Hiệu quả của Nhóm tiết kiệm và vay vốn ở thôn Thinh Rầy

08:36, 07/12/2016

BHG - Sinh thời, Bác Hồ luôn căn dặn mọi người phải thực hành tiết kiệm, phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, không xa xỉ, hoang phí, không bừa bãi, phô trương hình thức, tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Học theo lời Bác, thời gian qua dù mới được thực hiện được gần 2 năm, nhưng mô hình “Nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn bản” (TK&VV TB) ở thôn Thinh Rầy, xã Tân Tiến (Hoàng Su Phì) đã bước đầu đem lại hiệu quả đáng kể đối với đời sống còn nhiều khó khăn của người dân nơi đây.

Để giúp chị em phụ nữ nông thôn tiết kiệm tiền, chi tiêu lập kế hoạch kinh tế gia đình hợp lý, mô hình Nhóm TK&VV TB do tổ chức Quốc tế Plan tài trợ đã được triển khai tại nhiều nơi ở huyện Hoàng Su Phì. Trong đó, mô hình ở thôn Thinh Rầy, xã Tân Tiến được đánh giá là thực hiện có hiệu quả và tốt nhất. Đây là phương thức phát triển dựa vào cộng đồng, trong đó phụ nữ là những người tham gia tích cực nhằm khuyến khích sự tham gia của hộ nghèo nói riêng và cộng đồng nói chung, xây dựng khả năng tài chính, sử dụng vốn tiết kiệm để tạo nên quỹ cho vay và quỹ xã hội để hỗ trợ những trường hợp khó khăn. Là cách quản lý có ý nghĩa về nhiều mặt và hết sức độc đáo.

Chúng tôi có dịp được tham gia một buổi sinh hoạt Nhóm TK&VV TB ở thôn Thinh Rầy, xã Tân Tiến. Mô hình ở đây được thực hiện khá bài bản. Hoạt động này không có hỗ trợ vốn từ bên ngoài. Nhóm chỉ được tổ chức Plan cử cán bộ tập huấn chương trình, các Trưởng nhóm có thể là Trưởng thôn đi tham quan ở địa phương khác trong tỉnh, được đầu tư cho một số đồ dùng vật chất như: Hòm sắt nhỏ có 3 ổ khóa, ấm chén, phích nước, sổ sách,... những thứ cần thiết cho một buổi sinh hoạt. Nhóm tiết kiệm là nhóm tự quản lý và hoạt động độc lập, nhóm có từ 10 - 25 người, chủ yếu là phụ nữ, nhưng nam giới cũng có thể tham gia.

Một buổi sinh hoạt “Nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn bản” ở thôn Thinh Rầy, xã Tân Tiến (Hoàng Su Phì).
Một buổi sinh hoạt “Nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn bản” ở thôn Thinh Rầy, xã Tân Tiến (Hoàng Su Phì).

Theo đó, két sắt nhỏ của Thinh Rầy có 3 ổ khóa, có 5 thành viên quản lý. Trưởng nhóm là anh Lý Văn Minh, Trưởng thôn Thinh Rầy; Thư ký là một Công an viên; thêm 1 thành viên được tín nhiệm giữ hòm khóa và 3 thành viên khác là 3 phụ nữ cầm 3 chìa khóa. Mỗi tháng nhóm lại tổ chức sinh hoạt một lần. Và hòm khóa tiết kiệm chỉ được mở khi có cả 3 chìa và trước sự chứng kiến của các thành viên để tránh thất thoát, đảm bảo các giao dịch của Nhóm sẽ chỉ được tiến hành trong cuộc họp nhóm chứ không phải cá nhân nào cũng mở được. Tại các buổi sinh hoạt, tùy theo điều kiện kinh tế gia đình, mỗi thành viên thường tiết kiệm từ 50 - 250.000 đồng vào quỹ này. Cứ 50.000 đồng tương đương với một con dấu. Việc sử dụng con dấu là để giúp người không biết chữ cũng có thể tham gia được và ghi nhận người đó đã bỏ tiền vào quỹ tiết kiệm. Ở xã Tân Tiến, Nhóm TK&VV TB được thực hiện tại 3/12 thôn bản, nhưng thôn Thinh Rầy được huyện Hoàng Su Phì và xã Tân Tiến đánh giá là thực hiện có hiệu quả hơn cả. Nhóm TK&VV TB ở Thinh Rầy được thành lập ngày 19.1.2015, hiện nay Nhóm có 16 thành viên, quỹ hiện tại có trên 19 triệu đồng. Đây là con số không lớn đối với những địa phương khác, có điều kiện phát triển hơn, nhưng là không nhỏ đối với bà con ở nơi còn nhiều khó khăn như Tân Tiến.

Theo trưởng Nhóm TK&VV TB Thinh Rầy, Lý Văn Minh cho biết: “Từ nguồn quỹ do chính các thành viên tiết kiệm, vốn sẽ được quay vòng cho thành viên chủ yếu là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, cần vay vốn phát triển kinh tế. Lãi suất được tính 1% trả dần theo tháng. Từ nguồn vốn cũng nhiều chị em từng bước thoát nghèo. Cái lợi là các thành viên được vay dễ dàng. Nếu vay ngân hàng thì cần hồ sơ, thủ tục và chờ  lâu. Có nhóm thì ai gặp khó khăn hoặc ốm đau thì đều có thể được nhóm trưởng và thư ký giải quyết cho vay ngay”.

Chị Nông Thị Sơn, thành viên của Nhóm TK&VV TB thôn Thinh Rầy cho biết: “Gia đình tôi nghèo, được nhóm cho vay 1 triệu đồng. Từ khoản vay này, năm 2015 tôi mua 1 con dê cái; đến nay, dê đã đẻ được 4 con dê con. Số tiền bán dê lớn đi, tôi có thể trả số vốn ban đầu và tiếp tục phát triển kinh tế. Được nhóm chia sẻ, cho vay tiền, dù ít thôi nhưng giúp ích cho gia đình tôi rất lớn”. Hiệu quả xã hội rõ ràng của Nhóm TK&VV TB là thành viên sẽ được nâng cao kiến thức về quản lý tài chính hộ gia đình, có thói quen tiết kiệm, đồng thời giúp cho người nghèo có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng để phát triển kinh tế nhằm cải thiện đời sống của mình.

Theo thống kê, hiện có khoảng 50% các hộ gia đình dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa sống dưới mức chuẩn nghèo. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc người dân chưa được tiếp cận với cơ chế tiết kiệm an toàn, minh bạch. Vì thế, mô hình Nhóm TK&VV TB rất hiệu quả bởi nó trao quyền cho người nghèo, giúp họ từng bước thoát nghèo và khuyến khích thói quen tiết kiệm ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây cũng là một hình thức cụ thể hóa việc học theo lời Bác ở thôn Thinh Rầy.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cựu Chủ tịch Hội Phụ nữ xã hết lòng vì công việc

BHG- Những ngày đầu tháng 11, khi cái lạnh kéo về các thôn, bản của xã Pải Lủng (Mèo Vạc); nơi mà bao quanh là núi đá cùng với cái lạnh của mùa Đông. Bất kể khó khăn, thiếu thốn; nơi đây vẫn luôn có những con người sống bình dị, chân thành và hết lòng vì công việc được giao phó; tiêu biểu như chị Vừ Thị Nhủa, cựu Chủ tịch Hội LHPN xã Pải Lủng. 

30/11/2016
Ngành GD&ĐT Xín Mần đẩy mạnh việc "học tập" và "làm theo" Bác

BHG- Mặc dù ở trên địa bàn còn nhiều khó khăn như huyện Xín Mần, song những năm qua, chất lượng giáo dục vẫn không ngừng được nâng cao; số lượng học sinh tốt nghiệp cấp 3 và đi học chuyên nghiệp của huyện là khá cao.

30/11/2016
Sức trẻ miền cực Tây

BHG- "Đời sống của đồng bào rẻo cao còn nhiều khó khăn, còn phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa. Đối với cán bộ, đảng viên và đoàn viên phải củng cố tốt các chi bộ và chi đoàn, phát triển Đảng và Đoàn...". Điều thứ 8 trong 8 lời Bác Hồ dạy khi lên thăm Hà Giang tháng 3.1961.

29/09/2016
Người phụ nữ tiêu biểu của ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh

BHG- Xuyên suốt quá trình công tác tại Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Hà Giang, Trưởng phòng Tiếp nhận và Quản lý hồ sơ (TN&QLHS) Nghiêm Thị Mão đã trở thành tấm gương sáng về lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm để đóng góp cho sự phát triển không ngừng của ngành BHXH tỉnh.

27/10/2016