Nữ Tổ trưởng tổ dân phố điển hình trong công tác "Dân vận khéo"

09:22, 10/07/2018

BHG - Đến thị trấn Việt Quang (Bắc Quang), nói đến bà Lê Thị Ngân, Tổ trưởng tổ dân phố 12, ai cũng biết. Với dáng vẻ chất phác, giản dị và lối sống mộc mạc được cộng đồng dân cư ở đây mến phục, tín nhiệm 10 năm liên tục làm tổ trưởng khu dân cư và được UBND tỉnh Hà Giang công nhận là người có uy tín trong cộng đồng.

Bà Lê Thị Ngân thăm hỏi gia đình thương binh Lê Quốc Hoàn tại tổ 12, thị trấn Việt Quang.
Bà Lê Thị Ngân thăm hỏi gia đình thương binh Lê Quốc Hoàn tại tổ 12, thị trấn Việt Quang.

Sinh ra tại xã Xuân Giang (Quang Bình), lớn lên tham gia công tác xã hội, từ nhân viên cửa hàng HTX mua bán huyện, chuyển sang làm cán bộ Chi cục Thuế huyện Bắc Quang, đến năm 2008 bà Ngân nghỉ hưu tại tổ 12, thị trấn Việt Quang. Kể từ khi sinh sống ở đây, với sự chuẩn mực từ lối sống chân thành, gần gũi với bà con lối xóm, bà được bà con nhân dân trong và ngoài tổ quý mến. Mặc dù có chồng là thương binh hạng 4/4 với đồng lương hưu ít ỏi, bà đã tần tảo chắt bóp cùng chồng nuôi dạy các con trưởng thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ tổ trưởng mà bà con tín nhiệm giao phó. Từ sự năng nổ nhiệt tình, trong 10 năm qua bà luôn sát cánh cùng Chi bộ, Ban quản lý và các tổ chức đoàn thể của tổ 12 phấn đấu gìn giữ khu dân cư của mình đạt danh hiệu “Tổ dân phố Văn hóa” 10 năm liên tục (từ năm 2008 đến nay), trong đó tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình Văn hóa” chiếm 98% và trên 90% gia đình duy trì tốt danh hiệu văn hóa 5 năm liên tục trở lên. Hàng năm, bà Ngân cùng Ban quản lý tổ dân phố 12 vận động cán bộ, thương nhân và nhân dân đóng góp nhân lực, vật lực và trên 200 triệu đồng tiền mặt để xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng thiết yếu như: đường giao thông liên xóm, nhà văn hóa - khu thể thao, tu sửa cống rãnh thoát nước, xử lý rác thải môi trường, trồng cây xanh và trang trí đường phố…; huy động trên 10 triệu đồng cho hoạt động văn hóa, thể thao của tổ… Thường xuyên quan tâm chăm, lo động viên gia đình người có công với cách mạng, gia đình chính sách. Hàng năm quyên góp trên 2 triệu đồng để hỗ trợ, giúp đỡ gia đình khó khăn, thăm hỏi và tặng quà gia đình người có công. Năm 2017, hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Văn Kim, hộ gia đình khó khăn của tổ 25 triệu đồng để tu sửa nhà ở (trong đó Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng và tổ dân phố 5 triệu đồng); xây dựng Quỹ khuyến học của tổ để khuyến khích, động viên kịp thời những học sinh là con em trong tổ học giỏi, học khá và thi đỗ đại học với mức thưởng từ 50 đến 100 nghìn đồng/1 học sinh. Từ những việc làm thiết thực, năm 2010 bà Ngân đã được UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng Khen; từ năm 2011 đến 2013 được UBND huyện tặng Giấy khen; 10 năm liên tục được UBND thị trấn Việt Quang tặng Giấy khen và cũng là Gia đình Văn hóa 10 năm liên tục. Đối với tập thể, tổ 12 có 10 năm liên tục được thị trấn Việt Quang tặng Giấy khen; 3 năm liên tục (2010, 2011, 2013) được UBND huyện tặng Giấy khen, đặc biệt năm 2011 tổ dân phố 12 được Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen trong công tác vận động thực hiện các phong trào thi đua do mặt trận phát động.

Nói đến công tác vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua, bà Lê Thị Ngân chia sẻ: “Thời điểm hiện tại, tổ dân phố 12 có 225 hộ với 952 nhân khẩu, trong đó cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác xã hội và người nghỉ hưu, nghỉ chế độ chiếm khoảng 60%, còn lại là người dân kinh doanh buôn bán và lao động đa ngành nghề, trong đó có khoảng 30% hộ giàu, 35% hộ khá, 35% hộ có kinh tế trung bình. Trước đây, nơi này là khu di dân tái định cư của khu chợ chuyển về là chủ yếu, đa thành phần, nhạy cảm dễ phát sinh các tiêu cực, tệ nạn xã hội... Bản thân tôi là một phụ nữ, chồng bệnh tật và bao khó khăn vất vả phía sau… nhưng bà con lối xóm tín nhiệm, tổ chức phân công nên tôi cũng phải xác định trước hết là cái tâm. Trước một quá khứ của khu dân cư như vậy, tôi cũng cố gắng sát cánh cùng với Chi bộ, Ban quản lý và các tổ chức đoàn thể trong khu dân cư phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết thống nhất và hành động dám nghĩ, dám làm. Làm công tác ở tổ dân phố khác xa so với làm việc ở các cấp chính quyền, bởi đây là nơi hàng ngày trực tiếp với bà con nhân dân lối xóm. Để bà con ủng hộ việc mình làm, trước hết bản thân cũng như tập thể phải phát huy tốt công tác dân chủ, mọi việc mình chỉ đưa ra với tư cách định hướng, gợi mở, còn nhân dân trong tổ mới là người quyết định với tư cách tập thể, mọi việc làm của Ban Quản lý khu dân cư đều phải công khai, minh bạch, tránh tai tiếng không đáng có. Hơn nữa, mình phải là người tiên phong gương mẫu trong mọi việc, có định hướng rõ ràng khi tập thể quyết định; hàng ngày gần gũi bà con để thân thiện, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, nêu cao trách nhiệm và sát sao, chu đáo với những việc đại sự khi phát sinh ở mỗi gia đình trong tổ…; coi tổ dân phố là một ngôi nhà lớn, lấy tình cảm làm nòng cốt, lấy pháp luật, hương ước, quy ước làm trung tâm để điều chỉnh quan hệ xã hội, như thế mọi việc đưa ra bàn bạc các hộ vui vẻ thực hiện và rất tình cảm. Kể từ khi tôi được tín nhiệm làm Tổ trưởng đến nay đã 10 năm, nhưng trong tổ mới có 6 vụ việc mâu thuẫn gia đình, hàng xóm và đều đặt mình cùng với tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công ngay tại tổ, không có vụ việc phải đưa lên cấp trên, chỉ duy nhất 1 hộ liên quan đến khiếu nại đất đai cũng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng”.

Chia sẻ về những dự tính trong thời gian tới, bà Ngân cho biết thêm: “Tuy chồng tôi là thương binh nhưng cũng tạo điều kiện hết mức để tôi hoàn thành nhiệm vụ, chồng tôi cũng là một thành viên tích cực giúp tôi trong công tác vận động nhân dân trong tổ tham gia các phong trào. Trong thời gian tới, tôi cùng với tập thể lãnh đạo tổ dân phố 12 tiếp tục vận động nhân dân phấn đấu thực hiện tốt các phong trào thi đua, nhất là xây dựng Tổ dân phố Văn hóa kiểu mẫu, văn mình gắn với thực hiện Thôn tự chủ - tự quản; vận động 100% gia đình thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt các tiêu chí về cơ sở vật chất theo quy định của Bộ Văn hóa; đẩy mạnh phong trào văn hóa, thể thao; mỗi gia đình là một thành viên giữ gìn tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giữ gìn mỹ quan đô thị thuộc địa bàn quản lý…; chúng tôi sẽ xây dựng cho tổ thêm tiêu chí về Văn hóa ứng xử…”.

Từ tư duy đến việc làm thiết thực trong cách “dân vận khéo” của mình, bà Lê Thị Ngân vẫn đang từng ngày gương mẫu đóng góp sức lực, trí tuệ, xây dựng khu dân cư phát triển, vững mạnh, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Bài, ảnh: Nguyễn Khắc Hoàng  (Phòng VHTT&DL Bắc Quang)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Xã Bằng Lang thực hiện "Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang"

BHG - Khắc sâu lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Bằng Lang đã lấy Tám lời Bác căn dặn làm kim chỉ nam cho các chủ trương, chính sách phát triển KT – XH và Chỉ thị 05 về "Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" để rèn luyện nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ một cách nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả gắn với phát triển KT – XH và chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, nhờ đó đã đem lại hiệu quả thiết thực, xứng đáng là một trong những xã động lực phát triển của huyện.

25/06/2018
Anh Trần Thanh Hải nhân thành công giống cá Bỗng

BHG - Huyện Bắc Mê có tỷ lệ hộ dân nuôi cá Bỗng khá cao, diện tích nuôi lớn, nhưng nhiều năm qua người dân phải đặt mua con giống từ nhiều nơi khác, giá thành cao và không chủ động. Nhằm phát huy thế mạnh và nhân rộng diện tích nuôi cá Bỗng trong dân, huyện Bắc Mê đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp - PTNT triển khai thử nghiệm nhân giống cá Bỗng. Và anh Trần Thanh Hải, cán bộ Phòng Nông nghiệp – PTNT đã đăng ký Đề tài sinh sản nhân tạo cá Bỗng.

 

23/05/2018
Thấm sâu lời Bác trong gìn giữ "lá phổi xanh" ở Xín Mần

BHG - Nắng Xuân ấm áp trải rộng trên những cánh rừng nguyên sinh dải Tây Côn lĩnh. Hòa quyện mầu xanh lúa, ngô, đậu, lạc trên những thửa ruộng bậc thang nhấp nhô sóng lượn, nhìn xa như một bức tranh họa đồ thu hút du khách gần xa. Chiếc ô - tô chở khách lướt nhẹ trên Quốc lộ 279 trải nhựa, tiến thẳng tới trung tâm huyện Xín Mần. Mọi người trên xe cười nói rôm rả, thỉnh thoảng lại bị xáo trộn bởi những vòng cua tay áo...

21/05/2018
Người thầy tâm huyết với sự nghiệp "trồng người" trên Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Sinh ra và lớn lên ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh Đỗ Công Tùng đã ước mơ trở thành thầy giáo. Sau khi tốt nghiệp Đại học Dân lập Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế) chuyên ngành Ngữ văn năm 2008, tháng 6.2009, thầy Tùng tình nguyện lên dạy học trên Cao nguyên đá Đồng Văn và được tuyển dụng và phân công dạy tại Trường THCS xã Phố Cáo. Tháng 10.2013, được điều động công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Sủng Trái.

 

18/05/2018