Người nuôi tằm ở Bản Túm

08:57, 29/08/2017

BHG- Cách thị trấn huyện Bắc Mê hơn 10 cây số về phía Đông Bắc, từ Quốc lộ 34 rẽ vào thôn Bản Túm, xã Yên Cường (Bắc Mê) cũng phải đi bộ vài cây số qua suối, leo đồi... Cùng đi với tôi đến nhà chị Dương Thị Bắc, người nuôi tằm nổi tiếng của thôn Bản Túm, có Chủ tịch UBND xã Yên Cường, Tạ Văn Định.

Tranh thủ chờ chị Bắc lên nương hái dâu về, tôi và Chủ tịch xã đi xem khu vườn đồi của gia đình chị. Vườn cây mỡ đang thời kỳ khai thác trải rộng từ dưới suối kéo qua khu nhà ở lên tận đỉnh đồi, trải rộng khoảng 1 ha; gần 400 cây hồng không hạt đã nhiều vụ cho quả. Khu nhà ở của gia đình chị được quy hoạch và đang hoàn tất trông gọn gàng, sạch sẽ: Có bể chứa nước ăn,  nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đều được làm xa nhà... Trưởng thôn Lý Văn Páo nói: Bản Túm đang đẩy mạnh thực hiện xây dựng Nông thôn mới (NTM) theo chỉ đạo của xã, của Huyện ủy Bắc Mê. Trong những năm qua, Bản Túm đã động viên bà con biết vượt lên khó khăn của một xã vùng sâu, xa và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; trước mắt,  mỗi gia đình phải tự tìm cho mình một cách làm ăn phù hợp có hiệu quả nhất, trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế của xã, của thôn. Gia đình chị Dương Thị Bắc là một ví dụ về tự chuyển đổi nếp nghĩ, cách làm phát triển kinh tế gia đình có hiệu quả cao của Bản Túm và của xã Yên Cường.

Chúng tôi đang trao đổi thì chị Bắc về. Chị mời chúng tôi đi xem khu nuôi tằm của gia đình, những nong tằm đủ các lứa: Tằm nhỏ, tằm nhỡ, tằm to, tằm đang vào kén trông thật đẹp... Chị kể cho chúng tôi nghe về chuyện nuôi tằm từ khi tằm đẻ trứng, trở thành tằm con, cách chăm sóc con tằm để tằm nhả tơ có chất lượng tơ đẹp...Chị nói, trước năm 2016, gia đình nuôi lợn nái, lợn thịt, vài con dê, 1 con bò. Nhưng mỗi năm trừ chi phí bỏ ra, tiền lãi cũng không đủ cho chi phí sinh hoạt cho gia đình. Đến giữa năm 2016, được sự định hướng và động viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế của xã Yên Cường và thôn Bản Túm, bên cạnh đó là sự giúp đỡ của anh em, bạn bè cùng cán bộ thôn, xã hướng dẫn; chị quyết tâm chuyển từ chăn nuôi gia súc, gia cầm sang trồng dâu, nuôi tằm... 6 con dê, gia đình bán 4 con, còn 2 con cho nuôi rẽ; con bò cũng bán cùng một số gia súc, gia cầm để lấy vốn mua giống dâu, giống tằm. Chị tâm sự, lúc đó cũng rất lo, ở Bản Túm chưa có ai nuôi tằm thành công. Để có kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, chị đã học hỏi kinh nghiệm từ xem tivi các chương trình nói về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; trong đó có chuyên mục: Bạn của nhà nông. Rồi đi nghe các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phát triển kỹ thuật nông nghiệp của Trung tâm Học tập cộng đồng xã về kiến thức trồng dâu, nuôi tằm...

Mỗi lần nghĩ đến chuyện thoát nghèo, chi lại nhớ đến lời Bác Hồ dạy thanh niên: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Chính từ suy nghĩ ấy, vợ chồng chị quyết tâm phải đổi mới nếp nghĩ, cách làm. Có nhận thức mới, kiến thức mới, tự tin hơn; ngay sau đó, tháng 8 năm 2016, gia đình chị Bắc đã chuyển sang nghề mới trồng dâu, nuôi tằm, bán kén. Chị chặt bỏ 1 ha cây rừng trồng hiệu quả thấp, chuyển sang trồng dâu lấy lá nuôi tằm. Kết quả 4 tháng cuối năm 2016, gia đình chị bán kén thu được trên 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Đây là một khoản thu lý tưởng, ngoài dự kiến của chị Bắc. Vì chưa bao giờ kể từ ngày anh chị lấy nhau gần 20 năm mới có khoản thu như thế. Ngoài khoản thu trên, gia đình chị còn thu hàng chục triệu đồng từ nguồn chăn nuôi 50 con gà, 9 con lợn thịt, gần 400 cây hồng không hạt cho quả... Đấy là còn chưa kể nếu khai thác số gỗ mỡ, tre mai...

Năm 2017 này, gia đình chị sẽ phấn đấu thu từ nuôi tằm bán kén đạt khoảng gần 70 triệu đồng.  Hiện nay, một lứa kén tằm như gia đình chị đang thu được khoảng 45 kg. 1 năm thu khoảng 10 lứa và 1 kg kén bán giá trung bình 150 ngàn đồng. Vậy là 1 năm gia đình chị thu khoảng gần 70 triệu đồng như chị cho biết là hợp lý.

Anh chị có 3 con, con lớn đang học lớp 8 Trường Nội trú huyện, con thứ hai đang học Tiểu học và cháu thứ ba mới 3 tuổi. Anh chị sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các con được học lên bậc học cao, hoặc học hết văn hóa THPT sẽ hướng cho các cháu đi học nghề để tự tin bước vào cuộc sống. Theo anh chị:  Không nhất thiết các con phải có bằng đại học, có một nghề giỏi cũng là một hướng đi đúng cho phát triển tương lai.      

Nghĩ đến sự đổi mới ở nông thôn hiện nay dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng, đang đẩy mạnh Chương trình xây dựng Nông thôn mới; tôi cảm nhận được sức sống mới ở nông thôn, nông dân vùng núi đang không ngừng vươn lên, không ngừng sáng tạo, và tính hiện thực của nó là rất to lớn, chưa bao giờ lan tỏa như ngày nay.

ĐẶNG QUANG VƯỢNG (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người phụ nữ điển hình ở Khuổi Niếng

BHG- Là 1 trong số 100 đại biểu được vinh danh trong Chương trình "Tự hào phụ nữ Việt Nam" do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức vào tháng 3.2017, chị Hoàng Thị Sen (trong ảnh) để lại nhiều ấn tượng về hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi và luôn giúp đỡ phụ nữ nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống.

29/06/2017
Hết lòng với công tác Hậu phương quân đội

BHG - "Tận tụy, trách nhiệm, nghĩa tình" đó là nhận xét của lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Hà Giang về Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp,Trợ lý Chính sách Bộ CHQS tỉnh. 

28/07/2017
"Dân vận khéo", "cầu nối" ý Đảng - lòng dân ở Kim Ngọc

BHG- Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác "Dân vận khéo" đã trở thành phong trào thi đua có sức lan toả tại xã Kim Ngọc (Bắc Quang). Chính điều này đã và đang góp phần quan trọng tạo diện mạo mới nơi cửa ngõ vùng Tiểu khu Trọng Con.

28/06/2017
Chủ tịch Công đoàn tiêu biểu

BHG- Bác sĩ Hoàng Hoa Màn sinh 1973 tại thị trấn Phó Bảng (Đồng Văn), hiện anh là Phó Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn.

27/07/2017