Gia đình thương binh làm theo lời Bác

21:20, 01/12/2017

BHG - Trong chuyến đi thực tế tìm hiểu phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tại xã Đông Thành (Bắc Quang), chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo xã giới thiệu nhiều gương vượt khó phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới của xã. Trong đó, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện về một gia đình cựu chiến binh, thương binh ở thôn Tiến Thành. Đó là ông Nguyễn Hồng Lệnh, thương binh hạng 2/4, vừa được Hội Cựu chiến binh Việt Nam ghi danh “Là Cựu chiến binh làm theo lời Bác đã có thành tích góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; gia đình ông là một tấm gương tiêu biểu về ý chí và nghị lực vượt khó vươn lên, từng bước thoát nghèo.

Ông Nguyễn Hồng Lệnh, dân tộc Tày (sinh 1958), là con út trong một gia đình nông dân có 7 người con, trong đó có 4 anh trai đều là cựu chiến binh, anh rể là liệt sỹ; các chú ruột của ông đều tham gia kháng chiến chống Pháp, trong đó một chú là liệt sỹ, một là thương binh. Phát huy truyền thống của gia đình, năm 1978, khi 20 tuổi, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ và được huấn luyện ba tháng tại Trường Kỹ thuật  Pháo binh ở Sơn Tây. Năm 1979, ông được điều về chi viện cho biên giới, đóng quân tại xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc.

Thương binh Nguyễn Hồng Lệnh cùng vợ.
Thương binh Nguyễn Hồng Lệnh cùng vợ.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ông bị thương ba lần, lần bị thương nặng nhất là vướng phải mìn, vĩnh viễn để lại một chân trái nơi mảnh đất biên thùy và nhiều mảnh kim khí găm đầy cơ thể. Trải qua nhiều lần phẫu thuật đau đớn do vết thương phức tạp, cuối năm 1983, khi vết thương ổn định ông được nghỉ chế độ thương tật (thương binh hạng 2/4) xuất ngũ về địa phương.

Những ngày đầu trở về cuộc sống đời thường với thân thể không còn lành lặn, với đôi nạng gỗ cùng một chân giả đi lại vô cùng vất vả, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ già yếu, bệnh tật; lúc đó ông cũng bi quan lắm. Thế nhưng ông nghĩ, so với các đồng đội đã hy sinh thì vẫn còn may mắn hơn là được trở về... Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định đi tìm việc làm phù hợp với sức khỏe, cố gắng vươn lên để không trở thành gánh nặng cho gia đình. Thông cảm hoàn cảnh của ông, Trạm Lâm sản Vĩnh Tuy nhận ông vào làm hợp đồng với công việc đi thu mua tre, nứa, vầu, gỗ tạp ở các vùng lân cận như Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo...

Ngày ngày ông đạp xe rong ruổi trên các con đường đất, đá gập ghềnh đến các bản đặt hàng, cùng anh em trong đội thu mua gom hàng về nơi tập kết. Người lành lặn đủ hai chân đạp xe còn khó, với một người thương tật như ông đạp xe cũng đã là một thử thách. Với ý chí và nghị lực của anh bộ đội Cụ Hồ, ông đã vượt qua những thử thách đầu tiên.

Như duyên phận, trong quá trình đi thu mua lâm sản tại xã Vĩnh Phúc, ông đã gặp và quen bà Trần Thị Hà, rồi nên duyên vợ chồng năm 1985. Trước khi lấy ông, bà Hà là vợ liệt sỹ, chồng bà hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. 

Thời gian đầu chung sống, cuộc sống của gia đình ông bà khó khăn lắm, tình trạng chung thời kỳ đó ở cả khu vực này cuộc sống của người dân vẫn nghèo nàn lạc hậu, tư duy sản xuất manh mún, chỉ có làm ruộng, trồng lúa, đất đồi, đất rừng bỏ hoang rất nhiều, chưa biết chuyển đổi cây trồng như bây giờ. Trong thời gian đi thu mua lâm sản ở xã Vĩnh Phúc, ông thấy ở đó người ta trồng cây cam trên đất đồi, cho thu nhập ổn định, bền vững. Ông nghĩ: Tại sao mình lại không biết khai thác, tận dụng các vạt đồi để trồng cây cam, quýt như họ? Nhưng nghĩ là một chuyện, việc thực hiện lại không đơn giản. Chia sẻ ý tưởng với bố vợ, thương con, bố vợ ông đã giúp cho 17 cành cam giống để ông bà “thí điểm” và làm vốn ban đầu. 5 năm sau, cam cho thu hoạch, ông bà bán được vài tạ quả, cùng với bán các loại cây màu trồng xen canh, ông bà đã mua thêm được cây giống và phát triển đồi cam. 9 năm sau, từ đồi cam và chắt chiu, cóp nhặt từ các cây trồng trên khu đồi, vườn rừng, ông bà đã xây được ngôi nhà khang trang thay cho căn nhà lá. Cuộc sống của gia đình bớt đi khó khăn. Ba đứa con được chăm lo học hành.

Việc trồng cây cam thành đồi ở Đông Thành như hiện nay, mọi người ở đây thừa nhận “Người đi tiên phong mang cây cam trồng trên đồi để trở thành hàng hóa, giúp xóa đói, giảm nghèo như hiện nay là anh thương binh Nguyễn Hồng Lệnh”.

Nhưng vài năm sau đó, cây cam bị mắc bệnh vàng lá trên diện rộng. Đồi cam của gia đình ông dường như bị xóa sổ. Chẳng nhẽ lại bó tay trở về với thời kỳ khó khăn? Ông bà mạnh dạn thay đổi cây trồng, phá bỏ hết diện tích cam để trồng cây keo, cây măng Bát độ. Sau khi thu hoạch, lại cải tạo đất, trở lại trồng cây cam.

Công việc trồng cam cũng không đơn giản, phụ thuộc thời tiết, chế độ chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh... Để có được đồi cam chất lượng, phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, chứ không chỉ có kinh nghiệm dân gian như thời xưa nữa. Bởi vậy, ông bà bàn nhau cho ông đi tiếp thu kiến thức về trồng cây cam theo kỹ thuật do cán bộ khuyến nông truyền đạt, nhất là từ khi có Chương trình Xây dựng Nông thôn mới về xã, làm theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình phát triển cây trồng, trong đó có cây cam hiệu quả và, năng suất cao hơn.

Mỗi khi đi tiếp thu về, ông lại cùng vợ làm thí điểm trên vườn đồi, đất nhà mình, thấy hiệu quả lại phổ biến cho mọi người, trước tiên là con cháu trọng dòng họ. Ông bảo: Chương trình xây dựng Nông thôn mới đến vớí quê ông như làn gió mới xua cái nghèo, cái đói khổ bao đời, đem đến tư duy phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Từng bước cải tạo lại đất, trồng lại cây cam, hiện nay, gia đình ông sở hữu 4 ha đất đồi, vườn rừng, đã trồng trên 700 gốc cam, trong đó 200 cây đang cho thu hoạch mùa quả đầu tiên, trên 500 gốc trồng mới theo tiêu chuẩn Grap cũng đã xanh tốt... cùng đó, ông bà còn xen canh các loại cây hoa mầu khác... hứa hẹn kết quả tốt trong vài năm tới.

Không chỉ chăm lo cho phát triển kinh tế gia đình, lo cho các con ăn học thành đạt, cả ba người con của ông bà nay đều trưởng thành, xây dựng gia đình, có công ăn việc làm, ông bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động chung của thôn, thực hiện tốt quy ước của dòng họ. Từ khi xây dựng mô hình “Dòng họ Nguyễn tự quản”, cả dòng họ có trên 60 hộ gia đình. Gia đình ông bà là một trong những thành viên hăng hái đi đầu. Với uy tín đối với dòng họ, bà Hà được cả họ suy tôn bầu làm Tổ trưởng của một tổ “Dòng họ Nguyễn tự quản” thuộc thôn Tân Thành. Hàng năm tổng kết, tổ do bà phụ trách luôn được đánh giá cao. Qua đó, ông bà đã tích cực động viên con cháu trong dòng họ thực hiện tốt quy ước, giúp nhau phát triển kinh tế. Mô hình “Dòng họ Nguyễn tự quản” được xã Đông Thành tặng Giấy khen về thực hiện tốt quy ước của xã, thôn; trong thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của gia đình ông. Gia đình ông Nguyễn Hồng Lệnh được công nhận gia đình Văn hóa tiêu biểu, Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của huyện Bắc Quang lựa chọn, công nhận và gắn biển gia đình tiêu biểu trong phong trào thi đua thực hiện mô hình “Nhà sạch- vườn đẹp”. Ông Nguyễn Hồng Lệnh được Hội Cựu chiến binh Việt Nam ghi danh “Là Cựu chiến binh làm theo lời Bác đã có thành tích góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Ông thường cùng vợ  con liên hệ từng điều trong lời dặn của Bác (trong “Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang”) với cuộc sống. Ông Lệnh chia sẻ: Những lời dặn của Bác là những điều giản dị trong đời thường của mỗi gia đình, thật dễ hiểu và dễ áp dụng.

Chia tay gia đình ông Lệnh, chúng tôi mang theo mỗi người một cảm nhận, nhưng đều chung một sự khâm phục nghị lực của họ đối với những người bình thường, lành lặn là chuyện bình thường, nhưng với một thương binh nặng như ông  Lệnh quả là một nghị lực phi thường, đáng khâm phục và trân trọng. Ông thật sự là một tấm gương sáng “Thương binh tàn nhưng không phế” để mọi người học tập và noi theo.

              Thu Trang


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Liên hoan Thanh niên tiên tiến Đoàn khối các cơ quan các tỉnh, thành phố phía Bắc

BHG - Trong các ngày từ 27 đến 29-10, tại thành phố Bắc Giang đã diễn ra Liên hoan Thanh niên tiên tiến Đoàn khối các cơ quan các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XII do Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan tỉnh Bắc Giang đăng cai tổ chức.

31/10/2017
"Bông hồng Vàng" trên cao nguyên đá

BHG - Quê hương ở tỉnh Phú Thọ, nhưng mảnh đất nơi chị sinh ra và cống hiến là Hà Giang, nơi mà chị dành bao tâm huyết và công sức dày công vun đắp, dựng xây. Đó là chị Trần Thị Thu Hương, Chủ tịch Công ty Xăng Dầu (Petrolimex) Hà Giang.

30/10/2017
Nữ Trưởng thôn nhiệt tình, tận tụy

BHG - Gần 20 năm gắn bó với công tác xã hội, trong đó có gần 4 năm làm Trưởng thôn Xuân Hà, xã Yên Hà (Quang Bình), chị Hoàng Thị Thanh Chuyền (sinh năm 1975) không chỉ một người cán bộ năng động, nhiệt tình trong các phong trào hoạt động ở địa phương, mà chị còn được nhiều người dân trong thôn, trong xã biết đến như một tấm gương đi đầu trong việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu; một điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua học tập và làm theo gương Bác.

29/11/2017
Thủ lĩnh Đoàn năng động

BHG - Năng động, sáng tạo - đó là nhận xét của các đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) dành cho đồng chí Phạm Đình Trung, Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên, Giám đốc Nhà thiếu nhi huyện Quang Bình. Anh là người đã có nhiều đóng góp cho phong trào đoàn, thanh, thiếu nhi của huyện Quang Bình, là tấm gương để các ĐVTN trong huyện học tập...

29/09/2017