Kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh (20.8.1891 – 2016), 25 năm tái lập tỉnh Hà Giang (1.10.1991-2016) gắn kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 (1945-2016)

07:29, 03/08/2016

L.T.S: Từ số này, Báo Hà Giang mở Chuyên mục “Kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh (20.8.1891 – 2016), 25 năm tái lập tỉnh Hà Giang (1.10.1991-2016)” gắn kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 (1945-2016) nhằm tuyên truyền sâu, rộng và hiệu quả sự kiện trọng đại của tỉnh cũng như cả nước; qua đó tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong toàn Đảng bộ, quân, dân các dân tộc cùng đoàn kết, phát huy truyền thống vẻ vang, sôi nổi thi đua “Vì Hà Giang phát triển”.

Chuyên mục bao gồm 2 mảng nội dung là tư liệu lịch sử và hoạt động thực tiễn. Xin trân trọng giới thiệu.

Địa danh Hà Giang qua các thời kỳ lịch sử

Vùng đất biên cương nơi cực Bắc của Tổ quốc với tên gọi Hà Dương đã có từ rất lâu đời. Đến thời nhà Lê vào năm 1705 (thời vua Lê Dụ Tông), lần đầu tiên, tên địa danh Hà Giang xuất hiện, được ghi vào bài minh, khắc trên chuông chùa Sùng Khánh (xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên ngày nay).

Thời Hùng Vương, vùng đất Hà Giang thuộc bộ Vũ Định, 1 trong 15 bộ của quốc gia Lạc Việt.

Thời Thục Phán - An Dương Vương lập nước  Âu Lạc, bộ Vũ Định đổi thành bộ Tây Vu thuộc quận Giao Chỉ.

Năm 179 trước công nguyên đời nhà Tần, Triệu Đà dùng mưu thôn tính  Âu Lạc, mở đầu thời kỳ đô hộ của phong kiến phương Bắc kéo dài gần 1000 năm. Suốt trong thời kỳ đó miền đất Hà Giang thuộc huyện Tây Vu, quận Giao Chỉ.

Năm 938, sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vua và bước vào thời kỳ phát triển của quốc gia phong kiến độc lập. Đến năm 1009 nhà Lý lên ngôi, chia cả nước thành 12 lộ. Cuối đời nhà Lý nước ta được chia thành 24 lộ, phủ, huyện (riêng miền núi thì chia thành châu, trại). Miền đất Hà Giang thuộc phủ Phú Lương Châu Bình Nguyên.

Đến đời nhà Trần (1266-1400) miền đất Hà Giang thuộc tường Phú Linh, châu Tuyên Quang, lộ Quốc Oai, năm 1397 đổi châu Tuyên Quang thành trấn Tuyên Quang. Năm 1406 nhà minh xâm lược nước ta, năm 1407 Nhà Minh đổi trấn Tuyên Quang thành châu Tuyên Hoá, năm 1408 lại đổi thành phủ Tuyên Hoá.

Đến năm Quang Thuận thứ X (1469), vùng đất Hà Giang mang tên: châu Vị Xuyên, thuộc đạo thừa Tuyên Quang. Đến năm Hồng Đức thứ XXI (1490) đổi thành sứ Tuyên Quang. Đến năm 1509 đổi sứ Tuyên Quang thành trấn Minh Quang. Đến đời nhà Nguyễn, Vua Gia Long đổi trấn Minh Quang thành trấn Tuyên Quang. Năm Minh Mạng thứ XII (1831) đổi thành tỉnh Tuyên Quang. Năm 1842 Triều đình nhà Nguyễn lại chia tỉnh Tuyên Quang thành 3 hạt: Hà Giang, Tuyên Quang và Bắc Quang.

Dưới chế độ phong kiến, không có thời điểm nào vùng đất Hà Giang được phân định là đơn vị hành chính trực thuộc nhà nước Trung ương.

Năm 1858 thực dân Pháp kéo quân, nổ súng vào cửa biển Đà Nẵng, chính thức mở cuộc xâm lược Việt Nam. Triều đình nhà Nguyễn bạc nhược đầu hàng, đất đai của Tổ quốc dần dần rơi vào tay giặc. Đến năm 1884 thực dân Pháp kéo quân đánh chiếm vùng đất Hà Giang, nhân dân các dân tộc nơi đây đã đứng lên kiên quyết chống lại, đến năm 1887 Pháp mới căn bản chiếm được Hà Giang. Sau khi đánh chiếm các tỉnh miền núi Bắc Kỳ thực dân Pháp đặt các địa phương này dưới chế độ quân quản. Vùng đất Hà Giang thuộc khu quân sự thứ 2, trụ sở của khu đặt tại Lạng Sơn.

Ngày 20.8.1891, toàn quyền Đông Dương ra quyết định chia khu quân sự thứ 2 thành 3 tiểu quân khu: Tiểu quân khu tỉnh Lạng Sơn, Tiểu quân khu Hà Giang và Tiểu quân khu Cao Bằng. Tiểu quân khu Hà Giang bao gồm phủ Tương Yên (nay là các huyện Bắc Mê, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Thành phố Hà Giang và phần huyện Vị Xuyên, phần huyện Bắc Quang bên tả ngạn sông Lô) và huyện Vĩnh Tuy (nay là các huyện Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì và phần huyện Vị Xuyên, phần huyện Bắc Quang bên hữu ngạn sông Lô) của tỉnh Tuyên Quang. Đứng đầu Tiểu quân khu là một sỹ quan có quyền tương đương như một xứ đầu tỉnh dân sự, chịu trách nhiệm vệ mọi mặt trong địa bàn mà mình cai trị trước sắc lệnh Đạo quan binh cũng như chịu sự chỉ đạo trực tiếp của tư lệnh đạo quan binh. Như vậy tiểu quân khu chính là đơn vị hành chính cấp tỉnh đặt dưới chế độ quân quản. Kể từ đó Hà Giang mới chính thức có tên trên bản đồ theo đơn vị hành chính là một tỉnh của nước Việt Nam.

Năm 1893, trong dịp cải tổ các quân khu, Hà Giang trở thành trung tâm của một quân khu và cùng với Tuyên Quang hợp thành đạo quan binh thứ 3 (Quân khu 3). Đến ngày 17/9/1895, toàn quyền Đông Dương ra Quyết định số 1432 chia khu quân sự thứ 3 thành 3 tỉnh gồm: tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Bắc Quang và tỉnh Hà Giang. Đến ngày 28/4/1904, toàn quyền Đông Dương ra quyết định sáp nhập tỉnh Bắc Quang và tỉnh Hà Giang thành đạo quan binh thứ 3 Hà Giang.Tháng 12 năm 1945 Hà Giang hoàn toàn giải phóng, ngày 25/12/1945 Đảng bộ và chính quyền cách mạng tỉnh Hà Giang được thành lập. Thời kỳ này tỉnh Hà Giang có 4 huyện và 1 thị xã (huyện Đồng Văn, Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì và Thị xã Hà Giang). Ngày 15/12/1962 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 211/-CP chia tách huyện Vị Xuyên và Đồng Văn thành 5 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ, Vị Xuyên. Ngày 01/4/1965 Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 49-CP chia huyện Hoàng Su Phì thành 2 huyện là Xín Mần và Hoàng Su Phì.

Đến tháng 12 năm 1975, theo quyết định của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Ngày 18/11/1983 Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 136-HĐBT, tách một số xã của huyện Vị Xuyên để thành lập thêm một huyện mới là huyện Bắc Mê.

Đến tháng 10 năm 1991, thực hiện quyết định của Quốc hội Khoá VIII, tỉnh Hà Tuyên được chia tách thành 2 tỉnh: Hà Giang và Tuyên Quang. Tỉnh Hà Giang được tái lập theo địa giới hành chính cũ (trước thời điểm sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên). Ngày 01/12/2003 Chính phủ ra Nghị định số 146/2003/NĐ-CP, tách một số xã của huyện Bắc Quang và Xín Mần để thành lập huyện mới là huyện Quang Bình. Đến nay tỉnh Hà Giang gồm có 10 huyện và 1 thành phố.

BTV (Theo Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công văn về việc tuyên truyền kỷ niệm 125 ngày thành lập tỉnh Hà Giang, 25 năm ngày tái lập tỉnh

BHG – Ngày 26.7.2016, Báo Hà Giang Điện tử nhận được Công văn số 337-CV/BTG gửi Thường trực các Huyện, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc; Ban Tuyên giáo, Tuyên huấn các Huyện, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc; Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh; các cơ quan khối Tuyên truyền; Sở GD – ĐT tỉnh về việc tuyên truyền kỷ niệm 125 ngày thành lập tỉnh Hà Giang (20.8.1891 – 20.8.2016), 25 năm ngày tái lập tỉnh (1.10.1991 – 1.10.2016), gắn với kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Báo Hà Giang Điện tử đăng tải toàn bộ nội dung Công văn.

29/07/2016