"Vua" trồng rừng xã Kim Ngọc

09:22, 06/11/2018

BHG - “...Tôi sinh ra ở tỉnh Vĩnh Phúc, lập nghiệp tại xã Kim Ngọc, huyện Bắc Quang, nên không có nhiều đất đai; nhưng tôi lại có  rất nhiều rừng. Trồng rừng, hay làm kinh tế từ rừng cũng là cách trả ơn cho đất, mang lại cuộc sống ấm no cho con người...” – Đó là tâm sự của ông Lê Văn Bẩy, thôn Mâng, xã Kim Ngọc (Bắc Quang).

Dáng nhỏ bé, da sạm nắng gió, đôi mắt sáng, khá nhanh nhẹn, ăn nói lưu loát rất thuyết phục người nghe…; ông Bẩy được bà con vùng Trọng Con tôn làm “Vua” trồng rừng. Ông Bẩy quê ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc) là nơi đất chật, người đông. Rời quê, lên xã Kim Ngọc tìm cách làm ăn; nơi đất khách, quê người cũng “ba chìm – bẩy nổi” mới trụ lại thôn Mâng, lấy vợ làm ăn. Bôn ba từ làm thuê, cuốc mướn; đến mua bán lâm sản rồi tích cóp vốn mở xưởng làm ván bóc... Từ việc thu mua gỗ, làm ván bóc; ông Bẩy mới nhận ra điều quan trọng của kinh tế rừng. Không có rừng, thì lấy đâu ra gỗ mà mua, mà bóc. Ai cũng lao vào mở xưởng, mua máy bóc gỗ thì còn đâu rừng và gỗ. Nhận rõ tiềm năng của rừng, cũng như đồi núi, đất trống tại Kim Ngọc và các xã lân cận;  nên ông Bẩy quyết tâm trồng rừng.

Nói đến việc liên kết trồng rừng thì dễ, nhưng khi bắt tay vào làm lại nảy sinh hàng loạt vấn đề cần giải quyết. Phải mất nhiều tháng trời kết hợp với chính quyền, đoàn thể trong xã vận động người dân xã Kim Ngọc mới đồng thuận phương án liên kết trồng rừng. Theo đó, ông Bẩy thuê lại đất  còn trống của các hộ để trồng rừng kinh tế, chịu trách nhiệm đầu tư từ phát dọn, cuốc hố, mua giống về trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Người dân có đất, góp đất được ông Bẩy trả tiền thuê phát dọn, cuốc hố, bỏ phân, trồng cây và công chăm sóc hàng năm theo chu kỳ và được hưởng lợi tối đa không quá 30%/tổng lợi nhuận thu được/ha/chu kỳ thu hoạch. Có nghĩa, người dân góp đất trồng rừng và làm công nhân trồng rừng ngay trên mảnh đất mình đã góp. 

Thống nhất được phương thức đầu tư, cách làm, cũng như lợi nhuận sau thu hoạch đối với người góp đất; năm 2014, ông Bẩy bắt đầu khởi nghiệp với trên 40 ha giống keo lai nhập khẩu. Thấy ông Bẩy nói thật, làm thật, lòng tin của người dân trong vùng dành cho ông Bẩy dần được nâng lên. Các năm sau đó, ông Bẩy tiếp tục mở rộng trồng tại thôn Khuổi Én trên 10 ha, rồi đến thôn Khuổi Tác trên 20 ha, Khuổi Lý trên 70 ha và trồng cả ở xã Thượng Bình. Bí thư Đảng uỷ xã Thượng Bình, Lý Văn Phúc cho biết: Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội, Thượng Bình trồng được khoảng 1.000 ha rừng kinh tế; trong đó, ông Bẩy đã liên kết với dân trồng trên 360 ha. Hiện nay, xã Kim Ngọc và Thượng Bình có hàng trăm hộ dân tham gia góp đất để ông Bẩy trồng rừng và đã tạo thành phong trào phủ xanh đất trống, đồi trọc cả vùng Trọng Con. Bí thư Đảng uỷ xã Kim Ngọc, Ma Trọng Luận khẳng định: Từ cách làm của ông Bẩy mà giờ đây Kim Ngọc không còn đất trống, thế mạnh từ kinh tế rừng do ông Bẩy tiên phong đã trở thành “thế mạnh” về kinh tế của cả xã Kim Ngọc ngày hôm nay.

 Ông Bẩy tâm sự: Trồng rừng đến đâu, ông đưa máy làm đường vào đến đó. Dự tính, trong khoảng hơn 4 năm đầu tư vốn trồng rừng, ông Bẩy đã mở tới vài chục km đường vào các thôn, bản. Kèm theo đó, là hàng trăm hộ dân trong vùng được thụ hưởng phúc lợi từ rừng do ông Bẩy mang lại. Rất nhiều gia đình, con em  sống trong vùng trồng rừng đã dễ dàng đi lại học hành nhờ có những con đường của ông Bẩy. Người dân địa phương gọi đó là “phúc lợi” do ông Bẩy mang lại cho người dân 2 xã Kim Ngọc, Thượng Bình. Sau hơn 4 năm triển khai liên kết trồng rừng, ông Lê Văn Bẩy đã giúp cho nhiều hộ các thôn, bản vùng sâu, xa trên địa bàn xã Thượng Bình, Kim Ngọc thoát nghèo.

Bài toán kinh tế qua liên kết trồng rừng được ông Bẩy chia sẻ: Đầu tư cho mỗi ha rừng từ khi trồng đến lúc thu hoạch là khoảng 25 triệu đồng. Sau trồng từ 7 – 8 năm, thu về bình quân 100 m3/ha. Trừ đầu tư, cộng chi phí cho các hộ 30% chưa mất đến ½ lợi nhuận thu được. Có hơn 400 ha rừng trồng cây gỗ lớn, lợi nhuận mà ông Bẩy thu về không hề nhỏ. Ngoài việc thu từ gỗ, ông Bẩy còn có thêm nguồn thu từ trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm, nuôi cá…

Có thể nói, công việc trồng rừng kinh tế của ông Bẩy không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, mà còn góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cũng như an sinh tại chỗ cho đồng bào các dân tộc trong vùng với một môi trường xanh mát, đầy ắp tình người.

Bài, ảnh:  NGUYỄN HÙNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trưởng thôn gương mẫu, làm kinh tế giỏi

BHG - Gần 7 năm làm Trưởng thôn Xuân Phú, xã Yên Hà (Quang Bình), ông Hoàng Văn Nguyên luôn được bà con trong thôn và cán bộ xã tín nhiệm. Mọi người biết đến ông không chỉ là Trưởng thôn nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc, mà còn là người gương mẫu, đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo vươn lên làm giàu tại quê hương.

 

31/08/2018
Bắc Mê, lan tỏa mô hình giúp đỡ hộ nghèo

BHG - Để phong trào thi đua "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang ngày càng thiết thực, hiệu quả, Huyện ủy Bắc Mê đã triển khai mô hình "Các cơ quan, đơn vị, trường học và doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cá nhân phụ trách...

31/08/2018
Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2018

BHG - Ngày 29.8, Cụm thi đua số 1, Công đoàn viên chức tỉnh đã tổ chức Hội thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2018 tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ. Tới dự có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn viên chức tỉnh cùng đông đảo đoàn viên, thanh niên, nhân dân trên địa bàn.

30/08/2018
Thạc sĩ Nguyễn Thị Yến - tấm gương điển hình tự học và sáng tạo

BHG - Trong những năm qua, Chi bộ Trường THCS và THPT xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê rất chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đặc biệt, chi bộ thực hiện tốt phong trào: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo".

 

29/08/2018