Hà Giang

Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 31/01/2016 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021

11:03, 19/02/2016

HƯỚNG DẪN SỐ 38-HD/BTCTW NGÀY 31/01/2016

CỦA BAN TỔ CHỨC TRUNG ƯƠNG

công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XIV

và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021

 

Thực hiện Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 04/01/2016 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và Kết luận của Bộ Chính trị (Thông báo số 215-TB/TW ngày 12/10/2015), sau khi trao đổi ý kiến thống nhất với các cơ quan liên quan, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn một số nội dung về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 như sau:

1- Lãnh đạo thực hiện Chỉ thị và Kết luận của Bộ Chính trị

- Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh ủy, thành ủy) thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo công tác bầu cử; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương. Thành phần ban chỉ đạo gồm: ban thường vụ cấp uỷ, đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố. Trưởng ban chỉ đạo là đồng chí bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ.

- Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của địa phương; các ban và cơ quan của Trung ương Đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước ở Trung ương tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị để quán triệt thực hiện Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị và các quy định, hướng dẫn của Trung ương về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Thành phần tham dự hội nghị do ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương xem xét, quyết định.

2- Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội khóa XIV

2.1. Tiêu chuẩn chung:

Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 22 của Luật Tổ chức Quốc hội, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây).

Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/7/2007 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.

2.2. Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Quốc hội chuyên trách:

Ngoài các tiêu chuẩn chung, người ứng cử đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XIV còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện sau:

- Về trình độ, chức vụ:

+ Có trình độ đại học trở lên; có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí công tác dự kiến phân công.

+ Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội công tác ở cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương giữ chức cục trưởng, vụ trưởng hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh Tổng cục trưởng và tương đương trở lên. Nếu là cán bộ Quân đội, Công an thì phải giữ chức cục trưởng, vụ trưởng hoặc tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ Đại tá trở lên.

+ Người ứng cử đại biểu Quốc hội làm phó trưởng đoàn chuyên trách ở địa phương giữ chức giám đốc sở hoặc tương đương trở lên là tỉnh ủy viên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.

- Về độ tuổi: (ngoài tiêu chuẩn chung về độ tuổi nêu trên).

+ Người lần đầu ứng cử phải đủ tuổi tham gia 02 khóa Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn một khóa. Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử (trừ các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2016 (nam sinh từ tháng 11/1958, nữ sinh từ tháng 11/1963 trở lại đây).

+ Đại biểu Quốc hội là cán bộ nữ thuộc đối tượng được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Nghị định số 53/2015/NĐ-CP, ngày 29/5/2015 của Chính phủ và cán bộ nữ là Ủy viên Thường trực của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn theo Kết luận của Bộ Chính trị (Công văn số 12278-CV/VPTW ngày 03/12/2015 của Văn phòng Trung ương Đảng) được tái cử nếu sinh từ tháng 5/1961 trở lại đây.

+ Các đồng chí không đủ tuổi tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, bố trí công tác phù hợp hoặc giữ nguyên một số chế độ, chờ đủ tuổi sẽ nghỉ hưu; những đồng chí có nguyện vọng nghỉ chế độ trước tuổi thì giải quyết theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP, ngày 09/3/2015 của Chính phủ.

+ Đại biểu Quốc hội chuyên trách tái cử được giữ chức vụ và công tác đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

- Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm giới thiệu nhân sự, cụ thể:

 + Đối với cán bộ ở các cơ quan Trung ương: do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương hướng dẫn, xác định cơ sở khám sức khỏe.

  + Đối với cán bộ ở địa phương: do Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở khám sức khỏe.

Trường hợp cần giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đối với một số đồng chí có năng lực, trình độ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực công tác của Quốc hội; có uy tín và sức khỏe ngoài độ tuổi quy định nêu trên, thì Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xem xét, đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định.

3- Tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

3.1. Tiêu chuẩn chung:

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây).

Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03/7/2007 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.

3.2. Về tiêu chuẩn, điều kiện của đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách:

Ngoài các tiêu chuẩn chung, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách ở các cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Về trình độ, chức vụ:

+ Có trình độ đại học trở lên (đối với cấp tỉnh, cấp huyện); có khả năng tham gia xây dựng chính sách và tổ chức các hoạt động giám sát; có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến phân công.

+ Ở cấp tỉnh: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là tỉnh ủy viên (trong 02 đồng chí phó chủ tịch Hội đồng nhân dân có 01 đồng chí là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy) giữ chức giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải giữ chức phó giám đốc sở hoặc tương đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải giữ chức vụ trưởng phòng của sở, ban, ngành cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.

+ Ở cấp huyện: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là huyện ủy viên (trong 02 đồng chí phó chủ tịch Hội đồng nhân dân có 01 đồng chí là ủy viên ban thường vụ huyện ủy), giữ chức trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải giữ chức phó trưởng phòng cấp huyện hoặc tương đương trở lên; ứng cử phó trưởng ban của Hội đồng nhân dân nói chung phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên từ 05 năm trở lên.

Đối với các đồng chí dự kiến bố trí làm Trưởng các ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện kiêm nhiệm, cần có năng lực, trình độ, sức khỏe và thời gian để đáp ứng yêu cầu công việc.

+ Ở cấp xã: Cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân phải là ủy viên ban thường vụ Đảng ủy xã; đối những nơi chưa có điều kiện có thể xem xét, giới thiệu đồng chí ủy viên ban chấp hành Đảng bộ xã. Căn cứ tình hình cụ thể, ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đối với cán bộ ứng cử phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã; phấn đấu lựa chọn cán bộ trẻ, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực và khả năng phát triển.

- Về độ tuổi: (ngoài tiêu chuẩn chung về độ tuổi độ tuổi nêu trên).

+ Người lần đầu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân chuyên trách phải đủ tuổi tham gia 02 nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân trở lên hoặc ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ; nếu tái cử thì thực hiện theo Chỉ thị số 36-CT/TW và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18/8/2014 của Ban Tổ chức Trung ương (nam sinh từ tháng 9/1958, nữ sinh từ tháng 9/1963 trở lại đây).

+ Cán bộ nữ thuộc đối tượng được nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn theo Nghị định số 53/2015/NĐ-CP, ngày 29/5/2015 của Chính phủ thì tuổi tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân nếu sinh từ tháng 5/1961 trở lại đây và sẽ nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định của Bộ Luật Lao động.

+ Người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở những huyện, quận, phường thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ, một số trường hợp đặc biệt có thể áp dụng tương tự đối với đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách tái cử.

- Về tiêu chuẩn sức khỏe: Được cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận đủ sức khỏe trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm giới thiệu nhân sự (tỉnh ủy, thành ủy hướng dẫn, xác định cơ sở khám sức khỏe).

4- Về bố trí trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV và nhân sự lãnh đạo chủ chốt Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp

4.1. Các đồng chí là lãnh đạo chủ chốt tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cấp ủy và Bộ Chính trị, Ban Bí thư giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, nếu trúng cử thì đảm nhiệm chức danh trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố. Các đồng chí đảm nhiệm chức danh phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố phải là tỉnh ủy viên, giữ chức giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch một trong các chức danh sau: ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc tương đương trở lên; các tỉnh, thành phố được cơ cấu 02 phó trưởng đoàn thì ít nhất có 01 đồng chí đáp ứng yêu cầu nêu trên.

4.2. Việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp phải căn cứ vào phương án nhân sự do cấp uỷ chuẩn bị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (khi tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020); trường hợp cần thiết phải thay đổi thì báo cáo cấp uỷ có thẩm quyền xem xét, quyết định.

4.3. Các đồng chí được giới thiệu ứng cử làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV, ứng cử giữ chức chủ tịch Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo Đề án nhân sự nhiệm kỳ 2015-2020 đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI thông qua, thì không phải báo cáo lại Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII; trường hợp cần thiết phải bố trí lại Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội theo đề án tổng thể, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII xem xét, quyết định.

4.4. Cấp ủy các cấp lãnh đạo việc bố trí nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp về các đơn vị bầu cử, đảm bảo sự hài hòa, tương quan chung trong việc bố trí nhân sự ứng cử tại các đơn vị bầu cử ở địa phương.

4.5.Về số lượng cấp phó đối với chức danh lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp thực hiện theo quy định hiện hành.

5- Phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

5.1. Đối với mỗi chức danh lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp, các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ giới thiệu một đại biểu tham gia ứng cử theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

5.2. Đảng viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội, tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời phải được cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên đồng ý, cụ thể như sau:

+ Đối với đảng viên không giữ chức vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải báo cáo và phải được chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý.

+ Đối với đảng viên đang giữ các chức vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước hoặc đã nghỉ hưu, nếu tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì phải báo cáo và phải được cấp ủy cấp trên của chi bộ, đảng bộ cơ sở (nơi đảng viên sinh hoạt) đồng ý; cán bộ nghỉ hưu phải được cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền quản lý cán bộ, đảng viên trước khi nghỉ hưu đồng ý.

6- Tổ chức thực hiện

- Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban Đảng ở Trung ương và các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương căn cứ Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Hướng dẫn này và các văn bản của Trung ương có liên quan để lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; đảm bảo tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định; chú ý việc rà soát hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp theo quy định.

- Các tỉnh ủy, thành ủy nếu xét thấy cần thiết, có thể ban hành hướng dẫn việc thực hiện cụ thể ở địa phương mình.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương để hướng dẫn, hoặc tổng hợp báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, chỉ đạo.

TRƯỞNG BAN

(Đã ký)

Tô Huy Rứa


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hướng dẫn số 20-HD/UBKTTW ngày 12/01/2016 của Ủy ban Kiểm tra TƯ thực hiện việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 của các cấp ủy, tổ chức Đảng, UBKT các cấp

HƯỚNG DẪN SỐ 20-HD/UBKTTW NGÀY 12/01/2016

CỦA ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG

Thực hiện việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử

đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu

Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp

19/02/2016
Hướng dẫn số 169-HD/BTGTW ngày 15/01/2016 của Ban Tuyên giáo Trung ương tuyên truyền cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021

HƯỚNG DẪN SỐ 169-HD/BTGTW NGÀY 15/01/2016

CỦA BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

Tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV

và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

nhiệm kỳ 2016 - 2021

19/02/2016
Kế hoạch số 151/KH-BTTTT ngày 15/01/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021

KẾ HOẠCH SỐ 151/KH-BTTTT NGÀY 15/01/2016

CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Thông tin, tuyên truyền cuộc bầu cử

đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu

Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021

19/02/2016
Thông tư số 06/2016/TT-BTC ngày 14/01/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021

THÔNG TƯ SỐ 06/2016/TT-BTC NGÀY 14/01/2016

CỦA BỘ TÀI CHÍNH

Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí

bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

19/02/2016