Đổi mới hoạt động cơ quan dân cử nơi cực Bắc

10:27, 25/04/2023

BHG -Thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, đề ra quyết sách đã tạo “chìa khóa” để HĐND các cấp nơi cực Bắc Tổ quốc mở cánh cửa đổi mới, sáng tạo. Qua đó, không chỉ nâng cao chất lượng hoạt động, khẳng định vị thế cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương mà còn đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, xứng đáng với niềm tin mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

Kỳ 1: Đột phá trong hoạt động

Chất lượng kỳ họp HĐND các cấp ngày càng đi vào chiều sâu; hoạt động giám sát có nhiều đổi mới, hướng tới chất lượng, hiệu quả sau giám sát; mở rộng tiếp xúc cử tri (TXCT) theo chuyên đề, đối tượng, lĩnh vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri... Những nỗ lực trên là minh chứng sinh động cho quyết tâm đổi mới của HĐND các cấp trong chiến lược xây dựng cơ quan dân cử vững mạnh toàn diện.

 “Kỳ họp không giấy”, “nóng” nghị trường

Lãnh đạo các Ban của HĐND huyện Mèo Vạc trao đổi nghiệp vụ.
Lãnh đạo các Ban của HĐND huyện Mèo Vạc trao đổi nghiệp vụ.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026, việc tổ chức kỳ họp HĐND các cấp, nhất là HĐND tỉnh được đổi mới theo hướng thực chất, hiệu quả; trở thành sự kiện chính trị, diễn đàn thu hút sự quan tâm, đồng thuận, đánh giá cao của cử tri và nhân dân.

Thay vì dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu giấy như trước đây thì nay, các kỳ họp của HĐND tỉnh được tổ chức theo hướng “kỳ họp không giấy” thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Mỗi đại biểu HĐND tỉnh được trang bị 1 máy vi tính, cài đặt tài khoản riêng để truy cập tài liệu phục vụ tại kỳ họp và biểu quyết điện tử theo sự điều hành của chủ toạ kỳ họp khi quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền. Việc số hóa, gửi trước tài liệu qua hệ thống VNPT Ioffice 4.1, hộp thư điện tử giúp đại biểu chủ động nghiên cứu, cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin, đảm bảo phục vụ tốt kỳ họp HĐND. Không những vậy, nội dung trình kỳ họp được thẩm tra kỹ lưỡng; chương trình kỳ họp được sắp xếp khoa học, dành nhiều thời gian để đại biểu thảo luận. Điển hình như Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, bố trí 1/2 ngày cho phiên thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển KT-XH, QP-AN với hàng trăm lượt đại biểu tham gia phát biểu thảo luận. Điều này giúp phát huy tối đa kinh nghiệm, trí tuệ của đại biểu, lan tỏa không khí mới, thực chất và hiệu quả hơn trong hoạt động tại nghị trường.

Nếu như trước đây, không ít đại biểu còn nể nang, né tránh, ngại va chạm thì nay, với nhiều đổi mới, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND thực sự làm “nóng” nghị trường. Trước phiên họp chất vấn, Thường trực HĐND các cấp giao cơ quan liên quan khảo sát thực tế, chụp hình ảnh hoặc xây dựng phóng sự chuyên đề có chất lượng để phản ánh rõ thực trạng vấn đề, làm cơ sở cho đại biểu tiến hành chất vấn thay vì chỉ chất vấn “chay” như trước đây. Đặc biệt, chủ tọa điều hành phiên họp chất vấn đã linh hoạt, chủ động tạo không khí đối thoại thẳng thắn, có tranh luận trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm, “hỏi nhanh, đáp gọn”, đúng trọng tâm, trọng điểm, đi thẳng vào vấn đề. Tại Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, nhiều ý kiến chất vấn được giải đáp thẳng thắn trên tinh thần cầu thị, không né tránh những vấn đề phức tạp, nhất là các dự án đầu tư công, dự án thu hút đầu tư ngoài ngân sách chậm tiến độ như: Dự án tổ hợp nhà hàng, khách sạn của Công ty TNHH Tiến Đạt; Khu Liên hợp thể thao, văn hóa tỉnh; chương trình cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia...

Kết thúc từng vấn đề chất vấn, chủ trì kỳ họp có kết luận, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị để làm cơ sở theo dõi, giám sát, tái giám sát. Không ít lời hứa trên diễn đàn kỳ họp được tổ chức thực hiện, tạo niềm tin cho cử tri, góp phần nâng cao vị thế của HĐND và các đại biểu dân cử. Điển hình trong đó, 4 công trình điện nông thôn (thuộc Dự án tổng thể cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Hà Giang) tại huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Mèo Vạc được đẩy nhanh tiến độ xây dựng để phấn đấu hoàn thành, bàn giao trong tháng 12.2023 như đã cam kết. Riêng công trình cấp điện cho 4 thôn thuộc xã Giáp Trung (Bắc Mê) được đẩy nhanh tiến độ, bàn giao và đóng điện phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Bà Nguyễn Thị Lý, cử tri xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) chia sẻ: Qua theo dõi các kỳ họp, chúng tôi đánh giá cao HĐND tỉnh trong việc tổ chức truyền hình trực tiếp phiên họp khai mạc, bế mạc, chất vấn và trả lời chất vấn; duy trì đường dây nóng điện thoại tại phiên họp chất vấn. Điều này giúp tăng cường sự tương tác trực tiếp giữa cử tri với kỳ họp; tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát kỳ họp, góp phần mở rộng dân chủ, công khai các hoạt động của HĐND tỉnh. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đại biểu HĐND tỉnh và cơ quan liên quan trước những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm.

Mở rộng giám sát, tiếp xúc cử tri chuyên đề

Ngoài giám sát qua xem xét báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật, chất vấn, trả lời chất vấn; HĐND các cấp đặc biệt quan tâm thực hiện giám sát chuyên đề. Bởi, đây là một trong những hoạt động giám sát quan trọng, khâu then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các Ban HĐND tỉnh thực hiện nhiều cuộc giám sát chuyên đề, kết hợp giám sát qua báo cáo và tổ chức giám sát thực tế. Nội dung giám sát tập trung vào những ý kiến, kiến nghị cử tri quan tâm, chọn việc “nóng”, việc khó, có tác động, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân và sự phát triển toàn diện của địa phương như: Tiến độ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án khởi công mới; kết quả thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giám sát thực hiện chính sách pháp luật trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội... Qua đó, đánh giá rõ ưu điểm, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể để cơ quan cấp trên xem xét; các cơ quan chịu sự giám sát dễ tiếp thu, chỉ đạo tổ chức thực hiện; tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Đặc biệt, nhiều kiến nghị của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo và giải quyết kịp thời như: Bố trí số lượng công chức văn hóa – xã hội tại xã loại II là 2 công chức như đối với xã loại I (theo quy định tại Quyết định 32, ngày 25.11.2020 của UBND tỉnh); quy định chế độ ưu đãi cho thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học khi bị dị dạng, dị tật không có khả năng lao động...

Tại huyện Mèo Vạc, Phó Chủ tịch HĐND huyện Phàn Quẩy Vảng cho biết: Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức 32 cuộc giám sát chuyên đề, sát với tình hình thực tế địa phương như công tác quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý nhà nước về sử dụng đất, quy hoạch và trật tự xây dựng... Trong quá trình giám sát trực tiếp, chúng tôi tăng cường công tác thu thập thông tin tại cơ sở, thông tin qua hình ảnh, video để minh họa, tăng tính thuyết phục cho báo cáo tổng hợp. Thường xuyên theo dõi, định kỳ yêu cầu cơ quan chuyên môn tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND. Thậm chí, tổ chức tái giám sát hoặc đưa vấn đề ra chất vấn tại kỳ họp để các kiến nghị sau giám sát của HĐND được thực hiện nghiêm túc, triệt để.

Cùng với kết quả trên, ngoài TXCT trực tiếp, định kỳ trước, sau các kỳ họp, HĐND các cấp còn tăng cường TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực. Chị Nguyễn Khánh Xuân, Phó Chủ tịch HĐND phường Nguyễn Trãi (thành phố Hà Giang) chia sẻ: Thường trực HĐND phường đã tổ chức nhiều cuộc TXCT chuyên đề đối với lĩnh vực được cử tri, nhân dân quan tâm như: Giải pháp nâng cao chất lượng đô thị văn minh, quản lý cư trú, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đảm bảo chất lượng thi công các công trình trên địa bàn phường. Qua đó, vừa kịp thời chuyển tải ý kiến cử tri đến cơ quan chức năng xem xét, giải quyết; vừa giúp đại biểu có thêm thông tin để tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương một cách phù hợp và mang tính khả thi cao...

Thực tiễn cho thấy, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND các cấp đã quyết liệt, linh hoạt, triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND gắn với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Qua đó, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng cơ quan dân cử vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng chính quyền địa phương liêm chính, kiến tạo, phục vụ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Hà Giang phát triển.

Bài, ảnh: Thu Phương, Biện Luân – Trần Kế

Đổi mới hoạt động cơ quan dân cử nơi cực Bắc - Kỳ 2: Mang “hơi thở” cuộc sống vào nghị quyết


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động
BHG - Ngày 10.8 vừa qua, Tỉnh ủy ban hành Đề án 13: Sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh. Qua đó, nhằm cụ thể hóa đường lối đổi mới, sự quyết tâm và tinh thần hành động của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị.
25/10/2022
Dấu ấn cải cách hành chính ngành Y tế
 - Năm 2022, ngành Y tế nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tạo đột phá trong cải cách hành chính (CCHC), cải tiến quy trình khám, chữa bệnh (KCB), góp phần tăng cường hiệu lực quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và sự hài lòng của người dân.
24/01/2023
Nỗ lực không ngừng nghỉ
 - Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đất đai, nước và môi trường - những lĩnh vực nhạy cảm và luôn là “điểm nóng” trong công tác quản lý cũng như đời sống xã hội; Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) luôn nỗ lực không ngừng trong hoạt động chuyên môn, ngày càng nâng cao chất lượng thực thi công vụ.
21/01/2023
Kiểm tra việc triển khai các phương thức sử dụng thông tin cư trú
BHG - Ngày 18.1, Đoàn kiểm tra, rà soát việc triển khai các phương thức sử dụng thông tin cư trú phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công trên địa bàn tỉnh đã đến kiểm tra tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh
19/01/2023