Kỹ thuật chăn nuôi gà có sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót chuồng nuôi

09:47, 07/10/2015

BHG - Trong quá trình chăn nuôi gà, chất thải chưa qua xử lý phát sinh với lượng lớn, tập trung hầu hết ở các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, nên rất dễ phát sinh một số loại bệnh trên đàn gà và phát triển thành dịch ở các hộ nuôi, gây tổn thất lớn cho người chăn nuôi, đồng thời còn gây ô nhiễm môi trường. Nhằm giúp mang lại lợi ích cao nhất cho người chăn nuôi, đồng thời giảm thiểu những rủi ro do dịch bệnh gây nên. Xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà như sau:

1. Kỹ thuật làm đệm lót sinh học:

- Chuẩn bị chuồng trại: Nếu có chuồng trại đang chăn nuôi thì nên sử dụng ngay, không cần phải cải tạo. Nếu làm chuồng mới thì nền chuồng có thể không cần lát gạch hoặc láng xi măng (nền chuồng đất nện chặt) để giảm thấp chi phí xây dựng. Tùy điều kiện về đất đai, kinh tế, quy mô và hình thức nuôi mà xây dựng chuồng trại cho phù hợp.

- Nguyên liệu làm đệm lót: Các nguyên liệu có độ xơ cao, có độ trơ cứng không dễ bị làm mềm nhũn, không độc, không gây kích thích đối với gà. Các loại nguyên liệu phù hợp: Mùn cưa, vỏ bào của các loại gỗ không độc; trấu, vỏ lạc, lõi ngô, vỏ hạt bông, bã mía, xơ dừa vỏ lạc.

- Độ dày đệm lót chuồng: Đối với gà úm, nuôi thịt, gà giống: 7-10 cm, đối với gà mái đẻ nuôi trên lồng tầng: 20-30 cm. Tùy diện tích chuồng nuôi và loại chế phẩm sử dụng mà tính toán và chuẩn bị các vật liệu phù hợp. Ví dụ: 1 kg chế phẩm BALASA N01 sử dụng được cho từ 30-50 m2 nền chuồng.

- Cách 1: Rắc men trực tiếp lên đệm lót

+ Công thức: 1 kg chế phẩm BALASA N01 rắc cho đệm lót có diện tích từ 35 m2 trở xuống.

+ Bước 1: Rải đều trấu lên toàn bộ nền chuồng có độ dầy 10 cm (gà thịt), trên 15 cm (gà đẻ nuôi ở lồng tầng). Sau khi rải xong thì thả gà vào nuôi.

+ Bước 2: Sau khi thả gà vào chuồng 7-10 ngày đối với gà nuôi úm, 2- 3 ngày đối với gà lớn thì xử lý bằng men.

+ Bước 3: Chuẩn bị bột men bằng cách trộn đều 1 kg BALASA N01 với 1 kg bột sắn khô (cẩn trọng khi dùng bột ngũ cốc khác vì dễ bị mốc gây nguy hiểm cho gà).

+ Bước 4: Rắc đều hỗn hợp men trộn sắn lên toàn bộ bề mặt đệm lót.

- Cách 2: Tiến hành ủ men sau đó mới rắc lên đệm lót.

+ Công thức: 1 kg chế phẩm BALASA N01 rắc cho diện tích đệm lót từ 35 m2-50 m2.

+ Bước 1: Rải đều trấu lên toàn bộ nền chuồng có độ dày 10 cm (gà thịt), trên 15 cm (gà đẻ nuôi ở lồng tầng). Sau khi rải xong thì thả gà vào nuôi.

+ Bước 2: Sau khi thả gà vào chuồng 7-10 ngày đối với gà nuôi úm, 2- 3 ngày đối với gà lớn thì xử lý bằng men.

+ Bước 3: Ủ men bằng cách trộn đều 1kg chế phẩm với 5 kg bột ngô hoặc cám gạo hoặc vừa ngô vừa cám gạo tỷ lệ thùy thuộc điều kiện của từng hộ. Sau đó cho thêm 2,5 đến 3 lít nước sạch, đảo cho ẩm đều, cho vào túi hoặc thùng, chậu... rồi để vào nơi râm mát (đối với mùa Hè) hoặc để vào chỗ ấm (đối với mùa Đông) ủ trong 2 đến 3 ngày. Khi nào bột có mùi thơm, hơi chua là đạt yêu cầu. Cần phải làm chế phẩm trước khi đem sử dụng 2 - 3 ngày: Đối với nuôi gà thịt (gà to) khi rải trấu vào chuồng nuôi thì đồng thời tiến hành ủ chế phẩm men. Đối với nuôi gà úm (gà con) sau khi rải trấu khoảng 1 tuần thì mới tiến hành ủ chế phẩm men.

+ Bước 4: Rắc đều bột đã ủ (ở bước 3) lên toàn bộ bề mặt đệm lót.

2. Sử dụng:

- Cứ sau 2-3 ngày tiến hành cào trên bề mặt đệm lót một lần để giúp cho đệm lót được tơi xốp, phân được phân hủy nhanh hơn. Thời gian dài ngắn tùy thuộc vào mặt đệm lót bị nén chặt hay không và lượng phân gà nhiều hay ít. Trong quá trình cào trên bề mặt đệm lót không được cào sâu xuống sát nền chuồng.

- Chuồng nuôi phải thông thoáng để thoát mùi sinh ra từ quá trình tiêu hủy phân.

- Tránh để nước uống và nước mưa hắt vào làm ướt đệm lót. Nếu thấy nước làm ướt đệm lót ở khu vực máng uống thì phải thay ngay bằng lớp trấu mới.

- Đệm lót lên men có khả năng khử trùng tốt nên không cần phun thuốc khử trùng định kỳ lên mặt đệm lót.

- Vào tháng nóng nhất trong mùa Hè phải có biện pháp chống nóng như mở toàn bộ cửa cho thông thoáng, làm đệm lót mỏng hơn để thoát hơi nóng nhanh.

+ Khi phát hiện đệm lót có mùi hăng hắc hoặc mùi khai và thối là do đệm lót ướt quá hoặc đệm lót bị nén không tơi xốp hoặc men kém hoạt động... làm phân gà không được phân hủy tốt, cần có cách xử lý phù hợp xới tơi đệm lót, để chuồng thông thoáng, mùa nóng có thể dùng quạt gió, sau đó bổ sung chế phẩm đã ủ như ở phần trên. Đối với hình thức bán nuôi nhốt khi xử lý, bảo dưỡng đệm lót nên tiến hành lúc gà không có trong chuồng, nếu nuôi nhốt hoàn toàn cần làm vào buổi chiều mát để ít ảnh hưởng đến đàn gà.

- Do nhiệt độ ở đệm lót luôn ấm nóng nên khi úm gà chỉ cần quây kín ở dưới khoảng 50 cm còn phía trên phải để thoáng. Đặc biệt trong mùa nóng, khi úm gà cần treo đèn cao hơn để tránh nhiệt độ cao gây bốc hơi nước làm gà bị nhiễm lạnh, ẩm, dễ bị bệnh.

- Thời gian sử dụng: Đệm lót nền chuồng được xử lý và bảo dưỡng tốt có thời gian sử dụng từ 6 đến 12 tháng, thời gian sử dụng dài hay ngắn phụ thuộc vào các yếu tố như: Nguyên liệu dùng làm đệm lót, độ dầy đệm lót có đủ dầy hay không, nếu quá mỏng thì thời gian sử dụng ngắn hơn so với chất độn dầy; Chế độ xử lý, bảo dưỡng.

Phạm Quang Khanh (Biên soạn)

(Trung tâm Khuyến nông tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính

BHG- Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách thủ tục hành chính đang được các cơ quan, đơn vị ngành Tài chính của tỉnh thực hiện quyết liệt trong những năm gần đây. Từ đó  đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, trách nhiệm trong việc CCHC của lãnh đạo, nhân viên trong ngành; tạo được sự hài lòng của các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

27/08/2015
Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống vô tính và sản xuất giống hoa hồng Đồng Văn

BHG- Chất lượng hoa hồng Đồng Văn được đánh giá là sánh ngang với hoa hồng Đà Lạt (Lâm Đồng) và Sa Pa (Lào Cai), nhưng đến nay, diện tích hoa hồng Đồng Văn mới có khoảng trên 10 ha. Do chưa chủ động được nguồn giống tại chỗ, nên hàng năm đều phải nhập từ các tỉnh bạn với giá thành cao, không chủ động được kế hoạch trồng, phát triển; hơn nữa mua từ nơi khác quá trình vận chuyển sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giống khi trồng. 

26/09/2015
Những nỗ lực trong công tác quản lý Nhà nước về KH&CN

BHG- Từ đầu năm đến nay, ngành Khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tập trung, nỗ lực trong công tác tham mưu, tư vấn; tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh. 

26/08/2015
Họp Ban chỉ đạo Cải cách hành chính quý III

BHG- Ngày 23.9, Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (BCĐ CCHC) tổ chức họp BCĐ quý III. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. 

23/09/2015