"Đêm xa Nước đầu tiên, ai nỡ ngủ"

10:09, 04/06/2021

BHG - Bất kỳ ai trong chúng ta, từ đáy sâu thẳm lòng mình, nhớ đến hình ảnh của Bác, chúng ta không khỏi rưng rưng xúc động cùng với bao nỗi niềm tình cảm, sự tự hào, hãnh diện, kính trọng và biết ơn công lao trời bể của một con người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh “là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người là bản hùng ca về chủ nghĩa yêu nước, về tinh thần tận tụy, hy sinh phấn dấu quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân”.

Cách đây tròn 110 năm, ngày 5.6.1911, từ bến cảng nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ giã quê hương, lên con tàu sang phương Tây mang theo mình một khát vọng cháy bỏng tìm đường cứu nước để đem lại “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”.

Chúng ta còn nhớ sự kiện, sau một thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận), Nguyễn Tất Thành đi vào Sài Gòn, để thực hiện hoài bão của mình, đó là ra đi tìm đường cứu nước. Sau một thời gian sinh sống ở đây, Nguyễn Tất Thành đã gặp được anh Lê và trở thành một đôi bạn thân thiết. Những ngày này, người thanh niên Nguyễn Tất Thành thấy được nhiều điều mới lạ, từ xem đèn điện, chiếu bóng đến ăn kem...Một hôm, Nguyễn Tất Thành đột nhiên hỏi bạn: Anh Lê, anh có yêu nước không? Anh Lê ngạc nhiên và đáp: “Tất nhiên là có chứ!”. Anh có thể giữ bí mật không? - Có. Tôi muốn đi ra nước ngoài để xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi trở về giúp đồng bào của chúng ta... Anh có muốn đi với tôi không? Anh Lê trả lời: Nhưng chúng ta lấy đâu ra tiền mà đi? Đây, tiền đây! Nguyễn Tất Thành vừa nói, vừa giơ hai bàn tay; chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Thế thì anh cùng đi với tôi chứ? Bị lôi cuốn vì lòng hăng hái của Bác, anh Lê đồng ý. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, anh Lê không đủ can đảm và giữ lời hứa nữa.

Ngày 5.6.1911, trên một chiếc tàu buôn của Pháp (Latouche Tréville), Nguyễn Tất Thành bắt đầu con đường vạn dặm tìm đường cứu nước để đem lại độc lập, tự do cho dân tộc bằng đôi bàn tay lao động chân chính của mình và ẩn chứa đằng sau hành động ấy, là cả một hành động yêu nước thiết tha, một ý chí kiên định, dũng cảm và sáng suốt, quyết chí đi tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, mà bao đời nay các bậc cách mạng tiền bối vẫn chưa làm được. Người biết, con đường ở phía trước còn dài, rất gian lao, vất vả nhưng Người vẫn vững niềm tin vào con đường chính nghĩa, tin vào sức lao động chân chính của mình. Chúng ta càng thấy rõ ý chí quyết tâm của Người về hướng đi và ý chí căm thù giặc ngoại xâm đã giày xéo lên quê hương đất nước. Câu chuyện trên là một sự khẳng định ý chí ban đầu về lòng yêu nước, đến cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

Tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911). Ảnh internet
Tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911). Ảnh internet

Với niềm xúc động chân thành, nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm nhận sâu sắc nỗi lòng của Người trong những ngày tháng lênh đênh trên đại dương bao la, xa lạ. Bác đã quyết chí ra đi tìm ánh sáng cho dân tộc giữa mùa bão tố tháng Sáu với một trái tim vĩ đại mang trọn tình yêu quê hương đất nước. Từ buổi trưa đó, Bác bước vào cuộc đời của một người lao động cực khổ để ra đi và để rồi:

“Đêm xa Nước đầu tiên, ai nỡ ngủ

Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương

Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở

Xa nước rồi mới hiểu nước đau thương...”.

Từ ngày 5.6.1911 ấy, Người đã trải qua bao gian nan, cực khổ của các nghề “bồi” ở dưới tàu, “bồi” ở khách sạn, làm nghề rửa ảnh, vẽ sơn mài, làm nghề cào tuyết cho một trường học để sống nhưng bằng niềm tin và ý chí, đã đưa Người vượt qua cái lạnh giá, cắt da của mùa đông ở Châu Âu, chỉ với “Viên gạch hồng” hằng ngày trước lúc đi làm, Người đã đem viên gạch này bỏ vào lò sưởi để đêm đến Người dùng làm sưởi ấm, hoặc những ngày bị giam cầm trong nhà lao của Tưởng Giới Thạch, Người viết: “Kiên trì và nhẫn nại, không chịu lùi một phân, vật chất tuy đau khổ, không nao núng tinh thần”, hay “Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao”. Trong chuyến hành trình tìm đường cứu nước, Người đã đi khắp thế giới với nhiều khó khăn, vất vả, hiểm nguy nhưng ý chí, quyết tâm và lòng tin của Người về con đường giải phóng dân tộc luôn trước sau như một, chưa một phút giây thôi nghĩ về vận mệnh của đất nước, đời sống của đồng bào. Qua đó, cho ta thấy được tình yêu Tổ quốc luôn luôn cháy bỏng đến thiết tha trong tâm trí của Người.

Trải qua chặng đường 30 năm, dấu chân Người đã in trên 28 quốc gia của thế giới đầy những biến động trong những năm đầu thế kỷ XX, ngày 28.1.1941, Người trở về Tổ quốc. Từ giây phút lịch sử đó, Người đã cùng toàn thể dân tộc Việt Nam hướng với tương lai với một ý chí mãnh liệt là quyết tâm đánh đổ thực dân, đánh đổ phong kiến xây dựng đất nước để mang lại cuộc sống thực sự tự do, ấm no, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam, cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã đạt được những thắng lợi to lớn. Đặc biệt, với thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, đã phá tan hai xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp kéo dài hơn 80 năm của của phát xít Nhật, đồng thời lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại ngót ngàn năm. Cùng với thắng lợi này, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nước ta từ một nước thuộc địa đã trở thành nước độc lập, nhân dân từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước. Thắng lợi này chứng tỏ đường lối cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi tìm những năm đầu thế kỷ XX là hoàn toàn đúng đắn. Ngay sau khi nước nhà được độc lập, Người được bầu làm Chủ tịch nước và tiếp tục lãnh đạo nhân dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ vừa xây dựng, vừa bảo vệ Tổ quốc khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa.

Bức họa tái hiện thời khắc Bác cùng các đồng chí trong đoàn về nước.
Bức họa tái hiện thời khắc Bác cùng các đồng chí trong đoàn về nước.

Trong những năm gian khổ của cuộc kháng chiến, ngay cả khi đã trở thành lãnh tụ của cả dân tộc, cuộc sống của Người vẫn rất giản dị, đời thường gắn bó với nhân dân, đồng cam, cộng khổ với anh em, đồng chí và Người vẫn luôn tỏa sáng như một tấm gương lớn về tình yêu nước, thương dân bằng chính hành động thiết thực của Người.

Cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai của nhân dân ta kéo dài 9 năm, đến năm 1954 với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã khiến thực dân Pháp thất bại thảm hại trên chiến trường. Sau năm 1954, cách mạng nước ta có nhiều diễn biến mới, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm lược. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Miền Bắc bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc chi viện cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.

Năm 1969, giữa lúc cuộc đấu tranh chống Mỹ ở nước ta bước vào giai đoạn cam go, mang tính chất quyết định, Bác Hồ của chúng ta đã vĩnh viễn ra đi để lại tổn thất lớn lao không gì có thể bù đắp được cho toàn thể dân tộc Việt Nam, cách mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam.

Từ buổi thiếu niên cho đến những phút giây cuối cùng của cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam.

Ngày 5.6.1911, Ngày người thanh niên Nguyễn Tất Thành bước lên con tàu thủy với hai bàn tay trắng, trái tim nóng bỏng nỗi đau mất nước và quyết tâm sắt đá: Khôi phục lại nước Việt, bảo vệ nền độc lập và cuộc sống tự do cho mọi người. Ước vọng quá lớn với một người thành niên 21 tuổi. Nhưng đã thành hiện thực. Người thanh niên ấy đã đi vào lịch sử, viết nên lịch sử.

110 năm sau, nước Việt Nam không chỉ có độc lập, tự do, nhân dân Việt không chỉ có cơm ăn, áo mặc, được học hành như ước vọng của Người. Những năm đầu thế kỷ 21 này, nước Việt Nam đã có một vị thế mới.

Lại nhớ lời Người: "sánh vai với các cường quốc năm châu". Ngày này chúng ta muốn nhắc lại vài câu chuyện về anh Ba thuở ấy. Để biết rằng con đường sáng lạn mà cả dân tộc đang đi đã bắt đầu từ bước chân cô đơn của Người như thế nào....

Đặng Ngọc Mai - Trường Chính trị tỉnh Hà Giang


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thiếu nhi Hà Giang thực hiện những điều Bác dạy

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm gần gũi, thân thương cho thiếu niên, nhi đồng. Ghi nhớ 5 điều Bác dạy, lớp lớp thế hệ măng non nơi cực Bắc xa xôi của Tổ quốc đã ra sức phấn đấu trong học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. 

31/05/2021
Lời Bác dạy là "đuốc sáng" soi đường - Kỳ 1: Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước

BHG - Cách đây tròn 60 năm, tháng 3.1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Hà Giang. Xuyên suốt chiều dài lịch sử ấy, Tám lời căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang của Người trở thành "kim chỉ Nam", "đuốc sáng" soi đường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc miền cực Bắc thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, lớp lớp cựu chiến binh (CCB) tỉnh nhà đã gương mẫu thực hiện Tám lời căn dặn để xứng đáng với kỳ vọng Người hằng mong: "Các chú đã kinh qua một lịch sử vẻ vang… với truyền thống oanh liệt của Quân đội thì bất kỳ đi đâu, làm gì đều phải gương mẫu".

 

31/03/2021
Tuổi trẻ Đồng Văn xung kích, tình nguyện

BHG - Nhiều năm qua, thế hệ trẻ nơi địa đầu Tổ quốc Đồng Văn đã và đang khẳng định mình thông qua nhiều hoạt động thanh niên sôi nổi, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ; khẳng định là cánh tay phải đắc lực của Đảng. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động xung kích, tình nguyện, tuổi trẻ huyện Đồng Văn không ngừng nỗ lực, rèn luyện, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, xây dựng hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới.

"Làm theo Bác, nghĩa là... 

27/05/2021
Những Đội trưởng Công an gương mẫu

BHG - Bác Hồ từng căn dặn "Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng và Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân" thấm nhuần lời dạy của Người năm xưa, lực lượng Công an thành phố Hà Giang đã nỗ lực, phấn đấu, phát huy hết khả năng, hết lòng cống hiến vì nhân dân phục vụ. 

26/05/2021