Truyền thống của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang

11:02, 06/08/2016

BHG - 1- Dưới các triều đại phong kiến:Trong quá trình dựng nước và giữ nước của Nhà nước Đại Việt, nhân dân các dân tộc Hà Giang, các thế hệ nối tiếp nhau đã không tiếc máu, xương để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, sự bình yên của quê hương. Khi quân Nhà Minh kéo vào dày xéo nước ta ở thế kỷ XV, không cam chịu ách đô hộ của quân xâm lược, nhân dân các dân tộc Hà Giang đã đứng lên dưới ngọn cờ của chủ tướng Chu Văn Trạng khởi nghĩa ở vùng phủ Tuyên Hoá (gồm có Hà Giang và Tuyên Quang). Nghĩa quân còn liên kết với nghĩa binh áo đỏ của các dân tộc thiểu số hoạt động rất mạnh ở vùng rừng núi, đánh phá các đồn bốt của địch gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.

Vào năm Đinh Mùi (1427) nhân dân các dân tộc Hà Giang đã cùng với tướng quân Trịnh Khả (một tướng tài của Lê Lợi) đánh tan hơn 2 vạn viện binh của quân nhà Minh ở ải Lê Hoa (Nơi giáp ranh Hà Giang với tỉnh Vân Nam Trung Quốc).

Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, nhân dân các dân tộc Hà Giang thường xuyên phải chống lại quân các triều đình phong kiến phương Bắc sang xâm lược cướp phá mùa màng, chiếm đất đai và đấu tranh chống lại quân triều đình suy thoái ra sức bóc lột, đàn áp, vơ vét của cải, đẩy nhân dân ta vào con đường cùng khổ.

Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh với thiên nhiên, với kẻ thù, các dân tộc Hà Giang đã sớm có truyền thống kết nghĩa bạn bè, đoàn kết cộng đồng các dân tộc sâu sắc, hình thành đức tính đoàn kết, cộng đồng quý báu, có ý thức độc lập dân tộc, thật thà bao dung và tự trọng; dũng cảm trong đấu tranh, cần cù, kiên nhẫn trong lao động; yêu tự do, yêu quê hương đất nước, đặc biệt là chung sống với khó khăn, dám lao vào khó khăn, không chịu bó tay mà sáng tạo tiếp tục vượt qua khó khăn. Những đức tính đó đã tạo nên sức sống mãnh liệt chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt và chiến thắng mọi kẻ thù để tồn tại và phát triển. Những chiến công của nhân dân các dân tộc Hà Giang để bảo vệ nền độc lập dân tộc như: Đánh đuổi giặc nhà Tống (1075), chống sự xâm lược của quân Nguyên (1285), đánh quân Minh ở cửa ải Lê Hoa (1427), cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân đánh đồn Ninh Biên (1833 – 1835), mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc.

2- Thời kỳ thực dân Pháp đô hộ:Năm 1884, thực dân Pháp kéo quân đánh chiếm Hà Giang, chúng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân các dân tộc khắp mọi nơi trong tỉnh. Mặc dù kẻ địch là đội quân viễn chinh được trang bị vũ khí tối tân hiện đại nhưng vẫn không khuất phục được nhân dân Hà Giang một cách dễ dàng, phải mãi đến năm 1887 chúng mới căn bản chiếm được Hà Giang, nhưng nhiều cuộc đấu tranh của đồng bào ta vẫn liên tiếp nổ ra ở vùng thấp cũng như vùng cao, chống lại ách thống trị của thực dân Pháp. Năm 1901 đồng bào Tày, Dao ở Vĩ Thượng, Đồng Yên nổi dậy dưới sự lãnh đạo của 2 anh em người Dao là: Triệu Tiến Kiên và Triệu Tài Lộc, đánh Pháp ở đồn Nậm Lốp (Đồng Yên), đồn Bắc Hà (Lào Cai). Năm 1903 đồng bào Mông ở Đường Thượng (Yên Minh) vùng lên khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Vàng Chỉn Pang; năm 1905 ở Hoàng Su Phì, đồng bào Nùng nổi dậy do Triệu Tài Lộc người Dao chỉ huy tiêu diệt những sỹ quan Pháp làm cho bọn địch ở đây hoảng sợ. Năm 1911 – 1912 đã ghi lại cuộc khởi nghĩa anh dũng của đồng bào Mông (Đồng Văn) dưới sự chỉ huy tài tình của Sùng Mý Chảng và nhiều cuộc đấu tranh chống bắt phu, thu thuế của nhân dân ở nhiều nơi khác.

Những năm 1930 – 1938, nhiều cuộc đấu tranh chống chính sách áp bức của Pháp đối với nhân dân đã nổ ra ở Bắc Quang, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì trong đó nhiều phong trào có sự phối hợp giữa đồng bào Tày với đồng bào Dao (đánh đồn Tri châu Bắc Quang), giữa đồng bào Nùng với đồng bào Tày (đánh Pháp ở Hoàng Su Phì)... Những cuộc đấu tranh của đồng bào ta, trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược đều bị chúng đàn áp và đã không tránh khỏi thất bại. Nhưng các cuộc đấu tranh đó dù lớn hay nhỏ cũng là những biểu hiện hùng hồn chứng tỏ một truyền thống yêu nước quý báu, một tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân các dân tộc Hà Giang chống kẻ thù xâm lược. Đó là sức mạnh tiềm tàng to lớn của nhân dân các dân tộc Hà Giang.

(Còn nữa)

Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công văn về việc tuyên truyền kỷ niệm 125 ngày thành lập tỉnh Hà Giang, 25 năm ngày tái lập tỉnh

BHG – Ngày 26.7.2016, Báo Hà Giang Điện tử nhận được Công văn số 337-CV/BTG gửi Thường trực các Huyện, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc; Ban Tuyên giáo, Tuyên huấn các Huyện, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh; các cơ quan khối Tuyên truyền; Sở GD – ĐT tỉnh về việc tuyên truyền kỷ niệm 125 ngày thành lập tỉnh Hà Giang (20.8.1891 – 20.8.2016), 25 năm ngày tái lập tỉnh (1.10.1991 – 1.10.2016), gắn với kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Báo Hà Giang Điện tử đăng tải toàn bộ nội dung Công văn.

29/07/2016
Hà Giang mến yêu

BHG - Chuyến xe chạy xuyên đêm xuất phát tại Mỹ Đình (Hà Nội) lúc 20 giờ lắc lư qua những con dốc, những khúc cua như ru chúng tôi vào giấc ngủ để thấy hình như quãng đường ngắn lại. Bốn giờ sáng, chúng tôi đến bến xe phía Nam thành phố Hà Giang. Trời còn tối mịt. Về sáng, không khí nhẹ nhàng, thoáng đãng, làn sương mỏng giăng giăng dưới ánh đèn vàng.   

05/08/2016
Sức sống mới bên dòng Lô

BHG- 125 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển, từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu, mảnh đất Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc đã có bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu to lớn trong phát triển KT-XH, AN-QP; đời sống của người dân từng bước được nâng cao, góp phần vào sự lớn mạnh của đất nước.

04/08/2016
Kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh (20.8.1891 – 2016), 25 năm tái lập tỉnh Hà Giang (1.10.1991-2016) gắn kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 (1945-2016)

L.T.S: Từ số này, Báo Hà Giang mở Chuyên mục "Kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh (20.8.1891 – 2016), 25 năm tái lập tỉnh Hà Giang (1.10.1991-2016)" gắn kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 (1945-2016) nhằm tuyên truyền sâu, rộng và hiệu quả sự kiện trọng đại của tỉnh cũng như cả nước

03/08/2016