Người đầu tiên trồng thảo quả ở xã Thái An

08:36, 22/05/2014

HGĐT- Việc làm giàu với những người ở vùng đồng bằng đã chẳng dễ, đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, không có thông tin liên lạc lại càng khó hơn. Thế nhưng, một lão nông ở vùng cao xã Thái An (Quản Bạ) đã vượt qua nhiều ngọn núi, con suối để tìm đường phát triển kinhtế.



Ông Ma Mí Hòa chăm sóc đàn trâu của gia đình.


Ông Ma Mí Hòa ở thôn Séo Lủng 2, xã Thái An (Quản Bạ) được xem là người có đầu óc phát triển kinh tế nhất xã bởi từ những năm 1996, ông Hòa đã là hộ đầu tiên có nhà ngói ở xã; các con của ông đều được học đại học, cao đẳng. Ông Hòa sinh năm 1962, là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở xã Thái An. Cuộc sống của ông trước đây cũng giống như bao bà con khác, cái nghèo đói luôn đeo đuổi và thiếu kiến thức, không có điều kiện học hành. Gặp ông trong cửa tiệm bán hàng tạp hóa của gia đình mới xây dựng dưới chân núi, ngay gần UBND xã, vẫn cái chân chất của người vùng cao, ông Hòa tâm sự: “Trước đây nhà tôi nghèo, không biết làm gì cả, quanh năm chỉ trông vào nương ngô không đủ ăn, bữa no bữa đói, khổ lắm”. Nhưng nhờ quyết tâm làm giàu, cùng với khoảng thời gian làm ở UBND xã đã cung cấp cho ông một vốn kiến thức về sản xuất. Năm 1992, giống cây thảo quả được tỉnh đầu tư đưa về các xã phân phát cho bà con mỗi nhà được vài khóm. Nhiều người thiếu hiểu biết, không nghĩ rằng cây thảo quả lại có thể làm giàu được, trồng linh tinh bị trâu bò ăn hết. Là cán bộ xã nên ông hiểu rằng nếu chịu khó đầu tư chăm bón thì sau này sẽ được hưởng lợi, có kinh tế. Nghĩ vậy, ông Hòa đem 1 – 2 khóm thảo quả về trồng ở chỗ an toàn. Sau 4 năm, cây thảo quả phát triển thành vườn khoảng 50 khóm, ông chuyển sang trồng rộng ra ở trên vùng núi cao, nơi có rừng nguyên sinh rậm rạp. Trong khi bà con ở xã thắc mắc ông làm thật phí công, nhưng ông Hòa vẫn kiên trì với cây thảo quả. Mỗi năm mất 50 công chăm sóc, có thời điểm vui mừng tưởng được thu hoạch thảo quả nhưng lên đến nơi thì đã thấy vườn cây bị khỉ rừng phá tan tành, lúc đó chỉ biết lau nước mắt đứng nhìn. Không bỏ cuộc vì với ông trồng thảo quả là con đường làm giàu duy nhất. Ông Hòa chia sẻ: “Thời buổi kinh tế mình phải ra xã hội học hỏi anh em cách làm ăn. Năm 1996, thảo quả chưa được giá, tôi phải địu từng gùi thảo quả ra chợ huyện bán, từ nhà tôi ra chợ phải đi bộ mất một ngày mà mỗi lần chỉ bán được 4 – 5 kg. Kết hợp với nuôi trâu, năm ấy nhà tôi là hộ đầu tiên có nhà ngói ở trong xã”.


Thảo quả thành sản phẩm, nhưng khó khăn chưa hết, năm 2000, vườn thảo quả của ông phát triển thành 7000 khóm, mỗi năm mất hơn 100 công chăm sóc. Ông cũng chịu khó đi bán ở chợ biên giới Nghĩa Thuận, qua lái buôn bán sang Trung Quốc. Được mùa nhưng vì thiếu thông tin liên lạc, không có điện thoại, cả đời chỉ quanh quẩn ở núi rừng, không biết giá cả thị trường nên ông bị lừa bán thảo quả chỉ bằng nửa giá thật. Nghĩ lại, ông Hòa kể: “Lúc ấy tôi phải đi mất 2 ngày mới tới được chợ Nghĩa Thuận, bị ép giá nhưng không bán cho họ thì cũng chẳng biết bán cho ai, mình đành phải nhận ít tiền đi về”. Đến tận năm 2008, ông Hòa may mắn liên lạc được với một chủ buôn ở Lạng Sơn, đánh hẳn xe sang mua thảo quả với giá gấp đôi. Đó là năm đầu tiên ông bán được những 3 chuyến ô tô. Khi đã biết đường buôn bán, ông tự đứng ra bán cho các mối hàng, vào thời điểm được mùa được giá, thảo quả có khi lên giá đến 180 nghìn đồng/kg, ông thu lãi hàng trăm triệu đồng tiền thảo quả. Đến nay, ông vẫn sở hữu vườn thảo quả lớn nhất xã, thảo quả của ông đã trở thành sản phẩm được nhiều bạn hàng ở các tỉnh khác tìm đến. Kết hợp làm nhiều việc khác như xay ngô thuê, nuôi trâu rồi đến bán hàng, nhà ông Hòa trở thành hộ có kinh tế khá nhất xã. Đúc kết lại kinh nghiệm, ông cho rằng: “Chỉ cần chịu khó làm ăn thì sẽ giàu thôi”. Hiện nay, gia đình ông là tấm gương cho nhiều người trong xã noi theo. Để giúp đỡ bà con, ông Hòa tích cực tham gia các lớp tập huấn truyền lại kinh nghiệm sản xuất cho các hộ trong xã.


LÊ HẢI

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người phụ nữ đảm đang, dám nghĩ, dám làm
HGĐT- Với tinh thần “giúp nhau vượt khó, cùng nhau làm giàu” đến nay thôn Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) là một trong những thôn phát triển mạnh mẽ nhất của xã, của huyện. Thôn có 99 hộ, trong đó có tới 21 hộ giàu, 9 hộ trung bình còn lại là hộ khá, đặc biệt năm 2013, thôn không có hộ nghèo. Có tới 60% hộ trong thôn giàu lên nhờ làm kinh tế, chủ yếu chăn nuôi và trồng trọt.
30/04/2014
Vàng Nhìn Mua - Nghệ nhân dân gian trên Cao nguyên đá
HGĐT- Không chỉ là nghệ nhân giỏi mà anh Vàng Nhìn Mua ở thôn Khó Chớ, xã Vần Chải (Đồng Văn) còn là người thầy với lòng tâm huyến giữ gìn bản sắc dân tộc. Để bảo tồn hơn nữa các điệu nhạc dân tộc, rất cần những người ưu tú như nghệ nhân Mua “giữ lửa và truyền lửa” cho thế hệ sau.
21/05/2014
Ở cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
HGĐT- Luôn nghiêm túc, tận tụy với công việc, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, luôn thành công trong mọi hoàn cảnh, mọi lĩnh vực công tác. Đó chính là Thượng tá Nguyễn Thu Trang, Ủy viên BCH Đảng bộ Công an tỉnh, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng phòng PX15. Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh; Ủy viên BCH Hội Nhà Báo tỉnh. Cùng lúc chị được giao đảm nhiệm nhiều chức
20/05/2014
Công an Hà Giang làm theo lời Bác
HGĐT- Triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14.5.2011 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ chí Minh”, Đảng bộ Công an tỉnh được Tỉnh ủy chọn là đơn vị chỉ đạo điểm của tỉnh.
20/05/2014