“Không thổi khèn Mông là mất trí rồi!”

10:43, 07/08/2014

HGĐT- Năm 1998, thôn Nà Pia, xã Thượng Bình (Bắc Quang) thực sự là “điểm nóng” về tình trạng đồng bào Mông theo đạo trái pháp luật, gây bất ổn về an ninh, chính trị. Đồng thời, những nét đẹp độc đáo trong văn hóa truyền thống của đồng bào đứng trước nguy cơ mai một... Song hôm nay, “điểm nóng” trên dần “hạ nhiệt”. Bởi nhiều gia đình trong số ấy đã giác ngộ đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trở lại cuộc sống sinh hoạt thường nhật với đạo làm con, làm người Mông chân chính.



    Ông Sèng dạy con trai tiết mục múa “Gậy tiền” và thổi khèn “Đón ông về”.


Những năm trước, luồng đạo Tin lành trái pháp luật đi qua bản Mông Nà Pia, khiến đồng bào bỏ bàn thờ, thờ cúng tiên tổ; hương khói cho cha mẹ qua đời. Bỏ cả cây khèn Mông đã gắn bó ân tình với đồng bào qua bao thế hệ... Để đạt được mục đích chính trị riêng, những phần tử xấu lợi dụng nhận thức còn hạn chế của đồng bào, xúi giục họ theo đạo, với những luận điệu: Chỉ cần đọc kinh cầu nguyện là linh hồn người chết sẽ hưởng hạnh phúc nơi thiên đàng? Rồi xúi giục họ không làm ma, để bỏ tiếng khèn truyền thống của đồng bào, với lời thuyết phục: Tiếng khèn thổi trong đám hiếu là tiếng khèn “gọi hồn ma” về dương gian? Song thực chất, đó là tiếng khèn chất chứa tâm tư, tình cảm của người ở lại dành cho người đã khuất. Là tiếng khèn tiễn đưa người thân về với tổ tiên, nơi vĩnh hằng. Với những luận điệu xuyên tạc trên, suốt hàng chục năm dài, cả thôn Nà Pia không còn ai nghe thấy tiếng khèn Mông da diết, chất chứa tình cảm lúc tiễn đưa người đã khuất... Và đặc biệt, trong hầu hết các gia đình, bàn thờ tổ tiên, cha mẹ bị dỡ bỏ. Hằng năm, nơi bàn thờ không còn nén hương thơm tưởng nhớ ngày người thân qua đời và mùng 1 hay ngày rằm hằng tháng, tổ tiên cũng không còn được người Mông nhớ đến...


Trước thực tế trên, buộc các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương phải vào cuộc. Và sau hàng chục năm tuyên truyền, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo mới phát huy hiệu quả, để làm nên những đổi thay ban đầu mang tính bước ngoặt. Từ cách tuyên truyền rộng rãi đến đồng bào không mang lại hiệu quả, chính quyền sở tại đã chuyển sang cách tuyên truyền có chiều sâu, khi bắt trúng “mạch” tâm lý đối tượng cần tuyên truyền.


Đầu tiên là hạt nhân văn nghệ và cũng là thầy cúng – Vàng Khái Sèng. Với tài thổi đàn môi, khèn lá, khèn Mông say đắm lòng người, chính quyền địa phương vận động ông tham gia Hội Nghệ nhân dân gian, để biểu diễn tại nhiều cuộc thi văn nghệ từ cấp xã đến cấp tỉnh. Ông Sèng bảo: “Bây giờ mình là người nổi tiếng rồi. Mình không theo đạo trái pháp luật nữa đâu”. Sự nổi tiếng của ông được chứng minh bằng những giấy khen, chứng nhận treo kín bức tường cũ kỹ. Đó là thành tích xuất sắc trong phong trào văn nghệ quần chúng; là chứng nhận tiết mục Múa khèn Mông “Gậy tiền”, đoạt giải B trong đợt tham gia liên hoan dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc và trình diễn lễ hội truyền thống toàn tỉnh năm 2010... Theo ông: “Cán bộ của mình nói có lý: Cha mẹ có công sinh thành, nuôi dưỡng mình, khi chết đi rồi, mình phải nhớ, phải thờ nó chứ. Không thể làm con bất hiếu được!”. Hơn nữa: “Người Mông bây giờ có mấy khi mặc đầy đủ trang phục truyền thống đâu. Không có tiếng khèn thì làm sao nhận ra người Mông? Cứ theo đạo trái pháp luật, không thổi khèn Mông nữa, đúng là mất trí rồi!”.


Việc nhận ra chân lý ấy, cùng vai trò là thầy cúng, được đồng bào Mông kính nể, trong thôn đã có 2 gia đình khác theo ông bỏ đạo, về lập bàn thờ, duy trì nét đẹp văn hóa thờ cúng tổ tiên, cha mẹ và người đã khuất. Đó là gia đình anh Lý Seo Páo và chị Vàng Thị Dợ. Tuy nhiên, điều khiến ông Sèng trăn trở nhất vẫn là tìm cách gì để “cứu” văn hóa khèn Mông ở Nà Pia không đứng trước nguy cơ mai một? Bởi cả thôn chỉ có ông và Bí thư Chi bộ biết thổi khèn. Hơn nữa: “Thế hệ trẻ bây giờ không muốn học khèn đâu! Nếu chúng quyết tâm học thì tôi mới dạy được”, ông Sèng phân trần... Nhưng nếu tổ chức được nhóm học khèn Mông, thì người học khó có thể tập liên tục đến khi thành thục được. Vì hiện nay, chỉ duy nhất gia đình ông Sèng có một chiếc khèn. Và chi phí mua khèn từ 500 đến trên 1 triệu đồng/chiếc thực sự là điều khó thực hiện với đồng bào Mông, ở thôn vùng 3 – Nà Pia này... Khắc phục khó khăn trên, cùng tâm huyết truyền dạy tiếng khèn truyền thống, con trai ông Sèng là những người đầu tiên được ông dạy thổi và múa khèn Mông. Song, “chúng thổi còn gượng gạo lắm”, ông Sèng nhận xét. Đáp lời ông, cậu thanh niên Vàng Quốc Vương – con trai út của ông Sèng, cho biết: “Học khèn Mông rất khó, em cũng không muốn học đâu. Nhưng nghe bố nói, phải thổi khèn Mông để giữ gốc dân tộc nên em mới quyết học bố cách thổi khèn!”.


Hiện nay, người dân thôn Nà Pia đã có sự chuyển biến không theo đạo trái pháp luật. Tuy nhiên vẫn rất cần sự khéo léo trong cách tuyên truyền, vận động của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; để an ninh, chính trị trên địa bàn được giữ vững, và nét đẹp độc đáo trong văn hóa truyền thống của đồng bào Mông được duy trì...


THU PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cựu binh Hoàng Công Long làm giàu nơi đất khó
HGĐT - Trở về quê hương sau 15 lao động bên đất nước Nga xa xôi, đôi vợ chồng cựu chiến binh (CCB) Hoàng Công Long lại chọn cho mình mảnh đất Mèo Vạc gian khó để phát triển kinh tế gia đình. Đã nhiều lần tưởng chừng phải bỏ cuộc nơi đất khó nhưng với quyết tâm và bản lĩnh của người chiến sĩ năm xưa đã giúp gia đình anh bám trụ nơi mảnh đất biên cương để hiện thực ước mơ làm
29/05/2014
Yêu trẻ cần kiên nhẫn
HGĐT- “Có những lúc cảm thấy mệt mỏi rã rời, thậm chí dao động trước công việc, nhưng vì tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ đã giúp tôi trụ lại vững vàng, gắn bó và cống hiến với những “chồi non” – tương lai của đất nước. Là cô giáo mầm non yêu trẻ rất cần phải kiên nhẫn”. Đó là lời của cô giáo Hoàng Thị Thanh Huyền trao đổi với chúng tôi trong buổi tổng kết giáo viên dạy giỏi bậc
28/05/2014
Bệnh binh Vàng Kháy Sèng vươn lên thoát nghèo
HGĐT- Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, trong những năm qua, các thương, bệnh binh trên địa bàn huyện Xín Mần nói chung, xã Ngán Chiên nói riêng đã khắc phục khó khăn, luôn nêu cao ý chí tự lực tự cường, là những “chiến binh” đi đầu trong các phong trào, nhất là phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình và trở thành những tấm gương tiêu biểu
26/07/2014
“Ông Cựu binh” ở Nam Sơn
HGĐT- Đến xã Nam Sơn (Hoàng Su Phì), hỏi ông Chỉnh chủ xưởng sản xuất, chế biến chè lớn nhất nhì xã, không ai không biết ông. Nhưng, bà con nơi đây còn quen gọi ông là “ông Chỉnh cựu binh”. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Kỳ Lâm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Khi chiến tranh Biên giới phía Bắc nổ ra, năm 1986 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc; ông gia nhập quân ngũ
24/07/2014