Thực hiện Tự phê bình và phê bình trong Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

19:09, 08/02/2015

Xuân 2015- Chủ tịch Hồ Chí Minh cống hiến và hy sinh cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Người đã ra đi và để lại cho chúng ta một di sản lớn, đó là tư tưởng và đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Bản Di chúc Người để lại cho toàn dân tộc, toàn Đảng là một lời dặn dò thiêng liêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, sĩ quan Ban Chỉ huy Tỉnh đội khi Người lên thăm  tỉnh Hà Giang ngày 27.3.1961. Ảnh: tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ, sĩ quan Ban Chỉ huy Tỉnh đội khi Người lên thăm tỉnh Hà Giang ngày 27.3.1961. Ảnh: tư liệu

Gần 45 năm đã qua, bản Di chúc của Người vẫn tiếp tục là một di sản tinh thần to lớn để cho toàn thể Đảng ta, các tầng lớp nhân dân lao động cùng học tập và thực hiện những gì Bác dặn. Vừa qua, Đảng ta phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong đó có nội dung quan trọng là học tập bản Di chúc thiêng liêng của Người. Điều đó khẳng định, sự nghiệp đổi mới và CNH, HĐH do Đảng lãnh đạo luôn luôn được soi sáng bởi những giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chủ tịch.

Bản Di chúc thiêng liêng mà Người để lại cho Đảng, cho dân tộc ta hết sức ngắn gọn, súc tích gồm có 6 nội dung chính đó là: Căn dặn với Đảng ta; căn dặn với đoàn viên và thanh niên; căn dặn với nhân lao động; về cuộc kháng chiến chống Mỹ; về phong trào cộng sản thế giới và cuối cùng mới đến những dòng Người nói về việc riêng. Trong lời căn dặn với Đảng, Người viết: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng”.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Người quan tâm đầu tiên và nhiều nhất là xây dựng một chính Đảng kiểu mới trong sạch, vững mạnh. Trong Di chúc để lại cho Đảng, cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Vậy, làm thế nào để Đảng ta có được điều đó? Bác đã chỉ ra: Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Học tập theo tấm gương vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn chú ý thực hiện tự phê bình và phê bình, rèn luyện đảng viên và xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh. Đó là: Việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình được tiến hành từ trên xuống dưới, cấp trên làm trước để làm gương cấp dưới làm theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một Đảng mà giấu diếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình “để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn phê bình phải đi đôi với tự phê bình và phê bình phải gắn liền với sửa chữa, với biểu dương khen thưởng. Tiến hành tự phê bình và phê bình phải bảo đảm tính dân chủ, công khai. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thường xuyên, phê bình từ trên xuống và từ dưới lên, nhất là từ dưới lên, có như vậy mới đạt hiệu quả cao.

Từ khi thành lập Đảng cho tới nay, Đảng ta luôn coi trọng tự phê bình và phê bình, xác định đó là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, để có những biện pháp sửa chữa và phát huy mặt mạnh, làm cho các tổ chức Đảng ngày càng tiến bộ hơn.

Văn kiện Đại hội IV của Đảng ghi rõ: “Tự phê bình và phê bình là một quy luật phát triển và tiến bộ của Đảng, cũng là một phương pháp căn bản để tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng”. Nhân dịp kỉ niệm ngày sinh Hồ Chủ tịch, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 171-CT/TW, ngày 12.5.1969 “về đợt sinh hoạt chính trị nội bộ nhân dịp mừng thọ Hồ Chủ tịch 79 tuổi”. Nội dung quan trọng của Chỉ thị nói đến là: Các cấp, các ngành nên tiến hành một đợt phê bình, tự phê bình về phẩm chất, đạo đức cách mạng để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nhược điểm, tự bồi dưỡng, nâng cao để ngày càng được tốt đẹp hơn. Chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Thông tri số 129-TT/TW, ngày 13.8.1981 “Về việc góp ý phê bình công tác lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thường vụ Hội đồng bộ trưởng trong thời gian qua” điều đó cho thấy Đảng ta rất tôn trọng và thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình trong Đảng, thấy được nhận thức của Đảng về tầm quan trọng của tự phê bình và phê bình. Cho đến nay đã trở thành chế độ trong sinh hoạt Đảng. Đại hội VI (năm 1986) nhấn mạnh: “Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình đúng với ý nghĩa là quy luật phát triển của Đảng, thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng và ý thức trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân. Người cộng sản phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật. Trong Đảng không thể dung thứ thái độ che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, lừa dối cấp trên, thái độ nể nang, hoặc đàn áp, trả thù người phê bình”. Đảng đã công khai thừa nhận những khuyết điểm, sai lầm để quyết tâm đổi mới. Có được thành công Đại hội VI, Đảng đã có cuộc phê bình và tự phê bình rất nghiêm túc theo tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật để khắc phục, sửa chữa.

Đảng ta ban hành hàng loạt văn bản nhằm đưa nguyên tắc tự phê bình và phê bình trở thành nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt phải kể đến đó là: Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về “Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Năm 2001, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 03/CT-TW, ngày 7.6 “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII”. Tại Hội nghị lần thứ Tư, BCH Trung ương  khóa IX ra Kết luận số 04/KL-TW, ngày 19.11.2001 “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí”. Thực hiện kết luận này và nhằm đưa tự phê bình và phê bình vào nền nếp thường xuyên trong sinh hoạt Đảng, Ban Tổ chức Trung ương ra Hướng dẫn số 33/HD-BTCTW, ngày 16.11.2004 về “Kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2004 đối với cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”....

Để nâng cao sức mạnh của Đảng, kiên quyết khắc phục những sai lầm, khuyết điểm, tồn tại, Đại hội XI của Đảng yêu cầu: “Coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, tổ chức Đảng, chất lượng tự phê bình, phê bình trong sinh hoạt Đảng”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XI được ban hành. Đây là một trong những văn kiện đặc biệt quan trọng của BCH Trung ương về xây dựng Đảng trong thời kỳ đổi mới. Với phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh”, “Kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhất, trì trệ nhất”. Nghị quyết nêu bốn nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên là “thực hiện tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên”.

Có thể nói rằng: Thang thuốc đặc trị cho căn bệnh suy thoái đạo đức, lối sống lúc này chính là phải thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả, kiên quyết thực hiện theo Di chúc của Người.

Những lời căn dặn của Người trong bản Di chúc thật giản dị nhưng cũng thật vĩ đại và hết sức cần thiết, nó chính là một động lực, một giá trị tinh thần to lớn giúp  đất nước ta vượt qua khó khăn, thử thách và vươn lên cùng với thế giới.

Đỗ Thị Yến (Trường Chính trị tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chàng trai “Sinh vật cảnh”
HGĐT- Khuôn mặt rám nắng và đôi tay chai sần vì thường xuyên sử dụng búa, đục, máy tỉa đá... chàng thanh niên 26 tuổi ấy đã làm cho sắt “nở hoa”, đá thành hòn non bộ và cây trong rừng trở thành tác phẩm nghệ thuật. Người ta gọi anh với cái tên trừu mến: Anh chàng “Sinh vật cảnh” (SVC) – Hoắc Công Hưng. Bởi anh là đoàn viên (ĐV) đầu tiên của huyện Bắc Quang tiên phong phát
30/12/2014
Nghệ nhân người Mông gần 60 năm giữ nghề truyền thống
HGĐT- Ở cuối thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) có một người lâu nay được biết đến với khả năng đúc được lưỡi cày đặc biệt theo kiểu thủ công gia truyền. Trải qua thăng trầm của thời gian, “thương hiệu” lưỡi cày vẫn luôn giữ vững giá trị với những người nông dân trên miền Cao nguyên đá và nó gắn liền với tên tuổi gần 60 năm trong nghề của ông – đó là nghệ nhân Chứ Chúng Lầu.
27/12/2014
Người cán bộ công đoàn năng lực, sáng tạo
HGĐT- Được đánh giá là người cán bộ có chữ “tâm” và nhà kinh doanh trọng chữ “tín” trên thương trường, đó là anh Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc, Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH thương mại Hùng Cường (Vị Xuyên).
27/11/2014
Chị Ngân gương mẫu thực hiện “Nhà sạch, vườn đẹp”
HGĐT- Tôi ấn tượng với mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” của gia đình chị Nguyễn Thị Ngân, xã Phú Nam (Bắc Mê) không chỉ là ngôi nhà đẹp, có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ phát triển chăn nuôi, đưa gia đình chị vào vị trí hộ giàu của thôn... mà còn là cách chị đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
26/11/2014