Hành trình lịch sử tìm đường cứu nước mang tầm thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh

15:19, 15/05/2018

Ngày 05-6-1911, tại bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh với ý chí và lòng yêu nước thương dân sâu sắc đã quyết tâm ra đi thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ.

Có thể nói rằng, cuộc hành trình khảo sát đầy gian khổ, qua 3 đại dương, 4 lục địa và gần 30 quốc gia; hòa mình vào cuộc sống và đấu tranh của giai cấp vô sản, vừa lao động, vừa quan sát, vừa học tập trong thực tế vô cùng phong phú đã đem lại cho Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh một sự lựa chọn đúng đắn về con đường cứu nước, đáp ứng được yêu cầu khách quan của sự nghiệp giải phóng dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nguồn gốc thắng lợi của cách mạng Việt Nam được bắt đầu từ chính hành trình lịch sử tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hơn một thế kỷ đã trôi qua nhưng sự kiện Người ra đi tìm đường cứu nước, vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc.


1. Cho đến hôm nay, sau hơn 106 năm ngày diễn ra sự kiện lịch sử đó, nhiều người dân Việt Nam và bè bạn trên thế giới vẫn đi tìm câu trả lời một cách đầy đủ nhất cho những câu hỏi: Vì sao Nguyễn Tất Thành một mình với hai bàn tay trắng, dám vượt đại dương đi thẳng về phía kẻ thù của chính dân tộc mình để tìm con đường cứu nước? Vì sao những khó khăn gian khổ trong cuộc hành trình cũng như sự xa hoa tráng lệ của các thành phố ở phương Tây vẫn không thể cám dỗ và làm lay chuyển được sự quyết tâm và lập trường kiên định của Người?.... Với kết quả nghiên cứu trong những năm qua, có thể khẳng định ý chí và nghị lực là hai yếu tố rất quan trọng giúp người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nuớc. Ý chí và nghị lực của người thanh niên ấy được hun đúc từ truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, là nấc thang cao nhất của văn hóa dân tộc. 

Sinh ra và lớn lên khi quê hương, đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, thiết lập chế độ thống trị chuyên chế tàn bạo với sự bóc lột hết sức nặng nề, đẩy nhân dân ta vào cảnh bần cùng lầm than đói khổ, trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại một miền quê nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng, một vùng đất địa linh nhân kiệt, ngay từ nhỏ Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến nỗi khổ cực của người dân mất nước và tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước đương thời… Tất cả những điều đó đã nuôi dưỡng, vun đắp lên trong tâm hồn người thanh niên Nguyễn Tất Thành một tinh thần yêu nước nồng nàn và thương dân vô hạn. Đây là một tác nhân quan trọng để xây dựng nên ý chí và nghị lực phi thường, đồng thời cũng là động lực to lớn giúp Người vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, chịu đựng mọi gian nan, thách thức, chấp nhận cả sự hy sinh nhưng vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, như lời tâm sự của Người: Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân...(1). Với một ý chí, một quyết tâm cháy bỏng là: Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu. (2). Và, trong suốt cuộc đời Người luôn tâm nguyện thực hiện mục đích đó cũng như trước khi “từ biệt thế giới này”, đi vào cõi vĩnh hằng để gặp cụ Các Mác, cụ Lênin, trong bản Di chúc Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”… (3).

2. Từ nhiều năm nay, một số người đã nêu câu hỏi: Chuyến đi ngày 05 tháng 6 năm 1911 của Nguyễn Tất Thành, từ Sài Gòn sang phương Tây là sự xê dịch tình cờ, ngẫu nhiên hay là sự lựa chọn có chủ đích mang tính khoa học, cách mạng? Đây là một vấn đề cần được lý giải, cần được trả lời một cách khoa học để thấy rõ tầm nhìn thời đại và là thiên tài của trí tuệ mà Nguyễn Tất Thành - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã thể hiện.

Từ khi con tàu Latuso Trevin nhổ neo ngày 05-6-1911 rời cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) sang Pháp cũng là ngày mở đầu chuyến đi sang phương Tây của Nguyễn Tất Thành. Từ đó đến nay đã hơn một thế kỷ, lớp bụi thời gian đã phủ dầy nhiều sự kiện, hơn nữa với đức tính khiêm tốn Người ít nói những điều về mình. Đây là một khó khăn cho công tác nghiên cứu. Tuy nhiên với những kết quả tìm tòi nghiên cứu khoa học chắp nối, luận giải về những dấu mốc, các sự kiện lịch sử, chúng ta có thể khẳng định rằng: cuộc hành trình lịch sử với tầm nhìn thời đại ấy đã được Người suy nghĩ và chuẩn bị rất kỹ càng. Đây là một quyết định đúng đắn, sáng tạo, thể hiện thiên tài của trí tuệ, phù hợp xu thế của thời đại của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh.

Được chứng kiến và rất khâm phục cuộc đấu tranh vô cùng oanh liệt của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các bậc sĩ phu và các nhà yêu nước đương thời như cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu…, nhưng Người không tán thành cách làm của các bậc tiền bối. Nghiên cứu những bài học lịch sử của các bậc cha, anh và khảo nghiệm trong thực tiễn, Nguyễn Tất Thành thấy rằng mọi cách thức tiến hành ở trong nước hay đi ra nước ngoài sang Trung Quốc hoặc tới Nhật Bản để tìm đường cứu nước đều không thể thành công. Vậy nên, cần phải tìm ra một con đường mới, một hướng đi mới khác. Đó là kết luận rất quan trọng của Người với lòng yêu nước mãnh liệt và một cách suy nghĩ vượt trội, một thiên tài của trí tuệ hết sức minh mẫn quyết khám phá bằng được con đường đi đến giải phóng cho đồng bào.

Tư tưởng quyết tâm hướng sang phương Tây, nước Pháp tìm đường cứu nước đã sớm nảy sinh ở trong Nguyễn Tất Thành. Điều đó, có thể thấy khi trả lời phỏng vấn nhà báo Nga, Người cho rằng: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ tự do, bình đẳng và bác ái… và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm hiểu xem những gì ẩn giấu những từ ấy” (4). Như vậy có thể thấy, những tư tưởng tiến bộ của cuộc cách mạng Pháp năm 1789, thành tựu văn minh, tiến bộ của nhân loại ở Pháp và các nước châu Âu khác đã thôi thúc Người muốn đến tận nơi tìm hiểu. Đó chính là những lý do Nguyễn Tất Thành quyết định chọn nước Pháp, chọn châu Âu làm điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước. Tuy nhiên, để đi sang phương Tây, đến với nước Pháp tìm đường cứu nước, Người cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, suy nghĩ đầy đủ về nhiều mặt…, nhằm phác họa con đường sẽ đi đến. Đó là sự chuẩn bị chu đáo cần thiết cho cuộc hành trình. Vì vậy, trên đường từ Huế đi về phương Nam, Nguyễn Tất Thành đã dừng chân ở Bình Định vừa để thăm cha, vừa để nhận được ở cụ những lời chỉ dẫn, khuyên nhủ. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã giới thiệu con trai mình đến Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp và tham gia dạy học tại trường Dục Thanh ở Phan Thiết một thời gian ngắn. Tại đây, thầy giáo Thành đã tìm đọc những cuốn sách quý trong tủ sách của cụ Nguyễn Thông (một nhà trí thức yêu nước, nhà văn hóa lớn tiêu biểu của Nam bộ và Nam Trung bộ, có đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước). Lần đầu tiên thầy Thành được tiếp cận với những tư tưởng khai sáng của nước Pháp như: Rútxô, Vônte, Môngtétxkiơ… Được tiếp cận với những tư tưởng đó càng củng cố ý chí và nghị lực thôi thúc người thanh niên yêu nước ấy ra đi tìm đường cứu nước… Trong những giờ học ngoại khóa hay những lúc rảnh rỗi, thầy giáo Thành thường dẫn học sinh thăm cảnh đẹp ở Phan Thiết, đến các bãi biển tiếp xúc, trò chuyện với các thủy thủ và biết được tại Sài Gòn có tàu La Touche De Tréville từ cảng Sài Gòn qua các thuộc địa rồi cập bến tại Pháp. Những thông tin quan trọng đó đã thôi thúc Nguyễn Tất Thành đến Sài Gòn để tìm đường xuất dương. Đây chính là bước ngoặt rất quan trọng, một sự lựa chọn có ý nghĩa lịch sử, với tầm nhìn thời đại, mở đầu cho quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.

... Đến Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành ở tại chi nhánh của công ty Liên Thành, nay là nhà số 3 và 5 đường Châu Văn Liêm (Chợ Lớn). Tại đây, Người thường đi vào xóm thợ, trò chuyện với các bạn học nghề ở Trường kỹ nghệ thực hành, sau đó xin vào học ở trường dạy nghề đào tạo công nhân hàng hải .…Vốn thông minh, nói được tiếng Pháp nên trong một thời gian ngắn Nguyễn Tất Thành đã nắm tương đối vững kỹ năng làm việc của một thủy thủ… Trong những ngày đó, Người thường xuyên đến bến cảng Sài Gòn, ngắm nhìn những con tàu neo tại bến với nhiều suy tư… Ngày 02-6-1911, Nguyễn Tất Thành quyết định xuống tàu La Touche De Tréville để xin làm việc. Đối với những người trên tàu, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành trông giống một học sinh hay một sinh viên hơn là một công nhân. Vị thuyền trưởng hỏi anh có thể làm được gì trong nhà bếp, với lòng tự tin, anh chỉ có một câu trả lời: Tôi có thể làm tất cả những gì ông cần! Ngày 03-6-1911, Nguyễn Tất Thành, với một tên mới là Văn Ba đã chính thức xuống tàu làm phụ bếp, một công việc mà trước đó hoàn toàn xa lạ với anh. Và, ngày 05-6-1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville từ bến cảng Nhà rồng - Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình kéo dài 30 năm tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ đó là một quyết định vô cùng sáng suốt, thể hiện thiên tài của trí tuệ… 

Hành trình tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc và lãnh tụ Hồ Chí Minh là cuộc hành trình vượt lên chính mình. Từ ý chí, nghị lực và quyết tâm của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã sáng lên tầm nhìn thời đại của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Chính tầm nhìn thời đại đó đã giúp Người chọn được một hướng đi đúng đắn, đi vào trong lòng kẻ thù để có điều kiện hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa đế quốc. Và sau 10 năm khảo sát vòng quanh thế giới Người đi tới kết luận: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tính hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản" (5). Điều đó cho thấy nhận thức của Người về quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, gắn lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế. Đây cũng là sự khởi đầu của tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và, cũng trên cơ sở của tầm nhìn thời đại đó, cùng với quá trình hoạt động thực tiễn, nghiên cứu lý luận Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm thấy nguồn trong, gốc thẳng của chân lý, thấy rõ tính cách mạng và khoa học của hệ tư tưởng tiên tiến của thời đại. Từ đó, Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin” (6). 

Từ đây, Người kết luận: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Với kết luận đó, Nguyễn Ái Quốc đã mở đường để giải quyết cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, đồng thời khởi động tiến trình đưa cách mạng Việt Nam hội nhập vào quỹ đạo của cách mạng thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đây là sự đóng góp lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận của cách mạng thế giới. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong hơn 87 năm qua cách mạng Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn đó khẳng định giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện lịch sử cụ thể ở Việt Nam. Người đã để lại nhiều bài học lịch sử vô cùng quý báu, mà bài học lớn nhất là luôn luôn kiên định mục tiêu lý tưởng và bám sát thực tiễn của đất nước, giữ vững tính độc lập về tư duy, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận và kinh nghiệm của cách mạng thế giới để xác định đường lối chính trị đúng đắn, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Theo Tạp chí Cộng sản


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chị Nguyễn Thị Hòa luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm

BHG - Là cán bộ thuộc Sở Y tế, chị Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1977 luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc; hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao, xứng đáng tấm gương sáng của ngành. Thân thiện, cởi mở là ấn tượng đầu tiên khi được gặp chị Hòa. Được biết, trước khi chuyển đến Trung tâm Hành chính công tỉnh, chị Hòa công tác tại Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Sở Y tế, thực hiện nhiệm vụ đi cơ sở tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh...

27/04/2018
Vương Văn Cường - Trưởng thôn gương mẫu

BHG - Anh Vương Văn Cường (sinh  1982), dân tộc Dao ở thôn Tân Sơn, xã Minh Tân (Vị Xuyên) được nhiều người biết đến là Trưởng thôn tận tụy, gương mẫu với công việc. Với quyết tâm, ý chí vượt khó và sự nhiệt tình trong công tác xã hội, anh được bà con yêu mến, tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Tân Sơn. Mặc dù mới làm Trưởng thôn được hơn một năm, nhưng anh Vương Văn Cường luôn được bà con trong thôn yêu mến, tin tưởng...

26/04/2018
Nữ Thượng úy Công an Nhân dân tận tụy với công việc

BHG - Sinh năm 1984, chị Cao Thị Liên - cán bộ Phòng Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) đã có 14 năm trong nghề. Với sự tận tụy, nhiệt huyết, chị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành tấm gương sáng để đồng nghiệp học tập và noi theo. Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với chị Liên, đó là sự nhiệt huyết với công việc, tận tụy phục vụ người dân, thân thiện và rất dễ gần. Được biết, từ tháng 6.2014 chị Liên công tác tại Đội hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú và cấp, quản lý chứng minh nhân dân (CMND) thuộc Phòng PC64 Công an tỉnh...

20/04/2018
Hoàng Quang Hồng thoát nghèo nhờ phát triển giống lúa bản địa và chăn nuôi

BHG - Anh Hoàng Quang Hồng (sinh năm 1970) là tấm gương làm kinh tế giỏi của thôn Ma Lé, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn. Anh Hồng thoát nghèo nhờ sự tận tâm với hai giống lúa bản địa nổi danh là Khẩu Mang và Nếp Hái. Gia đình anh vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phòng trào thi đua của tỉnh Hà Giang năm 2017. Khẩu Mang và Nếp Hái là hai giống lúa bản địa đang cần được bảo tồn và phát triển. Theo anh Hồng, hai giống lúa này có chất lượng cao, tuy nhiên trước đây vì chưa hiểu hết giá trị, lại lo ngại năng suất thấp nên người dân ít gieo trồng...

20/04/2018