Người vượt miền đá về xuôi tìm chữ Bác Hồ

08:10, 12/01/2016

BHG - Đó là ông Nguyễn Thế Đường, trú tại thôn Đoàn Kết, thị trấn Đồng Văn, người đầu tiên của Đồng Văn cách đây 66 năm đã rời vùng Cao nguyên đá về xuôi tìm chữ...

Mùa Xuân năm 1949, cậu bé người dân tộc Tày Nguyễn Thế Đường chưa qua tuổi lên mười, đã quyết tâm rủ hai cậu bạn Nông Tú Chinh và Nông Tú Sì vượt hơn 200 km đường rừng, xuôi tận huyện Bắc Quang tìm đến cái chữ Bác Hồ. Lúc đó, khu Trọng Con (Bắc Quang) đang là cái nôi đào tạo cán bộ cách mạng. Từ Đồng Văn, muốn về được đến Hà Giang chỉ có cách đi bộ men theo đường mòn giữa rừng và trèo qua những vách đá tai mèo. Đủ sức khỏe và đi ngựa, nhanh cũng phải mất ba ngày mới tới nơi, còn nhỏ xíu, vừa đi vừa dò đường, mất 4, 5 ngày mới tới. Bởi nơi đó có bố cậu, người cách mạng kiên trung, một trong những người con đầu tiên của huyện Đồng Văn đã đi theo cách mạng, đánh đuổi thực dân. Ngày cậu bé học chữ, tối tối được bố rèn đạo đức, ý chí của người cách mạng. Một năm sau, việc buộc phải dừng lại giữa chừng vì bố cậu được cử đi nằm vùng tận huyện Hoàng Su Phì. Cậu cùng bạn lại trở về quê hương theo học một người thầy được cách mạng cử lên nằm vùng dạy chữ. Năm 1954, cậu bé Đường lại hăm hở dẫn đầu “đoàn quân” 10 người không chịu khuất phục giặc dốt, xuôi về Hà Giang tìm đến cái chữ.

Về Hà Giang, cậu bé cùng đám bạn phải tự vào rừng chặt nứa, cắt cỏ gianh về làm lán dưới chân vách núi Cấm để trọ học. Sáng học chữ, chiều cậu lên rừng kiếm củi vào phố bán lấy tiền mua gạo, dầu, muối. Quần áo cũng chỉ có hai bộ vá chằng, vá đụp. Đám bạn đi cùng phần đa là con nhà khá giả của huyện Đồng Văn khi ấy, đã không chịu được đói, khổ, đều bỏ dở học hành, chỉ còn có anh Đường trong tốp mười người ấy quyết tâm ở lại học hết lớp bảy, là bậc học phổ thông cao nhất tại Hà Giang lúc bấy giờ. Ra trường, anh xin vào làm công nhân luyện gang cho Ty Công nghiệp Hà Giang.

Năm 1960, đi học khóa cao đẳng đầu tiên của Trường Kỹ thuật công nghiệp nhẹ (Bộ Công nghiệp nhẹ), năm 1964 ra trường, làm công nhân, rồi ông được bầu làm Quản đốc, Giám đốc Xí nghiệp gỗ Hà Giang. Năm 1983, ông Đường được lãnh đạo tỉnh tín nhiệm giao giữ chức Giám đốc công ty Đặc sản của tỉnh. Cùng lúc đó, vừa học, vừa làm, ông tham gia học Đại học Kinh tế Quốc dân. Năm 1985, ông được bầu giữ chức Giám đốc Công ty Liên hiệp xuất khẩu tỉnh Hà Tuyên rồi làm Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội. Năm 1988, Tỉnh ủy cử ông lên làm Bí thư Huyện ủy Đồng Văn. Tại đây, ông cũng được cử đi học 3 tháng tại Trường Đảng cao cấp ở Liên Xô.

Ông chia sẻ: “8 năm làm Bí thư huyện nhà, được ăn cơm nhà, gần gũi vợ con, họ tộc; nhưng có thể nói đây là chặng đường gian nan, vất vả nhất trong sự nghiệp của tôi. Vừa phải xây dựng, chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện đúng đường lối, nhiệm vụ Đảng giao, vừa đấu tranh với âm mưu của thế lực thù địch đang ngày đêm âm thầm tuyên truyền chia rẽ dân tộc. Vừa phải gần gũi, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, dung hòa, gắn kết giữa các dân tộc. Rồi phải tìm ra cách xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân...”.

Từ ý thức cao trong việc muốn xóa đói, giảm nghèo, giữ yên từng tấc đất phên dậu của Tổ quốc thì trước tiên phải xóa được giặc dốt, nâng cao trình độ cho bản thân và cả cộng đồng. Vì vậy, ông đã trực tiếp vận động nhân dân tham gia học chữ, xây dựng điểm trường, mời các giáo viên dưới xuôi lên vùng cao dạy chữ.

Ông Lương Huy Vương, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Đồng Văn cho biết: Ông Nguyễn Thế Đường là tấm gương về rèn luyện, học tập, ông cũng là người không tiếc công sức trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặc biệt ông còn khởi xướng phong trào kêu gọi phụ nữ người dân tộc thiểu số tham gia học chữ, làm cán bộ. Ông cũng là người quan tâm đào tạo, giúp đỡ, tiến cử đội ngũ kế cận người địa phương có năng lực, trình độ tham gia vào những vị trí lãnh đạo quan trọng của địa phương, tỉnh và Trung ương.

Năm 1996, ông được Tỉnh ủy giao giữ chức Trưởng Ban Dân vận rồi nghỉ hưu (năm 2000) và trở về quê mình và tiếp tục công việc vận động nhân dân vùng cao tích cực học chữ. Ông là người Chủ tịch đầu tiên của Hội Khuyến học huyện Đồng Văn. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân Chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng II, 2 lần được tặng Huân Chương Lao Động hạng III. Đồng thời, ông được tặng nhiều Bằng khen của Trung ương và tỉnh.

KIM HUỆ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Một Bí thư Chi bộ thôn được nhân dân tín nhiệm

BHG- Anh Lù Văn Sơn, sinh năm 1973, dân tộc Nùng, Bí thư Chi bộ thôn Hạ B, xã Sán Sả Hồ (Hoàng Su Phì) là điển hình tích cực trong lao động sản xuất và tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

30/11/2015
Trường THCS Hữu Vinh nâng cao chất lượng giáo dục từ học tập và làm theo gương Bác

BHG- Trường THCS Hữu Vinh (Yên Minh) được chia tách từ Trường cấp 1 - 2 Hữu Vinh vào năm 2003. Sau hơn 10 năm thành lập, từ sự nỗ lực, cố gắng của tập thể giáo viên, học sinh nhà trường và hiệu quả phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với thi đua "Thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang", trường được đánh giá là một trong những ngôi trường có chất lượng đào tạo tốt nhất huyện và là một trong 2 trường THCS đầu tiên được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.

30/11/2015
Hứa Văn Quyến, người Chủ tịch Công đoàn mẫu mực

BHG - Ở con người anh luôn toát lên sự thân thiết dễ mến, dễ gần, đã bước vào tuổi 50 nhưng nét trẻ trung và cách nói chuyện dí dỏm vẫn lôi cuốn người đối diện. Anh là Hứa Văn Quyến, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện Bắc Mê.

27/11/2015
Người đội trưởng gương mẫu

BHG- Thực hiện phong trào "Công an nhân dân học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" và khẩu hiệu "Mỗi ngày làm một việc tốt vì dân", thời gian qua, toàn lực lượng Công an Nhân dân đã có nhiều việc làm thiết thực "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Điển hình như Trung tá Ngô Ngọc Thuyên, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Đồng Văn cùng đồng đội trên đường đi công tác, nhặt được ví tiền tìm cách trao trả lại cho người đánh rơi.

26/11/2015