Thực hiện Nghị định 115 tại các địa phương

16:39, 07/05/2008

(HGĐT)- Thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP (NĐ 115), các tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập trong cả nước phải tiến hành rà soát, xây dựng đề án chuyển đổi để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định, cho đến thời điểm này, số lượng tổ chức KH&CN có đề án được phê duyệt rất ít, đặc biệt là khối địa phương. Vậy nguyên nhân do đâu?


Những con số khiêm tốn

Số tổ chức KH&CN thuộc các bộ/ngành và địa phương thuộc diện phải chuyển đổi theo NĐ 115 là 659. Tính đến hết tháng 2.2008, theo báo cáo gửi về Bộ KH&CN, trong tổng số 659 tổ chức này có 193 tổ chức có đề án đã được phê duyệt (chiếm tỷ lệ 29,3%), 110 tổ chức đã có đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt (chiếm tỷ lệ 16,7%), 313 tổ chức đang xây dựng và hoàn chỉnh đề án, và 43 tổ chức đã được các bộ/ngành, địa phương cho áp dụng chuyển đổi theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25.4.2006 của Chính phủ (NĐ 43).

Riêng khối địa phương (64 tỉnh/thành phố), số lượng tổ chức KH&CN phải chuyển đổi là 158, trong đó có 17 tổ chức được đề nghị là tổ chức nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược chính sách (đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 4, NĐ 115). Trong tổng số 158 tổ chức trên, chỉ có 14 tổ chức có đề án đã được phê duyệt (chiếm 9%), 75 tổ chức có đề án đang chờ cấp thẩm quyền phê duyệt (47,5%), 42 tổ chức đang xây dựng đề án và 27 tổ chức chuyển đổi sang hoạt động theo NĐ 43.


Trên đây là những con số rất khiêm tốn, cho thấy tiến độ thực hiện NĐ 115 ở khối địa phương còn rất chậm so với quy định. Bên cạnh một số địa phương tích cực triển khai chuyển đổi đảm bảo đúng tiến độ như: Bình Dương, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hải Dương, Kon Tum, Lai Châu, Lạng Sơn, Tây Ninh, Tiền Giang... thì đa phần các địa phương khác còn chậm chạp trong việc xây dựng đề án chuyển đổi. Đến nay, chỉ có 11 địa phương đã phê duyệt đề án chuyển đổi cho các tổ chức KH&CN trực thuộc trên tổng số 56 địa phương có báo cáo về Bộ KH&CN (8 địa phương chưa có báo cáo về Bộ KH&CN). Một số địa phương chưa triển khai và không thực hiện báo cáo đối với Bộ KH&CN như: Bà Rịa -Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đắc Nông, Phú Thọ...


Vướng mắc tại các địa phương

Nhận thức chưa đúng: Đến nay, lãnh đạo nhiều địa phương vẫn còn nhận thức chưa đúng, hoặc chưa đầy đủ về NĐ 115, vì hiểu là, chuyển đổi theo NĐ 115 nghĩa là tổ chức KH&CN sẽ phải tự chủ hoàn toàn, không còn được hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước. Nhiều tổ chức do thiếu thông tin, lúng túng trong việc xây dựng đề án, xác định giá trị tài sản, giải quyết chế độ dôi dư nên còn tâm lý e ngại trong việc chuyển đổi. Cá biệt có ý kiến còn cho rằng, ngành khoa học tự trói chân mình khi chuyển đổi theo NĐ 115. Đang hưởng chế độ xin - cho từ nguồn ngân sách, không có gì phải lo nghĩ, lại quay sang thực hiện việc chuyển đổi, như thế là tự làm khó mình.


Thiếu sự chỉ đạo và phối hợp giữa các ban/ngành: Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc chuyển đổi. ở đây, thiếu sự chỉ đạo được hiểu là lãnh đạo các địa phương đã chần chừ trong việc đưa ra những quyết định mang tính đột phá. Không thể nói lãnh đạo một số địa phương chưa sâu sát trong chỉ đạo do thiếu thông tin, hiểu biết về NĐ 115, bởi Bộ KH&CN đã có nhiều biện pháp tuyên truyền vấn đề này, kể cả việc xây dựng một kế hoạch tuyên truyền tổng thể và dài hạn về NĐ 115 để mọi cá nhân và tổ chức KH&CN hiểu. Chỉ có thể giải thích là lãnh đạo các địa phương nhìn thấy cái khó khi thực hiện NĐ 115 nên chưa thực sự mặn mà với nó, chưa chỉ đạo quyết liệt mà mới chỉ dừng lại ở mức độ nghe ngóng là chính. Sự phối hợp giữa các ban/ngành trong việc triển khai thực hiện NĐ 115 còn lỏng lẻo, đó là chưa kể một số Sở KH&CN chưa phát huy được vai trò là đầu mối tại các địa phương.


Tiềm lực của các tổ chức KH&CN còn yếu: Bộ KH&CN đã có văn bản hướng dẫn xây dựng nhiệm vụ, sử dụng kinh phí sự nghiệp KH&CN để thực hiện tăng cường năng lực nghiên cứu, chống xuống cấp các tổ chức KH&CN. Tuy nhiên trên thực tế, các tổ chức KH&CN ở địa phươngchưa được đầu tư thỏa đáng, nhiều tổ chức KH&CN hoạt động nhỏ, lẻ và phân tán, tiềm lực yếu, hiệu quả thấp. Đây là điều mà nhiều địa phương cũng như tổ chức KH&CN lo ngại nhất khi thực hiện NĐ 115, họ cho rằng với tình trạng như vậy thì sau chuyển đổi, các tổ chức KH&CN sẽ khó có thể tồn tại và phát triển.


Thị trường công nghệ chưa phát triển: Đến nay trên cả nước mới chỉ có 2 địa phương (thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng) có sàn giao dịch công nghệ và thiết bị, nhưng hoạt động vẫn mang tính hỗ trợ cho các tổ chức/doanh nghiệp là chính, thị trường này ở các địa phương chưa thực sự sôi động và phát triển. Do vậy, đây cũng là vấn đề đặt ra đối với các tổ chức sau chuyển đổi. Khi thị trường này chưa phát triển, cũng đồng nghĩa với việc các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội chưa thực sự quan tâm đến các sản phẩm/dịch vụ KH&CN, chưa tạo ra thói quen tìm kiếm các sản phẩm/dịch vụ này, như vậy các tổ chức KH&CN sau chuyển đổi sẽ gặp nhiều khó khăn về đầu ra.


Bên cạnh đó, ở một số địa phương, do thiếu thông tin, không tìm hiểu kỹ các văn bản hướng dẫn và để cho kịp báo cáo, lãnh đạo đã vội vã phê duyệt cho các tổ chức KH&CN chuyển đổi theo NĐ 43 nhằm tiếp tục được hưởng kinh phí hoạt động thường xuyên mang tính bao cấp từ ngân sách nhà nước. Có 6 địa phương đã phê duyệt chuyển đổi theo hình thức trên là: Nam Định (5 tổ chức), Hà Giang (5 tổ chức), Hà Nam (1 tổ chức), Kiên Giang (1 tổ chức), Thanh Hóa (2 tổ chức), đặc biệt tỉnh Trà Vinh có 13 tổ chức KH&CN phải chuyển đổi thì lãnh đạo địa phương đã phê duyệt đề án chuyển đổi cho tất cả các tổ chức này sang hoạt động theo NĐ 43.


Cần tìm những giải pháp thích hợp

Tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện NĐ 115 được tổ chức vào ngày 13.3.2008 tại thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn vào sự thật và mong muốn tìm ra những biện pháp để giải quyết những khó khăn. Mỗi địa phương đều có những khó khăn riêng, nhưng tựu chung lại nó được đúc rút qua 4 chữ: “Nhân lực” và “vật lực”. Nhưng thực tế cũng cho thấy, địa phương nào lãnh đạo nhận thức đầy đủ và đúng đắn về NĐ 115 thì họ đều quyết tâm thực hiện và thực hiện thành công. Với một thái độ tích cực họ đều cho rằng, chuyển đổi theo NĐ 115 là xu thế tất yếu của thời đại, và chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc hoà nhập với xu thế phát triển chung đó. Quan điểm chung đều nhận định, không thể có một chính sách riêng cho từng địa phương mà mỗi địa phương phải tìm cho mình những bước đi thích hợp, vận dụng một cách linh hoạt dựa trên các văn bản hướng dẫn của các Bộ, vừa làm vừa tháo gỡ những khó khăn, không thể tiếp tục trông chờ và ỷ lại vào Nhà nước.


Đối với các tổ chức KH&CN của các địa phương, nhất là các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, được biết, thời gian tới Bộ KH&CN sẽ có phương án phối hợp với UBND các tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực cho các tổ chức KH&CN trong giai đoạn chuẩn bị chuyển đổi. Bộ sẽ đề nghị Chính phủ cho phép các địa phương được kéo dài thời gian chuyển đổi đến hết năm 2011; có những chính sách hỗ trợ cụ thể đối với các tổ chức KH&CN đủ điều kiện chuyển đổi để có thể chuyển sang hoạt động theo NĐ 115 một cách thành công. Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, NĐ 115 ra đời nhằm tạo ra một cuộc cách mạng trong KH&CN. Bất kỳ một cuộc cách mạng nào cũng phải có những hy sinh. Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm một lần còn hơn để cả nền KH&CN của chúng ta mãi ở trong tình trạng trì trệ. Và trong cuộc cách mạng này, vai trò của người lãnh đạo là đặc biệt quan trọng.


Hà Duy

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Truyền dẫn thông tin trên đường dây điện – tại sao không?
Chiều 28.4, Công ty thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom - ETC) đã tiến hành thử nghiệm thành công mạng dữ liệu tốc độ cao trên đường dây điện. Cuộc thử nghiệm đã mở ra những triển vọng mới cho ngành viễn thông Việt Nam, đồng thời hứa hẹn đặt các nhà cung cấp dịch vụ internet vào một cuộc cạnh tranh mới, khốc liệt hơn.
30/04/2008
Để nâng cao năng suất và chất lượng cam Sành Hà Giang
(HGĐT)- Cam sành Hà Giang đã có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhưng trong những năm qua, do dịch bệnh gây hại và tác động của các biện pháp trồng trọt, chăm sóc, nhân giống không phù hợp đã nhanh chóng làm suy thoái các vườn cam.
28/04/2008
Thị trường ĐTDĐ: Vẫn bán chạy dù kinh tế suy thoái
Số lượng ĐTDĐ mà các hãng sản xuất bán được trong quý I/2008 đã tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước - tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong vòng 5 quý trở lại đây.
26/04/2008
Một số tồn tại và những giải pháp quản lý sử dụng thủy điện ở tỉnh ta
(HGĐT)- Hiện nay ở nước ta nói chung và tỉnh ta nói riêng chưa có qui hoạch sử dụng tổng hợp tài nguyên nước trên các lưu vực sông, suối, nên công tác quản lý tài nguyên nước ở các hồ chứa thuỷ điện và việc sử dụng nước trong phát điện chưa phát huy được mục tiêu một công trình phục vụ đa mục đích.
23/04/2008