Những tác động của con người làm thoái hóa đất canh tác

07:15, 15/07/2015

BHG- Trong đất canh tác (còn được gọi là hệ sinh thái đất) có nhiều loài vi sinh vật gây bệnh cho cây trồng đó là các loài nấm, vi khuẩn ký sinh... nhưng cũng có nhiều loài vi sinh vật có lợi giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển, làm cho cây trồng tăng năng suất và chất lượng.

Vai trò của nhóm vi sinh vật cộng sinh sống trong đất canh tác:

Những loài vi sinh vật có ích sống trong đất chính là nhóm vi sinh vật cộng sinh, và vì vậy chúng là những đối tượng sống trong đất canh tác cần được bảo vệ và phát triển. Nhưng trong quá trình canh tác của con người, do không hiểu biết hoặc cố tận dụng khai thác dinh dưỡng của đất đã làm suy kiệt nguồn dinh dưỡng và hệ sinh thái đất dẫn đến làm đất bạc mầu  không còn khả năng sử dụng để canh tác. Do đó sau một thời gian sử dụng của con người những mảnh đất này trở thành hoang hoá, bạc mầu, không còn khả năng để trồng các loại cây. Vấn đề sử dụng các loại đất như vậy đã làm suy kiệt đất canh tác là một nguy cơ dẫn đến đói nghèo của người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, điều này được thể hiện càng rõ nét đối với quá trình canh tác độc canh của người nông dân tại các tỉnh vùng núi.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học nông nghiệp, trong đất canh tác, chỉ riêng ngành nấm đã có tới 100 nghìn loài có ích sống trong đất theo phương thức hoại sinh, chúng có tác dụng phân huỷ xác động thực vật, giúp bồi bổ các chất hữu cơ cho đất; và khoảng 1.000 loài vi khuẩn có ích sống trong đất có tác dụng khoáng hoá và lên men chuyển hoá các chất dinh dưỡng giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển, tăng năng suất và chất lượng nông sản. Những loại vi sinh vật có ích giữ vai trò quan trọng trong quá trình cải tạo đất, làm cho đất tăng độ mùn, có cấu tượng tơi xốp, háo khí, trung hoà độ pH, làm cho khả năng giữ nước, giữ phân của đất được tốt hơn...

Cũng nhờ có hoạt động của hệ vi sinh vật sống trong đất đã làm cho đất ngày càng mầu mỡ. Ngoài ra, trong đất canh tác còn có một số vi sinh vật đối kháng có tác dụng ngăn chặn sự phát sinh và gây hại của một số loài nấm bệnh và vi khuẩn có hại trong đất. Vì vậy, chính những hệ vi sinh vật này đã góp phần bảo vệ cây trồng trước sự tấn công của nấm và vi khuẩn gây bệnh một cách rất hữu hiệu.

Tác động của con người gây thoái hóa đất canh tác:

 Trong quá trình canh tác, con người đã có những tác động sai lầm vào đời sống của hệ vi sinh vật đất làm cho đất ngày càng bị thoái hoá, cằn cỗi. Đó là những tác động thiếu cơ sở khoa học như:

- Biện pháp canh tác: Tập quán canh tác như đốt nương làm rẫy và không bón bổ xung các loại phân hữu cơ đã làm cho đất bị rửa trôi, thoái hoá, đất ngày một nghèo dinh dưỡng, không phù hợp cho các loài vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, làm giảm độ phì của đất; những mảnh đất này sau một thời gian canh tác sẽ bị nghèo kiệt về dinh dưỡng.

- Bón quá nhiều phân hoá học: Cũng nhờ có phân hoá học (như đạm, lân, ka ly, các loại phân khoáng tổng hợp....) trong quá trình thâm canh đã làm tăng năng suất cây trồng nên một mức đáng kể. Tuy nhiên, trong phân hoá học (nhất là đạm công nghiệp) là một trong những tác nhân chủ yếu giết chết các vi sinh vật có ích trong đất canh tác. Như vậy dinh dưỡng của đất ngày càng trở nên cạn kiệt, làm cho cây trồng ngày càng phải phụ thuộc vào phân hoá học và hiệu quả của phân hoá học ngày càng giảm đi theo thời gian của quá trình canh tác.

- Phòng trừ dịch hại dựa chủ yếu vào thuốc bảo vệ thực vật: Trong quá trình canh tác, thuốc bảo vệ thực vật (các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh, thuốc trừ cỏ dại...) đã góp phần bảo vệ và làm tăng năng suất cây trồng do chúng đã giúp con người tiêu diệt các loại sâu, bệnh, cỏ dại... gây hại cây trồng. Tuy nhiên, thuốc bảo vệ thực vật là tác nhân chủ yếu huỷ diệt hệ vi sinh vật đất, nhất là các loại thuốc được bón trực tiếp vào đất như thuốc trừ tuyến trùng và xử lý đất bằng thuốc hóa học để phòng trừ sâu xám, sâu non bọ hung.....

Vì vậy để bảo vệ và không ngừng bồi bổ dinh dưỡng cũng như tăng cường hệ vi sinh vật đất đòi hỏi những người làm công tác nông nghiệp và những người nông dân cần phải nhận thức đúng những biện pháp canh tác có lợi như tăng cường bón các loại phân hữu cơ hoai mục, hạn chế sử dụng các loại phân hoá học và thuốc bảo vệ thực vật, có biện pháp hữu hiệu chống rửa trôi và xói mòn đất canh tác.... Có như vậy chúng ta mới bảo vệ được nguồn đất canh tác ổn định và bền vững, chống thoái hoá đất. Đó cũng chính là cơ sở khoa học để chúng ta phát triển nền nông nghiệp hữu cơ an toàn và bền vững trong giai đoạn trước mắt và tương lai.

Biên soạn: Phạm Văn Phú (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao nhận thức, tâm huyết với công tác nghiên cứu khoa học

BHG- Những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) của tỉnh có những kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng phát triển KT – XH. Tuy nhiên, thực tế ở đâu đó vẫn có nhận thức chưa đầy đủ về lĩnh vực này. Để giúp bạn đọc có thể hiểu hơn về lĩnh vực có vẻ "khô khan" này, cũng như hiểu đúng chức năng, nhiệm vụ của những người làm công tác NCKH; phóng viên (PV) Báo Hà Giang có cuộc trao đổi với đồng chí (Đ/c) Phạm Minh Giang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ (KHCN).

30/06/2015
Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, tạo đà nâng chỉ số PCI và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính

BHG- Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Công ty Điện lực đã tập trung lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của ngành và tỉnh giao, phục vụ cho việc phát triển kinh tế trên địa bàn khá ổn định; tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân từ 15-18%/năm (đặc biệt năm 2014 tăng trưởng 28%). 

27/06/2015
Tái cơ cấu nông nghiệp: Đưa nhanh tiến bộ KHCN vào tất cả các khâu

Khoa học công nghệ là động lực thúc đẩy thực hiện tái cơ cấu. Các địa phương phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các nhà khoa học đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào tất cả các khâu.

26/05/2015
Hội thảo Xây dựng hệ thống di sản nông nghiệp có tầm quan trọng toàn cầu cho canh tác nông nghiệp ở Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG- Ngày 25.6, Trung tâm Tài nguyên thực vật (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn về Xây dựng hệ thống di sản nông nghiệp có tầm quan trọng toàn cầu (GIAHS) cho canh tác nông nghiệp ở Cao nguyên đá Đồng Văn, nhằm thảo luận, tư vấn cho Bộ NN&PTNT xây dựng và đề xuất kế hoạch bảo tồn, duy trì và phát triển các giá trị của hệ thống nông nghiệp trên Cao nguyên đá Đồng văn trở thành  GIAHS.

25/06/2015