Thầm lặng, miệt mài cho sự nghiệp “gieo chữ”

07:46, 03/09/2014

HGĐT - Một năm học mới lại đến, cùng bao đồng nghiệp khác trong sự nghiệp “gieo chữ” trên các bản làng xa xôi; thầy giáo Chu Hùng Tiến lại chuẩn bị hành trang để đến với điểm trường Nhíu Lủng, thôn Pản Hò, xã Quản Bạ (Quản Bạ) tiếp tục mang cái chữ đến với những học sinh thân yêu. Điểm trường không có điện lưới, không nước sạch, lớp học ghép..., vậy mà thấm thoắt đã hơn 10 năm, thầy Tiến vẫn thầm lặng, gắn bó, miệt mài với công việc của mình. Người dân xóm Nhíu Lủng đã quá quen hình ảnh của thầy, tuần nào cũng vậy, nắng cũng như mưa; thầy men theo con đường nhỏ xuyên qua núi đến dạy học cho các em ở điểm trường này.


Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), trong một gia đình thuần nông, cuộc sống quanh năm chỉ đủ ăn. Từ thuở nhỏ, thầy Tiến đã ước mơ trở thành thầy giáo. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm, thầy được phân công dạy ở điểm trường Phờ Chú Lủng, xã Cán Tỷ. Sau đo, về công tác tại điểm trường Nhíu Lủng, cách Trung tâm xã hơn 12km. Đây là một trong những điểm xa nhất của xã, địa hình đồi núi phức tạp, chia cắt mạnh khiến cho việc đến trường của các em gặp nhiều gian nan.



Thầy giáo Chu Hùng Tiến cùng các học trò của mình trong giờ học hát.
 

Bằng đấy thời gian gắn bó với mảnh đất này, thầy đã là một phần của núi rừng nơi đây; bao nhiêu gốc cây, ngọn cỏ là bấy nhiêu giọt mồ hôi thấm theo từng con chữ. Từ khi dạy ở các điểm trường của xã Cán Tỷ đến nay, đã hơn 23 năm gắn bó với các điểm trường, thầy lúc nào cũng lấy niềm vui của học sinh làm niềm vui của mình. Những khó khăn cùng với điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn và tách biệt không làm thầy ngần ngại. Với nhiều người, bằng đấy năm công tác, sẽ tìm mọi cách để xin về công tác gần với gia đình và khu vực trung tâm. Thầy Tiến lại không thế, thầy bảo: “Về nơi thuận tiện thì ai cũng muốn. Nhưng giờ tôi là một thành viên của bản, các em học sinh nơi đây làm tôi thương lắm, làm được chút gì cho các em là tôi vui rồi”. Trong câu chuyện của mình, thầy nhớ nhất những kỷ niệm đi vận động học sinh đến lớp mỗi khi năm học mới bắt đầu và sau mỗi kỳ nghỉ Tết. Từng buổi đến tận nhà động viên trẻ em ra lớp, từng viên thuốc sốt, từng cây bút, cuốn vở được mua từ đồng lương ít ỏi của mình, thầy đã dần dần tạo được niềm tin yêu không chỉ với học sinh mà cả những phụ huynh. Chứng kiến cảnh các em học sinh quây quần bên thầy, đọc vanh vách những vần thơ, làm những phép toán rồi lại cùng ngồi hát, chúng tôi không khỏi xúc động. 

 

Điểm trường Nhíu Lủng có 36 học sinh tiểu học và mầm non. Tại đây, đa phần phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em mà chỉ muốn con mình ở nhà giúp bố mẹ làm việc nhà và trông em. Năm học nào cũng vậy, các thầy ở đây phải mượn sách từ thư viện nhà trường, mua vở và dụng cụ học tập để phát cho các em. Thầy coi mình là người bản địa, nói được tiếng địa phương nên thuận lợi hơn trong việc dạy học. Có vấn đề gì các em không hiểu thì thầy dùng tiếng địa phương để giải thích, việc gặp gỡ phụ huynh để vận động các em đến lớp cũng trở nên dễ dàng hơn. Không quản ngại khó khăn để truyền đạt kiến thức cho các em qua từng con chữ, đến nay, nhiều học trò của thầy tiếp tục theo học cao hơn ở trung tâm xã và huyện. Thầy chia sẻ: Đi dạy học ở nhiều nơi, trường nào cũng ở vùng sâu, vùng xa cũng đều rất khó khăn; nhưng với lòng yêu nghề, thầy chưa bao giờ nản lòng. Được đứng trên bục giảng là một vinh dự lớn lao, tiếp xúc với các em học sinh, nhất là các em dân tộc thiểu số, thấy mình có trách nhiệm truyền đạt kiến thức cho các em để sau này các em có kiến thức, trở thành người có ích cho xã hội. Lớp thầy dạy là lớp ghép, với 10 em học sinh ở 2 trình độ lớp 2 và lớp 3. Được tận mắt chứng kiến một giờ học của thầy, chúng tôi mới hiểu được cái khó của  việc dạy lớp ghép đòi hỏi người giáo viên tính năng động, hoạt bát cùng với chuyên môn vững. Nếu như học sinh lớp 3 học Toán thì học sinh lớp 2 lại luyện từ và câu. Cứ như thế, chúng tôi thấy thầy như con thoi lúc giảng bài cho học sinh lớp 3, thoắt cái đã thấy thầy đứng giảng bài học sinh lớp 2... Điểm trường Nhíu Lủng vẫn chưa được kiên cố hóa, lớp học bằng gỗ dựng đã lâu nên mối mọt, thêm vào đó, mọi phương tiện dạy và học đều thiếu thốn, không có điện thắp sáng; vào mùa Đông, quanh năm mây phủ, gió lùa lạnh thấu xương, không đủ ánh sáng, ảnh hưởng đến việc dạy và học khiến cho việc bám lớp, bám bản của thầy và trò càng thêm gian nan.

 

Xen lẫn trong tiếng ào ào của những cơn mưa rừng cuối mùa là tiếng ê a của học sinh trong lớp đang tập đánh vần, tiếng gõ thước của thầy lên bảng... Lại một năm học mới, thầy Chu Hùng Tiến vẫn thầm lặng và miệt mài với học sinh. Những nét phấn viết lên bảng của người thầy giáo già có vẻ chậm hơn, làm rơi những hạt bụi trắng nhỏ li ti vương trên tay áo. Tóc thầy cũng bạc theo năm tháng, như làm sáng thêm những đôi mắt rạng ngời của trẻ nhỏ. Cảm phục lắm tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ của thầy! Day dứt hơn cả là câu nói của thầy khi chia tay: “Từ khi dạy học ở vùng cao thì chưa từng biết đến khái niệm được tặng hoa, dù chỉ là một bông hoa rừng”... Nhưng tin rằng, ở đây cũng như những nơi xa xôi khác, tình yêu nghề, sự hy sinh thầm lặng của thầy và hàng ngàn đồng nghiệp khác là những bông hoa đẹp cho sự nghiệp “trồng người”!


Trần Hiền

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vươn lên làm giàu từ nuôi lợn
HGĐT- Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Trung Dũng (sinh năm 1969) và chị Đỗ Thị Yến, thôn Yên Ngoan, xã Tiên Yên (huyện Quang Bình) trong một ngày trung tuần tháng 8; đây là một gia đình phát triển kinh tế khá vững chắc từ mô hình chăn nuôi VAC mà Ngân hàng Nông nghiệp huyện giới thiệu với chúng tôi. Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng cho tôi khi vừa bước chân vào đến cổng
27/08/2014
Bệnh binh Vàng Kháy Sèng vươn lên thoát nghèo
HGĐT- Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, trong những năm qua, các thương, bệnh binh trên địa bàn huyện Xín Mần nói chung, xã Ngán Chiên nói riêng đã khắc phục khó khăn, luôn nêu cao ý chí tự lực tự cường, là những “chiến binh” đi đầu trong các phong trào, nhất là phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình và trở thành những tấm gương tiêu biểu
26/07/2014
“Ông Cựu binh” ở Nam Sơn
HGĐT- Đến xã Nam Sơn (Hoàng Su Phì), hỏi ông Chỉnh chủ xưởng sản xuất, chế biến chè lớn nhất nhì xã, không ai không biết ông. Nhưng, bà con nơi đây còn quen gọi ông là “ông Chỉnh cựu binh”. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Kỳ Lâm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Khi chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, năm 1986 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc; ông gia nhập quân ngũ
24/07/2014
“Mẹ” Thủy của người dân Sủng Khể
HGĐT- Với những người nông dân ở thôn Sủng Khể, xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) thì chị là một “bà đỡ” bởi nhiều lần mang tiền nhà giúp người nghèo khó, cho nuôi rẽ trâu, bò để tạo điều kiện giúp họ thoát nghèo, sẵn sàng cho gạo khi họ thiếu ăn. Câu chuyện hiếm nhưng có thật ấy đều xuất phát từ việc “học tập” và “làm theo” gương Bác Hồ vĩ đại của người phụ nữ dân tộc Dao mang tên
24/06/2014