Hà Giang

Khoa học và công nghệ, động lực quan trọng trong phát triển KT-XH

07:53, 11/05/2014

HGĐT- Khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những nguồn lực đóng góp quan trọng trong việc phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân trong tỉnh. Thông qua các kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án trên địa bàn tỉnh, ngành KH&CN đã cung cấp những luận cứ khoa học, đề xuất các giải pháp trên các lĩnh vực của đời sống KT-XH góp phần giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc hoạch định các chương trình phát triển KT-XH, các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn của tỉnh.




Cùng với sự phát triển chung của ngành KH&CN nước nhà, ngành KH&CN Hà Giang đã trải qua 55 năm xây dựng và phát triển:Tháng 12 năm 1959, Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định thành lập Ban Kỹ thuật tỉnh Hà Giang, đến ngày 28/9/1965 đổi tên thành Ban Khoa học kỹ thuật (KHKT) tỉnh Hà Giang. Thời kỳ 1959-1975, hoạt động KHKT tỉnh Hà Giang tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức thông tin và phổ biến kiến thức KHKT; đẩy mạnh phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến phát minh của quần chúng trong các hợp tác xã, các công, nông trường, xí nghiệp, nhằm tăng năng suất lao động nông nghiệp, công nghiệp và hướng dẫn, theo dõi, tổng kết; nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, đời sống; xây dựng nền nếp quản lý 3 mặt công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; tổ chức công tác nghiên cứu kỹ thuật và khoa học, chủ yếu là ngành nông nghiệp; đề xuất phương hướng và kế hoạch đào tạo cán bộ, công nhân lành nghề, góp phần xây dựng lực lượng KHKT phục vụ sản xuất ở địa phương. Thời gian này, lãnh đạo Ban và các uỷ viên đều là các vị lãnh đạo, quản lý KHKT, giáo viên... của một số cơ quan, ban, ngành, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh, công tác mang tính chất kiêm nhiệm. Năm 1976, tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Ban KHKT tỉnh Hà Giang và Ban KHKT tỉnh Tuyên Quang được sáp nhập thành Ban KHKT tỉnh Hà Tuyên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh giữ chức vụ Trưởng ban. Tháng 7/1984, Ban KHKT tỉnh Hà Tuyên được đổi tên thành Uỷ ban KHKT tỉnh Hà Tuyên. Thời gian này, bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về KHKT được tăng cường; đã có các biên chế riêng làm công tác quản lý khoa học. Các hoạt động nghiên cứu, triển khai được mở rộng hơn; việc đưa tiến bộ KHKT áp dụng vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đạt nhiều kết quả. Đội ngũ cán bộ KHKT của tỉnh ngày càng phát triển; tính đến năm 1983, toàn tỉnh có khoảng 2.300 cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng, trên một vạn có trình độ trung cấp và 5.000 công nhân kỹ thuật, trong đó có 26,9% là cán bộ người dân tộc thiểu số. Công tác tiêu chuẩn hoá, kiểm định đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá tại địa phương được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đạt kết quả, đã xây dựng được 29 tiêu chuẩn nông cụ phù hợp với từng vùng trong tỉnh. Ngày 04.4.1985, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tuyên ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU về việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, trong đó xác định rõ 4 nhiệm vụ chủ yếu của hoạt động KHKT, đồng thời đề ra phương hướng đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất và đời sống trong tất cả các lĩnh vực phát triển KT-XH và các biện pháp chủ yếu để thực hiện như: cải tiến một bước công tác quản lý, công tác kế hoạch hoá và chế độ cấp phát tài chính cho KHKT; tăng cường củng cố, kiện toàn các cơ quan quản lý, nghiên cứu, các cơ sở thực nghiệm KHKT; đầu tư xây dựng cơ bản và trang thiết bị cho KHKT; cải tiến công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; kiện toàn hệ thống thông tin KHKT; tăng cường một bước công tác tiêu chuẩn hoá, đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm.


Năm 1988, Uỷ ban KHKT tỉnh Hà Tuyên được đổi tên thành Ban KH&KT tỉnh Hà Tuyên. Chức năng của Ban là tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách KHKT của Đảng và Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước các hoạt động KH&KT trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả khoa học tự nhiện, khoa học xã hội và KHKT). Sau khi tái lập tỉnh Hà Giang (1991), Ban KH&KT tỉnh Hà Giang cũng được lập lại. Theo Quyết định số 531/QĐ-UB ngày 13 tháng 10 năm 1993 của UBND tỉnh Hà Giang, Sở KHCN và Môi trường Hà Giang được thành lập trên cơ sở Ban KHKT tỉnh.


Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển (tính từ năm 1959 đến nay) Sở KH&CN tiền thân là Ban Kỹ thuật tỉnh Hà Giang đã không ngừng được tăng cường về đội ngũ cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu công nghiệp, công nghệ thông tin và thông tin KHCN cũng như đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của tỉnh Hà Giang. Đồng thời, Sở cũng đã tham mưu, cung cấp các luận cứ khoa học làm cơ sở cho các quy hoạch, các quyết định, chương trình kế hoạch ở cấp tỉnh và cấp huyện, thông qua các đề tài, dự án được triển khai ở địa phương, đã đưa những tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất, phát triển KT-XH cũng như phục vụ và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực trên địa bàn toàn tỉnh. Trong giai đoạn từ 1991 - 2011 đã có 340 đề tài, dự án được Sở KH&CN phối hợp với các ngành của địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu trên cả nước tổ chức triển khai trên địa bàn tỉnh, đồng thời huy động được đông đảo đội ngũ cán bộ trong và ngoài tỉnh tham gia nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống. Kết quả của hoạt động này được thể hiện trong các lĩnh vực như: Điều tra cơ bản - Môi trường có 33 đề tài, dự án; KHCN (gồm nông - lâm - ngư nghiệp, giao thông - công nghiệp - xây dựng, công nghệ thông tin, y tế) có 217 đề tài, dự án; Khoa học xã hội nhân văn có 90 đề tài, dự án; các đề tài, dự án thuộc các chương trình hỗ trợ từ Trung ương có 13 đề tài, dự án... Từ năm 2000 trở lại đây khi Bộ KH&CN được thành lập, công tác kế hoạch hóa về KH&CN được chú trọng, tạo động lực lớn cho phát triển KH&CN, đặc biệt là công tác đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đầu tư về tài chính, về cơ sở vật chất kỹ thuật và đầu tư các nguồn lực khác. Đến thời điểm tháng 12/2012, đội ngũ cán bộ KH&CN tỉnh Hà Giang là 15.045, trong đó có 3 tiến sĩ, 189 thạc sĩ và 9.850 cán bộ có trình độ đại học và 5.003 cao đẳng. Đội ngũ cán bộ được đào tạo ở nhiều lĩnh vực, song tập trung chủ yếu ở lĩnh vực khoa học xã hội chiếm 24,21%; y - dược 20,82% và khoa học tự nhiên 15,52%... Trong tổng số nguồn nhân lực nói trên, nguồn nhân lực hiện đang công tác tại các sở, đơn vị cấp tỉnh là 1.660 người, tại các huyện, thành phố là 827 người. Đội ngũ cán bộ KH&CN đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH, AN-QP của tỉnh; tham gia vào việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, công nghệ trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, công nghệ thông tin, giao thông, xây dựng...; tích cực tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; phát triển sự nghiệp văn hoá - thông tin - thể thao; tham gia công tác quản lý và xây dựng hệ thống chính trị, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, địa phương trong xây dựng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, củng cố QP-AN và công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể. Những năm gần đây, tỉnh quan tâm từng bước đầu tư xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ KH&CN trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trường học, các doanh nghiệp, để có thể trực tiếp tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tạo ra các sản phẩm KH&CN có giá trị thực tiễn. Hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ về thời gian để cán bộ, công chức tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, quản lý Nhà nước hoặc tổ chức cho cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ thông tin, kỹ năng lãnh đạo quản lý, tiếng dân tộc thiểu số và tham gia thực hiện các đề tài, dự án cấp cơ sở và cấp tỉnh.

Trong giai đoạn mới, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01.11.2012 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Chương trình của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW là những chính sách quan trọng đối với sự phát triển KH&CN ở địa phương, đưa KH&CNthực sự là động lực quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh.


Đàm Xuân Lan (Giám đốc Sở KH&CN)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công bố chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm Mật ong bạc hà
HGĐT- Sáng 28.4, tại huyện Mèo Vạc, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm Mật o­ng bạc hà tỉnh Hà Giang. Dự Hội nghị có đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ; lãnh đạo trường Đại học Thái Nguyên. Về phía tỉnh có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND
30/04/2014
Sở Tài Chính khai trương Hệ thống phần mềm “Một cửa” điện tử và dịch vụ công trực tuyến
HGĐT- Ngày 28.4, Sở Tài chính khai trương Hệ thống phần mềm “Một của” điện tử và dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3) trên mạng Iternet với sự chứng kiến của lãnh đạo cấp vụ Văn phòng T.Ư Đảng và UBKT T.Ư; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, Báo Hà Giang, cùng lãnh đạo và cán bộ các phòng nghiệp vụ Sở Tài chính, Phòng Tài chính – Kế hoạch 11 huyện, thành phố; Trung tâm Dịch vụ
29/04/2014
10 sự thật không thể quên về “huyền thoại” Nokia
Nokia chính thức đã thuộc về tập đoàn Microsoft. Hãy cùng điểm lại những sự thật thú vị về thương hiệu điện thoại đình đàm một thời này.
28/04/2014
Facebook kiếm lợi nhuận cao nhờ quảng cáo
Mạng xã hội Facebook vừa báo cáo lợi nhuận ròng trong ba tháng đầu năm nay là 642 triệu USD, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước (219 triệu USD).
25/04/2014