Người giữ tiếng khèn vang mãi với thời gian

07:31, 05/01/2016

BHG- Với dáng người khiêm tốn, giọng nói thuyết phục, cương quyết mang đậm chất của người Mông, ông Ma Khái Sò, sinh năm 1930, thôn Séo Lủng 2, xã Thái An, huyện Quản Bạ được nhiều người biết đến như một nghệ nhân thổi khèn Mông điêu luyện, thành thục và hiểu được các bài khèn Mông trong sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mông.

Ông Ma Khái Sò đang hướng dẫn học viên cách thổi khèn Mông.
Ông Ma Khái Sò đang hướng dẫn học viên cách thổi khèn Mông.

Được sinh ra trong gia đình có truyền thống giữ gìn nét văn hóa dân tộc Mông, nên ông Sò được thừa hưởng nhiều nét văn hóa đó khi còn nhỏ. Từ bé, ông Sò thường hay theo cha đi thổi khèn giúp bà con, hàng xóm. Đi theo cha chú nhiều cho nên ông Sò đã yêu thích tiếng khèn từ khi nào không rõ. Nhưng thành thạo và điêu luyện thổi khèn là lúc ông 15 tuổi, khi đó ông Sò đã học và thổi thành thục 4 loại nhạc thông thường trong các đám tang, ngày hội, lễ, tết..., đó là: Sơ nhạc, tiểu nhạc, trung nhạc và đại nhạc. Nếu thổi được 4 loại nhạc trên thì tất cả các bài khèn đều thổi được cả, ông Sò cho chúng tôi biết như vậy. Tuy nhiên, để thổi được khèn là một nhẽ nhưng để hiểu và dịch được các bài khèn thì càng khó, hiện nay, ở tỉnh ta số người am hiểu và dịch được các bài khèn Mông chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo ông Sò, để hiểu và dịch được lời của các bài khèn, người thổi khèn phải hiểu được 4 khúc ca chính của khèn, đó là: Khai thiên lập địa, dân ca, cổ tích và nghi đồng ca. Khi hiểu thông thạo 4 khúc ca chính này sẽ giúp người nghe khèn biết được bài khèn đang thổi thuộc thể loại gì, và ý nghĩa của bài khèn đó... Trong văn hóa khèn, người Mông nghiêng về các bài khèn mang ý nghĩa tâm linh, đưa tiễn người thân về cõi vĩnh hằng. Nội dung bài khèn tâm linh, có 360 bài ở các thể loại, tạ thế ca, tám rửa ca, bông tử ca, mã thần ca, nhập tổ tiên ca đều được ông nghiên cứu sâu sắc và thổi điêu luyện.

Khi những người am hiểu về khèn Mông ngày càng ít dần, cũng là điều mà ông Sò luôn trăn trở, boăn khoăn. Ông nghĩ phải làm cách nào truyền đạt được nét văn hóa của dân tộc Mông cho thế hệ sau. Từ những trăn trở đó, sau khi nghỉ hưu năm 1987, ông Sò đã đi nhiều nơi, đến nhiều chỗ để truyền đạt và dạy nhảy và múa khèn Mông cho bà con. Mỗi lần truyền đạt ông đều gửi gắm sự kỳ vọng, mong muốn thế hệ trẻ cần phát huy và gìn giữ giá trị văn hóa khèn Mông mà cha ông đã để lại. Ông bảo, trai Mông thì phải biết thổi khèn, vì khi thổi âm vang tiếng khèn thay con người muốn nói, mọi tâm tư, nguyện vọng đều gửi gắm vào đó. Người thổi khèn khi thổi phải rộng lượng, khiêm tốn và có lòng vị tha thì tiếng khèn mới thanh thoát, thuyết phục...

Là người con của bản làng, cùng sự tận tụy, tinh thông và yêu tiếng khèn của dân tộc mà đến đâu ông Sò cũng được bà con kính trọng, yêu mến, xem ông như người cha, chú trong nhà. Từ khi truyền đạt các bài khèn cho bà con, đến nay số người biết và hiểu tiếng khèn ngày càng tăng lên, trong đó có nhiều học trò suất sắc và trở thành các nghệ nhân nối tiếp ông trong sự nghiệp truyền dậy và nghiên cứu.

Từ sự cống hiến cho việc lưu giữ văn hóa Mông, cụ thể là tiếng khèn mà tháng 11 vừa qua, ông Sò vinh dự được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang Quyết định phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Ưu tú”. Đây là phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực, cố gắng gìn giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc.

Chia tay ông Sò, chúng tôi được nghe một bài khèn do ông thổi. Ở cái tuổi thấp thập cổ lai hy như ông, ai cũng muốn nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, xum vầy cùng con cháu. Nhưng ông Ma Khái Sò thì không như vậy, ông vẫn đến với những bản người Mông trên Cao nguyên đá để tiếng khèn của dân tộc mình vang mãi với thời gian.

LÊ LÂM


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Một Bí thư Chi bộ thôn được nhân dân tín nhiệm

BHG- Anh Lù Văn Sơn, sinh năm 1973, dân tộc Nùng, Bí thư Chi bộ thôn Hạ B, xã Sán Sả Hồ (Hoàng Su Phì) là điển hình tích cực trong lao động sản xuất và tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

30/11/2015
Trường THCS Hữu Vinh nâng cao chất lượng giáo dục từ học tập và làm theo gương Bác

BHG- Trường THCS Hữu Vinh (Yên Minh) được chia tách từ Trường cấp 1 - 2 Hữu Vinh vào năm 2003. Sau hơn 10 năm thành lập, từ sự nỗ lực, cố gắng của tập thể giáo viên, học sinh nhà trường và hiệu quả phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với thi đua "Thực hiện 8 lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang", trường được đánh giá là một trong những ngôi trường có chất lượng đào tạo tốt nhất huyện và là một trong 2 trường THCS đầu tiên được công nhận đạt chuẩn Quốc gia.

30/11/2015
Hứa Văn Quyến, người Chủ tịch Công đoàn mẫu mực

BHG - Ở con người anh luôn toát lên sự thân thiết dễ mến, dễ gần, đã bước vào tuổi 50 nhưng nét trẻ trung và cách nói chuyện dí dỏm vẫn lôi cuốn người đối diện. Anh là Hứa Văn Quyến, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục huyện Bắc Mê.

27/11/2015
Người đội trưởng gương mẫu

BHG- Thực hiện phong trào "Công an nhân dân học tập thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" và khẩu hiệu "Mỗi ngày làm một việc tốt vì dân", thời gian qua, toàn lực lượng Công an Nhân dân đã có nhiều việc làm thiết thực "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ". Điển hình như Trung tá Ngô Ngọc Thuyên, Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Đồng Văn cùng đồng đội trên đường đi công tác, nhặt được ví tiền tìm cách trao trả lại cho người đánh rơi.

26/11/2015