Tả Ván "làm theo" lời Bác, đời sống đổi thay

07:20, 25/05/2016

BHG- Sau hơn 5 năm thực hiện việc “học tập” và “làm theo” lời Bác, xã biên giới Tả Ván (Quản Bạ), với hơn 97% là đồng bào dân tộc Mông, đời sống đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Người dân thôn Chúng Chải, xã Tả Ván (Quản Bạ) trồng Thảo quả tăng thu nhập.
Người dân thôn Chúng Chải, xã Tả Ván (Quản Bạ) trồng Thảo quả tăng thu nhập.

Đề cập đến những đổi thay ở nơi đây, Bí thư Đảng ủy xã, Nguyễn Đăng Hiếu, nhớ lại, khoảng thời gian chỉ cách đây 5 – 6 năm, đời sống của nhân dân ở miền biên viễn khó khăn này rất vất vả. Do nhận thức của bà con còn hạn chế, không đồng đều, vẫn còn chung sống với một số hủ tục lạc hậu; chăn nuôi đều làm theo truyền thống từ cha ông truyền lại nên năng suất, sản lượng thấp; ngoài dựa vào nương ngô thì hầu như không có thu nhập gì khác. Từ nghèo đói triền miên, kém hiểu biết, người dân không dám mạnh dạn thay đổi cách sản xuất, làm ăn và từ bỏ hủ tục.

Từ khi triển khai Chỉ thị số 03 của Bộ chính trị gắn với Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI); thực hiện “8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang”; xã đã chỉ đạo cán bộ xuống từng thôn vận động nhân dân từ việc ăn ở hợp vệ sinh, loại bỏ các hủ tục. Đồng thời, gắn việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Chương trình xây dựng Nông thôn mới (XDNTM). Nhân dân đồng tình hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động như: XDNTM đã làm được 2 km đường và đang mở rộng 1,2 km mặt đường; các hộ dân ở thôn Lò Phín Tủng được chọn làm điểm về “Nhà sạch, vườn đẹp” đã tự giác dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà, đào hố đổ rác...   Để giúp đỡ các hộ nghèo phát triển kinh tế, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết chỉ đạo các đoàn thể làm tốt công tác vận động và giao cho đảng viên đỡ đầu các hộ. Riêng các đồng chí trong Ban thường vụ Đảng ủy đều nhận đỡ đầu 3 hộ ở hai thôn Lò Phín Tủng và Chải Giàng Phìn với mục tiêu đăng ký sẽ hoàn thành tiêu chí XDNTM. Đặc biệt, quan tâm thực hiện Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh về phát triển chăn nuôi trâu, bò; đã vận động 52 hộ đăng ký với tổng số trâu bò là 171 con.

Đến thôn Lò Suối Tủng, được chị Nông Thị Ngoan, Phó Trưởng thôn chia sẻ: “Thực hiện làm theo lời Bác, sau nhiều năm vận động, đến nay bà con trong thôn đã biết cách ăn ở hợp vệ sinh, có đến 80% số hộ xây nhà vệ sinh, có xe máy, ti vi để xem thời sự. Bà con hiểu biết hơn về các chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước. Ít nhất mỗi gia đình đều có 1 con trâu, bò để phát triển kinh tế; đời sống khá hơn xưa nhiều, trẻ em được đi học đầy đủ”.

Được giới thiệu đến một điển hình về phát triển kinh tế là hộ anh Vừ Mí Chính, ở thôn Lò Suối Tủng, với mô hình chăn nuôi trâu, bò, lợn hàng hóa, nuôi ong lấy mật và trồng Thảo quả khá thành công, thu nhập trung bình hàng năm từ 80 – 100 triệu đồng, là tấm gương điển hình cho bà con trong xã noi theo. Anh Chính, bộc bạch: “Thông qua báo, đài và các buổi sinh hoạt thôn, sinh hoạt của Hội Nông dân tôi nhận thấy việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính” là chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bản thân phải nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng; giúp đỡ anh em, làng xóm mình cùng xóa đói, giảm nghèo, bỏ dần tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”. Không chỉ làm giàu cho mình, anh Chính còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhiều hộ trong thôn, xã thoát nghèo; được xã và các tổ chức đoàn thể ghi nhận.

Để việc “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thấm sâu vào cuộc sống, xã đã chỉ đạo từng chi bộ, đảng viên lựa chọn đăng ký việc làm theo gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng chi bộ. Lựa chọn những vấn đề nổi bật như: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đổi mới phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã, văn hóa trong điều hành, ứng xử. Nhận thức của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và người dân được nâng lên rõ rệt. Nhân dân phấn khởi, tích cực tham gia các phong trào thi đua, lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống, xoá đói, giảm nghèo. Nhiều chi bộ, cán bộ, đảng viên và người dân trở thành tấm gương tiêu biểu; nhiều mô hình hay được nhân rộng như: Mô hình trồng Thảo quả, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ... Cuộc sống của bà con dần đổi thay từng ngày.

LÊ HẢI


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

"Chiến sỹ đỏ" trên Cao nguyên đá

BHG- Trở lại Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên Đá Đồng Văn trong dịp công tác đầu năm, tôi được chứng kiến phong trào hiến máu tình nguyện ở đây phát triển một cách có quy mô cả về chất lượng và số lượng; sẵn sàng đáp ứng nhu cầu truyền máu trong cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh và các bệnh viện lân cận. Có được thành công đó, không thể không nhắc đến đóng góp rất lớn của anh Hoàng Văn Hải, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Ngân hàng máu sống tỉnh Hà Giang người được các tình nguyện viên (TNV) thường gọi anh với cái tên "Chiến sỹ Đỏ".

31/03/2016
Thôn đội trưởng, Bí thư Chi đoàn năng động, sáng tạo

BHG- "Năng động, sáng tạo, chịu thương, chịu khó và luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, XĐGN; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được giao". Đó là nhận xét của lãnh đạo xã Việt Lâm (Vị Xuyên) đối với Nguyễn Xuân Hùng, Thôn đội trưởng, Bí thư Chi đoàn thôn Việt Thành.

30/03/2016
19 lần hiến máu tình nguyện

BHG- Anh Nguyễn Công Định, sinh 1984, được kết nạp Đảng năm 2006, hiện đang là cán bộ bán chuyên trách Tổ chức, kiểm tra kiêm tuyên giáo, dân vận của phường Minh Khai (TPHG). Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do đồng lương ít ỏi, nhưng với tấm lòng sẻ chia, nhân ái, anh đã trực tiếp 19 lần tham gia hiến máu tình nguyện (HMTN) cứu người và trở thành người có số lần HMTN nhiều nhất tỉnh cho đến nay. Không chỉ vậy, anh Định còn được biết đến là một "thủ lĩnh" trong hoạt động thiện nguyện.

30/03/2016
Bác sĩ hiến máu cứu bệnh nhân vỡ gan

BHG- Bệnh nhân mất quá nhiều máu trong khi Ngân hàng máu của bệnh viện không đủ để truyền. Trước tình hình này, bác sĩ Dương Trọng Bình đã tham gia hiến máu cứu người.

29/03/2016