Sức vươn trên đá

07:24, 05/11/2016

BHG- Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ được biết đến là một “Địa chỉ đỏ” trong bản đồ du lịch, mà nơi đây, giữa miền đá tai mèo sắc nhọn, đồng bào người Mông đang nỗ lực từng ngày để khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo, vẽ lại “Bức tranh” cuộc sống với gam màu tươi mới hơn.

Người Mông ở xã Lũng Cú (Đồng Văn) thu hoạch lúa Mùa.
Người Mông ở xã Lũng Cú (Đồng Văn) thu hoạch lúa Mùa.

Với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Mông, trong đó nhiều xã có 100% người Mông sinh sống, từ xưa, Cao nguyên đá Đồng Văn được ghi nhận là nơi sinh sống đầu tiên khi người Mông di cư vào Việt Nam, bởi thế, người Mông xem Đồng Văn chính là quê hương của mình. Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, người Mông trên Cao nguyên đá đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Họ đã cùng đồng lòng với Đảng với cách mạng chống lại Thực dân Pháp xâm lược, tích cực góp sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đại thắng, họ anh dũng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, rồi cùng chung tay với thanh niên xung phong của 6 tỉnh Khu tự trị Việt Bắc mở con đường Hạnh Phúc vĩ đại, nối nhịp cầu cho sự phát triển giữa miền xuôi và miền ngược.

Trong giai đoạn hiện nay, nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp với nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân nơi miền biên ải đã thực sự “thay da, đổi thịt”. Thay vì những con đường độc đạo len lỏi giữa bạt ngàn núi đá chỉ có thể đi lại bằng ngựa thì nay 100% các xã có điện lưới Quốc gia và có đường ô tô đến tận xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua từng năm, nhiều mô hình phát triển kinh tế như: Chăn nuôi bò hàng hóa, nuôi lợn, ong, trồng cây dược liệu, kinh doanh dịch vụ... mang lại hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập. Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho đồng bào các dân tộc được quan tâm; cơ sở vật chất, đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường, đến nay 100% xã, thị trấn có bác sĩ luân phiên đến trực, 96,7% thôn, bản có nhân viên y tế; tỷ lệ trẻ đi học đúng độ tuổi đạt trên 90%; trình độ nhận thức của người dân được nâng lên một bước, phụ nữ có thể nói được tiếng phổ thông, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ, đời sống văn hóa ngày càng cao. Đặc biệt, chương trình xây dựng Nông thôn mới đã mang lại một luồng sinh khí mới cho cuộc sống của người dân. Từ phong trào chung tay xây dựng Nông thôn mới, đã có thêm hàng trăm km đường bê tông liên thôn, xã được tu sửa và mở mới; hàng nghìn mét vuông đất được người dân hiến để xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi; hàng trăm nghìn ngày công được huy động và hàng trăm tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa...

Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình xây dựng Nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống, tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống của người dân Mèo Vạc đã được nâng cao rõ rệt; ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại trong tư tưởng của người dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 6%/năm, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên”.

Những năm gần đây, khi Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu, Hà Giang chú trọng đầu tư cơ sở vạt chất để  phát triển du lịch, dịch vụ, các huyện vùng cao có nhiều chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, KHKT, giống... để giúp người dân phát triển kinh tế nên người dân trên Cao nguyên đá có thêm nhiều sinh kế để tăng thu nhập từ việc trồng hoa Tam giác mạch, sản xuất bánh kẹo, nuôi ong, trồng cây dược liệu, làm du lịch, dịch vụ...

Trao đổi với phóng viên về hiệu quả của những chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, ông Đặng Đình Nhiêu, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc tiểu số được triển khai đồng bộ, kịp thời, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nói chung và người Mông nói riêng. Từ chỗ sản xuất tự cấp, tự túc đã chuyển dần sang sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ; nâng cao thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm nhanh qua từng năm; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, giữ vững”.

Cung đường lên với Cao nguyên đá Đồng Văn giờ đây đã bớt nhọc nhằn, trong căn nhà trình tường của người Mông, lương thực đã đủ đầy cho cả mùa giáp hạt. Đồng bào người Mông trên Cao nguyên đá luôn miệt mài lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo, như cây ngô nhọc nhằn mọc lên từ hốc đá, cho mùa bội thu.

BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hà Giang sẵn sàng cho Ngày hội

BHG - Việt Nam - dải đất hình chữ S là tổng hòa của 54 dân tộc anh em, từ ngàn đời nay đã chung sống gắn bó, keo sơn. Trong đó, dân tộc Mông là một trong những dân tộc ít bị mai một hơn về bản sắc văn hóa truyền thống. Cùng với 53 dân tộc anh em, người Mông luôn luôn là một phần của sự thống nhất khối đại đoàn kết dân tộc và góp phần làm phong phú cho nền văn hoá các dân tộc Việt Nam.

29/10/2016
Đồng Văn với những nỗ lực chuẩn bị cho Ngày hội

BHG- Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ 2 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lựa chọn tỉnh ta là nơi tổ chức vào trung tuần tháng 11 tới. Để chuẩn bị tốt cho ngày hội diễn trang trọng, mang đậm nét văn hóa truyền thống dân tộc Mông, Ban tổ chức (BTC) đã thành lập các Tiểu ban giúp việc, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, địa phương. 

25/10/2016
Họp Ban Tổ chức và các tiểu ban giúp việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Hà Giang

BHG - Sáng 25.10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Họp Ban Tổ chức và các tiểu ban giúp việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Hà Giang. 

25/10/2016
Những đôi tay khéo léo

BHG - Trong chuyến công tác lên với Cao nguyên đá Đồng Văn lần này, chúng tôi chọn ghé thăm những làng nghề truyền thống của người Mông để cảm nhận rõ hơn về nhịp sống, sự khéo léo và tinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số nơi miền cực Bắc của Tổ quốc.

18/10/2016