Hà Giang

Người vươn dậy từ vùng cao

19:22, 07/02/2015

Xuân 2015- Nói đến Hà Giang nhiều người hay nhắc đến nhạc sỹ Thanh Phúc, người đã viết mấy chục ca khúc về vùng đất này, trong đó có 2 bài rất nổi tiếng đó là “người Mèo ơn Đảng” và tỉnh ca “Hà Giang mến yêu của tôi”. Còn qua PGS Lê Trung Vũ người ta biết sâu hơn về bản sắc văn hóa độc đáo của các tộc người Lô Lô, Pu Péo, Mông vùng cực Bắc.

Nét Xuân Sà Phìn (Đồng Văn). Ảnh: HỮU THỤY
Nét Xuân Sà Phìn (Đồng Văn). Ảnh: HỮU THỤY

Năm nay, PGS Lê Trung Vũ đã 85 tuổi, ngót 60 năm miệt mài, say mê lao động, ông đã đạt được những thành tựu đáng kể: Giải A cho các công trình sưu tầm, nghiên cứu Văn học dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang. Giải nhất cho 3 công trình lễ hội truyền thống. Và đặc biệt là cuốn “Từ điển Thuật ngữ hội làng Việt Nam” công phu, dày dặn, đã góp phần làm giàu thêm kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn khoa khoá đầu tiên, nhưng Lê Trung Vũ không mấy mặn mà với nghề dạy học, mà thích làm nghệ thuật.

Làm nhạc công viôlông cho Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương và sáng tác, Lê Trung Vũ dự cảm thấy con đường âm nhạc là ước mơ, nhưng không thể phát triển được. Mà sự nghiệp bút nghiên mới là duyên nợ.

Anh bắt đầu đi sưu tầm nghiên cứu văn học dân và chọn Việt Bắc, nơi chưa hề có dấu chân của các bạn đồng nghiệp, làm điểm xuất phát vào năm 1965. Thuở ấy, chỉ cần nghe tới câu ca: “Đỉnh Lũng Cú quanh năm tuyết phủ, Dốc Cổng Trời máu đổ xương tan” là anh đã cảm thấy gai người. Nhưng có lẽ chính vì thế mà Hà Giang càng có sức hấp dẫn anh hơn. Thế là anh bất chấp núi đá tai mèo lên nương lao động cùng với bà con người Mông, tập ăn mèn mén, uống nước suối, thức thâu đêm mải mê ghi chép tư liệu. Dân bản tin yêu anh kể cho anh nghe biết bao câu chuyện kỳ thú, cùng những bài dân ca nồng nàn tình yêu đôi lứa. Cũng chính nơi đây, anh bắt gặp dòng chảy văn học dân gian tưởng như vô tận, mà bấy lâu nay vẫn ngủ im trong trí nhớ người già. Anh biên soạn thành tập “Truyện cổ dân tộc Mông”, (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc - năm 1975), và sau đó nhiều lần tái bản.

Chính cái chất men say sưu tầm, nghiên cứu ấy, cùng với lòng đam mê nghề nghiệp, đã có lần tới 6 tháng liền “ba cùng” với đồng bào Mông, Lô Lô trên đỉnh Lũng Cú. Thời điểm đó, anh là người duy nhất có tác phẩm giới thiệu về dân tộc Pu Péo và Lô Lô, như tập sách “Dân ca Lô Lô” NXB VHDT ấn hành năm 1975; “Truyện cổ Pu Péo” NXB VHDT ấn hành năm 1988; “Dân ca Pu Péo”, NXB VHDT ấn hành năm 1993. Năm 1970, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải A cho Lê Trung Vũ về công trình sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian các dân tộc ít người tỉnh Hà Giang.

Xuân về bản Lô Lô. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Xuân về bản Lô Lô. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Khi chuyển về Viện Văn hoá dân gian, Lê Trung Vũ được giao nhiệm vụ nghiên cứu Lễ hội truyền thống của người Việt. Chính nhờ cái vốn văn hoá dân gian tích luỹ đươc qua hơn 10 năm công tác ở Hà Giang,  anh càng hiểu hơn về văn hóa của người Việt. Đúng lúc sức sáng tác được khơi mạch, thì cơ thể lại rệu rã, kiệt quệ, hậu quả của những tháng ngày sống kham khổ và khó khăn trên vùng cao nguyên đá Hà Giang. Năm 1975, anh bị bệnh Bọng nước, toàn thân lở loét, nằm bất động trên giường bột, chờ chết.

Bệnh viện bó tay, nhưng ý chí và nghị lực của anh đã cứu anh thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Vài năm sau, anh lại phải cắt 2/3 dạ dày vì viêm loét. Năm 1994, Lê Trung Vũ lại được Hội Văn hóa dân gian Việt Nam trao giải Nhất cho 3 công trình giới thiệu về Lễ hội truyền thống. Tác phẩm “Lễ hội cổ truyền” do Lê Trung Vũ chủ biên và viết 6/10 chương chính, đã được Hãng TOYOTA FOUNDATION Nhật Bản tài trợ, NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 1992.

Anh còn là tác giả 5 tập sách, chủ biên 5 công trình khác và là đồng tác giả của 10 cuốn sách, hàng trăm bài nghiên cứu in trên các tạp chí, báo cáo khoa học ... Anh được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư năm 1992. Mải mê sưu tầm và nghiên cứu, sức khỏe lại giảm sút nghiêm trọng nên luận án tiến sĩ tuy đã làm xong nhưng anh đành lỗi hẹn.

Ngoài việc tận tâm hướng dẫn, và sau đó tham gia hội đồng chấm  khóa luận cho các cử nhân; luận văn cho các thạc sĩ và luận án cho các tiến sĩ, PGS Lê Trung Vũ còn được nhiều nơi thỉnh giảng. Ở tuổi gần 80, hằng ngày PGS Lê Trung Vũ vẫn miệt mài say sưa làm việc để năm Canh Dần 2010 cho ra đời: “Truyện cổ dân tộc Mông” (89 truyện); “Khảo sát nhân vật mồ côi trong truyện cổ dân tộc Mông”.

Đặc biệt, PGS Lê Trung Vũ rất tâm đắc với công trình công phu và hữu ích của mình, đó là “Từ điển Thuật ngữ hội làng Việt Nam” đã hoàn chỉnh 1.616 mục từ. Bạn đọc sẽ tìm thấy ở cuốn sách này tầng tầng lớp lớp ngôn ngữ hội làng lâu nay khuất chìm trong nông thôn Việt Nam, lần đầu tiên được phát hiện với những định nghĩa chính xác, thỏa đáng và khoa học bằng văn bản, góp phần làm giàu thêm kho tàng ngôn ngữ tiếng Việt.

85 tuổi đời và hơn 50 năm say mê sưu tầm nghiên cứu và sáng tác, PGS Lê Trung Vũ xứng đáng với nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước trao tặng. Hơn 10 năm gắn bó với Cao nguyên đá Đồng Văn, với đồng bào các dân tộc, thực tế đã giúp anh có hàng ngàn trang viết có giá trị góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đang dần mai một. Với mảnh đất này anh luôn được ghi nhận công lao và như anh từng tuyên bố với bạn bè: “ai đã sống được ở vùng cao Hà Giang, người đó có thể sống được ở bất cứ nơi nào”. Chúng tôi đến thăm nhà anh trong hẻm phố Đội Cấn, anh vẫn miệt mài với các công trình nghiên cứu mới. Nhắc đến Hà Giang anh vẫn rưng rưng. Có lẽ vùng đất ấy mãi mãi là những kỷ niệm theo anh suốt cuộc đời.

LÊ TRUNG ĐẢN và HÀ PHƯƠNG THIỆN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chàng trai “Sinh vật cảnh”
HGĐT- Khuôn mặt rám nắng và đôi tay chai sần vì thường xuyên sử dụng búa, đục, máy tỉa đá... chàng thanh niên 26 tuổi ấy đã làm cho sắt “nở hoa”, đá thành hòn non bộ và cây trong rừng trở thành tác phẩm nghệ thuật. Người ta gọi anh với cái tên trừu mến: Anh chàng “Sinh vật cảnh” (SVC) – Hoắc Công Hưng. Bởi anh là đoàn viên (ĐV) đầu tiên của huyện Bắc Quang tiên phong phát
30/12/2014
Nghệ nhân người Mông gần 60 năm giữ nghề truyền thống
HGĐT- Ở cuối thôn Sủng Cáng, xã Sủng Trà (Mèo Vạc) có một người lâu nay được biết đến với khả năng đúc được lưỡi cày đặc biệt theo kiểu thủ công gia truyền. Trải qua thăng trầm của thời gian, “thương hiệu” lưỡi cày vẫn luôn giữ vững giá trị với những người nông dân trên miền Cao nguyên đá và nó gắn liền với tên tuổi gần 60 năm trong nghề của ông – đó là nghệ nhân Chứ Chúng Lầu.
27/12/2014
Người cán bộ công đoàn năng lực, sáng tạo
HGĐT- Được đánh giá là người cán bộ có chữ “tâm” và nhà kinh doanh trọng chữ “tín” trên thương trường, đó là anh Nguyễn Văn Khoa, Phó Giám đốc, Phó Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH thương mại Hùng Cường (Vị Xuyên).
27/11/2014
Chị Ngân gương mẫu thực hiện “Nhà sạch, vườn đẹp”
HGĐT- Tôi ấn tượng với mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp” của gia đình chị Nguyễn Thị Ngân, xã Phú Nam (Bắc Mê) không chỉ là ngôi nhà đẹp, có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ phát triển chăn nuôi, đưa gia đình chị vào vị trí hộ giàu của thôn... mà còn là cách chị đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
26/11/2014