Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào phát triển sản xuất ở Quang Bình

17:38, 01/08/2014

HGĐT- Phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu của xây dựng nông thôn mới. Ứng dụng khoa học, công nghệ (KHCN) là một trong những nội dung quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất.



  Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại xã Bằng Lang hiện đang được nhân rộng.


Với hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ còn nhỏ lẻ và manh mún, huyện Quang Bình được coi là một trong những huyện thuần nông. Nông nghiệp là chủ lực nhưng thực tế trình độ thâm canh, giá trị sản xuất còn rất nhiều hạn chế. Theo đồng chí Tăng Trung In, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nhà nông, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện quan tâm và thường xuyên chỉ đạo là ứng dụng KHCN vào sản xuất. Công tác nghiên cứu khoa học cấp huyện được củng cố và đẩy mạnh hoạt động, huyện đã thành lập Hội đồng KHCN cấp huyện để tư vấn và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống trên địa bàn.


Thực tế cho thấy, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học từ năm 2006 đến nay đã được đưa vào ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả, điển hình như: Đề tài hỗ trợ mở rộng sản xuất đậu tương DT84 vụ xuân, lúa tám thơm vụ mùa tại xã Bằng Lang, xã Vĩ Thượng, đề tài này đã mở rộng 24ha đậu tương DT84 vụ xuân và lúa tám thơm vụ mùa trên đất một vụ tại 2 xã, đưa năng suất đậu tương đạt 15,75 tạ/ha, lúa tám thơm đạt 55,5 tạ/ha, nâng cao giá trị thu nhập từ 15 triệu lên 39 triệu đồng trên 1 ha đất canh tác, đây cũng là cơ sở để đề xuất cơ chế chính sách cho huyện mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo, giúp nhân dân chủ động được nguồn giống tại cơ sở. Kết quả đã triển khai công thức luân canh áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng vụ trên diện tích 24 ha tại thôn Khuổi Thè (Bằng Lang) và thôn Hạ (Vĩ Thượng), với 106 hộ tham gia mô hình. Dự án đã giúp nhân dân các xã phát triển nhân rộng mô hình sản xuất đậu tương, lúa tám thơm trên địa bàn huyện tạo nên vùng sản xuất hàng hóa.


Năm 2007, triển khai dự án hỗ trợ tiến bộ kỹ thuật mở rộng 70 ha tre bát độ tại 3 xã: Tân Trịnh, Tân Bắc, Bằng Lang, với 230 hộ tham gia, hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Hiệu quả dự án ban đầu phát triển tốt, tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn nên đã ảnh hưởng đến việc nhân rộng mô hình không phát triển như mục tiêu của dự án.


Năm 2008, thực hiện dự án hỗ trợ mở rộng sản xuất 12 ha chè Shan bằng giống giâm cành tại thôn Bản Yên và Tân Bình, thị trấn Yên Bình, góp phần giải quyết lao động việc làm tại chỗ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng thu nhập cho nhân dân, nâng cao trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật của nhân dân vào sản xuất.


Năm 2009, triển khai dự án hỗ trợ mở rộng gieo trồng 60 ha giống lúa lai Vân Quang 14 tại 3 xã Bằng Lang, Vĩ Thượng, Yên Bình, trồng tập trung liền khu liền khoảnh với diện tích 10 ha trở lên. Đánh giá quá trình sinh trưởng và phát triển tiềm năng năng suất của giống lúa lai Vân Quang 14 là mô hình điểm, giúp nhân dân tiếp cận được quy trình gieo trồng và chăm sóc các loại giống lúa mới, đề xuất được các cơ chế để tiếp tục nhân rộng trong những năm sau. Dự án ban đầu đã thu được những kết quả đáng kể, tuy nhiên đến nay giống lúa Vân Quang 14 không được ưa chuộng do chất lượng gạo không đảm bảo chất lượng, nên giống lúa này không phát triển.


Năm 2010, thực hiện dự án hỗ trợ mở rộng nuôi cá bằng phương pháp thâm canh tại xã Yên Hà, Bằng Lang, Xuân Giang, Vĩ Thượng. Dự án được thực hiện trên diện tích 800m2, nuôi tập trung liền khoảnh để tạo thành vùng sản xuất hàng hóa lớn bằng giống cá trắm, trôi, vược, giúp nhân dân tiếp cận được quy trình chăn nuôi cá theo phương pháp mới (nuôi ghép và đầu tư thâm canh bằng thức ăn tự tổng hợp, đầy đủ về số lượng và chất lượng). Dự án đã được nhân dân các xã nhân rộng duy trì và phát triển.


Năm 2011, áp dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển mô hình nuôi chim bồ câu Pháp tại thị trấn Yên Bình, xã Bằng Lang để đánh giá điều kiện nuôi bán nhốt tại địa phương, đánh giá khả năng sinh sản và tăng trưởng mức độ tiêu tốn thức ăn, tạo tiền đề để phát triển các mô hình trang trại với quy mô lớn và coi nuôi chim bồ câu pháp là vật nuôi làm giàu cho nhân dân. Dự án này được nhân rộng tại các xã và hiện nay được duy trì phát triển tốt.


Năm 2012, ứng dụng tiến bộ khoa học vào mô hình nuôi lợn rừng giống tại thị trấn Yên Bình, với điều kiện nuôi nhốt tại địa phương, giúp nông dân tiếp thu áp dụng được kỹ thuật về chăn nuôi lợn rừng tiến tới phát triển rộng rãi chăn nuôi trên toàn huyện. Dự án mang lại lợi ích cho người chăn nuôi, mô hình được nhân rộng và phát triển tốt.


Năm 2013, thực hiện dự án mở rộng mô hình nuôi cá lồng (cá chiên, cá chày) tại lòng hồ thủy điện Sông Chừng, xã Tân Nam . Dự án được triển khai thực hiện từ đầu năm 2013, giúp người nông dân tiếp thu ứng dụng KHKT về chăn nuôi cá thương phẩm trên lòng hồ thủy điện Sông Chừng, tạo điều kiện cho người dân nơi đây chuyển đổi vơ cấu vật nuôi, phù hợp với điều kiện của địa phương tiến tới phát triển rộng rãi trên lòng hồ thủy điện Sông Chừng, Sông Bạc...


Có thể nói việc ứng dụng KHCN vào sản xuất của huyện Quang Bình trong những năm qua đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng giá trị sản xuất lên cao. Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp... đã đưa giá trị sản xuất tăng lên 34,7%.


Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện, Chủ tịch HĐKH huyện cho biết: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới là chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới tỉnh, trong đó việc tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao giá trị sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và sẽ tiếp tục được các cấp, các ngành hữu quan phối hợp triển khai thực hiện. Trong những năm tới, huyện tiếp tục chỉ đạo ngành chuyên môn chủ động nghiên cứu các đề tài khoa học để áp dụng vào sản xuất, góp phần đưa huyện Quang Bình trở thành huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh.


Hiến Chương

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Virus tấn công máy tính, điện thoại như thế nào?
Giúp kết nối mọi người ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ lúc nào, nhưng Internet cũng là một nơi có nhiều cạm bẫy với hàng nghìn loại virus luôn sẵn sàng rình rập để tấn công máy tính, máy điện thoại của bạn.
31/07/2014
Kiểm ngư tiếp nhận tàu hiện đại nhất Việt Nam
Ngày 30/7, tại Quảng Ninh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên đóng tàu Hạ Long đã tổ chức bàn giao tàu kiểm ngư KN-782 cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam.
31/07/2014
Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thông tin, truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
HGĐT- Sáng 31.7, Sở Thông tin và truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thông tin, truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Dự có lãnh đạo các ban, ngành và điểm cầu các huyện, thành phố.
31/07/2014
Intel công bố bộ vi xử lý đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam
Ngày 29/7, tại TP.HCM, công ty Intel Products Việt Nam đã công bố việc sản xuất bộ vi xử lý CPU đầu tiên tại nhà máy ở địa bàn thành phố.
30/07/2014