tiềm lực khoa học hạn chế, kinh phí dành cho hoạt động KHCN thấp, chỉ đạt 0,47% tổng chi ngân sách địa phương.

Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh xác định, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất là một trong hai khâu đột phá quan trọng. Định hướng quan trọng này đã thực sự tạo ra “sân chơi” cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và hoạt động KHCN thực sự có “đất dụng võ”.

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các nhà mạng cam kết thu hồi sim kích hoạt sẵn

5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động gồm: Viettel, Vinaphone, Mobiphone, Vietnamobile và Gtel đã ký cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối.

31/10/2016
Một số kết quả về sở hữu trí tuệ của tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2016

BHG- Hà Giang có điều kiện KT – XH còn rất khó khăn.Nhưng tỉnh có nhiều sản phẩm nổi tiếng từ lâu trên thị trường như: cam Sành, chè Shan Tuyết, rượu ngô men lá, mật ong Bạc hà... 

29/09/2016
"Hãy hành động vì môi trường đô thị xanh, bền vững"

BHG- "Hãy hành động vì môi trường đô thị xanh, bền vững" - chủ đề của Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm nay được phát động trên cả nước từ ngày 19-23.6 đang được cấp ủy, chính quyền, người dân tỉnh ta nhiệt tình hưởng ứng. 

28/09/2016
Công nghệ mạng di động 4G

 Công nghệ di động 4G LTE cung cấp băng thông rộng hơn, truyền tải dữ liệu nhanh hơn, dung lượng lớn hơn, là điều kiện lý tưởng để triển khai các dịch vụ truyền hình trực tuyến, video HD, game online…

27/10/2016