Ứng dụng khoa học, công nghệ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi

07:44, 02/04/2008

Hơn một nghìn lượt cán bộ Khoa học và công nghệ đã tham gia triển khai 131 dự án thuộc Chương trình: "Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2004-2010" (Chương trình Nông thôn miền núi). Sau ba năm, 786 mô hình đã được xây dựng, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.  


 
 Hướng dẫn nông dân cách trồng nấm.
Kết quả bước đầu

Tiến sĩ Bùi Mạnh Hải, Phó Trưởng ban Thường trực Chương trình Nông thôn miền núi cho chúng tôi biết:  hơn 1.100 lượt cán bộ khoa học từ 68 tổ chức khoa học  và công nghệ  ở trung ương và địa phương về phục vụ tại địa bàn nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình đã xây dựng được 786 mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ ở nông thôn và miền núi, đào tạo hơn 700 kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn kỹ thuật cho hơn 14.700 lượt nông dân. Tính đến ngày 31-8-2007 tổng kinh phí cấp từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ trung ương cho các dự án hơn 71 tỷ đồng.  

Một trong những kết quả nổi bật là việc thực hiện các dự án đã giúp các địa phương tiếp nhận, làm chủ các công nghệ để giải quyết các vấn đề cơ bản như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên diện tích hiện có của địa phương.

Trong lĩnh vực trồng trọt, việc triển khai các dự án đã giúp các địa phương tiếp nhận và ứng dụng các công nghệ để chủ động sản xuất giống cây trồng sạch bệnh, phát triển sản xuất có lợi thế ở địa phương, vùng như cây ăn quả có múi, hoa, các loại cây dược liệu có giá trị; sản xuất và sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong quy trình sản xuất nông sản, giúp nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông sản an toàn nói chung, rau quả an toàn nói riêng.

Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng  tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng để nâng cao chất lượng nông sản, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác ở một số xã thuộc huyện Ninh Giang, Hải Dương" đã tổ chức tập huấn cho hơn ba nghìn lượt nông dân về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc các giống lúa, bí xanh, khoai tây; xây dựng tại ba xã các mô hình về lúa, bí xanh, ớt, khoai tây... bằng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt do Viện Cây lương thực và thực phẩm.

Các dự án thuộc lĩnh vực thủy sản đã giúp các địa phương tiếp nhận và làm chủ được các công nghệ: sản xuất giống cua biển, ương giống một số loài cá biển có giá trị kinh tế cao, nhân giống và nuôi trai lấy ngọc, nuôi cá lồng trên biển, phát triển nuôi cá giò và cá song, cá rô-phi đơn tính ở vùng Bắc Trung Bộ. Ðiển hình là dự án nuôi trai lấy ngọc ở Thừa Thiên - Huế. Các nhà khoa học đã chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhân tạo, nuôi trai cấy ngọc cho hơn 20 hộ ngư dân. Hiện nay ngư dân đang ương nuôi 800 nghìn trai giống, 10 nghìn trai nguyên liệu.

Thành công của các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học là đã giúp các địa phương tiếp nhận và làm chủ các công nghệ về sản xuất giống nấm các cấp, nhân nhanh các giống cây trồng bằng kỹ thuật mô hom, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản để sản xuất các loại phân bón hữu cơ vi sinh, sản xuất các chế phẩm và thuốc bảo vệ thực phẩm có nguồn gốc sinh học. Ðáng chú ý là các dự án sản xuất nấm tại các tỉnh Sơn La, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Sóc Trăng đã sản xuất 35,5 tấn giống nấm các loại cung cấp cho nhiều mô hình trồng nấm tập trung và phân tán trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Từ kết quả nói trên, các dự án đã mở rộng thêm 94 mô hình trồng nấm tập trung và phân tán.

Những điều mắt thấy, tai nghe

Ðến xã Văn Yên, huyện Ðại Từ (Thái Nguyên) chúng tôi thấy dự án trồng nấm ở đây đã bước đầu thu được kết quả. Chủ tịch UBND huyện Ðại Từ Trương Thị Huệ, cho chúng tôi biết: Sau khi đi tham quan nhiều nơi, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển nghề trồng nấm. Trong năm nay đã bố trí nguồn ngân sách hơn 100 triệu đồng hỗ trợ cho người dân đi học nghề trồng nấm, và xây dựng nhà trồng nấm.

Bí thư Ðảng ủy xã Văn Yến, Ngô Ngọc Thanh kể: Ðể làm gương cho quần chúng noi theo, đảng viên trong xã đã đi đầu trong việc xây dựng các mô hình trồng nấm, mỗi đảng viên đóng góp 50 kg rơm... Cử nhân Ðinh Xuân Linh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) nêu rõ quyết tâm để triển khai thành công dự án: trong hơn một năm qua, trung tâm đã cử hai kỹ sư thay phiên nhau "cắm" xã, sẵn sàng giải quyết những thắc mắc về kỹ thuật của các hộ dân tham gia dự án. Ðể cho người trồng nấm yên tâm sản xuất viện sẵn sàng ứng vốn, bao tiêu sản phẩm.

So với Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 1998 - 2002, Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2004 - 2010 đã hình thành nhiều dự án hơn về lĩnh vực chế biến. Các tỉnh Cao Bằng, Bình Phước, Nghệ An thông qua việc triển khai các dự án đã giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp nhận và làm chủ các công nghệ về: chế biến, bảo quản mặt hàng thủy, hải sản khô và đông lạnh, công nghệ sản xuất ván giăm, ván ADF, công nghệ thu gom và sơ chế sữa bò tươi để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến sữa. Các dự án thuộc lĩnh vực chế biến không những giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp nhận và làm chủ công nghệ, giảm thất thoát sau thu hoạch, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị và kéo dài của nông, thủy và hải sản mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở khu vực nông thôn.

Nói về hiệu quả bước đầu của các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt, huyện Hương Hóa (Quảng Trị) Hồ Văn Thành tâm sự:  Ðồng bào Vân Kiều chúng tôi tham gia các dự án xây dựng mô hình thâm canh cây ngắn ngày, trồng cây điều trên đất khô hạn. Trước khi triển khai dự án, chính quyền xã cùng với các nhà khoa học đã tổ chức họp với dân, nói rõ mục đích của từng dự án, sau đó tổ chức tập huấn theo phương thức "cầm tay chỉ việc".

Qua hai năm triển khai xây dựng mô hình trồng cây điều, thâm canh một số cây lúa nước, xây dựng thư viện điện tử, xã chúng tôi đã có 400 người được đi dự các lớp tập huấn, nhiều hộ đã thoát nghèo,  nhà sàn không còn chỗ để lúa, cán bộ xã và một số người dân đã biết sử dụng máy vi tính, vào thư viện điện tử để tìm hiểu cách thức làm giàu.

Kiến nghị từ cơ sở

Nhiều đơn vị tiếp nhận các dự án chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tổng kết: nếu khâu khảo sát về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, phong tục tập quán, ý thức của người dân, lãnh đạo chính quyền... làm bài bản thì dự án đã thành công 50%. Nhiều dự án có nguy cơ thất bại là do khâu khảo sát không kỹ, qua loa, không đáp ứng các yêu cầu trong chuyển giao công nghệ. Do vậy, đơn vị chủ trì thực hiện dự án và đơn vị chuyển giao công nghệ cần có sự phối hợp chặt chẽ ngay từ  khâu khảo sát địa bàn triển khai dự án.

Thực tế cho thấy quá trình triển khai các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi đã gặp không ít khó khăn. Với nguồn kinh phí hạn hẹp, để tiết kiệm kinh phí đơn vị chuyển giao công nghệ chỉ cử một cán bộ  xuống "cắm" ở địa bàn, thay vì mỗi dự án phải có một cán bộ KH và CN chuyên trách. Thậm trí đã có dự án phải ngừng triển khai. Thí dụ: Dự án nuôi tôm sú ở huyện Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh, Dự án cấp nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi Tam Ðảo (Vĩnh Phúc).

Ngân sách sự nghiệp KH và CN trung ương không được chi các nội dung mang tính chất xây dựng cơ bản để thực hiện dự án. Thí dụ như: nhà lưới, nhà màn, nhà ni-lông, lán trại nuôi trồng nấm... Trên thực tế đây chính là một trong những công cụ, phương tiện đi kèm theo việc chuyển giao công nghệ, nếu thiếu, các dự án không thể triển khai được theo mục tiêu và nội dung đã được phê duyệt.

Chương trình Nông thôn miền núi thực chất là chương trình chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình, phù hợp trình độ người dân ở vùng nông thôn, miền núi, nhằm mục đích để cho người nông dân tự thoát nghèo, vươn lên làm giàu, do vậy cần có sự "vào cuộc" thật sự của các nhà khoa học, chính quyền các cấp và nhà doanh nghiệp.


Nhân dân

Cùng chuyên mục

Chính phủ tăng cường làm việc qua mạng
Bộ Thông tin và Truyền thông cùng ba bộ khác và 6 tỉnh được chọn triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin điển hình, từ đó rút kinh nghiệm, hoàn thiện các sản phẩm công nghệ thông tin để áp dụng tại các bộ ngành và địa phương.
31/03/2008
Intel hỗ trợ ngành giáo dục Việt Nam
Theo nội dung Biên bản Ghi nhớ “Công nghệ Thông tin cho Giáo dục” ký giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Intel, các hoạt động hợp tác đã được tiến hành. Trong năm 2008, Intel sẽ tiếp tục tài trợ 900 chiếc máy tính cho ngành giáo dục Việt Nam.
27/03/2008
4 DN được cấp phép thử nghiệm Wimax di động!
Bốn DN viễn thông Việt Nam vừa được Bộ TT-TT cấp phép cung cấp dịch vụ thử nghiệm công nghệ Wimax di động là: VNPT, Viettel, EVN Telecom và FPT Telecom.
25/03/2008
Sử dụng thuốc BVTV trôi nổi: Hậu quả khó lường!
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay người dân sử dụng rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép theo quy định của Bộ NN&PTNT, gây hậu quả khó lường cho người sử dụng...
25/03/2008