Tấm gương tiêu biểu trong công tác y tế cộng đồng

08:04, 10/09/2014

HGĐT- Thực hiện lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu “Lương y như từ mẫu”, chị Nguyễn Thị Đào, Phó trưởng Khoa kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Bắc Quang là người luôn tâm huyết với công việc chuyên môn, gần 30 năm gắn bó với ngành y, đảm trách nhiều công việc chuyên môn khác nhau, chị vẫn luôn nêu cao tinh thần y đức, tận tụy, hết lòng vì người bệnh, được nhân dân tin yêu, đồng nghiệp mến phục, là tấm gương tiêu biểu trong công tác y tế cộng đồng.


Sinh ra và lớn lên tại quê hương Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, năm 1980 khi vừa tròn 19 tuổi, chị Nguyễn Thị Đào theo người thân lên định cư tại Hà Giang và theo học tại Trường trung cấp y Hà Giang với chuyên ngành Y sỹ đa khoa. Năm 1984, tốt nghiệp ra trường, chị được phân công công tác tại Bệnh viện Bắc Quang và nay chuyển sang Trung tâm Y tế Bắc Quang.


Chị Đào tâm sự: Ngày đầu ra trường, chị được điều động về Khoa cấp cứu, hàng ngày trực tiếp chăm sóc, điều trị những ca bệnh nặng, chị mới thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, nhiều khi bệnh nhân bị thương nặng, ranh giới của sự sống và cái chết thật mong manh, điều kiện cơ sở vật chất ngày đó còn lạc hậu và thiếu thốn, song bằng lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, coi nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của người thân mình, chị cùng các đồng nghiệp đã hồi phục, cấp cứu biết bao ca bệnh nặng, đưa họ từ cõi chết trở về với người thân, gia đình. Những năm 90 của thế kỷ trước, đời sống của nhân dân vùng sâu vùng xa còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, ăn ở không hợp vệ sinh, bà con mải lo cái ăn, cái mặc đã quên đi công tác phòng, chống dịch, nên dịch bệnh dễ bùng phát và lây lan nhanh. Cảm thông trước những khó khăn thiếu thốn của đồng bào dân tộc, chị đã cùng với đơn vị tăng cường bám nắm cơ sở. Là người trực tiếp đồng cam cộng khổ với bà con, chị nhận định: Trước hết để chống dịch, Trung tâm phải tham mưu cho huyện làm tốt công tác phòng dịch, không để dịch bệnh phát sinh và lây lan ra cộng đồng. Trong các chuyến công tác, bên cạnh những cơ số thuốc phục vụ cho công tác dập dịch, chị đã kiêm thêm công việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, đưa chuồng, trại ra xa nhà ở, người dân khi mắc bệnh phải đến trạm y tế xã điều trị, không tổ chức cúng bái tập trung làm nguy cơ bùng phát dịch sẽ tăng cao hơn... Bằng cách tuyên truyền dễ hiểu, dễ gần, càng ngày người dân càng tin tưởng “Y sỹ Đào” hơn. Với 17 năm làm công tác y tế cộng đồng, không có thôn bản vùng sâu, vùng xa nào mà chị chưa đặt chân đến, không những giỏi trong công tác chuyên môn mà chị còn hiểu được nhiều phong tục, tập quán, cách ăn nết ở của các dân tộc trong huyện, chính vị vậy mà công tác tuyên truyền của chị mang tính thuyết phục hơn. Đến nay toàn huyện đã hoàn thành chương trình thanh toán bệnh Phong, bệnh bướu cổ; một số loại dịch bệnh thâm niên như sốt rét, Lao... được kiềm chế, các ổ dịch được khoanh vùng, không phát sinh thêm ổ dịch mới. Những thành công đó là sự nỗ lực của ngành y tế huyện nhà, nhưng cũng có phần đóng góp không nhỏ của chị Nguyễn Thị Đào.


Năm 2007 Trung tâm Y tế được tái thành lập, chị được bổ nhiệm chức danh Phó khoa kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, dù ở cương vị mới, nhưng chị Đào nhận thấy trọng trách của mình cũng lớn hơn, ngoài công việc ở khoa, chi được giao phụ trách thêm 2 chương trình lớn của Chương trình mục tiêu y tế Quốc gia, gồm: Phòng, chống bệnh sốt rét và công tác phòng, chống các rối loạn thiếu hụt I ốt. Chị đã đem hết tâm huyết của mình giám sát chặt chẽ các cơ sở, chú trọng quan tâm các ổ dịch cũ không để phát sinh mới, chính vì vậy trong những năm gần đây toàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra, không có bệnh nhân tử vong do sốt rét.


Không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, trong công tác Đảng, chị là chi ủy viên chi bộ, những năm gần đây công tác công đoàn và tổ nữ công của đơn vị luôn hoạt động có hiệu quả, bản thân chị tích cực tham gia các phong trào của chi ủy chi bộ đề ra. Tham gia sôi nổi các phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao tại cơ quan cũng như cụm dân cư nơi cư trú, bản thân chị luôn nỗ lực hết mình vì sự nghiệp chung của ngành Y tế, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trong quá trình công tác, nhiều năm liền chị đã được UBND tỉnh, sở Y tế tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen về công tác phòng, chống sốt rét. Từ năm 2001 đến 2011 chị luôn đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Nhân kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2014) vừa qua, chị đã vinh dự là một trong 70 đại biểu điển hình tiên tiến trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh về báo công tại Thủ đô.


DƯƠNG THỊ MINH (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bắc Quang)

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Vươn lên làm giàu từ nuôi lợn
HGĐT- Chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Trung Dũng (sinh năm 1969) và chị Đỗ Thị Yến, thôn Yên Ngoan, xã Tiên Yên (huyện Quang Bình) trong một ngày trung tuần tháng 8; đây là một gia đình phát triển kinh tế khá vững chắc từ mô hình chăn nuôi VAC mà Ngân hàng Nông nghiệp huyện giới thiệu với chúng tôi. Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng cho tôi khi vừa bước chân vào đến cổng
27/08/2014
Bệnh binh Vàng Kháy Sèng vươn lên thoát nghèo
HGĐT- Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, trong những năm qua, các thương, bệnh binh trên địa bàn huyện Xín Mần nói chung, xã Ngán Chiên nói riêng đã khắc phục khó khăn, luôn nêu cao ý chí tự lực tự cường, là những “chiến binh” đi đầu trong các phong trào, nhất là phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình và trở thành những tấm gương tiêu biểu
26/07/2014
“Ông Cựu binh” ở Nam Sơn
HGĐT- Đến xã Nam Sơn (Hoàng Su Phì), hỏi ông Chỉnh chủ xưởng sản xuất, chế biến chè lớn nhất nhì xã, không ai không biết ông. Nhưng, bà con nơi đây còn quen gọi ông là “ông Chỉnh cựu binh”. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Kỳ Lâm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Khi chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, năm 1986 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc; ông gia nhập quân ngũ
24/07/2014
Chuyện về “Tân Đà điểu”
HGĐT- Dáng người mảnh khảnh, gương mặt tuấn tú, có nụ cười rất duyên, ăn nói nhẹ nhàng... đó là ấn tượng đầu tiên khi gặp đoàn viên Lê Ngọc Tân, ở tổ 7, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang). Không ai có thể ngờ rằng Lê Ngọc Tân hiện đang là chủ nhân của hàng chục chú Đà điểu có hình dáng cao lớn, mà người dân xung quanh đó thường vẫn dành cho anh một cái tên rất trìu mến “Tân Đà
23/07/2014