Hội thảo khoa học Nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển Công viên Địa chất và xây dựng Đề án Cao nguyên đá Đồng Văn

08:30, 26/11/2008

HGĐT- Ngày 21.11, tại Hội trường Nhà khách Công đoàn, UBND tỉnh phối hợp với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Dân tộc học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), Viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) và các nhà khoa học đến từ Vương quốc Bỉ tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá kết quả một năm triển khai dự án hợp tác Việt - Bỉ về nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển Công viên Địa chất trên Cao nguyên đá Đồng Văn và thống nhất kế hoạch hành động tiếp theo của dự án.


Tới dự có đồng chí Vương Mí Vàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo dự án; lãnh đạo các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, KH & CN, Công thương, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường. Về phía Trung ương có lãnh đạo ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản Việt Nam; Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và các nhà khoa học đến từ Vương quốc Bỉ.

Cao nguyên đá Đồng Văn tiềm ẩn nhiều giá trị địa chất, giá trị tự nhiên vô cùng đặc sắc, cần được gìn giữ và bảo tồn cho các thế hệ tương lai. Với những giá trị địa chất, địa mạo đó Dự án Việt - Bỉ về nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Dự án được khởi động từ tháng 6/2007. Hiện nay, đã được các nhà khoa học Viện nghiên cứu Khoa học Địa chất và Khoáng sản cùng nhiều cơ quan nghiên cứu khá dầy công tìm tòi, điều tra, đánh giá từ nhiều năm nay, đặc biệt cùng với những đóng góp vô cùng quý giá của các nhà khoa học quốc tế đến từ Vương quốc Bỉ.

Tại Hội thảo các đại biểu đã thảo luận sâu hơn về các kết quả nghiên cứu và chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế đối với việc xây dựng Công viên địa chất tại 2 huyện Đồng Văn - Mèo Vạc. Tuy nhiên, ở những nơi giàu di sản địa chất và cảnh quan thường là những nơi tập trung dân cư đông đúc. Vì vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào để có thể vừa bảo tồn, khai thác sử dụng các di sản địa chất, thiên nhiên, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được mục tiêu phát triển kinh tế và môi trường của địa phương. Hội thảo cũng cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá đến các cấp chính quyền, đặc biệt là người dân địa phương, vì họ là nhân tố chính đóng góp vào quá trình bảo tồn và khai thác sử dụng bền vững những tài nguyên quý báu đó. Xây dựng các cơ sở pháp lý cho công tác bảo tồn, quản lý và phát huy các giá trị của Công viên địa chất; cần có sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp và đặc biệt là chính quyền địa phương để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

Ngày 22.11, UBND tỉnh tổ chức họp với các ngành như: Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và các chuyên gia quốc tế đến từ Vương quốc Bỉ để bàn các giải pháp về cơ chế hợp tác xây dựng Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Mí Vàng, Trưởng ban chỉ đạo Dự án, khẳng định quyết tâm của tỉnh Hà Giang trong việc xây dựng, đề án Cao nguyên đá Đồng Văn. Đây là một công việc quan trọng của tỉnh, là một phần trong nhiệm vụ phát triển KT-XH, khai thác tiềm năng du lịch, dịch vụ và có giá trị bền vững, lâu dài. Vì vậy, các ngành chức năng của Trung ương cần tập trung xác định rõ trên kinh nghiệm và tham quan thực tế tại các quốc gia trong khu vực. Ban Chỉ đạo và Tổ Chuyên gia cần xác định rõ nhiệm vụ cụ thể, nội dung cần thực hiện để bắt tay vào xây dựng đề án khoa học hiệu quả. Các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thị cần có sự phối kết hợp chặt chẽ, kịp thời để đề án được triển khai nhanh, đúng tiến độ đề ra và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh... Theo lộ trình xây dựng đề án, năm 2008 sẽ hoàn thành bước 1 của đề án, bao gồm: Lập đề án, xây dựng báo cáo khoa học, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ chuyên gia. Năm 2009, hoàn thành bước 2, bao gồm: Hoàn tất thủ tục đề nghị công nhận, trình cấp có thẩm quyền. Năm 2010, công bố quyết định và tổ chức Lễ hội Cao nguyên đá. Các năm tiếp theo sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, quy hoạch và bắt đầu khai thác du lịch dịch vụ. Theo ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Vương quốc Bỉ, lộ trình này cần được xem xét kỹ hơn về mặt thời gian, tiến độ. Trước mắt kiện toàn lại tổ chuyên gia. Trên cơ sở tài liệu đã có, các chuyên gia tổng hợp lại và nếu đạt trên 50% điểm thì sẽ đệ trình. Nếu chưa đủ thì tiến hành khảo sát tiếp các tiêu chí chưa đủ tiêu chuẩn. Báo cáo Ban chỉ đạo thông qua trước khi trình UNESCO...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Mí Vàng ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, bước đầu lập đề án xây dựng “công viên địa chất quốc gia” theo lộ trình. Sau đó, trên cơ sở đã có, tiến hành quy hoạch, xây dựng và hoàn thiện để báo cáo cấp có thẩm quyền gửi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Cao nguyên đá Đồng Văn là “ Di sản thiên nhiên thế giới”. Đối với Ban chỉ đạo và Tổ chuyên gia và các ngành chức năng của tỉnh định kỳ tổ chức họp, hội thảo, hội nghị để giải quyết và hoàn tất nội dung, thủ tục theo qui định của Nhà nước và theo kịp tiến độ, lộ trình đã đề ra.


Minh Tâm

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Kết quả phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi ô nhiễm môi trường tại thị trấn Tam Sơn – Quản Bạ
HGĐT- Dự án phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi ô nhiễm môi trường (ÔNMT) do SEMLA tài trợ, tại thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ; đã xây dựng được những nội dung cơ bản về cam kết bảo vệ môitrường trong cộng đồng dân cư, bằng thể loại văn bản, đó là Hương ước bảo vệ môi trường (HƯBVMT) của tổ chức dân cư, thôn bản trực tiếp do người dân tham gia xây dựng nên và tự quy định và
29/10/2008
6 bộ loa vi tính được đánh giá cao trên thị trường
Các mẫu loa 2.1 này chủ yếu đến từ hai nhà sản xuất Altec Lansing (Mỹ) và Edifier (Canada) như "kiều nữ hát rock" M3200 hay hệ thống thời trang E3350.
25/11/2008
5 ứng dụng chat video tốt nhất
Khi bạn muốn liên lạc với người thân, hay bạn bè, đối tác làm ăn ở xa không thể nào gặp mặt trực tiếp được thì các ứng dụng chat video là sự lựa chọn số một cho vấn đề này.
25/11/2008
Hiệu quả từ dự án đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tại Hà Giang
HGĐT- Nhãn hiệu hàng hoá và bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá có ýnghĩa sống còn đối với những cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.
25/11/2008