Hà Giang

Tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến

16:35, 09/08/2021

BHG - Không cần trực tiếp đến cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có thể đăng ký hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến mọi lúc, mọi nơi trên máy tính có kết nối Internet và nhận kết quả qua bưu điện. Việc tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 phản ánh hiệu quả hoạt động điều hành của chính quyền điện tử; giúp tiết kiệm thời gian, chí phí cho người dân, doanh nghiệp.

Cán bộ Sở Công thương giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường mạng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Cán bộ Sở Công thương giải quyết hồ sơ TTHC trên môi trường mạng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Kết quả bước đầu

Thực hiện chiến lược Cải cách hành chính (CCHC) với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, đến nay, tỉnh hoàn thành việc nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh; thí điểm trục chia sẻ tích hợp dữ liệu, kết nối thành công với 9 cơ sở dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh cải cách TTHC, tái cấu trúc quy trình TTHC, tạo lập dữ liệu điện tử và ban hành các quyết định công bố TTHC được chuẩn hoá quy trình cung cấp DVCTT. Tính đến ngày 19.7, số TTHC có hiệu lực áp dụng trên địa bàn tỉnh là 1.875 thủ tục, trong đó có 1.548 TTHC cung cấp DVCTT mức độ 4, đạt 100% tổng số TTHC đủ điều kiện. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh tiếp nhận 74.278 hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC, trong đó tiếp nhận trực tuyến 3.215 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 4,86 % so với số hồ sơ mới tiếp nhận; tiếp nhận trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính 62.883 hồ sơ; đã giải quyết 65.466 hồ sơ, trong đó số hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn đạt 92,3%.

Các cơ quan cấp tỉnh bước đầu tích cực thực hiện DVCTT mức độ 3, 4, tiêu biểu có Văn phòng UBND tỉnh, Sở Công thương, Sở Giao thông - Vận tải; triển khai tiếp nhận và trả kết quả TTHC 5 “tại chỗ” theo phương án số hóa hồ sơ, ứng dụng chữ ký số để thực hiện toàn bộ hoặc một số bước TTHC bằng phương tiện điện tử thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử tại các sở, ngành: Lao động - TBXH, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Công thương, Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý khu kinh tế. Các cơ quan, đơn vị tăng cường sử dụng chữ ký số gửi/nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc (Vnptioffice). Có 9 đơn vị cấp tỉnh sử dụng chữ ký số cá nhân đạt trên 80%; 9 đơn vị đạt tỷ lệ từ 50% đến dưới 80%. Ở cấp huyện, có Xín Mần sử dụng chữ ký số cá nhân đạt trên 80%, 3 huyện có tỷ lệ từ 50% - 80%; 7 huyện có tỷ lệ dưới 50%...

Quyết tâm chuyển đổi số

Hướng đến xây dựng chính quyền số, UBND tỉnh vừa tổ chức thành công hội thảo và ký kết hợp tác giữa tỉnh Hà Giang và Tập đoàn FPT về chuyển đổi số; ban hành các văn bản hướng dẫn, tuyên truyền doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp và kê khai thuế qua mạng điện tử; cập nhật kịp thời, đầy đủ, công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chính sách lao động, việc làm và thông tin các chương trình đào tạo trên các trang thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành; triển khai xây dựng Đô thị thông minh theo Nghị quyết số 21/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; kết nối liên thông hệ thống một cửa điện tử, DVCTT với phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc Vnptioffice. Tái cấu trúc hạ tầng và phương án vận hành các hệ thống giao ban trực tuyến; thí điểm chuyển đổi số cấp xã; xây dựng phương án triển khai cung ứng DVC qua mạng Bưu chính và điểm phục vụ Bưu chính công ích.

UBND tỉnh đặt mục tiêu hết năm 2021, tổ chức triển khai, duy trì và cập nhật kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh xây dựng, vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên môi trường mạng đạt từ 90% trở lên; tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng đối với các sở, ngành đạt từ 65% trở lên; các phòng chuyên môn cấp huyện đạt từ 40% trở lên; đối với cấp xã đạt từ 15% trở lên. 

Thực tế, việc áp dụng DVCTT mức độ 3, 4 trên địa bàn tình còn nhiều khó khăn, vướng mắc do đội ngũ cán bộ phụ trách công nghệ thông tin ở các sở, ngành, UBND các huyện, xã thiếu; trang thiết bị chưa đồng bộ; tỷ lệ nộp hồ sơ qua DVCTT đạt thấp, cấp tỉnh 46,58%, cấp huyện 1,10%, cấp xã 0%. Người đứng đầu một số địa phương, đơn vị thiếu kiên quyết trong công tác chỉ đạo, triển khai việc cung cấp DVCTT; chưa chủ động tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ CNTT, có tâm lý lo ngại trong việc giao dịch trên môi trường mạng về sự mất an toàn thông tin.

Để khắc phục khó khăn, hạn chế trên, đồng thời nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng DVCTT mức độ 3, 4, phục vụ người dân và doanh nghiệp; ngày 16.6, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 1117/CT-UBND về việc tăng cường triển khai, cung cấp, sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 trên địa bàn; yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC; hoàn thành chỉ tiêu hàng năm trong thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT mức độ 3, 4; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về những lợi ích thiết thực và tích cực sử dụng DVCTT. Ngày 28.7, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản hỏa tốc về việc đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ thị, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác CCHC; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu năm 2021 trong thực hiện TTHC trên môi trường mạng.

Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Đức Mạnh chia sẻ: “Những năm qua, chỉ số ứng dụng CNTT Hà Giang luôn có thứ hạng cao so với các tỉnh thành trong cả nước. Việc sử dụng DVCTT mức độ 3, 4 được tỉnh rất quan tâm, chú trọng với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu chuyển đổi số trong giai đoạn tiếp theo”.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Cùng chuyên mục

Những bước tiến vượt bậc trong cải cách hành chính nơi cực Bắc

BHG - Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số cải cách hành chính (CCHC) – PAR Index năm 2020 của tỉnh ta tăng mạnh, đánh dấu bước tiến vượt bậc trong thực hiện nhiệm vụ CCHC nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, tỉnh ta có chỉ số xếp hạng nhóm B toàn quốc, vượt mục tiêu Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh.

30/06/2021
Vì nhân dân phục vụ, nhìn từ Chỉ số PAPI

BHG - Nếu như năm 2019, Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh ta xếp thứ 45 thì năm 2020 đã bứt phá 12 bậc, đứng đầu nhóm đạt điểm Trung bình thấp để xếp hạng thứ 33/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt hơn, có chỉ số nội dung (CSND) thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất nay "ngược dòng", giữ vị trí nhóm đầu cả nước.

26/05/2021
Tổng kết Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân

BHG - Sáng 23.4, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 (Đề án 896). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 896 chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu của tỉnh có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

23/04/2021
Hiệu quả Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc

BHG - Sau khi Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, tháng 9.2016, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn. Đến nay, sau gần 3 năm triển khai thực hiện đề án đã mang lại những hiệu quả tích cực trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về hộ tịch, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, tạo nền tảng xây dựng chính quyền điện tử.

21/05/2021