Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Tận trung với nước, tận hiếu với dân, quên thân phục vụ

07:59, 05/02/2021

BHG- Chủ tịch Hồ Chí Minh - người con ưu tú, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Cống hiến của Người đối với đất nước và nhân dân đã ghi dấu son chói lọi trong những trang sử vàng của dân tộc. Năm 1987, Unesco (Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc) vinh danh Người hai danh hiệu cao quý: Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa lớn. Lịch sử mãi khắc ghi công lao to lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong không khí những ngày tháng 5 lịch sử, mừng ngày sinh nhật Bác, xin được tri ân sự hi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giữ trọn tấm lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, gác việc nhà lo việc nước, hi sinh đời sống riêng để toàn tâm, toàn ý vì vì lợi ích của dân, của nước.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, từ thuở ấu thơ, Người lớn lên trong sự chăm sóc, dạy bảo đầy tình thương yêu của ông bà ngoại và cha mẹ, trong truyền thống quê hương cách mạng.

Năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành từ biệt cha ở bến cảng Nhà Rồng để lên con tàu buôn Latutsơ Tơrêvin sang Pháp, đi tìm đường cứu nước. Lần từ biệt đó cũng là lần cuối cùng Bác gặp cha. Ông Nguyễn Sinh Sắc mất năm 1929. Mười tám năm sau ngày từ biệt, ngày cha mất, Bác không biết vì đang ở nước ngoài. Trong những năm đầu tiên xa Tổ quốc, Người đã mấy lần gửi thư về cho cha. Ví như thư đề ngày 15-12-1912 ký tên là Pôn Thành. Sau đó, có thư viết từ khách sạn Các tơn ở Luân Đôn ngày 3-3-1915... Nhưng tiếc là không có bức thư nào đến được tay ông Sắc.

Năm 1910, Bác từ biệt anh cả Khiêm khi Nguyễn Sinh Khiêm cùng với cha trở về Huế, còn Người hoàn thành chương trình tiểu học, quyết định đi tiếp xuống phía Nam. Năm 1946, sau gần 40 năm, ông cả Khiêm ra thăm Bác ở Hà Nội. Đó cũng là lần cuối cùng Bác gặp anh. Khi đó, việc nước còn ngổn ngang, cuộc đoàn tụ của hai anh em diễn ra rất đỗi bình dị và nhanh chóng, dù biết rằng rồi đây chiến sự sẽ gay go, anh em khó mà gặp nhau thêm lần nữa.

Quả là như vậy, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân tộc đang hồi gay go, quyết liệt với triển vọng “Ta nhất định thắng” thì tại làng Sen, ngày 15-10-1950, ông Khiêm từ trần, thọ 62 tuổi. Khi nghe tin anh mất, vì lo việc nước, Bác cũng không về được. Bác đã chuyển bức điện số 1229 ngày 9-11linh -1950  đến Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu IV nhờ chuyển về làng Kim Liên.  Trong đó có ghi: “Nghe tin anh Cả mất, lòng tôi rất buồn rầu. Vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách mà lúc anh đau yếu, tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế, tôi không thể lo liệu. Tôi xin chịu tội bất đễ trước linh hồn anh và xin bà con nguyên lượng cho một người con đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”.

 Năm 1906, Bác từ biệt cô Thanh để cùng cha và anh vào Huế. Năm 1946, sau 41 năm, cô Thanh ra thăm Bác, chị em gặp nhau ở Hà Nội. Đó cũng là lần cuối cùng Bác gặp chị. Bà Thanh mất năm 1954, vì lo việc nước, Bác cũng không về được.

Cũng năm đó, sau khi cùng cha và anh rời quê hương làng Sen thì đến năm 1957 Người mới về thăm quê lần đầu tiên. Sau bao nhiêu năm xa cách, Người đã đi một hành trình rất dài xa quê hương để rồi khi trở về Người vô cùng xúc động: “Quê hương nghĩa nặng tình sâu- Năm mươi năm năm ấy biết bao nhiêu tình”.(1) Năm 1961, Người về thăm quê thêm lần nữa và cũng là lần cuối cùng.

Như vậy, sau khi Bác rời Bến cảng Nhà Rồng năm 1911 thì Bác không được gặp lại cha nữa, chỉ được gặp lại anh và chị duy nhất 1 lần. Khi cả 3 người ruột thịt thân yêu mất Bác đều không về được, vì còn phải lo việc nước. Chúng ta càng thấm thía sự hi sinh của Người và càng thương Bác nhiều hơn, cảm phục Bác nhiều hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta- Người không có gia đình riêng, không có tài sản riêng.

Người chỉ có một mối tình với cô Lê Thị Huệ, sau đó Bác xuất dương và từ đó hai người cũng không gặp nhau nữa. Về sau, Bác cũng không lập gia đình. Tháng 01-1959, Thủ tướng Đức Ôttô Grôttơvôn và phu nhân sang thăm Việt Nam. Chiều ngày 19-01-1959, phu nhân Thủ tướng vào thăm nơi ở và làm việc của Bác và được câu cá tại Ao cá Bác Hồ. Trong lúc vui câu chuyện, bà hỏi Bác: "Thưa Chủ tịch, sao Chủ tịch không lập gia đình?". Bác trả lời: "Cô ạ, tôi không còn thì giờ để nghĩ đến chuyện riêng nữa. Tôi phải sống vì dân tộc. Cả đất nước Việt Nam này là gia đình tôi".

Nhân dịp ngày 8-3-1960, chị Êkatêrina Iznôpva người Nga (lúc đó là Liên Xô) đã gửi cho vợ của Chủ tịch Hồ Chí Minh một bức thư thăm hỏi và chúc mừng vì chị nghĩ rằng Người đã có gia đình riêng. Bác đã viết thư cảm ơn chị, trong thư có đoạn: "Tôi chưa có gia đình riêng, gia đình của tôi là đại gia đình các dân tộc Việt Nam".

Tháng 01-1947, trong lá thư chia buồn gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt mất đoạn ruột”.

Người coi đất nước ta, dân tộc ta là gia đình của Người, nhân dân ta là con, cháu của Người. Người dành tất cả cuộc đời mình cống hiến cho dân, cho nước. Cuộc đời Người là bản anh hùng ca, Người hóa thân vào Tổ quốc, non sông.

Người có đời sống vật chất vô cùng giản dị. Ngôi nhà sàn mà những năm tháng cuối đời Người ở, lúc đầu đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Nhà gác đơn sơ một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi son

Giường mây, chiếu cói, đơn chăn gối

Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn”

                           (Theo chân Bác).

Người không ham công danh, phú quý, địa vị. Năm 1946, trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, Hồ Chí Minh nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui... Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi".” Người đã hiến dâng cả cuộc đời cho nhân dân, đất nước Việt Nam.

Đã hơn 50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, ghi nhớ công lao vĩ đại của vị lãnh tụ kính yêu, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tích cực thi đua lập thành tích, thiết thực chào mừng kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Người; quyết tâm hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Nhớ đến Người, các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào về một con người bất tử, đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Là tấm gương sáng về tinh thần tận trung với nước, tận hiếu với dân, vì việc nước gác việc nhà, hi sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân, giải phóng loài người.

Nguyễn Thị Thanh Ngân (Khoa Lý luận cơ sở - Trường Chính trị tỉnh)

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Đầu tàu" thi đua yêu nước

BHG - Quan tâm đổi mới nội dung và hình thức, chú trọng xây dựng điển hình tiên tiến, làm tốt công tác khen thưởng là cách làm hay và hiệu quả giúp phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện Quản Bạ phát triển rộng khắp trên các lĩnh vực.Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về thi đua yêu nước, 5 năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn huyện Quản Bạ đã đẩy mạnh phong trào thi đua đi vào thực chất, hiệu quả; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH...

29/09/2020
Hăng say lao động, sáng tạo ở Xín Mần

BHG - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước (TĐYN) của huyện Xín Mần đi vào thực chất và hiệu quả; tạo khí thế hăng say lao động, sáng tạo trong toàn thể cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

 

28/09/2020
Thi đua xây dựng và bảo vệ vững chắc biên cương

BHG - Phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước (TĐYN) gắn thi đua Quyết thắng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP), những năm qua, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng (ĐBP) Lũng Cú (Đồng Văn) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn, gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc biên giới; từng bước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu mạnh.

 

28/09/2020
Đồng Văn cụ thể hóa việc học tập và làm theo Bác

BHG - Bám sát chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 "Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh", huyện Đồng Văn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ chức năng của từng cơ quan, đơn vị.

 

24/12/2020