Không khí lạnh đang thay đổi

08:57, 04/02/2009

Những ngày vừa qua người dân miền Nam cảm nhận cái lạnh đậm và dài hơn hẳn các năm trước. Còn năm ngoái, người dân phía Bắc phải chịu đợt rét 38 ngày, dài nhất trong lịch sử. Cái lạnh bất thường này là biểu hiện của biến đổi khí hậu (BĐKH)?


Học sinh ở Cái Bè (Tiền Giang) phải mặc áo ấm đi học, một hiện tượng hiếm thấy ở Nam bộ - Ảnh: VŨ LÂM

0,4 - 0,50C

Là mức tăng nhiệt độ trung bình của giai đoạn 1997-2006 trên cả nước so với trung bình nhiều năm.

Nhiệt độ ở VN những năm qua đang có xu hướng tăng lên do tác động của BĐKH, số đợt không khí lạnh tràn về nước ta cũng giảm đi nhưng cường độ và diễn biến bất thường hơn so với quy luật thường thấy. Trong những năm qua do xu thế nhiệt độ ấm lên, chúng ta không bị ảnh hưởng lắm bởi các mùa đông có rét đậm, rét hại kéo dài nên khi gặp đợt rét đậm, rét hại kéo dài của mùa đông năm 2007-2008 và cái rét đầu mùa đông năm 2008-2009 khiến mọi người có cảm giác lạnh hơn mức bình thường.

Thật ra cái lạnh này mới đúng quy luật của khí hậu VN còn quá trình ấm lên trong 10 năm vừa rồi mới là trái quy luật.

Những đợt lạnh trái quy luật

Thoạt nhìn, chúng ta thấy có những biểu hiện đang mâu thuẫn với nhau. Vì nói đến BĐKH tức là nói đến sự tăng lên của nhiệt độ nhưng mùa đông của chúng ta trong hai năm gần đây lạnh hơn, có những đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Nhiều thông tin cho rằng mức độ kéo dài của đợt rét lên tới 38 ngày trong tháng 1 và tháng 2-2008 phải hàng trăm năm mới có một lần. Dù độ khốc liệt của đợt rét đó chưa phải đạt đến mức độ thấp nhất trong quá khứ nhưng mức độ kéo dài thì ở mức kỷ lục, hiếm khi xảy ra ở đồng bằng Bắc bộ.

Chưa có nghiên cứu nào có thể kết nối những đợt rét bất thường với những biểu hiện của BĐKH khi biểu hiện của BĐKH là nhiệt độ ấm lên, băng tan nhiều. Nếu vậy, nhiệt độ ở vùng Siberia (Nga) tăng lên trong khi những đợt không khí lạnh tràn về nước ta chủ yếu do cao áp ở Siberia đem lại. Nếu như đồng nghĩa với BĐKH thì vùng này sẽ nóng lên, cường độ không khí lạnh sẽ yếu đi. Sự bất hợp lý đã xảy ra dù mức độ rét chưa đạt mức kỷ lục so với quá khứ nhưng độ kéo dài lại bất thường.

Số lượng các đợt không khí lạnh trong hai thập niên qua ảnh hưởng đến VN giảm đi nhưng cường độ và mức ảnh hưởng tới các tỉnh phía Nam lại trái với quy luật thông thường. Theo quy luật, đầu tiên không khí lạnh đi theo tuyến Bắc - Nam sau đó đến cuối mùa (tháng 3, tháng 4) mới di chuyển lệch ra phía đông và gây mưa phùn ở Bắc bộ do mang lượng hơi ẩm từ biển vào.

Đường đi của không khí lạnh thay đổi

Quy luật này được các nhà nghiên cứu khí hậu viết thành sách giáo khoa: đầu mùa đông, không khí lạnh đi qua lục địa Trung Quốc rồi tràn xuống nước ta nên khô, đến cuối mùa nó đi lệch ra phía đông rồi di chuyển vào VN theo hướng từ biển vào nên dù lạnh nhưng ẩm hơn và gây mưa phùn ở Bắc bộ. Nhưng hiện nay lại có dấu hiệu các đợt không khí lạnh hoạt động liên tục hơn và tương đối mạnh, đồng thời có dấu hiệu đi lệch về phía đông trước khi đến VN nhiều hơn so với những năm trước. Do trục lưỡi cao của không khí lạnh lệch đông sớm nên hay ảnh hưởng đến phía Nam của nước ta hơn.

Trong những năm gần đây, dù xuất hiện đầu mùa hay cuối mùa thì không khí lạnh đã có xu hướng đi lệch về phía đông và không bị cản bởi đèo Hải Vân nên nó đi sâu vào phía Nam hơn dù cường độ không lớn. Trong khi trước đây không khí lạnh muốn đến được Nam bộ thì cường độ phải cực mạnh mới vượt qua đèo Hải Vân để tràn xuống được phía Nam.

Bây giờ không phải cần cường độ mạnh như thế nhưng không khí lạnh thường đi lệch về phía đông từ đầu mùa nên ảnh hưởng ngay đến Nam bộ. Ví dụ điển hình là đợt không khí lạnh cuối tháng 12-2008 và đầu tháng 1-2009 đã đi lệch đông mang hơi ẩm kết hợp với gió đông hội tụ gây mưa trái mùa với cường độ mưa lịch sử hiếm thấy vào thời điểm này tại các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, gây ra đợt lũ lụt khá nặng.

Những ngày giữa tháng 1 vừa qua, không khí lạnh cũng đi lệch đông ảnh hưởng đến Nam bộ. Dù chưa đạt đến mức độ cao nhất về lạnh như từng xảy ra trong lịch sử nhưng các đợt lạnh thường xuyên xảy ra hơn với Nam bộ. Trong thập niên vừa rồi là thời kỳ nóng nên những đợt không khí lạnh này làm người dân miền Nam cảm thấy mùa đông cận kề hơn, gần với miền Bắc hơn.

Lạnh do BĐKH?

Để gắn kết được hiện tượng này đối với BĐKH do nóng lên của khí hậu toàn cầu thì cần phải nghiên cứu. Tuy nhiên, về mặt kết nối thông tin thì nhiều khả năng nó cũng là hệ quả của BĐKH. Với diễn biến của BĐKH thì mùa đông sẽ có những thời kỳ rét đậm, rét hại mặc dù khí hậu vẫn nóng lên.

Bên cạnh nỗ lực của quốc gia, các tổ chức, nhà sản xuất, người dân cần phải quan tâm nhiều hơn tới sự tác động của BĐKH vì mọi người đều tham gia gây ra các tác động trực tiếp vào môi trường và chịu hậu quả từ môi trường. Vì vậy, mọi người cần có những điều chỉnh và thích nghi với lối sống ít tác động tới môi trường nhất như hướng tới những công nghệ ít thải ra khí quyển những chất tác động xấu đến môi trường nhất. Đặc biệt quan trọng là phải bảo vệ rừng vì giảm diện tích rừng là giảm khả năng hấp thụ của Trái đất khi lượng khí nhà kính vào khí quyển ngày càng nhiều lên.

Những biến đổi của khí hậu VN gần đây

* Nhiệt độ: Trong khoảng 50 năm qua (1951-2000) nhiệt độ trung bình năm ở VN đã tăng lên 0,70C. Nhiệt độ trung bình năm của bốn thập niên gần đây (1961-2000) cao hơn trung bình năm của ba thập niên trước đó (1931-1960). Nhiệt độ trung bình năm của thập niên 1991-2000 ở Hà Nội,  Đà Nẵng, TP.HCM đều cao hơn trung bình của thập niên 1931- 1940 lần lượt là 0,8, 0,4 và 0,60C. Năm 2007 nhiệt độ trung bình năm cả ba nơi đều cao hơn trung bình của thập niên 1931-1940 là 0,8-1,30C và cao hơn thập niên 1991-2000 từ 0,4-0,50C.

* Mực nước biển: Theo số liệu quan trắc trong khoảng 50 năm qua ở trạm Hòn Dấu, mực nước biển trung bình đã tăng lên khoảng 20cm, phù hợp với xu thế chung của toàn cầu.

* Bão: Những năm gần đây số cơn bão có cường độ mạnh nhiều hơn, quỹ đạo dịch chuyển dần về các vĩ độ phía nam và mùa bão kết thúc muộn hơn, nhiều cơn bão có quỹ đạo di chuyển dị thường hơn.

* Số ngày mưa phùn trung bình năm ở Hà Nội giảm dần trong thập niên 1981-1990 và chỉ còn gần một nửa (15 ngày/năm) trong 10 năm gần đây.

* Số đợt không khí lạnh  ảnh hưởng tới VN giảm rõ rệt trong hai thập niên gần đây. Năm 1994 và năm 2007 chỉ có 15-16 đợt không khí lạnh, bằng 56% trung bình nhiều năm. 6/7 trường hợp có số đợt không khí lạnh trong mỗi tháng mùa đông (tháng 11 đến tháng 3) thấp dị thường (0-1 đợt/tháng) cũng rơi vào hai thập niên gần đây (3-1990, 1-1993, 2-1994, 12-1994, 2-1997, 11-1997). Một biểu hiện dị thường gần đây nhất là đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại kéo dài 38 ngày từ 13-1 đến 20-2-2008. Trong đợt rét này đã xuất hiện băng tuyết trên đỉnh Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) khi nhiệt độ xuống chỉ còn -2 và -30C.

Bên cạnh đó, các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại và làm sương muối xuất hiện, băng tuyết rơi ở nhiều nơi đều xuất hiện trong các mùa đông từ năm 2004 đến 2008. Đặc biệt đợt không khí lạnh tăng cường vào ngày 28-12-2007 không chỉ gây mưa tuyết trong khoảng 30 phút tại Sa Pa (Lào Cai) mà còn ảnh hưởng đến các tỉnh  Nam Trung bộ. Vào sáng sớm ngày 31-12-2007, TP Nha Trang bị sương mù bao phủ. Ngay lập tức thời tiết trở nên se lạnh như ở vùng núi cao. Hiện tượng này chỉ kéo dài trong khoảng 15 phút nhưng là một hiện tượng hiếm gặp ở miền khí hậu phía Nam.

(Theo số liệu quan trắc được tổng hợp từ Trung tâm Nghiên cứu khí tượng - khí hậu - Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường)

TS NGUYỄN VĂN THẮNG
(phó viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường)
TUẤN PHÙNG ghi

.......................

Khí hậu toàn cầu đang biến đổi chóng mặt

TT - Khí hậu trên Trái đất đang biến đổi sâu sắc với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với những gì các nhà khoa học dự đoán. Nguồn năng lượng chủ yếu trên Trái đất từ năm 1600 đến nay đều liên quan đến carbon. Và một khi đốt nguyên liệu, carbon được giải phóng vào môi trường, tạo thành khí CO2. Chính khí CO2 trong khí quyển hay đại dương sẽ hấp thụ nhiều nhiệt hơn từ Mặt trời và làm Trái đất ấm dần lên.

Tuyết rơi dày đến mức người dân phải dùng giày trượt tuyết ở London (Anh) - Ảnh: Reuters

Nhiệt độ Trái đất tăng lên, mỉa mai thay lại đưa đến những trận mưa, bão hay bão tuyết khắc nghiệt hơn. Mưa hay bão tuyết không còn diễn ra thường xuyên, đều đặn với cường độ trung bình mà thay vào là những trận mưa hay bão rất lớn xảy ra thất thường. Đây được gọi là hiện tượng khí hậu cực đoan.

Dự án carbon toàn cầu (Global carbon project) cho biết nếu như vào những năm 1980 chỉ có 1,6g CO2 trong 1 lít không khí thì đến nay con số này đã tăng lên 2,2g/lít. Băng tại một số khu vực ở Bắc cực đang tan nhanh hơn 30 năm so với dự đoán. Và với đà tan băng thế này chậm nhất vào năm 2040, mùa hè tại Bắc cực sẽ không còn băng - điều chưa từng xảy ra trong 1 triệu năm qua.

Băng tan ngày một nhiều đưa tình trạng Trái đất vào vòng luẩn quẩn. 2/3 năng lượng ánh sáng mặt trời được hấp thụ vào khí quyển, đại dương... và 1/3 sẽ được phản xạ trở lại ở các khu vực băng. Một khi băng tan sẽ có nhiều nước biển hơn, ngoài việc làm biển lấn đất còn khiến nhiệt từ Mặt trời sẽ được hấp thụ nhiều hơn.


Tuổi trẻ

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

10 sự kiện CNTT-TT nổi bật nhất năm 2008
Chiều 30/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa chính thức công bố 10 sự kiện tiêu biểu, nổi bật nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) năm 2008.
31/12/2008
Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thông tin và truyền thông trong tình hình mới
HGĐT- Đến Xuân này là gần 3 năm Sở Thông tin & Truyền thông được thành lập và đi vào hoạt động. Những bỡ ngỡ, khó khăn trong giai đoạn đầu dần lùi xa, thay vào đó là sự ổn định và đột phá trong công tác quản lý Nhà nước về công tác thông tin và truyền thông.
31/12/2008
Thăm hai lăng mộ cổ Ai Cập mới phát hiện
Hai khu mộ vừa khai quật tại Ai Cập có tuổi đời 4.300 năm, thuộc về hai viên quan coi sóc âm nhạc và khai mỏ. Những lăng mộ này đều sử dụng chữ tượng hình trang trí và đây được coi là phát hiện quan trọng.
26/12/2008
Bảo vệ "cư dân mạng"
Tập đoàn phần mềm Microsoft lưu ý: Tỷ lệ máy tính bị tin tặc tấn công ở các nước đang phát triển cao nhất thế giới.
19/01/2009